THIỀN CHỈ và THIỀN QUÁN

lew1381029924

 BBT: Trong bài trước tôi đã giới thiệu với anh chị em về phương pháp căn bản của tọa thiền. Để giúp anh chị em hiểu rỏ hơn về hai pháp thiền căn bản nhưng có diệu dụng nhất mà đức Phật đã dạy cho các chúng đệ tử chuyên tâm hành trì là THIỀN CHỈ ( Samatha) và THIỀN QUÁN ( Vipassana). Thiền chỉ hay thiền quán nếu được hành trì niêm mật sẽ đưa hành giả đạt được thân tâm thanh tịnh, an lạc và giải thoát.

Xin giới thiệu với anh chị em bài viết của thầy Thích Trung Định phân tích khá cụ thể về hai phương pháp thiền này để anh chị em tham cứu và hành trì.

THIỀN CHỈ và THIỀN QUÁN

Thiền chỉ (samatha) và Thiền quán (vipassana) là hai nội dung lớn trong vấn đề “phát triển của tâm” được đề cập trong Kinh tạng Nikāya. Cả hai phương pháp thiền tập này được coi là phương tiện tuyệt vời nhất đưa đến nhất tâm và tăng trưởng trí tuệ.  Cụ thể, thiền chỉ làm dừng lại các dục và bất thiện pháp, đưa đến sự hỷ, lạc, nhất tâm; trong lúc thiền quán nhờ quan sát sự vật hiện tượng như thật mà đoạn trừ vô minh phiền não đưa đến trí tuệ giải thoát. Như vậy cả hai đưa đến “tâm giải thoát”, “tuệ giải thoát”, thành tựu đạo quả, đoạn tận khổ đau sinh tử luân hồi. Tôn giả Ᾱnanda nói rằng tất cả những ai đạt được A-la-hán có thể thực hiện theo bốn cách: Một là bằng cách thực tập thiền chỉ trước, sau đó thực tập thiền quán (theo trình tự chuẩn). Hai là bằng cách thực hành thiền quán trước, sau đó thực hành thiền chỉ. Thứ ba, hoặc thực hành kết hợp cả hai, thiền chỉquán song tu. Và cuối cùng có thể khởi tâm “thao thức về Giáo pháp” cũng sẽ đạt đến sự nhất tâm .

Thiền chỉ và Thiền quán  được so sánh với các cặp sứ giả nhanh  nhất  (Sīghaṃ dūtayugaṃ), người đã mang thông điệp của sự thật, đó là, Niết-bàn cảnh giới của Phật, tức là các khoa về chánh niệm (sati) là người gác cửa sáu giác quan (phòng hộ sáu căn môn), và Bát Chánh đạo là con đường dẫn đến niết bàn .

Mục đích của thiền chỉ là để an định tâm trí, không để tâm phân tán loạn động (vikshepa). Bản chất của thiền quán là để nhìn thấy sự thật như nó là (ānupassanā). Cả hai  cùng nhau  hành động  như một thực thể  duy nhất hài hòa như là cách để đạt đến Niết-bàn . Thiền chỉ có nhiệm vụ thâu gom vọng tưởng lại, còn thiền quán có công năng chặt đứt phiền não.

Sự đào luyện tâm trí đều phải dựa vào phương pháp thực hành thiền chỉ và thiền quán. Hai phương pháp thiền này có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Thiền chỉ nhằm mục đích phát triển sự an tịnh nội tâm bằng cách tập trung vào một chủ đề thiền định. Chức năng của nó là để an tịnh tâm hành và tạm thời làm lắng dịu các tâm như tham dục và sân hận, sự chấp thủ cho người hành thiền, đồng thời vượt qua năm triền cái. Mặt khác, thiền quán có trí tuệ như là chức năng của nó nhằm tiêu diệt tà kiến (moha) và tất cả những phiền não khác để đạt được giác ngộ. Thiền chỉ làm dừng lại hoặc tập trung tâm vào một đối tượng, trong khi thiền quán vipassanā là cái nhìn sâu sắc, cả hai đều bổ sung cho nhau để hoàn thiện thực hành thiền định.

THIỀN CHỈ (samatha)

Chỉ là dừng lại. Tịnh chỉ là dừng lại sự tán loạn, sự quên lãng, vọng niệm, chấm dứt sự đuổi bắt của tâm đến các đối tượng của trần cảnh. Thiền chỉ là trạng thái tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng, khiến cho mọi vọng tưởng đều ngưng bặt, là cách buộc chặt tâm ý vào một pháp làm cho tâm ý chuyên nhất đưa đến hỷ lạc và nhất tâm.

Thiền chỉ là sự an tĩnh, tĩnh lặng của tâm, sự chấm dứt của tâm hành (sankhāra), giải quyết các câu hỏi pháp lý (adhikaraṇa) . Chỉ có nghĩa là dừng sự phân tâm, quên lãng, lang thang, chấm dứt sự theo đuổi của tâm đến sáu đối tượng tương ứng (viṣaya). Thiền chỉ là tập trung làm dịu các trạng thái tâm đối lập như dục vọng (kāmacchanda)v.v… Thiền định (samādhi) loại bỏ những cảm xúc và căng thẳng tà ác được gọi là thiền chỉ (samatha). Trong các bản văn, ý nghĩa của  samatha  được giải thích là: ‘Paccanīkadhamme same-tīti samatho’, có nghĩa là pháp đã thanh lọc và loại bỏ được pháp đối nghịch được gọi là samatha .

Lại nữa, ‘samatha’ có nghĩa là tĩnh lặng, đó là trạng thái  tập trung  tâm ý, không còn  lay động,  tịnh  và yên bình của  tâm trí.  Nó được gọi là  thiền chỉ  bởi vì nó làm lắng dịu xuống năm triền cái. Khi tâm được chuyên chú tập trung sâu vào các đối tượng của thiền định,  tất cả  những  triền cái  như tham dục, sân hận, thùy miên, trạo hối và hoài nghi  vắng mặt  từ  trong nội tâm mà được hấp thụ trong các đối tượng thiền. Khi tâm được tịnh hóa từ tất cả các chướng ngại này, hành giả cảm thấy bình tĩnh, thanh bình, hạnh phúc và bình yên.  Các  kết quả của  thiền  samatha  đó  là  một mức độ  hạnh phúc  thông qua  việc đạt được  sự nhất tâm, định (samadhi) như định cận hành (upacara) hay định an chỉ  (appana).  Sự nhất tâm  gọi là  thiền,  nhưng  nó không cho phép  một  hành giả  hiểu  một cách đúng đắn rằng cơ thể và các hiện tượng tinh thần là như thật .

Thiền chỉ liên quan trực tiếp đến sự an định tâm trí của hành giả về một đối tượng thiền thích hợp, nhằm ngăn chặn sự phóng túng và vọng tưởng trong tâm. Khi tâm trí tập trung sẽ phát sinh niềm an lạc tinh tế, sự thú vị bởi chấm dứt các dục và các bất thiện pháp. Samatha là một công cụ mạnh mẽ để thực hành thiền minh sát có hiệu quả. Bất cứ ai đạt được thiền chỉ, tâm trí của họ trở nên vắng lặng, giống như một hồ nước hoàn toàn yên lặng trong suốt vô ngần không có một gợn sóng lăn tăn làm khuấy động mặt hồ.

THIỀN QUÁN (Vipassanā)

Thuật ngữ Pāli, Vipassanā là một sự kết hợp của hai từ: Vi + passana. Vi nghĩa sự khác nhau và passana dịch là hiểu đúng hay chánh niệm (sati) tỉnh giác về thân và tâm. Thuật ngữ Vipassanā cũng được hiểu là ‘sự thấu hiểu’, nghĩa là cái nhìn sâu vào ba đặc tính phổ quát của sự tồn tại (tam pháp ấn): vô thường, khổ và vô ngã. Nói cách khác, thực hành pháp môn thiền này được gọi là Thiền Minh sát, bắt nguồn từ ý Pāli có nghĩa là tuệ minh sát .

Om Prakash Pathak giải thích rằng, Vi là tiền tố có nghĩa là “tiết lộ” và passanā có nghĩa là “nhìn, quan sát, nhìn vào bên trong, cái nhìn sâu sắc, trực giác…”. Nó có nghĩa là để nhìn thấy mọi thứ như chúng đang là, và để quan sát về bản chất thật của sự vật hiện tượng. Nó đi sâu vào trong bản chất, một kỹ thuật quan sát, quan sát thật sự, khám phá bản thân .

Theo Bimalendra Kumar, Passanā có nghĩa là nhìn bằng đôi mắt mở. Vipassanā có nghĩa là xem xét theo cách đặc biệt, tức là quan sát mọi sự vật như thật, không phải như chúng xuất hiện. Nói cách khác, Vipassanā là một kỹ thuật tự quan sát và tu luyện những tiềm năng đó để hoàn thiện và phát triển các giới luật. Kỹ thuật này cũng được biết như là thiền định của chánh niệm hoặc nhận thức về cái nhìn sâu sắc .

Theo Phra Athikan Somsak Sorado, vipassanā là sự kết hợp của chữ Vi và Passana. Vi có nghĩa là rõ ràng, trung thực, tuyệt vời. Passana  có nghĩa là nhìn thấy, nhận thức trực tiếp và chánh tri kiến (trí tuệ). Vì vậy, ý nghĩa của vipassanā được hiểu như sau:

  1. Nhìn thấy rõ ràng với trí tuệ về sắc và tâm (rūpanama), và về Chân lý Cao thượng Tứ diệu đế(Ariyasacca);
  2. Minh sát rõ về Tam pháp ấn: vô thường, khổ và vô ngã (Tilakkhana), và Duyên khởi(Paticcasamuppada);
  3. Nhìn thấy rõ những biểu hiện của các tâm hành, đều bất thường hoặc lạ thường (thấy trong khi hành thiền).

Có rất nhiều cách giải nghĩa từ vipassanā, tuy nhiên, bất cứ lời giải thích nào cũng không thể vượt quá ý nghĩa  vipassanā  là tuệ minh sát rõ ràng trực quan đến những hiện tượng như sắc và tâm khi chúng xuất hiện và biến mất. Nhìn thấy chúng một cách như thật trong chính nó về ba đặc điểm: vô thường, khổ và vô ngã.  Vipassanā  là con đường dẫn đến sự thành tựu Niết-bàn, giải thoát đích thực. Trong thực hành  vipassanā, cái nhìn sâu sắc phát sinh qua một quan sát thiền định trực tiếp về sự vận hành của thân và tâm. Định (samādhi) sự tập trung tâm trí làm hữu ích cho việc thực hành vipassanā, vì chúng đưa đến sự nhất tâm, dễ dàng trong quán chiếu.

Thiền quán là đường lối tự chuyển hóa bằng tự quan sát. Nó chú trọng đến sự tương quan mật thiếtgiữa tâm và thân, là điều có thể cảm nghiệm được trực tiếp bằng cách chú tâm đến những cảm giácthực thụ trên thân, nó luôn luôn liên hệ và chi phối tâm. Căn cứ vào sự quan sát này, và hành trình tự khám phá đi vào gốc rễ chung của tâm và thân để xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, đưa đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi.

Mục đích của thiền quán là đạt được sự chấm dứt của đau khổ thông qua sự hiểu biết đúng về sự vận hành của thân và tâm đúng như bản chất thật của nó. Đối với điều này, chúng ta cần một mức độ tập trung. Sự tập trung tâm ý này có thể đạt được qua chánh niệm liên tục và không gián đoạn về sự giác niệm thân thể và các tâm hành.

Như vậy,  Vipassanā  có nghĩa là “nhìn thấy theo những cách khác nhau” và khi áp dụng cho thiền, nó đề cập đến việc nhìn thấy tất cả các đối tượng hoặc hiện tượng vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Nguyên lý thiền Vipassanā là quan sát, sự vận hành, hay sự biểu hiện của thân và tâm trong giờ phút hiện tại, để kịp thời điều chỉnh, chuyển hóa là làm lắng dịu chúng. Như vậy, tập trung không phải là cố định trên một đối tượng duy nhất mà là tập quán thời gian (khanika samadhi) phát sanh khi tâm thoát khỏi những chướng ngại của các triền cái. Ở giai đoạn này, tâm trí có thể ghi nhận bất cứ vật gì phát sinh chủ yếu, do đó tiết lộ bản chất thật của chúng (yathabhuta).

Đó là một cách tự chuyển đổi thông qua việc tự quan sát. Nó tập trung vào mối tương quan sâu sắc giữa thân và tâm. Nó giúp để trải nghiệm trực tiếp bằng sự chú ý kỹ thuật đối với những cảm giác vật chất hình thành nên cuộc sống của cơ thể và liên tục kết nối với các điều kiện cuộc sống. Chính hành trình khám phá dựa trên tự khám phá này đến tận gốc rễ của tâm và thân mà giải thể sự ô uế, dẫn đến một tâm cân bằng đầy tình thương và từ bi.

Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) đưa ra liên kết  vipassanā  với  passanā, có nghĩa là nó vượt qua nhận thức/ ký ức/ công nhận và vipassanā là ý thức/ tỉnh giác, và tiến tới giải thoát cuối cùng. Sự phát triển của thiền passanā nhằm đoạn tận các lậu hoặc (những bất tịnh tinh thần), mang lại niềm vui cho chúng ta trên con đường cao thượng, và sự giải thoát cuối cùng từ mọi khổ đau đạt đến Niết-bàn. Visuddhimagga lại cho rằng passanā được tu luyện thông qua sự hiểu biết các pháp hay những khía cạnh cơ bản của sự tồn tại. Chúng bao gồm, ví dụ, danh (nāma) tâm: ý thức về cái gì đó, và sắc (rūpa) thân thể vật lý, các đối tượng vật chất của ý thức), Ngũ uẩn (pañcakkhandha), Thập nhị xứ, Thập bát giới, Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên. Như vậy, chúng ta sẽ thấy đây là những đối tượng thiền quán trong phương pháp thiền Tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna), thiền chánh niệm hơi thở, quán niệm pháp chết như đề cập trong Kinh tạng.

Tóm lại, thiền chỉ và thiền quán là hai phương pháp hành thiền vô cùng quan trọng của Phật giáo. Đây là con đường duy nhất đưa đến thanh tịnh, an lạc và giải thoát. Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật giải thích  rõ ràng  về  bản chất  và chức năng của  thiền chỉ và thiền quán như sau: “Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, hai pháp cần phải tu tập. Thế nào là hai? Chỉ và Quán. Để thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, hai pháp này cần phải tu tập. Để biến tri tham, này các Tỷ-kheo,… để biến tận, để đoạn tận, để trừ diệt, để biến diệt, để ly tham, để đoạn diệt, để xả bỏ, để từ bỏ tham, hai pháp này cần phải tu tập. Thế nào là hai? Chỉ và Quán… Để thắng tri… để biến tri sân, si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan tham, man trá, phản trắc, cứng đầu, cuồng nhiệt, mạn, quá mạn, kiêu căng, phóng dật,… để biến tận, để đoạn tận, để trừ diệt, để biến diệt, để ly tham, để đoạn diệt, để xả bỏ, để từ bỏ sân… phóng dật, hai pháp này cần phải tu tập. Thế nào là hai? Chỉ và Quán… hai pháp này cần phải tu tập

                                                                                                       Thích Trung Định.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb