Tưởng Niệm PHẬT HOÀNG-TRẦN NHÂN TÔNG, viên ngọc sáng của  Phật Giáo Việt Nam

phat-hoang-tran-nhan-tong

Ngài Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1 (tức 7 tháng 12 năm 1258). Ông là con trai đầu lòng của Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hòang hậu Trần Thị Thiều. Là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông, Ngài đã được truyền ngôi vào tháng 11 năm 1278 – lúc ông chưa đầy 20 tuổi. Vua Trần Nhân Tông là một vị vua đức độ đã đem giáo lý đạo Phật để trị quốc an dân và đành đuổi quân Nguyên Mông xâm lăng nước ta. Sau khi đẩy lùi các cuộc xâm lược của người Mông, Trần Nhân Tông đã khôi phục được sự hưng thịnh của Đại Việt, đồng thời thực thi phương sách ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn với nhà Nguyên. Năm 1293, ngài truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên làm Thái Thượng hoàng. Sau đó ngài xuất gia tu hành theo đạo Phật và lấy hiệu Trúc Lâm đại sĩ. Tháng 10 (âm lịch) năm 1299 Ngài đến  tu hành ở núi Yên Tử (Quảng Ninh), lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu đà  và Giác hoàng Điều ngự . Chính ngài là vị sáng lập dòng thiền Việt Nam Là Trúc Lâm-Yên Tử, vì thế ngài là sơ tổ của thiền phái này. Tại Yên Tử, ngài đã mở tinh xá, thuyết giảng độ tăng, thâu nhận được khá nhiều đệ tử. Vào thế kỷ XI-XIII, Phật giáo Đại Việt tồn tại chủ yếu dựa trên 3 dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông. ngài đã hợp nhất các tông phái này vào dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, còn gọi là Thiền phái Trúc Lâm. Đây được xem là giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Viiệt Nam. Thiền phái Trúc Lâm vừa tiếp thu nền tảng Phật giáo Nam Á và thiền Đông Độ, vừa sử dụng các giá trị văn hóa Việt Nam và khuyến khích Phật tử cống hiến cho xã hội trên nền tảng Từ bi – Trí tuệ của Phật pháp. Bản thân ngài không chỉ an cư tại Yên Tử, mà đi thuyết pháp nhiều lần ở các chùa như Phổ Minh (Thiên Trường), Sùng Nghiêm (Chí Linh), Vĩnh Nghiêm (Lạng Giang) và Báo Ân – Siêu Loại (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội). Ngài cũng xây dựng nhiều tự viện và đi giáo hóa trong cả nước, kể cả ở thôn quê lẫn thành thị. Trên cương vị là thượng hoàng-thiền sư, ngài đã dạy dân bài trừ các tập tục mê tín, dị đoan và tu dưỡng đức hạnh theo giáo pháp Thập Thiện (mười điều thiện). Ngài vẫn góp ý cho một số vấn đề chính sự, đồng thời khuyên bảo vua Anh Tông từ bỏ rượu chè và cúng dường cho tăng chúng, lấy đức trị dân.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới tổ chức tại Kyoto, Nhật bản năm 1971, vị chủ tịch hội nghị đã đề cử Phật giáo Việt Nam là chủ tịch hội nghị trong kỳ tới vì  lý do Phật Giáo Việt Nam có 3 viên ngọc quý:

  1. Phật giáo Việt Nam có một vị vua đã từ bỏ ngai vàng xuất gia tu hành đắc đạo trở thành vị sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm, đó là Phật Hoàng-Trần Nhân Tông.
  2. Phật giáo Việt Nam có một vị Bồ-tát đã vị pháp thiêu thân và để lại một trái tim bất diệt đó là Hòa thượng Thích Quảng Đức.
  3. Phật giáo Việt Nam có một tổi chức giáo dục thanh thiếu niên Phật tử mà không một nước có đạo Phật nào trên thế giới tổ chức được đó là Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Lam Viên chúng ta hướng về ngày kỷ niệm 710 năm Phật Hoàng nhập niết bàn và nguyện noi tấm gương sáng của ngài để tu tập và dấn thân phụng sự đạo pháp và lý tưởng GĐPT.

                                                                                                                Ban Biên Tập

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb