Tài liệu [1] Hội thảo HT cấp Tập (BRVT-2011)
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
BI – TRÍ – DŨNG
Đề tài hội thảo Huynh trưởng cấp Tập GĐPT Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu – Năm 2011
VAI TRÒ NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG CẤP TẬP
TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN TẠI
Biên soạn & Thuyết trình: HT Tâm Lễ
A./ DẪN NHẬP:
Quy Chế HT.GĐPT.VN quy định nhiệm vụ và bổn phận của người HT cấp Tập như sau: “Chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của một Đoàn và liên đới trách nhiệm với Ban huynh trưởng về sự thịnh suy của một GĐPT”. Đó là quy định chung một cách tổng quát, trên thực tế vai trò trách nhiệm của một HT cấp Tập trong giai đoạn hiện nay tại các trú xứ sinh hoạt nặng nề hơn thế rất nhiều.
Tình hình thực tế tại GĐPT BRVT trong giai đoạn hiện tại có quá nhiều nghịch cảnh, chướng duyên, đòi hỏi hàng ngủ HT từ BHD đến các đơn vị phải luôn năng động, tùy duyên sáng tạo để duy trì sinh hoạt và phát triển tổ chức đúng mục đích, tôn chỉ của GĐPT.VN. Vai trò của người HT cấp Tập cũng đòi hỏi nhiều sự hy sinh, kham nhẫn và nhiều cống hiến cho tổ chức hơn. Ở đây chúng ta thử nhận định và phân tích vai trò trách nhiệm của người HT cấp Tập tại tỉnh nhà trong giai đoạn hiện tại như thế nào?
B./ NỘI DUNG:
I. NHẬN ĐỊNH CHUNG:
1./ Thực lực HT cấp Tập tại tỉnh nhà:
Sau mấy mươi năm sinh hoạt GĐPT BRVT chịu sự biến thiên của thời cuộc, bị sự tác động bỡi các thế lực vô minh phân hóa tổ chức nghiêm trọng, nên thực tế hiện nay các đơn vị GĐPT truyến thống chỉ duy trì sinh hoạt tập trung vào hai huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Với 24 đơn vị có trên hai ngàn đoàn sinh được điều hành bỡi một lực lượng HT khá đông đủ. Trong đó hàng ngủ HT cấp Tập có số lượng đông nhất: gần 100 HT rải đều cho tất cà các đơn vị trong tỉnh.
Mặc dù Quy chế HT quy định bổn phận của HT cấp Tập là Đoàn trưởng hoặc đặc cách LĐT, nhưng thực tế hiện nay tại GĐPT.BRVT có khá đông HT cấp Tập đang là LĐT hoặc Gia trưởng vì có khá nhiều GĐPT không có HT cấp Tín. Bỡi thế cho nên bổn phận, trách nhiệm hiện nay của HT cấp Tập tỉnh nhà thực tế cao hơn như quy định nhiều .
Đó là một thực tế, cho nên phân tích vai trò của người HT cấp Tập trong giai đoạn hiện tại chúng ta cũng dựa trên cơ sở thực tế này.
2./ Tình hình sinh hoạt tại các GĐPT hiện nay:
Suốt mấy mươi năm qua GĐPT BRVT phải đối mặt trực tiếp với những chướng duyên khảo đảo, với những thế lực cản ngăn, bị o ép từ nhiều phía. Áp lực luôn đè nặng lên đôi vai những người HT đang trực tiếp điều hành sinh hoạt tại các đơn vị. Do đó sự phát triển tổ chức bị hạn chế nhiều mặt. Điều đáng mừng là dù cho bao nhiêu sóng gió, bảo táp mưa sa của thời cuộc hầu hết các đơn vị đều tồn tại và không ngừng phát triển. Điều này cho thấy sự hy sinh kham nhẫn của hàng ngủ HT, trong đó HT cấp Tập là đáng trân trọng và phát huy.
II. BỔN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA HT CẤP TẬP TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN TẠI:
Qua phân tích tình hình tổng quát các đơn vị cũng như thực tiễn của hàng HT cấp Tập nêu trên, chúng ta cần phải xác định lại vai trò trách nhiệm, bổn phận người HT cấp Tập hiện nay như thế nào?
1./ Đối với Đạo Pháp, Dân tộc:
HT cấp Tập tại tỉnh nhà hiện nay hầu hết đã qua trại ADục, đang học bậc Định hoặc bậc Lực, có một số HT cấp Tập đã qua trại Huyền Trang và đã hoàn tất chương trình tu học của bậc Lực. Với sự trãi nghiệm trong quá trình tu học, huấn luyện, người HT cấp Tập đã thấm nhuần và ý thức được trách nhiệm của mình là Phụng sự Đạo Pháp, Dân tộc. HT cấp Tập phát huy năng lực, trí tuệ và hạnh nguyện của mình để phụng sự.
HT GĐPT.VN phát tâm thực hành hạnh Bồ tát giáo hóa chúng sanh mà đối tượng chính là Đoàn sinh GĐPT. Thế cho nên người HT hoàn thành sứ mệnh HT đối với tổ chức cũng là thực hành bổn phận đối với Đạo Pháp và Dân tộc.
2./ Đối với lý tưởng GĐPT:
Như đã phân tích ở trên, thực tế hiện nay HT cấp Tập phải chịu trách nhiệm về sự sống còn của đơn vị nên bổn phận và trách nhiệm đối với lý tưởng GĐPT cũng cao hơn nhiều. Trước tình hình khó khăn hiện nay mà GĐPT đang phải chịu đựng, người HT cấp Tập muốn duy trì và phát triễn một đơn vị không phải là chuyện dễ, nó đòi hỏi người HT phải như một thuyền trưởng đang điều khiển một con thuyền đang đi giửa bão tố phải biết chống chèo, phải biết vận dụng sức mạnh của tập thể, với ý thức trách nhiệm cao độ mới giử vững được con thuyền đi đúng hướng để đạt đến mục tiêu đã định trước. Nếu người HT lảnh đạo đơn vị chỉ sơ sẩy hoặc thiếu sự uyển chuyển cần thiết thì nguy cơ đưa cả đơn vị đến chổ suy tàn là điều không thể tránh khỏi.
III. THỰC HIỆN VAI TRÒ NGƯỜI HT CẤP TẬP:
Trên đây là phân tích và nhận định tình hình và trách nhiệm thực tế của HT cấp Tập tại tỉnh nhà. Giờ đây cụ thể vai trò trách nhiệm đó như thế nào, chúng ta thử tìm hiểu sau đây.
1./ Quan hệ đối nội:
a. Đối với Ban Hướng Dẫn tỉnh:
BHD chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành sinh hoạt các GĐPT trực thuộc. Thế cho nên là HT cấp Tập đang lảnh đạo đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện các Phật sự do BHD điều động, đồng thời phải luôn duy trì sự quan hệ mật thiết với BHD để được hướng dẫn, tư vấn giúp đở trong việc điều hành sinh hoạt tại đơn vị, nhất là khi đơn vị có vấn đề cần giải quyết.
Tạo điều kiện cho đơn vị tham gia các hoạt động của BHD như trại huấn luyện, tu học cho Đoàn sinh và HT, các ngày truyền thống, tu bát quan trai, các lễ lược bất thường v.v… là cách tốt nhất để nâng cao nhận thức của HT và Đoàn sinh về sự tuân thủ kỷ cương của tổ chức và thăng tiến tự thân cũng như đơn vị, đồng thời cũng là cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau làm tư lương cho việc điều hành đơn vị. Nếu bỏ qua một hoạt động nào của BHD tổ chức, người HT lảnh đạo đơn vị đã không hoàn thành trách nhiệm của mình và đã làm mất đi cơ hội để các em rèn luyện, huân tập để tiến bộ và gắn kết hơn nữa với tổ chức GĐPT.
b. Đối với HT đồng cấp và các GĐPT bạn:
Trước hết đối với HT đồng cấp phải xem nhau như là anh em thực sự, luôn gắn kết, thương yêu, sẻ chia, tha thứ lỗi lầm của nhau. Học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc tu học, điều hành đơn vị. Cổ nhân đã nói “học thầy không tầy học bạn” là như thế. Thông qua sinh hoạt Hội đồng cấp, nên chân tình đóng góp những ý kiến xây dựng để giúp nhau tiến bộ.
Với cương vị là Gia trưởng, Liên đoàn trưởng hay Đoàn trưởng tại một đơn vị, người HT cấp Tập tùy theo vị trí đang đảm trách có quan hệ tốt đẹp và giao lưu học hỏi với các đơn vị bạn để mở rộng quan hệ tình cảm trong tổ chức và học hỏi lẫn nhau, cùng nhau phát triển thăng tiến đơn vị. Tuyệt đối không đố kỵ, ganh tỵ nhau về cá nhân HT cũng như đơn vị.
2./ Quan hệ đối ngoại:
a. Đối với Thầy trụ trì và Giáo hội sở tại:
Vì hoàn cảnh đưa đẩy nên hiện nay có một thực trạng đáng tiếc là hầu hết các đơn vị GĐPT đều đang sinh hoạt tại các chùa mà Thầy trụ trì và Đạo tràng đang thuộc về một giáo hội mà chúng ta không quy ngưỡng. Đây là một vấn đề khó khăn nhất mà các HT đang điều hành đơn vị chúng ta phải đương đầu. Mỗi vị trụ trì đều có cái nhìn và cách đối xử khác nhau đối với GĐPT. Là HT chịu trách nhiệm về sự sống còn của một đơn vị, chúng ta phải biết tùy duyên vận dụng tình hình thực tế để sinh hoạt. Tích cực tham gia công tác Phật sự tại trú xứ, tỏ rỏ thiện chí phụng sự Đạo pháp của GĐPT, tìm cách chứng minh sự cần thiết và lợi ích của GĐPT đối với vị trụ trì và Giáo hội. Không đối đầu, không tỏ thái độ bất cộng tác, phải biết tùy duyên vận dụng hoàn cảnh, thuyết phục Thầy trụ trì khi có sự bất đồng ý kiến trong các tổ chức lễ lược, trại mạc v.v… Phải luôn tâm niệm rằng mọi hành hoạt của chúng ta đều đặt sự sống còn của GĐPT lên trên hết.
b. Đối với chính quyền địa phương:
Đúng ra giới hạn của HT cấp Tập không có quan hệ với chính quyền, nhưng trên thực tế hiện nay có nhiều HT cấp Tập đang là Gia trưởng của đơn vị, thế cho nên sự quan hệ với chính quyền địa phương là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề này đòi hỏi HT có trách nhiệm phải biết quyền biến và nắm rỏ pháp luật nhất là về tự do tín ngưỡng để đối thoại trực tiếp với những người đại diện cho chính quyền. Không cần căng thẳng nhưng cần trao đổi thẳng thắn và có lập luận để bảo vệ quan điểm của mình. Hạn chế tối đa sự dao động trong Đoàn sinh khi có sự cố. chứng minh những hoạt động của chúng ta là không vi phạm pháp luật. Chúng ta cũng cần biết rằng pháp luật được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi công dân, mọi địa phương, nhưng thực tế mỗi nơi thực hiện mỗi khác, tại sao thế?. HT chúng ta phải biết phân tích vấn đề với những người thực thi pháp luật để bảo vệ hoạt động của mình, không để bị chèn ép một cách vô lý.
c. Đối với công chúng và phụ huynh:
Muốn phát huy thanh danh và uy tín của tổ chức cũng như từng HT tốt nhất là biểu hiện qua thân giáo. Tư cách, tác phong bên ngoài, đạo đức bên trong của người HT tại địa phương tác động trực tiếp đến sự đánh giá và cách nhìn nhận của công chúng cũng như Phụ huynh Đoàn sinh đối với GĐPT.
Ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn những nơi mà đa số mọi người đều quen biết nhau thì mọi lời nói, việc làm, cách ừng xử đối với gia đình, xã hội của từng HT đều được giám sát chặt chẻ. Không ai muốn cho con mình đến với GĐPT, cũng sẽ không ai ủng hộ GĐPT khi mà đứng đầu tổ chức đó là những người thiếu đạo đức, mất tư cách cả. Thế cho nên tu dưỡng bản thân cũng là một cách mà người HT thiết thực bảo vệ và phát triển đơn vị.
C./ KẾT LUẬN:
Trong xây dựng, muốn một ngôi nhà vững chắc thì phải gia cố nền móng cho thật tốt. Trong GĐPT cũng vậy, muốn cho tổ chức ngày càng phát triển vững mạnh thì phải có hàng ngủ HT ở cơ sở thật sự vững vàng. Nói như vậy để thấy vai trò trách nhiệm của người HT cấp Tập trong giai đoạn là quan trọng như thế nào!
Hàng ngủ HT cấp Tập gần 100 anh chị tại BRVT nếu đồng tâm hiệp lực, rèn luyện tự thân, dấn thân phụng sự Đạo Pháp, phụng sự lý tưởng GĐPT nói chung và đơn vị mình nói riêng thì chắc chắn dù phải chịu bao nhiêu gian khổ, thử thách chông gai chúng ta vẫn tin tưởng GĐPT.BRVT ngày càng thăng tiến hơn ./.
TÂM LỄ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)