MÙA VU LAN VÀ CÂU CHUYỆN CHIM PHÓNG SINH

MÙA VU LAN VÀ CÂU CHUYỆN CHIM PHÓNG SINH

                                                                                                                         Tâm Lễ

Theo vòng quay của đất trời, mùa thu sang xao xác lá vàng với  những cơn mưa dầm tháng bảy. Miền Nam không có gió heo may nhưng hương vị mùa Vu Lan lại về đang  âm thầm trở về trong lòng người Phật Tử.

Giờ đây anh chị em lam viên đang nao nức chuẩn bị cho những hoạt động mùa Báo Hiếu, đã thấy những đóa hoa hồng, hoa trắng trên ngực áo của những người Phật Tử vừa đi dự lễ ở một ngôi chùa nào đó, tín hiệu báo mùa Vu Lan đã về.

Mùa Vu Lan mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng không chỉ  trong lòng người Phật Tử mà ngự trị trong cả tâm hồn người Việt, vì đã từ lâu lễ Vu Lan đã trở thành một nét tín ngưỡng chung của dân tộc, bỡi thế dân gian mới có câu ” tháng bảy ngày rằm xóa tội vong nhân”.

Ngoài những hoạt động mang hình thái tôn giáo người ta còn tạo những việc làm phước để tăng thêm phước đức và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng được siêu sanh, những người còn tại thế được an vui. 

Trong những việc bố thí, làm phước có việc phóng sanh.  Ý nghĩa phóng sanh là một hành động cao đẹp xuất phát từ lòng từ bi muốn giải thoát cho những chúng sanh được trở lại cuộc sống tự do  chim trời cá nước. Thế nhưng giờ đây nó đã biến thái và đã trở thành một vấn nạn mang tính tội ác!

Có người mua chim để phóng sanh thì ắt phải có người bán đó là định luật cung-cầu. chính vì thế mà những kẻ vô tâm dùng mọi thủ thuật để bẩy chim chỉ với một mục đích để bán cho người phóng sinh chứ không có mục đích nào khác. Việc làm này đã hành hạ những chú chim nhỏ bé  trở thành nạn nhân tội nghiệp! Có người đặt vấn đề nếu đừng phóng sinh nữa thì những người kia cũng không đánh bắt chim làm gì nữa và những chú chim bé nhỏ sẽ được sống trong bầu trời rộng thênh thang mà không bị ai bắt nhốt giam cầm rồi thả, sau đó bị bắt và thả, hành vi này được lập đi lập lại cho đến khi chim chết mới thoát nạn!

Vậy việc thả chim phóng sinh là phước hay là tội mời các bạn đọc  2 bài viết sau đây để cùng suy gẫm để có hành động phù hợp với chánh pháp,chánh nghiệp.

Chúc quý anh chị em một mùa Vu Lan hiếu hạnh viên mãn.

 

Bài thứ I:

Người ta còn cho thuốc vào để chim yếu, chỉ bay được một ít trong khuôn viên chùa, và 5 phút nữa thôi, sẽ lại bị bắt về, để bán cho một người khác…

