Di nguyện của thiền sư Thích Nhất Hạnh: KHÔNG CẦN XÂY THÁP CHO THẦY

BBT: Theo giáo lý duyên sinh của đạo Phật tất cả sự vật trên cõi trần nầy đều do nhân duyên mà hợp rồi cũng do nhân duyên mà tan. Con người cũng thế, thân người được tạo ra bởi sự kết hợp của tứ đại (đất,nước, gió, lửa) cùng với một thần thức của chúng sanh và hiện hữu trên trần gian theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử.  Dù sống bao nhiêu năm trên trần gian đến khi chết thì thân tứ đại trả về với “cát bụi” còn thần thức đi tái sanh vào một cảnh giới khác., vì vậy dù có tiếc nuối bao nhiêu thì khi chết đi thân xác con người cũng sẽ trả về cho đất nước, gió. lửa. Đây là một thực tế hiển nhiên, thế nhưng rất nhiều người khi chết đi vẫn muốn lưu giữ xác chết của mình như các vị vua Ai Cập hoặc là xây lăng mộ nguy nga để lại cho hậu thế. Những người khi sống có quyền lực, địa vị càng cao thì càng muốn xây lăng mộ càng lớn, hình như đó cũng là lẽ thường tình…

Tuy nhiên dưới quan niệm của một vị danh Tăng đã ngộ lý CHƠN THƯỜNG thì hoàn toàn khác, người đó là thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đạo nghiệp của thầy, những gì mà suốt cả cuộc đời thầy đã cống hiến cho nhân loại  thì cả thế giới đều công nhận. Hiện nay uy tín của thầy trên vai trò một tăng sĩ Phật giáo trên thế giới chỉ đứng sau đức Đạt-lai Lạt ma. Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, GS.TS John Powers, một học giả Phật học của Australia, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua, thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.

Đạo nghiệp của thầy vĩ đại như thế nhưng vào cuối đời, ở tuổi 93 thầy đã về tổ đình Từ Hiếu, Huế để an dưỡng và có ý định viên tịch tại đây và đây là di nguyện  sau khi thầy xã báo thân. Chúng ta cùng đọc để suy ngẫm..,

                                                                                                                                                                        Tâm Lễ

e5891-45306727_1089437887891318_342650562434564096_n

KHÔNG CẦN XÂY THÁP CHO THẦY

“Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. 

Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?!

Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy!

Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. 

“There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình.

Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. 

Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy…”

                                                                                                               Thích Nhất Hạnh.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb