Tham luận [1] Hội thảo HT cấp Tín
THAM LUẬN
HỘI THẢO
HUYNH TRƯỞNG CẤP TÍN
GĐPTVN TOÀN QUỐC
Của Hội Đồng Huynh Trưởng GĐPT Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
HT Quảng Mẫn trình bày tại Hội Thảo ngày 31/10/2010 – PHV Pháp Vân – Tp. Hồ Chí Minh
ĐỀ TÀI: Nghiên cứu, vận dụng, khai triển sự chỉ đạo của BHD theo nội dung tinh thần các quyết nghị của Hội nghị HT cấp Dũng – cấp Tấn toàn quốc ngày 31/12/2006 và quyết nghị Đại hội HT GĐPTVN Trên Thế Giới kỳ II ngày 10/10/2008 để xác định đường lối, lập trường một cách diệu dụng vào trú xứ đang sinh hoạt (biến nghịch cảnh thành thuận duyên).
A/ DẪN NHẬP:
Theo Quy chế Huynh Trưởng GĐPTVN, Huynh Trưởng cấp Tín là những HT chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của đơn vị GĐPT và liên đới cùng Ban Hướng Dẫn Tỉnh liên hệ chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của GĐPT một tỉnh. Do vậy, trong tình hình sinh hoạt phải đương đầu với đủ thứ nội ma, ngoại chướng như hiện nay, hàng ngũ HT cấp Tín nhất thiết phải thấu triệt không những hai văn kiện pháp quy căn bản của tổ chức là Nội quy, Quy chế HT (áp dụng trong mọi lĩnh vực, mọi thời điểm) mà còn phải thấu đáo các văn bản, quyết nghị mang tính chất khẳng định lập trường, đường lối sinh hoạt (tại từng giai đoạn quan trọng), cũng như thông suốt sự chỉ đạo của các cấp Ban Hướng Dẫn để vận dụng thích hợp vào trú xứ đang sinh hoạt.
Hai bản quyết nghị được chung quyết tại Hội nghị HT cấp Dũng – cấp Tấn và Thường Vụ các Tỉnh, Thành toàn quốc ngày 31/12/2006 và tại Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN Trên Thế Giới kỳ II ngày 10/10/2008 là những văn kiện hết sức quan trọng của GĐPT trong giai đoạn hiện tại mà hàng ngũ HT cấp Tín chúng ta không thể không thấu đáo để nghiêm cẩn thi hành.
B/ THỜI ĐIỂM & NỘI DUNG CÁC QUYẾT NGHỊ:
I. Quyết nghị của Hội nghị HT cấp Dũng – cấp Tấn toàn quốc ngày 31/12/2006:
Vào ngày 7.11.2004 tại Bồ Ðề Ðạo tràng – Ấn Ðộ, một Lễ hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên Thế Giới được khai mạc với sự tham dự của các phái đoàn Ban Hướng Dẫn GĐPTVN khắp các quốc gia, châu lục chỉ trừ phái đoàn Quốc nội Việt Nam gồm 21 Huynh Trưởng đại biểu, tuy đi bằng nhiều chuyến bay khác nhau, nhưng đều đã bị nhà đương cuộc ngăn chận lại tại phi trường Tân Sơn Nhất (Saigon) không thể có mặt.
Tuy vậy, do đã tiên liệu và chuẩn bị trước, Diễn văn khai mạc Đại hội của HT Nguyên Tín Nguyễn Châu, đương kim Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN vẫn ấm áp vang lên giữa Đại hội trường từ máy ghi âm qua hệ thống phóng thanh.
Đây là một lễ hội mang tính chất lịch sử của tổ chức GĐPTVN mà từ nay trong Lam sử sẽ được ghi nhận là Đại hội đầu tiên của GĐPTVN Trên Thế Giới vì qua 3 ngày hội họp (7, 8, 9/11/2004) ngay trên đất Phật, kết quả lễ hội thu được là:
- Hình thành một tổ chức GĐPTVN rộng lớn hơn trước với danh xưng: GĐPTVN Trên Thế Giới.
- Công cử thành phần tân Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới đầu tiên do HT Nguyên Tín Nguyễn Châu làm Trưởng Ban.
- Vạch định và thông qua đề án hoạt động nhiệm kỳ 2004-2008 và nhiều hoạt động khác bên lề hội nghị.
- Biểu quyết tán thành bản Quyết nghị khẳng định một điều khoản duy nhất: KHÔNG ÐỂ BẤT CỨ MỘT THẾ LỰC VÔ MINH NÀO CÓ THỂ CHI PHỐI HAY PHÂN HÓA GIA ÐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM.
Thế nhưng, ngay sau kết quả lịch sử quý báu và đáng mừng đó thì sóng gió ba đào liên tiếp đổ xuống GĐPTVN khắp mọi nơi, từ quốc nội ra hải ngoại. Điều đáng buồn là lần nầy, bão tố chưa phải đến từ các nhà đương cuộc mà là đến từ cha mẹ, anh em, con cái trong nhà. Có nhiều nguyên nhân không đáng có để phát sinh trận cuồng ba nầy, trong đó có một nguyên nhân khá trớ trêu là vì GĐPTVN chúng ta đã dám phát triển ra cả thế giới và đã dám “thống nhất trên thế giới” trước cả Giáo Hội mẹ của chúng ta: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Liên tiếp những Thông điệp, Giáo chỉ, Quyết định, Văn thư… nội bộ và công khai, bảo vệ và công kích, thật và giả… thậm chí và tệ hại nhất là những bản văn, thư rơi… phát tán tràn lan như một cơn đại dịch trong nước, ngoài nước và trên mạng điện toán internet toàn cầu mà cao điểm là những văn kiện mang tính chất khai tử các Ban Hướng Dẫn và tổ chức GĐPTVN truyền thống tại các quốc gia, châu lục.
Trước tình hình rối rắm, phức tạp mà dù oan ức chúng ta không có quyền biện minh, phản kháng vì “há miệng mắc quai” và càng không thể “vạch áo cho người xem lưng” nên chúng ta đành mặc cho bất cứ ai cứ “bới lông tìm vết”. Hãy nhớ lại lúc bấy giờ, không một bản văn, một thư rơi… không một cuộc bút chiến nào có bóng dáng Huynh Trưởng, Đoàn Sinh chúng ta ẩn hiện. Thật đáng mừng nếu không nói là đáng khâm phục! Chúng ta có lỗi chăng? Chúng ta thiếu biện tài chăng? Chúng ta hèn nhát chăng? Ai cũng biết là không phải như vậy!
Thế nhưng đâu thể bỏ con thuyền Lam lênh đênh trôi dạt trên đầu sóng, mặc cho mưa dập gió vùi hằng mấy trăm ngàn Lam viên, hằng mấy trăm đơn vị GĐPT, Ban Đại Diện, Ban Hướng Dẫn các cấp trên toàn thế giới?
Lạy Phật! Lạy chư Thiên long Hộ pháp! Lạy anh linh chư Lịch Đại Tổ Sư, Chư Thánh Tử Đạo Việt Nam, chư vị Tiền bối sáng lập, hữu công, Huynh trưởng, Đoàn sinh GĐPTVN quá cố! Quý ngài đã gia trì cho GĐPTVN trí huệ quang huy, tín tâm kiên cố, nguyện lực vững bền trong cơn Lam nạn.
Sau khi liên tiếp nhận nhiều tâm thư, kiến nghị, trình thư… của các Ban Hướng Dẫn, Ban Đại Diện Tỉnh, Thị, Miền; của Hội Đồng Huynh Trưởng các cấp; của chư vị tôn túc Tăng già xuất thân GĐPT, vào ngày 31/12/2006 tại Như Thị Thất – Saigon, một hội nghị cao cấp của GĐPTVN tại Quốc nội được triệu tập gồm hàng ngũ HT cấp Dũng, cấp Tấn và Thường vụ BHD các Tỉnh, Thị, Miền. Đây là một hội nghị lịch sử thật sự được tổ chức lần đầu tiên sau hơn 30 năm bảo tồn và phục hoạt tổ chức, quy tụ 96 Đại biểu của 22 phái đoàn: Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Pleiku, Kontum, Daklak, Lâm Đồng, Gia Định, Quảng Đức và Đoàn Cựu Huynh Trưởng tại Quốc nội để nhận định tình hình và minh định lập trường của GĐPTVN trong giai đoạn mâu thuẩn, phân hóa từ nội tại. Một bản quyết nghị đã được chung quyết với 100% phiếu thuận đã thể hiện tinh thần trung kiên, vô úy, hiếu thuận và kham nhẫn vô điều kiện của toàn thể Lam viên GĐPTVN trong cơn Lam nạn. Dưới đây lược trích chánh văn 4 điểm quyết nghị đã được công bố ấy:
1) Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ ngày ra đời đến nay cho đến mãi mãi về sau luôn giữ đúng lý tưởng – mục đích – tôn chỉ của tổ chức.
2) Gia Đình Phật Tử Việt Nam luôn đặt mình trong lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nội quy và Quy chế Huynh Trưởng là văn kiện pháp quy được hình thành bởi hằng triệu con tim, khối óc của bao thế hệ, do đó Huynh Trưởng và Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam phải có bổn phận bảo vệ vẹn toàn.
3) Gia Đình Phật Tử Việt Nam trước tình huống thương tổn cốt nhục hiện nay, nguyện đồng lòng nhẫn nhục, chịu đựng để giữ hòa hiếu trong niềm tin vào Chánh pháp.
4) Mặc tẩn đối với những thành phần Huynh Trưởng đã, đang và sẽ có ý đồ manh động gây chia rẽ tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Như vậy, chỉ sau gần 2 năm tổ chức Đại hội GĐPTVN Trên Thế Giới lần thứ nhất, tại quốc nội đã phải triệu tập một hội nghị Huynh Trưởng cao cấp nhằm minh định lập trường và vạch một lối đi thích hợp cho GĐPTVN trong giai đoạn phải đương đầu với nội ma, ngoại chướng. Tuy không hoàn toàn hóa giải được hết những khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt nhưng phải thừa nhận rằng bằng vào tinh thần trung kiên, vô úy nhưng kham nhẫn triệt để, cộng với thái độ tín nhiệm và thượng tuân kỷ luật của các Ban Hướng Dẫn, Ban Đại Diện, các đơn vị GĐPT trực thuộc cũng như cá nhân từng Đoàn Viên GĐPTVN mà BHD Trung Ương tại quốc nội cũng như BHD/GĐPTVN Trên Thế Giới vẫn giữ vững được giềng mối và điều hành sinh hoạt của tổ chức một cách điều hòa, các sinh hoạt truyền thống và chuyên môn không những vẫn được duy trì, không đình trệ mà còn thăng hoa, phát triển. Mọi sự công kích từ bên ngoài cũng như bên trong đều trở thành vô hiệu như quả đấm đánh vào hư không, như cục đá ném xuống hồ nước lớn, tuy có xao động mặt hồ nhưng rồi cũng chìm nghĩm dưới đáy hồ, dư ba cho dù có còn kéo dài một khoảng thời gian nào đi nữa thì rồi cũng phải trả lại bản thể tự nhiên như mặt hồ vốn có.
II. Quyết nghị của Đại hội HT GĐPTVN Trên Thế Giới kỳ II ngày 10/10/2008:
Như định luật tuần hoàn vũ trụ, hết hạ sang thu, đông tàn xuân đến, Nhiệm kỳ I của BHD/GĐPTVN Trên Thế Giới với bao gian khó rồi cũng qua đi. Từ ngày 7 đến ngày 10/10/2008 Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN Trên Thế Giới kỳ II đã diễn ra viên mãn, lần nầy trên Vương quốc Thailand, một Vương quốc mà Phật Giáo là quốc giáo.
Sau những hoạt động theo thông lệ của một Đại hội Huynh Trưởng, bản quyết nghị được chung quyết lần nầy ngoài việc xác quyết lập trường trước sau như một qua 7 thập kỷ nay kể từ ngàu hình thành Gia Đình Phật Hóa Phổ, đã minh định quyết tâm phải quy nhất, kiện toàn, cũng cố và phát triển tổ chức GĐPTVN chung cùng hệ thống trên toàn thế giới. Dưới đây là nguyên văn bản quyết nghị của Đại hội:
Chúng tôi, toàn thể Huynh Trưởng Đại Biểu tham dự Đại hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới kỳ II – nhiệm kỳ 2008-2012 tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 07 đến ngày 10 tháng 10 năm 2008.
NHẬN ĐỊNH:
1. Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức Giáo Dục: “Ðào luyện Thanh, Thiếu, Ðồng niên thành Phật Tử chơn chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”, một tổ chức nằm trong lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – hậu thân của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập năm 1951 – đã truyền thừa chính thống: Lý tưởng hòa bình; Sứ mệnh xiển dương Chánh Pháp; Sự nghiệp giác ngộ và giải thoát chúng sanh của Phật Giáo trong lịch sử 2000 năm đối với Dân tộc Việt Nam.
2. Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục tôn giáo lấy Giáo lý Phật Đà làm nền tảng cho mọi tiêu hướng hành hoạt, bởi lẽ đó, luôn luôn đặt mình quy ngưỡng Tam Bảo trong bất cứ tình huống nào.
3. Suốt chiều dài lịch sử hơn 70 năm, Gia Đình Phật Tử Việt Nam chính là thế hệ mà Chư Tôn Đức tiền bối hữu công quan tâm, thao thức, dốc lòng dựng xây nhằm kiến tạo lực lượng kế thừa cho sự nghiệp chung của Phật Giáo Việt Nam như lời bác Tâm Minh Lê Đình Thám – Sáng lập viên – khẳng định: “Không một thành tựu vững bền nào mà không nhắm đến tầng lớp thanh thiếu nhi vì họ là những người kế tục trong mai hậu”. Lời khẳng định như bản “Tuyên Ngôn” khai sinh Tổ Chức Áo Lam và từ đó Sen Trắng đã ươm mầm, vươn mình thành tâm xây đời hộ đạo.
4. Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã được khai sinh trong hoàn cảnh biến động của lịch sử xã hội Việt Nam và trưởng thành trong kinh nghiệm đau thương gian khổ của Tổ Quốc. Sự thăng tiến của Tổ Chức là một điều tất yếu, từ đó việc kiện toàn và phát triển Gia Đình Phật Tử cần phải được quan tâm thực hiện một cách trọn vẹn và thống nhất.
5. Trên hơn nửa thế kỷ qua, trang sử bi hùng của các thế hệ Gia Đình Phật Tử vốn đã cống hiến ngay cả sinh mạng để giữ tròn khí tiết của người Phật tử đã lâm vào cảnh khốn cùng vì không chịu khuất phục trước cường quyền mà từ bỏ lý tưởng của mình. Máu và nước mắt của các thế hệ đã qua và cũng của chính những người đang thường trực đối diện với mọi đe dọa an ninh, nghề nghiệp… Đó là chính nghĩa tồn tại của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
6. Trong Đạo Phật chỉ có Giới Định Tuệ mà không có giáo quyền; chỉ có tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn mà không có mê vọng và tham vọng; chỉ có lập nguyện và lập hạnh mà không có áp đặt và chỉ có mọi sự hiện hữu trong hổ tương và dung thông vô ngại mà không có sự hiện hữu đơn thuần và độc đoán. Nếu ta nghĩ rằng, có một sự hiện hữu đơn thuần và độc đoán, đó là ý nghĩ lệ thuộc vào những yếu tố điên đảo vô minh và phi Phật Giáo.
Từ những nhận định trên, Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên Thế giới kỳ II – 2008
ĐỒNG THANH QUYẾT NGHỊ:
1) GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI trong bất cứ tình huống, không gian, thời gian nào cũng vẫn là đứa con trung kiên, là lực lượng hậu bị của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và xác quyết: luôn luôn quy ngưỡng Tam Bảo trong tương quan cọng sinh để xiển dương chánh pháp.
2) GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI trong bất cứ tình huống nào vẫn quyết tâm thực hiện mục đích của Gia Đình Phật Tử đã được đề ra nhằm phụng sự Đạo pháp, Dân tộc và Nhân loại là nghĩa vụ thiêng liêng của chính mình.
3) GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI minh định việc quy nhất tập thể cộng đồng Gia Đình Phật Tử cùng chung một hệ thống là điếu tất yếu nhằm củng cố, kiện toàn để phát triển tổ chức hầu tiến tới hội nhập vào thế giới khoa học kỷ thuật hiện nay với danh xưng GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI.
4) GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI luôn tỉnh thức trước những âm mưu nội, ngoại tại nhằm phân hóa tổ chức và luôn dũng mãnh, tinh tấn, tiến tu để hoàn thành sứ mạng phụng sự cho lý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, quang phục Đạo pháp và Quê hương.
Làm tại Bangkok – Thái Lan, ngày 10 tháng 10 năm 2008.
Toàn thể Đại Biểu tham dự Đại Hội Huynh Trưởng
Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới kỳ II
(Đồng ký tên)
C/ TINH THẦN CÁC QUYẾT NGHỊ & THÁI ĐỘ, LẬP TRƯỜNG HÀNG NGŨ HT CẤP TÍN:
Qua nghiên cứu nguyên nhân, xuất xứ, thời điểm và tinh thần các bản quyết nghị mang tính chất lịch sử và đặc biệt quan trọng của GĐPTVN từ năm 2004 đến nay (2010), đặc biệt là quyết nghị của Hội nghị HT cấp Dũng – cấp Tấn năm 2006 và quyết nghị Đại hội HT GĐPTVN Trên Thế Giới kỳ II – năm 2008, Chúng ta nhận thức rằng tinh thần chủ đạo toát ra trong các quyết nghị bao hàm:
1. Minh định rằng: GĐPTVN trong bất kỳ không gian, thời gian nào từ trước đến nay vẫn là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất như ấn định tại điều 16 chương 2 Hiến chương của Giáo Hội ban hành ngày 14/12/1965. Trong quá khứ từng là đứa con hiếu thuận khi nhà có biến, là lực lượng trung kiên khi Giáo Hội lâm nguy, luôn khâm tuân sự giáo huấn, dẫn đạo đúng đắn của Lưỡng Viện và sẵn sàng xã thân bảo vệ Đạo Pháp, Dân Tộc, Giáo Hội trước mọi nguy nan, áp bức. Trong hiện tại chưa một lần chối từ nguồn gốc, quay lưng với Giáo hội trước bất kỳ âm mưu chia rẽ hay áp lực từ ngoại tại hay nội tại. Trong tương lai là lực lượng hậu bị kế thừa Giáo hội phụng trì Tam Bảo, tiếp dẫn hậu lai, duy trì mạng mạch và xiễn dương Chánh pháp đúng theo tinh thần giáo lý Phật Đà.
2. Xác quyết rằng: GĐPTVN ở bất kể quốc gia, châu lục nào, trong bất cứ trường hợp nào, tại bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn triệt để tuân thủ và bảo vệ Hiến chương do Giáo Hội ban hành, Nội quy GĐPTVN do Giáo Hội duyệt y và Quy chế Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử Vụ trực thuộc Giáo Hội. Quyết toàn tâm toàn ý phụng sự mục đích GĐPTVN là “đào tạo thanh Thiếu, Đồng Niên thành Phật Tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Dù thuận lợi hay khó khăn, an bình hay hoạn nạn, GĐPTVN cương quyết từ chối và phủ nhận mọi lời nói, việc làm hay văn bản bất kỳ nào vi phạm những quy tắc đã được ấn định tại các văn kiện lập quy nói trên và trái với mục đích GĐPTVN.
3. Quyết tâm rằng: GĐPTVN phải được quy nhất các tập thể chung cùng hệ thống trên toàn cầu nhằm kiện toàn, cũng cố tổ chức, cải thiện mối quan hệ, cập nhật chương trình tu học và sinh hoạt theo kịp với sự tiến bộ nhân bản và khoa học của nhân loại để phát triển tổ chức phù hợp với danh xưng GĐPTVN Trên Thế Giới hiện hữu, đồng thời tạo thêm cơ hội hòa nhập với các phong trào thanh niên tiến bộ trên thế giới với tôn chỉ “khai phóng, sáng tạo nhưng không hướng ngoại, mất gốc” để thực hiện chí hướng phụng sự Đạo pháp, Tổ quốc và Nhân loại.
Với tinh thần trong sáng như vậy và để thực hiện được những mục tiêu cao cả như vậy, toàn thể Đoàn Viên GĐPTVN nói chung, hàng ngũ HT cấp Tín nói riêng, trong giai đoạn nầy cần kiến lập một thái độ đúng đắn, xác định một quan điểm rõ ràng, bảo vệ một lập trường dứt khoát. Thái độ ấy, quan điểm ấy, lập trường ấy được kết tinh từ những phát biểu sáng giá từ các Hội nghị lịch sử kể trên, đặc biệt là Hội nghị HT cao cấp năm 2006:
- GĐPTVN (trong đó có hàng ngũ Huynh Trưởng cấp Tín GĐPTVN) phải luôn tinh tấn tiến tu, huân tập từ bi, khai minh huệ trí, phát huy dũng lực, đoạn trừ sân si, ngăn ngừa kiêu mạn, nuôi dưỡng tinh thần trung kiên, vô úy để duy trì và bảo vệ tổ chức, hướng dẫn đàn em sống hướng theo Chánh pháp, xây dựng cộng đồng, quang huy quốc độ.
- GĐPTVN (trong đó có hàng ngũ Huynh Trưởng cấp Tín GĐPTVN) dứt khoát không tham gia bất kỳ tổ chức, hình thái chính trị nào; không tranh danh đoạt lợi để mưu cầu hãnh tiến; không vận động, giành giật để thủ đắc; không đối phó, nịnh bợ để cầu thân; không vạch trần, tố cáo cá nhân hay tập thể khác với mưu đồ bất thiện; không phát ngôn, hành động hại ai mà chỉ thúc liễm thân tâm thanh tịnh để giữ Giới; không oán thù, tỵ hiềm ai mà chỉ kham nhẫn, hỷ xã để giữ Luật (lời HT Nguyên Tín).
- GĐPTVN (trong đó có hàng ngũ Huynh Trưởng cấp Tín GĐPTVN) phải luôn tỉnh táo trước mọi âm mưu nội và ngoại tại nhằm phân hóa, triệt hạ, thủ tiêu GĐPT. Không vội vàng nhận xét, khen chê, phản ứng trước những thông tin chưa kiểm chứng, những luồng dư luận trái ngược nhau, những sinh hoạt tương đồng hay dị biệt của Phật Giáo hay GĐPT. Tôn trọng và bảo tồn sự thiêng liêng của Giáo kỳ, Giáo ca, Giáo sử. Gìn giữ và bảo vệ sự trong sáng của màu cờ, sắc áo, Nội quy, Quy chế Huynh Trưởng GĐPTVN. Thực thi và tuân giữ mục đích, châm ngôn, khẩu hiệu, luật GĐPT. Hành hoạt theo cương yếu, hệ thống tổ chức, tuân kỷ luật, chịu huấn luyện. Tha thiết với tiền đồ xây dựng và phát triển một tổ chức GĐPTVN Trên Thế Giới xứng đáng với truyền thống và dòng Lam sử.
D/ KHAI TRIỂN SỰ CHỈ ĐẠO CỦA BHD & VẬN DỤNG TINH THẦN CÁC QUYẾT NGHỊ:
Thấu triệt tinh thần và xác lập thái độ, lập trường như trên đây là chúng ta đã có một hành trang tư lương vững chắc cho người Huynh Trưởng cấp Tín trên con đường chông gai trước mặt để tiến tu và hành hoạt phụng sự lý tưởng GĐPT, phục vụ đàn em.
Tuy nhiên, tất cả sẽ chỉ là mớ lý thuyết suông vô bổ, những ngôn từ thế trí biện thông của người “ngôn hành bất nhất”, làm ít nói nhiều, nói hay làm dỡ… Suy tư và trách nhiệm của chúng ta trước tương lai và sự tồn vong của tổ chức là biết cách làm sao để vận dụng tinh thần các quyết nghị trên đây theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp BHD mà trực tiếp gần nhất là BHD Tỉnh nhà để “biến nghịch cảnh thành thuận duyên” tại trú xứ nơi sinh hoạt hầu duy trì và phát triển được sinh hoạt của đơn vị địa phương liên hệ, bảo tồn truyền thống, kỷ cương tổ chức, góp phần cùng mọi tầng lớp Lam viên xây dựng và bảo vệ trường cữu ngôi nhà chung GĐPTVN Trên Thế Giới.
Tư cách, nhiệm vụ người HT chúng ta đã thấu triệt (chứ chưa phải đã thực hành được trọn vẹn) qua bao bài học trong chương trình tu học và trại huấn luyện HT, Ở đây, trong phạm vi đề tài nầy và trong giai đoạn hiện tại, chúng ta cần kết hợp trách nhiệm từ các bài học ấy với sự nhận định tình thế hiện tại một cách khách quan. Hãy thử bổ sung những phương thức khẩn yếu, những giải pháp thực tế hầu thành toàn lý tưởng cao đẹp nhưng sứ mệnh lại vô vàn khó khăn của chúng ta hiện nay:
a) Đối với tự thân, gia đình, xã hội: Muốn khôi phục lại uy tín, hình ảnh đẹp đẻ của người HT/GĐPTVN trong cộng đồng làng xã, khóm phường như trước đây vốn có, HT chúng ta chỉ có thể lấy thân giáo làm phương tiện hành xữ để Phật hóa gia đình, cải hóa xã hội và hướng dẫn đàn em tu học. Do đó, phải thực sự nỗ lực tấn tu, không được buông lung, giải đãi. Không thể chỉ làm một Huynh Trưởng chỉ khi mặc sắc phục GĐPT mà thôi. Trong tình trạng suy đồi đạo đức xã hội hiện thời, phải cương quyết tránh xa những sinh hoạt trái với Chánh pháp, hãy lấy từ bi làm động lực, lấy trí tuệ làm đạo nghiệp, thường cận kề Tam Bảo, tích cực hạ thủ công phu tu trì nghiêm mật. Không có gì nghịch lý cho bằng một HT mang cấp Tín của GĐPTVN lại không hề tham dự hay thường xuyên vắng mặt ở các kỳ tu Bát Quan Trai dành cho HT, các khóa tu học trường kỳ HT, các kỳ sinh hoạt Hội Đồng HT hay các phiên họp của hàng HT!
b) Đối với các cấp Giáo Hội địa phương liên hệ: Thực tế hiện nay, đây là một danh xưng khá là rộng nghĩa và tế nhị vì mỗi đơn vị chúng ta đang sinh hoạt trên một trú xứ và một “môi trường Giáo Hội” rất khác biệt và rất là “không thống nhất”. Dung hợp được quan niệm và nhận thức về sinh hoạt của GĐPT của từng vị Trụ trì, từng Tăng Ni, từng Khuôn hội (Ban Đại Diện, Ban Hộ Tự, Ban Hộ Trì Tam Bảo v…v…), của từng Đạo Tràng, Đạo hửu với nhiều khác biệt như hiện tại là điều mà không phải HT nào cũng dễ dàng làm được tuy chúng ta luôn có ý thức kỉnh Phật trọng Tăng và tôn kính hàng Pháp lữ Thiện tri thức. Một đơn vị nào đó của chúng ta nếu rơi vào một trú xứ chướng ngại, cách thế duy nhất là phải “Thiện xão phương tiện”, phải tùy duyên để duy trì sinh hoạt. Ở đây tưởng cũng cần mở một dấu ngoặc kép cho chúng ta: hãy áp dụng pháp môn “tùy duyên bất biến – bất biến tùy duyên” theo chánh đạo chứ đừng để rơi vào cảnh dở khóc dở cười như đã từng xãy ra trong quá khứ và hiện tại: “tùy duyên mà biến chất” hay “tùy duyên rồi… biến mất”!!!
Cần lưu ý rằng, trong HT chúng ta không thiếu những anh chị chưa hoàn hảo, có khi sinh hoạt tự thân chưa xứng đáng; tu tập còn giải đãi; trình độ Phật học còn tầm thường, nhận thức còn cực đoan; kiến giải còn hẹp hòi nhưng lại công thần, cống cao, ngã mạn; tu (chỉ mới trên lý thuyết) mà mở miệng thì nghe như công án của các Thiền sư cao Tăng đắc đạo; nói chuyện bình thường mà cứ như những Pháp sư đăng đàn thuyết pháp; ngôn ngữ giao tiếp thì “một tấc đến trời” trách sao sinh hoạt đơn vị không bị khó khăn, chướng ngại? Hãy nhớ: “chúng sanh cang cường thì Bồ tát phương tiện” nhưng đừng bao giờ làm một Tế Điên Hòa Thượng, một Thiền sư “thỏng tay vào chợ” khi chúng ta chỉ là những Phật tử chỉ mới giữ Ngũ giới, Tam quy hay hơn chút nữa cũng chỉ là Thập Thiện hay Bồ Tát giới!
Chúng ta biết rõ – và với tinh thần quyền biến – cần làm sao cho mọi người biết rõ cội nguồn của GĐPTVN, cội nguồn của GHPGVNTN mà Hiến chương cũng như Nội quy GĐPTVN là hai văn kiện pháp quy, được xem như hai bản Hiến pháp thu hẹp của Tăng, Tín đồ Phật Giáo Việt Nam và Đoàn Viên GĐPTVN – Một công trình nối kết hài hòa giữa các Giáo hệ trong hai Tông phái Nam Bắc mà không có một quốc gia Phật Giáo nào trên thế giới có được. Do vậy, Giáo Hội và GĐPT, Tăng Ni và Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPT đang chung cùng trong Tứ chúng đồng tu, cùng quy ngưỡng Tam Bảo trong tương quan cộng sinh để xiển dương chánh pháp. Và vì lẽ đó, để sự gắn kết bất khả phân giữa Giáo Hội và GĐPT bền vững thì trách nhiệm của chúng ta, những HT – đồng thời cũng là những Cư sĩ hộ pháp – trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng có cùng lúc hai trách nhiệm song hành, ấy là nhất tâm bảo vệ hai văn kiện pháp quy lịch sử quý báu bất hủ đó dù có phải hy sinh đến thân mạng. (trich ý HT Nguyên Tín – Lá thư Sen Trắng số 22).
Một điểu cốt tử mà HT chúng ta cần phải ghi nhớ nằm lòng: Cổ nhân dạy “gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần”. Chúng ta quyết trong tình huống nào cũng sẽ làm những người tôi trung, con hiếu. Con hư cha mẹ có thể từ, nhưng con cái dù không hư mà bị trách mắng, la rầy oan uổng cũng không bao giờ được phép quay lưng với cha mẹ. Hãy suy nghiệm và lựa chọn thái độ cho câu hỏi như một công án mà anh Nguyên Tín đưa ra trong hội nghị HT cao cấp ngày 31/12/ 2006: Khi bị oan ép bởi cha mẹ, người con sẽ có 1 trong 3 thái độ: nói lại với cha mẹ là con bị oan, cãi lại với thái độ hổn láo hoặc im lặng chịu đựng và cầu nguyện cho cha me hiểu mình. Chúng ta chọn thái độ nào?
c) Đối với Ban Hướng Dẫn, đơn vị đang sinh hoạt và các đơn vị bạn: Trong tình hình tổ chức bị phân hóa như hiện nay cộng với sự sự thịnh phát của ngành công nghệ điện toán và phương tiện ấn loát, với sự bùng nổ thông tin trên mạng internet toàn cầu thì những âm mưu chia rẽ, chụp mũ, những thông tin thất thiệt, xuyên tạc, quấy rối, tung hỏa mù… rất dễ dàng được phát tán vô tội vạ. Lúc nầy hơn bao giờ hết, chúng ta phải luôn thực hiện trọn vẹn bài học vỡ lòng HT từ thời được trao truyền trên đất trại Lộc Uyển: phải giữ vững đức tin của người HT: Tin Phật; tin giáo pháp của Phật; tin vào đoàn thể Tăng Già thanh tịnh; tin vào chính mình và tin ở tổ chức GĐPT.
Một HT khi đã tin GĐPT là tin ở lý tưởng mình đang phụng sự, tin vào truyền thống tốt đẹp, tin ở lịch sử bi hùng, tin vào tương lai tươi sáng của GĐPT, tin tưởng sự lảnh đạo đúng đắn của cấp trên và sự trung thành của cấp dưới, chịu học hỏi, tôn trọng và hợp tác với HT trên cấp, biết thành thật thương yêu, quý mến và dìu dắt HT dưới cấp vì tiền đồ và lợi ích chung của GĐPT.
Có như thế chúng ta mới có đủ tín tâm, có dũng lực để giữ vững hòa khí trong tinh thần lục hòa cộng trụ. Phải hết sức bình tỉnh, kham nhẫn, đoàn kết, luôn thể hiện tinh thần “bất khả phân” để hóa giải mọi dị biệt và xung đột. Phải trung kiên giữ vững tinh thần “bất thối chuyển”, dù gian khó, nguy nan vẫn vững tâm đi tới. Đừng dừng lại để khóc than, thổn thức hay hể hả say sưa trong men chiến thắng. Đừng lấy làm vui khi được ngợi ca, xưng tán hay lấy làm buồn khi bị chỉ trích, chê bai thậm chí bị gán ghép, đơm đặt, chụp mũ…
Không có thước đo nào chính xác để đo tinh thần, năng lực của HT chúng ta hơn là nhìn vào sinh hoạt đơn vị, nhìn nào các em Đoàn Sinh của chúng ta. Không thể tự xưng là một HT xuất sắc trong một đơn vị yếu kém. “Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt là lùi”. Trên lộ trình tu học, dừng lại đã là tụt hậu. Hãy thường xuyên nuôi dưỡng ý thức yêu nghề dạy trẽ để tự mình phải học mới có đủ kiến thức, năng lực dạy các em học. Muốn các em thực hành kỷ luật tự mình phải tự giác tuân kỷ luật. Tôn trọng thượng cấp, thi hành nghiêm cẩn các chỉ thị của thượng cấp cũng chính là một bài học không lời noi gương cho thuộc cấp.
Đừng bao giờ quên rằng các đơn vị bạn, các HT bạn là những người đồng hành khắng khít trên lộ trình dựng xây và phát triển tổ chức. Không thể xây dựng một GĐPTVN Trên Thế Giới lớn mạnh với chỉ những kẻ bộ hành đơn độc, những HT đơn độc, những đơn vị đơn độc, những tỉnh thành đơn độc không gắn kết. Chỉ có sự đoàn kết ngày càng nhân rộng mới tạo thành sức mạnh “nhân hòa” để khắc phục, chống chọi với trở ngại, khó khăn khi chưa gặp lúc “thiên thời”, “địa lợi”!.
d) Đối với các Huynh Trưởng xa rời tổ chức: Có vô vàn lý do, hoàn cảnh để những HT đã một lần quỳ trước đài sen phát nguyện trung thành với lý tưởng, với tổ chức nhưng hiện nay vắng bóng trong mái nhà Lam. Ở đây chúng ta sẽ không đề cập tới các anh chị đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ Dân tộc, Đạo pháp, lý tưởng GĐPT hay các anh chị đã xã báo thân vì nghiệp duyên đã dứt. Họ đã và đang trở thành anh linh những Pháp lữ đồng hành với chúng ta trên con đường Lam vô tận.
Chúng ta hãy suy nghiệm về những HT còn hiện diện trên cõi đời nầy nhưng chúng ta thấy các anh chị ấy dường như đang dộc hành trên một con đường khác. Vì hoàn cảnh gia đình ư? Đáng buồn nhưng không đáng trách! Vì thiên kiến, cực đoan, bất mãn, thoái hóa mà rời xa mái ấm ư? Đáng trách nhưng không đáng giận! Tất cả đều do nhân duyên sanh, nhân duyên diệt chi phối theo định luật vô thường thành, trụ, hoại, không. Thế còn các anh chị vì tâm si mê, sân hận, độc ác, dối gian, mưu đồ thế sự mà ngoảnh mặt quay lưng, thậm chí điên cuồng công phá thành trì của chính cái tổ chức đã một thời cưu mang, giáo dưỡng mình, đã một thời mình phát tâm phụng sự? Chúng ta hãy xem như đây là những trường hợp cộng nghiệp phát sinh, oán tắng hội khổ như trong kinh điển dạy. Thi hành kỷ luật ư? Khai trừ ư? Đó là việc làm cần thiết để giữ gìn giềng mối, nhưng liệu có kết quả, có giá trị gì không đối với những người đã không biết kỷ luật và không tuân theo kỷ luật? Những người đã phản bội lý tưởng của mình, quay lưng đi thì kỷ luật phỏng có giá trị gì với họ? Với những anh chị ấy, ở giai đoạn sau nầy GĐPT chúng ta mới có một hình thức kỷ luật có tên gọi rất chi lý thú: MẶC TẨN! (chữ dùng của Ni sư Cố vấn Giáo hạnh GĐPT Thích Nữ Như Tường trong hội nghị HT 31/12/2006). Mặc tẩn có nghĩa là tự họ đã mặc nhiên bị tẩn xuất khỏi tổ chức rồi vậy!
Nói như thế không có nghĩa là với HT nào chúng ta cũng áp dụng “mặc tẩn”. Biện pháp nầy chỉ được dùng khi xử lý kỷ luật bằng 1 quyết định sẽ làm các bậc bề trên trong nhà chúng ta thương tổn và ngoại ma sẽ lợi dụng công phá chúng ta. Những trường hợp khác đương nhiên chúng ta vẫn phải thi hành nghiêm ngặt theo Quy chế HT.
E/KẾT LUẬN:
Chúng ta tin vào đạo lý nhân quả. Vạn sự, vạn vật không thể rời nhân duyên mà có, không thể rời nhân quả mà thành. Chúng ta không sợ quả xấu mà chỉ chăm lo tu học để tạo nhân lành. Do đó phải luôn soi rọi lại mình, chớ lặp lại những sai lầm trong lịch sử mà chiêu cảm cộng nghiệp phát sinh (HT Nguyên Tín).
Chúng ta thường hy sinh cho tổ chức mà quên giữ tâm ý thanh tịnh của chính mình. Hãy kham nhẫn để loại trừ tâm sân vì tâm sân nổi lên thì oán thù chồng chất. Hãy học hạnh Bồ tát Thường Bất Khinh tôn trọng mọi chúng sanh đều có Phật tánh. Hãy tin tưởng: tinh thần Áo Lam là bất diệt với thời gian và không gian (NS Như Tường).
Xin trích dẫn lời anh đương kim Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới và Ni Sư Cố Vấn Giáo Hạnh GĐPTVN làm lời kết cho đề tài tham luận nầy.
Tin và thực hiện đúng đắn những lời giáo huấn trên đây hẵn rằng chúng ta sẽ có đủ tín tâm, trí huệ, dũng lực để vận dụng tinh thần các quyết nghị và sự chỉ đạo của các cấp Ban Hướng Dẫn nhằm hóa giải những khó khăn, chướng ngại, diệu dụng chuyển biến nghịch cảnh thành thuận duyên tại trú xứ đang sinh hoạt.
Phật lịch 2554. Bà Rịa–Vũng Tàu, ngày 7 tháng 8 năm 2010.
HỘI ĐỒNG HUYNH TRƯỞNG CẤP TÍN GĐPT TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
- HẾT -
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)