Tôi không phải là người mộ đạo, tôi chỉ sống theo đạo tâm và hướng thiện. Nhưng mỗi năm, tết và rằm tháng 7 tôi đều đi chùa, và mỗi năm, tôi đều đứng trước những lồng chim và cầu nguyện và cảm nhận nỗi đau… nỗi đau của chim sa lưới, chim trong lồng.
Không biết có phải kiếp trước tôi là chim, hay vì tôi quá mẫn cảm mà tôi luôn có thể cảm nhận và nghe nỗi đau của từng con chim trong lồng ấy.
Hôm nay cũng thế, tôi lại đứng trước lũ chim, chúng khóc, chúng van xin tôi, đừng thả chúng ra. Chúng đau, chúng đè lên nhau, đứa gãy cánh, đứa què giò, có một con ứa nước mắt, nói với tôi rằng: “Xin bạn đừng nhìn tôi, xin bạn đừng mua tôi, đừng thả tôi, cứ để tôi chết trong lồng này, hôm nay tôi đã được thả ra và bắt vào 4 lần rồi, tôi đau, mệt, tôi không thể bay, xin đừng cho tôi hy vọng”.
Một con chim khác lại nói: “Nếu không ai mua, họ sẽ không làm vậy, họ đã cho chúng tôi uống nước thuốc, chúng tôi không thể bay xa, cho dù bạn thả ra, chúng tôi cũng sẽ bị bắt về và lại bán, và lại bị bắt. Nếu bạn không mua, họ sẽ chẳng bao giờ cần bắt chúng tôi, sẽ không bao giờ cần cho tôi uống thứ nước thuốc khủng khiếp đó, làm ơn, làm ơn để chúng tôi hy sinh và những con chim khác sẽ không bao giờ chịu chung số phận. Làm ơn!”…
Rồi một người phụ nữ đến mua, người đàn bà bán chim nhẫn tâm quơ tay vào cái lồng đặc nghẹt, hốt từng nắm, lũ chim bị bóp chặt, mỏ con này chọc vào mắt con kia, trong cơn quơ quào móng con này cấu vào đầu con kia, chúng la hét, giẫy dụa, rỉ máu, chúng đau đớn, chúng la “Đừng đừng … hãy để chúng tôi yên, hãy để chúng tôi yên”.
Tôi đứng im, bất lực, tôi là kẻ hèn nhát, tôi khinh khi bản thân mình, tôi đã không dám đứng ra ngăn cản người phụ nữ đó, như ngăn cản số người còn lại trên cái thế giới này xin đừng thả chim phóng sinh.
Ngày xưa, đức Tam Tạng thấy bọn trẻ câu cá đã mua cá và thả cá về sông để làm phúc. Người ta bẫy chim để ăn vì mưu cầu cuộc sống, rồi người làm phúc vô tình nhìn thấy đã mua chim ấy để thả. Đó gọi là làm phúc.
Ngày nay, những người bẫy chim không còn phải để ăn mà để bạn mua và thả. Vậy khi bạn mua có nghĩa là bạn tạo ra cầu thì sẽ có cung, do đó, việc bạn đang làm là ác, vì bạn đang xúi giục họ bắt, hành hạ những con chim ấy và bạn sẽ cho họ tiền, vậy việc làm đó có thiện, có phúc hay không?
Có thể bạn nói rằng, ngày nay họ cũng vì kế sinh nhai nên làm vậy, cũng đâu khác gì ngày xưa. Thật ra nó khác, rất khác, vì ngày xưa những con chim bị bắt để ăn sẽ to khỏe và mập mạp, và khi bạn thả, là nó sẽ được tung cánh bay xa, được về với gia đình của nó. Còn ngày nay, nếu bạn để ý kỹ, những con chim phóng sinh là những con se sẻ nhỏ, hoặc loài chim én, hoặc chim yến, những con chim bé nhỏ, vô tội chỉ bị bắt vì một lý do duy nhất, bắt để bán cho những người phóng sinh.
Người ta còn cho thuốc vào để chim yếu, chỉ bay được một ít trong khuôn viên chùa, và 5 phút nữa thôi, sẽ lại bị bắt về, để bán cho một người khác.
Tôi đứng đó, ứa nước mắt, và tự sỉ vả mình hèn hạ vì đã không dám lên tiếng. Lũ chim được người đàn bà giơ cao đưa ra trước đức Phật, cầu nguyện và mở nắp, lũ chim đứng yên, không hề muốn bay ra. Người đàn bà phóng sinh thò bàn tay mập mạp, bắt từng con thả ra, chúng bay uể oải và đậu trên một nhánh cây gần đó.
Tôi biết lũ chim kia quá bé để ăn thịt, thật sự nếu không ai mua, thì vài ngày sau họ cũng sẽ phải thả nó về trời, đằng này, cứ hết người này, đến người khác tới mua, nên họ cứ bắt đi bắt lại, hành hạ chúng đến khi chúng mệt lử và chết, thì khi đó họ sẽ mua vài con thế vào. Một lồng chim trăm con có thể bán đi bán lại hàng chục lần.
Truyền thống chim phóng sinh giờ đây là một việc làm độc ác cần xóa bỏ. Nếu những người kia cần tiền, họ có thể bán nhang, bán vé số, có thể bán kinh, bán hoa. Xin đừng hành hạ những sinh vật bé nhỏ và vô tội. Những người phóng sinh xin đừng đưa tiền, đừng tiếp tay cho hành động độc ác nọ, xin thương lấy lũ chim, đó cũng là một sinh mạng.
Làm ơn, xin đừng phóng sinh!
                                                                                               Chim Én

Và đây  bài thứ II: Trích từ trang Web NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO

CÓ NÊN MUA CHIM PHÓNG SANH BÁN Ở CHÙA?
HỎI :
Chúng tôi được khuyên là không nên mua chim phóng sanh (bán ở chùa) để không vô tình tạo thêm sát nghiệp chung cho người bẫy, người bán và cả người mua. Nhưng ở chỗ khác, chúng tôi lại nhận được lời khuyên là cứ mua, cứu được con nào hay con ấy vì trước sau gì thì lũ chim không chết đói thì chết cháy (bán về lò quay, nướng). Cả hai lời khuyên đều hay, vậy phải làm như thế nào?

ĐÁP :
Phóng sanh là một pháp môn tu, thể hiện tâm từ bi của hàng Phật tử. Giải thoát chúng sanh ra khỏi kiếp ngục tù để chúng được sống tự do và an vui sẽ mang lại phước báo tốt đẹp. Vì thế, hàng Phật tử thường thực hành phóng sanh.
Vấn đề là thực hành phóng sanh như thế nào để có được lợi ích? Tất nhiên muốn phóng sanh thì phải mua, đã mua ắt có người bán, người bẫy hay người bán có nghiệp và tội của họ; mua chim cá để phóng sanh là phước của mình. Không nên vội vả quy kết vì phóng sanh nên người ta mới bẫy và buôn bán, bởi lẽ chim cá bán ở chợ với mục đích chính là làm thực phẩm.
Tuy nhiên, chúng tôi tán đồng ý kiến không nên mua chim phóng sanh được mang đến bán trong chùa. Trước hết, người phóng sanh thiếu tâm thành, nhân tiện có người mang đến bán thì mua phóng sanh luôn nếu không gặp thì thôi. Mặt khác, việc làm này vô tình tiếp tay cho những người ác tâm, lợi dụng lòng từ của Phật tử, chuyên đánh bắt một vài loại chim (sẻ, én) để phục vụ cho phóng sanh. Ngoài ra, việc mua bán chim cá trong chùa sẽ làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh của chùa chiền. Người Phật tử không thực hành phóng sanh theo kiểu “dịch vụ tận nơi” này.
Nếu phát tâm phóng sanh, hãy ra chợ mua một cách tự nhiên, tuỳ khả năng và tâm nguyện, không cần số lượng nhiều, chỉ cần tâm thành. Tu tập từ bi, phóng sanh phải gắn liền với trí tuệ thì phước báo mới viên mãn. Nếu chúng ta phóng sanh ngẫu hứng và tuỳ tiện thì dễ dàng bị lợi dụng và lẫn quẫn trong việc lý giải cho hành động của mình.

* Quảng Tánh – Huyền Ngu ( PP.BáchVấn)

 

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb