Nghĩ gì sau hội thi :Tiếng Hát Ngành Thiếu” GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu lần thứ 3 năm 2015.

Nghĩ gì sau hội thi :Tiếng Hát Ngành Thiếu”

GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu lần thứ 3 năm 2015.

                                                                                                                               Tâm Lễ

 IMG_1179_zpsygl5xazk

Hội thi “Tiếng Hát Ngành Thiếu” lần thứ 3 của GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu đã được tổ chức thành công viên mãn. Lam viên trong tỉnh giờ lại đang tất bật cho các hoạt động Phật sự khác của một mùa hè sôi động, thế nhưng âm vang của lời ca tiếng hát, điệu múa tưởng như còn đang vang vọng…

  Đến tham dự và thưởng ngoạn hội thi hầu như tất cả lam viên đều có chung một nhận định  rằng so với hai hội thi lần 1 và 2 thì hội thi lần này có chất lượng cao hơn hẳn,  mặc dù số đơn vị tham gia cũng chưa phải là lý tưởng cho lắm vì chỉ có 21/30 đơn vị tham gia. Những đơn vị không tham gia hội thi tiếng hát lần này  khiến các em không thể đến với hội thi thì có nhiều lý do, mỗi đơn vị một hoàn cảnh, khách quan có mà chủ quan cũng có, chúng ta có thề thông cảm. Nhưng điều đáng nói ở đây là các em không đến được một sân chơi kỳ thú mà Ban Hướng Dẫn  đã rất tâm huyết và dày công đầu tư, để được hát cho lam viên mình nghe và được nghe lam viên mình hát thì thật là một điều đáng tiếc!

   Nhìn một cách tổng quát, 42 tiết mục gồm đơn ca và các thể loại ca hát khác như song ca, tam ca, tốp ca cùng nhóm múa phụ họa thể hiện chủ đề ca ngợi Đạo pháp, ca ngợi lý tưởng GĐPT, ca ngợi quê hương dân tộc, ca ngợi hiếu đạo, ta thấy có dấu hiệu rất đáng mừng. Mừng vì những lý do sau đây:

1.Trình độ văn nghệ hầu hết các đơn vị đã được nâng cao: Ở hai kỳ thi trước, khoảng cách về khả năng trình diễn văn nghệ giửa các đơn vị rất chênh lệch. Một số đơn vị huynh trưởng và đoàn sinh có khả năng, có điều kiện, có kiến thức về âm nhạc thì tiết mục biểu diễn của các em rất tốt, trong khi đó nhiều đơn vị khác chỉ có các huynh trưởng đã lớn tuổi, đoàn sinh thì không có khả năng, thiếu điều kiện nên chỉ biết hát lại những bài hát xưa cũ với vũ đạo quá sơ sài, thiếu sáng tạo. Hội thi lần 3 này thì hầu hết các đơn vị đều cập nhật, nắm bắt được nền âm nhạc Phật giáo, âm nhạc GĐPT hiện đại, nhờ vào công nghệ thông tin nên các đơn vị khá dễ dàng trong việc chọn bài hát hay, điệu múa đẹp. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong lảnh vực văn nghệ sân khấu trong Gia Đình Phật Tử.

2.Khả năng biểu diễn văn nghệ của các em khá đồng đều: Trước hết phải nói rằng vì các em hát theo nền nhạc đã được phối âm sẵn nên việc xử lý kỷ thuật nhạc lý khá tốt do các em đã được tập đi tập lại nhiều lần, tuy nhiên hát theo nền nhạc có sẵn đòi hỏi các em có khả năng thẩm âm tốt và phải tập cho nhuần nhuyễn, vì sử dụng nhạc beat thì không thể dìu hoặc vớt mỗi khi các em hát bị lỗi. Ban Giám Khảo chấm điểm chú trọng nhiều đến chất giọng và phong cách biểu diễn của các em, còn nhạc lý thì tương đối không có chênh lệch nhiều.

3. Cách chọn bài hát cũng nói lên khả năng cảm thụ âm nhạc của các em được nâng cao. Một số đơn vị mạnh dạn chọn những bài hát rất sát với chủ đề nhưng khó thể hiện và giai điệu cũng như ca từ cũng hơi kén người nghe. Điều này chứng tỏ các em cũng cố gắng thể hiện khả năng biểu diễn văn nghệ đặc thù của GĐPT chứ không dễ dải hay đua đòi chạy theo thị hiếu bên ngoài.

  Vũ đạo trong các tiết mục tự chọn hát có minh họa cũng có nhiều công phu, hóa trang đẹp và phù hợp, dàn dựng vũ đạo đẹp và mang sắc thái đặc trưng của văn nghệ GĐPT, không chạy đua với xu hướng hiện đại, không biến tấu, phá cách và chịu ảnh hưởng nặng về phong cách vũ đạo hiên nay của sân khấu trần tục.

   Từ những nhận định trên chúng ta có thể lạc quan về khả năng văn nghệ của các đơn vị GĐPT hiện nay. Tuy nhiên tình hình thực tế về đời sông âm nhạc hiện nay trong tổ chức GĐPT cũng như ngoài công chúng chúng ta cũng cần phải có cái nhìn sâu sắc và khách quan để nhận định đúng để rồi định hướng cho văn nghệ trong tổ chức GĐPT.

Trước hết văn nghệ là một bộ môn tu học trong bốn bộ môn tu học của GĐPT. Dùng văn nghệ là một phương tiện tu tập để chuyển tải ánh sáng Phật Pháp vào tâm thức của đoàn viên đồng thời góp phần đem đạo vào đời  thực hiện việc “góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”một cách hiệu quả.

   Văn nghệ nói chung bao gồm nhiều lảnh vực, ở đây chúng ta chỉ giới hạn về ca nhạc trong GĐPT. Thực tế hiện nay phải đối diện với một nền âm nhạc muôn màu muôn vẻ của xã hội cùng với xu hướng của thời đại đua đòi chạy theo ca nhạc phương Tây hiện đại mà không gạn lọc đã gây ra nhiều hệ lụy không hay. Bị tác động do ảnh hưởng đến thị hiếu của quần chúng ngoài xã hội, văn nghệ trong GĐPT nếu không có một định hướng rỏ ràng thì chắc chắn sẽ mất dần bản sắc đặc thù của văn nghệ trong GĐPT.

    Hiện nay được xem trực tiếp hay qua băng đĩa chúng ta thấy có nhiều đêm văn nghệ của GĐPT để cúng dường một sự kiện nào đó ví như lễ Phật Đản, Vu Lan…, thế nhưng nếu không biết trước đó là một đêm văn nghệ của GĐPT thì ta có thể nhầm lẫn với một buổi biểu diễn của bất kỳ một ban ca nhạc nào đó, vì gọi là văn nghệ của GĐPT mà ta lại thấy không có hoặc rất ít hình ảnh bộ đồng phục GĐPT với chiếc áo lam dịu hiền xuất hiện trên sân khấu. Điều đáng buồn hơn nữa có nơi lại hát nhạc chế cải lời những ca khúc trử tình có giai điệu sướt mướt, ủy mị!

   Sân khấu ca nhạc của GĐPT chỉ hạn chế trong khuôn viên các ngôi chùa trong các dịp lễ lớn, và đối tượng thưởng ngoạn hầu hết là “người nhà”, tức là phụ huynh đoàn sinh hoặc là quý bác trong đạo tràng của chùa, chỉ một số ít là Phật từ vãng lai, thế nhưng lảnh địa tưởng chừng chỉ dành riêng cho GĐPT ấy ngày nay cũng bị thu hẹp. Thời gian gần đây khi có sự kiện hay lễ lược vị trụ trì các chùa thỉnh thoảng lại mời những đoàn ca nhạc hay những nghệ sĩ Phật tử đến biểu diễn giúp vui. Trong những buổi biểu diễn ấy cũng có những nghệ sĩ chân chính muốn dùng lời ca tiếng hát ca ngợi đạo pháp như là một sự cúng dường với tâm thành, nhưng cũng không ít đoàn ca nhạc hay nghệ sĩ thuộc hạng “xoàng xoàng” xem đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh của mình với nhiều chiêu trò không đoan chánh, không thiếu những ca sĩ vô danh này với những trang phục phản cảm hoặc hát hò, uốn éo trước lễ đài hay trong giảng đường của một ngôi chùa khiến người xem cảm thấy khó chịu. Thế nhưng những buổi biểu diễn như thế lại được số đông khán giả dễ tính hoặc thiếu hiểu biết lại ủng hộ nồng nhiệt. Nếu tình trạng này được phổ biến thì vô tình sẽ giết chết sân khấu ca nhạc đặc thù “đưa đạo vào đời “ của GĐPT. Thế nhưng mấy ai nghĩ ra điều đó trong khi quý thầy, sư cô tại chùa cũng thích, mà khán giả cũng thích!? Trong thời gian chuẩn bị các lễ lớn khi được nghe vị trụ trì thông báo lễ này sẽ đón đoàn ca nhạc thành phố HCM về biểu diễn phục vụ bà con thì ai cũng hân hoan vổ tay rần rần, ngược lại khi biết lễ này GĐPT sở tại tổ chức một đêm ca nhạc cúng dường thì lắm vị bỉu môi: “Tưởng ai chứ mấy đứa con cháu trong giáo hội không hà!” Có vị thì đến đêm văn nghệ gởi ủng hộ một số tiền gọi là quan tâm tới GĐPT chứ cũng không màng đến dự khán vì cho rằng  văn nghệ cây nhà lá vườn chẳng có gì lạ đâu mà xem! Họ không biết rằng sự hiện diện của mình sẽ làm khích lệ tinh thần biết bao đối với con em GĐPT tại địa phương mình

   Trước tình hình thực tế như đã trình bày ở trên, những huynh trưởng lảnh đạo tổ chức cần phải có tầm nhìn thầu đáo về vấn đề để tìm ra một giải pháp căn cơ trong việc định hình hướng phát triển văn nghệ trong GĐPT, nếu không thì trong tương lai văn nghệ GĐPT sẽ “thua ngay trên sân nhà”!

    Việc định hướng cho văn nghệ ca nhạc của GĐPT trong tương lai người viết xin mạo muội đóng góp một số ý kiến như sau:

1.Sân khấu ca nhạc là một loại hình văn nghệ rất đặc thù của GĐPT, với mục đích chuyển tải ánh sáng Phật Pháp và lý tưởng GĐPT đi vào tâm thức của đối tượng, thế nên phải duy trì và phát triển dòng nhạc cũng như phong cách thể hiện mang tình đặc thù đó, không nên vì thị hiếu của khán giả mà để các loại hình ca nhạc lai căng, pha tạp ở ngoài đời xâm thực. Hiện nay nhạc Phật giáo và GĐPT được các nhạc sĩ Phật tử sáng tác rất phong phú, đa dạng, phải biết tận dụng vốn quý này không cần phải vay mượn hoặc pha chế những thứ lai tạp ở ngoài vào. Những huynh trưởng có trách nhiệm cũng như các em đoàn sinh phải xem ca nhạc trong GĐPT là một dòng nhạc chuyên biệt và đã có một lượng lớn khán giả ái mộ thưởng thức, đừng vì dễ dãi chìu theo thị hiếu của đám đông mà đánh mất bản sắc của mình.

   Chúng ta thử đặt vấn đề nếu ca nhạc trong GĐPT mà học đòi theo cách của sân khấu ca nhạc ngoài xã hội thì chắc chắn sẽ không bằng  được vì chúng ta không chuyên nghiệp và thiếu thốn quá nhiều điều kiện để đua đòi với họ. Trong khi đó có rất nhiều người thích thưởng thức một đêm ca nhạc thuần túy bản sắc GĐPT vì không thể tìm thấy bất kỳ ở đâu ngoài sân khấu đời.

2. Các huynh trưởng tại các đơn vị GĐPT phải biết cách vận dụng, tranh thủ tình cảm của Chư Tôn Đức tại trú xứ cũng như với đạo tràng tại địa phương để được ủng hộ, tạo điều kiện cho GĐPT thể hiện các đêm ca nhạc cúng dường các lễ lớn, các Phật sự lớn tại chùa. Nếu cứ để cho các chùa mời các đoàn ca nhạc đến biểu diễn trong các dịp lễ lược, thì một ngày nào đó văn nghệ của GĐPT e không còn đất diễn!

Một vài ý kiến thô thiển xin được trình bày, rất mong các anh chị huynh trưởng và lam viên gần xa hoan hỷ góp ý, luận bàn.

                                                                                                                          Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật

IMG_1162_zpsob0xfkkp

IMG_1166_zpsnuszyshe

IMG_1187_zpscz4djzd7

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb