Tham luận [2] Hội thảo HT cấp Tập (BRVT-2011)

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
BI – TRÍ – DŨNG


 

Đề tài hội thảo HT cấp Tập GĐPT Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu – Năm 2011

TAM VÔ LẬU HỌC: GiỚI – ĐỊNH – HUỆ

ĐỐI VỚI NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

Biên soạn & Thuyết trình: HT Không Tùy

A./ DẪN NHẬP:

Giáo lý Phật Đà sau khi nêu rõ mục đích giác ngộ và giải thoát liền chỉ bày những con đường, những phương pháp tu hành để thực hiện mục đích giác ngộ và giải thoát ấy. Vì chúng sanh có vô lượng căn tánh nên Thế Tôn ngài cũng dạy vô lượng pháp môn, nhưng pháp môn nào cũng không thể vượt ra ngoài nguyên tắc: GIỚI, ĐỊNH, HUỆ. Pháp môn nào cũng phải lấy giới, định, huệ làm căn bản. Vì vậy đã là người Huynh trưởng, là một Phật tử chơn chánh chúng ta cần phải hiểu thấu đáo về nguyên tắc cơ bản của Giới, Định, Huệ để áp dụng vào chính đời sống của bản thân mình.

B./ CHÁNH ĐỀ:

I. ĐỊNH NGHĨA:

Giới, Định, Huệ là ba môn vô lậu học, là nguyên tắc tu học để giải thoát sanh tử, chứng quả niết bàn.

-GIỚI: La hàng rào ngăn giữ thân tâm không làm các điều trái, điều ác.

- ĐỊNH: Là dứt bặt các sự lo nghĩ, các niệm lăng xăng, làm lắng các duyên.

- HUỆ: Là phá trừ mờ ám, chứng được chơn lý.

Như vậy Giới, Định, Huệ là một con đường tu học gồm ba giai đoạn, từ giới đến định đến huệ hay nói một cách khác là ba môn ấy đều tương duyên, dung nhiếp lẫn nhau. Ví như người học trò muốn học bài trước phải giử thân tâm an tịnh không cho ngoại cảnh bức bách (giới), rồi chuyên tâm trí vào học không để nội tâm tán loạn (định) nhờ chuyên tâm chuyên trí mà hiểu và thuộc được bài (huệ). Người tu hành cũng vậy, trước hết là phải giử giới để thân tâm an tịnh, khi thân tâm an tịnh thì vận chuyển tâm trí vào một cảnh “chế tâm nhất xứ vạn sự bất biến”, không để các duyên loạn tưởng (định), nhờ vậy thấy được chơn lý, giác ngộ được sự thật (huệ).

II. HÀNH TƯỚNG CỦA GIỚI:

Giới là một phương pháp điều trị thân và khẩu bề ngoài cho được thanh tịnh và nhờ đó tâm ý bên trong cũng được thanh tịnh theo, đây là mượn phương thuốc bên ngoài để kềm chế tâm ý bên trong. Khi tâm ý bên trong được thanh tịnh thì trong ngoài đều thanh tịnh, khi ấy không cần trì giới cũng không phạm giới vì tâm đã hoàn toàn thanh tịnh không sai khiến thân và khẩu làm việc sai trái nữa. Khi tâm diệt thì giới diệt, tâm, giới dung nhiếp lẫn nhau nhắc nhở từ chổ mê đến chổ ngộ, giới như thuốc để trị bệnh, còn bệnh thì còn thuốc, hết bệnh thì thuốc tự nhiên tiêu.

III. HÀNH TƯỚNG CỦA ĐỊNH:

Định là lắng tâm, kềm giử không để cho tâm phan theo các duyên, vì tâm cứ mãi phan theo các duyên nên gọi là vọng niệm, vì có vọng niệm nên bị mê mờ, tu định là cốt trừ vọng niệm vì từ vọng niệm nầy phát sinh ra tư tưởng mê lầm, từ tư tưởng mê lầm phát sinh ra vô minh. Nếu muốn định thì phải chấm dứt các món tà niệm bằng cách đem những tư tưởng chơn chánh mà ngăn, dẹp các tà niệm. Chúng ta cần phải lấy chánh định giử gìn chánh niệm, dùng chánh niệm để giử cho tâm được định, nhưng điều cần lưu ý: KHI CÒN NIỆM ĐỂ GIỬ CHO TÂM ĐỊNH TỨC VẪN CÒN VỌNG NIỆM! và chính nhờ định mà tâm trí khỏi loạn, khi tâm trí khỏi loạn thì huệ được phát sinh.

IV. HÀNH TƯỚNG CỦA HUỆ:

Huệ là sự sáng suốt của tự tâm luôn luôn thường còn và ai cũng sẵn có, chỉ vì vô minh che lấp nên không tự biết và làm cho huệ không được phát hiện, tu huệ trước hết y cứ nơi văn tự (văn, tư, tu) để xét nghĩ và hiễu rỏ chánh lý, rồi dùng chánh lý ngăn giử các tà niệm, đến khi huệ thể nhập được chơn lý, giác ngộ của sự thật thành bậc chánh giác hoàn toàn viên mãn, sáng suốt của tự tâm luôn luôn xuất hiện.

V. CÔNG NĂNG VÀ SỰ LIÊN HỆ CỦA GIỚI-ĐỊNH-HUỆ:

Giới sanh định, phát huệ: Do giử gìn giới luật nghiêm minh mà thân tâm không loạn động, thân tâm không loạn động không chạy theo các duyên gọi là định, khi loạn duyên chấm dứt thì trí huệ phát sanh.

Ví dụ: Ba nghiệp thân, khẩu, ý không làm các điều ác (giới) thì tâm được trong sạch, an tịnh (định), tâm được trong sạch, an tịnh thì trí chiếu sáng suốt (huệ).

Như vậy giới, định, huệ đều có sự tương sanh, tương duyên. Muốn có định phải giử giới, phải tự rèn luyện thân tâm, nổ lực hành trì theo lời Phật dạy (hàm dưởng công phu). Muốn có huệ thì phải có định, nhưng muốn giử giới cho đúng thì cần phải có huệ (tức là trí hiểu biết sáng suốt) để thấy rỏ sự lợi ích của giới đã giử gìn (tức là thưởng thức pháp vị) vì giử giới cũng cần phải có định, không có định tức là tâm tán loạn, khi tâm tán loạn thì chúng ta không kiên trì với giới luật. Cũng chính vì không kiên trì với giới luật nên tâm không định, tâm không định thì trí huệ không phát sanh.

C./ KẾT LUẬN:

Huynh trưởng GĐPT là một Phật tử chơn chánh, muốn được giác ngộ giải thoát phải luôn luôn áp dụng phương pháp giới, định, huệ trong đời sống hàng ngày. Làm lành tránh giử, giử gìn giới luật đã thọ lãnh, ứng dụng tứ nhiếp pháp: BỐ THÍ, ÁI NGỮ, LỢI HÀNH, ĐỒNG SỰ.

Thực hành lục độ ba la mật: BỐ THÍ BA LA MẬT, TRÌ GIỚI BA LA MẬT, TINH TẤN BA LA MẬT, NHẪN NHỤC BA LA MẬT, THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT, TRÍ HUỆ BA LA MẬT.

Cốt lõi của đạo Phật là muốn tất cả chúng sanh giác ngộ được sự thật, sống tự tại và giải thoát. Muốn được như vậy  người Huynh trưởng chúng ta cần phải hành trì lấy giới, định, huệ làm căn bản cho sự hành trì ấy. Chúng ta hãy nghiệm lại một đoạn kinh mà chúng ta đã nhiều lần phát nguyện trước tam bảo để nổ lực tiến tu:

Nguyện kim đắc quả thành bảo vương

Hoàn độ như thị hằng sa chúng

Tương thử thân tâm phụng trần sát

Thị tắc danh vi báo Phật ân

Có như vậy mới không hổ thẹn là một Huynh trưởng GĐPTVN ./.

KHÔNG TÙY

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb