GIÀN TRẦU CỦA MẸ

GIÀN TRẦU CỦA MẸ

                                                                                                                                                                                                                        Kính dâng hương linh mẹ

5758e3f7-e908b912b4

(Hình minh họa)

Tháng bảy năm nay không biết sao trời mưa dữ quá, ngày nào cũng vậy buổi sáng thức dậy là thấy bầu trời xám xịt, những đám mây đen cuồn cuộn nối đuôi nhau trôi về cuối trời. Không gian trầm đục một màu xám ngắt, họa hoằn một lúc nào đó mặt trời thoát ra khỏi đám mây đen chiếu le lói vài tia nắng hiếm hoi xuống vạn vật rồi phút chốc lại chìm khuất sau làn mây. Thế rồi trời lại đổ mưa, những giọt mưa áo ạt đổ xuống cùng với tiếng gió thét gào từng cơn. Tháng bảy ở miền Trung, miền Bắc là mưa ngâu, mưa phùn, còn ở đất phương Nam này là trời mưa nặng hạt, trời chợt nắng chơt mưa như cô tiểu thư đỏng đảnh!

Tôi ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn khu vườn nhỏ qua màn mưa, cảnh vật mù mịt dưới mưa, cây cối ngã nghiêng tơi tả theo từng cơn gió. Giàn trầu của mẹ đang đắm mình trong mưa, nhìn những đọt trầu biêng biếc khỏe mạnh mượt mà trong mưa tôi thấy lòng trào dâng một nỗi buồn mênh mông, giàn trầu của mẹ còn đây mà mẹ đã vĩnh viễn đi xa. Nhớ lại ngày nào…

…Mẹ phải đành đoạn nén chặt niềm đau dứt áo ra đi theo con vào phương Nam lập nghiệp mà lòng quặn thắt vì phải rời xa quê cha đất tổ nơi quê hương miền Trung nghèo khổ  mà mẹ đã sinh ra và gắn chặt đời mình vào đó. Từ mái tranh nghèo, mãnh vườn rau nhỏ đến ruộng đồng, mồ mả cha ông, lư nhang bát nước, bà con họ tộc, láng giềng…đã quá đỗi thân thương mà mẹ đã không nỡ rời bỏ cho dù những tháng năm chiến tranh bom cày đạn xới, cái chết luôn treo lơ lửng trên đầu. Thế mà vì thương con mà mẹ phải ngậm ngùi ra đi ngậm ngùi ngâm câu “Ra đi một sự đã liều, mưa mai không biết, nắng chiều không hay”!

Miền Nam đất rộng người thưa, mẹ phải theo con lên rừng xuống biển, từ miền Tây ruộng thẳng cánh cò bay, mênh mông sông nước, đến miền Đông đất đỏ nắng bụi mưa bùn, cho đến những vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc để tìm một chốn nương thân. Qua bao lần thay đổi nơi ăn chốn ở với những năm tháng khốn khổ chịu đói, chịu rách, chịu thương chịu khó dần dà cuộc sống ổn định thì mẹ cũng đã sức già suy kiệt không thể theo con ra đồng chỉ còn đủ sức trông coi nhà cửa và chăm sóc mảnh vườn rau nhỏ với cây cải, cây ngò…

Mẹ tôi có thói quen ăn trầu từ thời còn trẻ, khi còn ở quê nhà mẹ đã trồng một giàn trầu xanh tốt thả sức ăn không hết mà còn biếu xén bà con láng giềng. vào miền Nam mỗi lần có quả cau ngon nhưng không kiếm được miếng trầu vừa ý mẹ thường than thở “ước chi có ngọn trầu nhà mình ăn vừa thơm vừa mặn mà!”, tiếp theo sau đó là một tiếng chép miệng thở dài. Mỗi lần chứng kiến những cảnh như thế tôi thấy thương mẹ vô cùng, cũng như những lần đi đâu về bất chợt thấy mẹ ngồi bên thềm đôi mắt ờ đục ngó mông lung ra con đường vắng không biết vì trông con về hay nỗi nhớ quê đang cồn cào trong lòng mẹ?! Thương mẹ tôi cố tìm xin cho được một nhành trầu về ương trong vườn (phải tìm cho được giống trầu miền Trung là dày và màu xanh đậm chứ không phải giống trầu miền Nam lá mỏng màu vàng mẹ chê ăn cay miệng).

Cây trầu được mẹ ra công chăm bón, mấy tháng sau đã đâm chồi nẩy lộc xanh um, tôi kiếm tre làm giàn để nó bò thỏa sức. Ngày nào mẹ cũng tẩn mẫn nhổ từng cọng cỏ, cắm từng thanh tre không cho lũ gà cào xới, phá phách. Nhìn dáng mẹ gầy gò chống gậy, mái tóc bạc bay phất phơ trong nắng chiều bên giàn trầu xanh biếc lòng tôi thấy vui vui. Có lẽ cũng nhờ giàn trầu mà mẹ phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê lúc nào cũng canh cánh bên lòng.

Bản thân tôi chỉ sống ở quê nhà những năm tháng thời thơ ấu, sau đó vì chiến tranh phải xa quê và rồi thời cuộc đẩy đưa, vùi dập nổi trôi làm thân phiêu bạt xứ người, thế mà đôi lúc cũng nhớ quay quắt làng quê, ruộng đồng, con sông tắm mát thời niên thiếu huống hồ là mẹ tôi đã sống gần trọn đời nơi chốn chôn nhau cắt rốn, giờ đây những năm tháng cuối đời phải sống nơi đất khách quê người thì nỗi buồn càng thấm thía biết bao!

Năm tháng qua đi, tuổi đời càng chồng chất nên mẹ ngày càng già nua, mẹ giờ đã không còn đủ sức để chăm sóc giàn trầu mà chỉ còn ngồi bên cửa sổ nhìn ra đôi mắt buồn u uẩn, khoảng cách thì gần mà sao mà xa vời vợi! tôi thay mẹ chăm sóc giàn trầu ngày một xanh tốt cho mẹ vui mặc dầu bây giờ mẹ không còn sức khỏe để nhai trầu được nữa mà chỉ ngồi ngắm nhìn.

Mẹ ngày một yếu dần, mỗi lần đi làm về nhìn mẹ hắt hiu như ngọn đèn trước gió lòng tôi xót xa, tôi biết ngày tôi xa mẹ đã gần kề.

Thế rồi vô thường đến, một ngày cuối đông mẹ đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Mẹ từ giã cõi thế khi những nhánh mai vàng đang hé nụ chào xuân, những cánh én chao nghiêng báo tin xuân đang về trước ngõ, mùa xuân năm nay nhà tôi phủ đầy một màu trắng tang thương.

Mẹ không còn nữa nhưng tôi vẫn chăm sóc giàn trầu như thuở mẹ còn dù chỉ là để như giữ gìn kỷ vật của mẹ. Mỗi lần đứng ngắm giàn trầu xanh tươi với những chồi non mơn mởn tôi lại thấy hình bóng mẹ gầy gò, mái tóc bạc phơ bay trong gió, một tay chống gậy, một tay mân mê những lá trầu xanh lòng tôi thấy quặn thắt nỗi nhớ thương hình bóng mẹ lại trào dâng…

Tháng bảy về mưa giăng giăng khắp chốn, không gian buồn cô tịch. Trong căn nhà quạnh quẻ, trên bàn thờ di ảnh mẹ với mái tóc bạc phơ, nụ cười nhẹ nhàng thanh thoát, phảng phất khói trầm nhang quyện tỏa. Từ ngày mẹ ra đi hằng đêm con luôn nguyện cầu Chư Phật độ trì hương linh mẹ được sinh về miền Tịnh Cảnh.

Theo luật tuần hoàn của đất trời, một lần nữa mùa Vu Lan báo hiếu lại về, tôi và các anh chị em trong Gia Đình Phật Tử lại rộn ràng chuẩn bị cho mùa hiếu hạnh. Lễ năm nay có lẽ cũng không khác mọi năm, có khác chăng đây là lần đầu tiên trong đời áo tôi cài hoa trắng. Nghĩ đến đây lòng tôi tràn ngập nỗi buồn, nước mắt tôi lại ưá ra…

  Tâm Lễ

Mùa báo hiếu 2012

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb