TÁM GIÓ THỔI KHÔNG ĐỘNG!
“Bát Phong” là tám ngọn gió, bát phong gồm có bốn điều phước lành và bốn điều bất trắc như sau: “thịnh và suy, hủy và dự, xưng và cơ, khổ và lạc”. Bát phong có bốn cặp đối nghịch nhau: Một là hưng thịnh, lợi lộc và suy sụp, điêu tàn. Hai là hủy báng, gièm pha và danh dự, tiếng thơm. Ba là xưng dương, tán tụng và cơ bài, chỉ trích. Bốn là phiền não, khổ đau và an lạc, hạnh phúc. Đó là tám ngọn gió thường tình của thế gian, lúc nào cũng không ngừng thổi, hết cơn gió này rồi đến cơn gió khác, khi thì gió lành thổi nhẹ nhàng, mát mẻ, có lúc thì gió độc thổi mãnh liệt, khủng khiếp, tàn khốc, như trong các cơn giông bão. Tám ngọn gió nầy liên tục quét qua tâm thức của chúng ta khiến tâm ta luôn dao động không lúc nào yên ổn, nó khiến ta quay cuồng mãi trong cuộc sống khi vui, khi buồn, khi hưng phấn, khi suy sụp mà không bao giờ cảm thấy bình yên.
Thường thì kẻ phàm phu chúng ta khi gặp bốn điều lành là: thịnh, dự, xưng, lạc thì sung sướng, hài lòng và cảm thấy vô cùng hoan hỷ, nhưng khi gặp bốn thứ tạo cho ta cảm xúc xấu là: suy, hủy, cơ, khổ thì cảm thấy phiền não chán nãn, bất mãn. Người tu hành công phu niêm mật và rèn luyện tâm thức để thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của tám ngọn gió nầy và có một cuộc sống an lạc trong thế gian đầy biến động này. “ Sống là động nhưng lòng luôn bất động…tâm bất biến giửa dòng đời vạn biến”! Đạt được như thế thì xem như đã tạo dựng được tịnh độ trần gian tức là đạt đạo rồi vậy!
Câu chuyện giửa hai người bạn thâm giao là thiền sư Phật Ấn và nhà thơ Tô Đông Pha khiến cho ta nhiều suy nghĩ, chuyện rằng Tô Đông Pha làm được bài thơ ca ngợi Phật nhưng cũng ngầm nói lên sự đạt đạo của mình như sau:
Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong suy bất động
Đoan tọa tử kim liên
Tạm dịch:
Đảnh lễ đấng giác ngộ
Hào quang chiếu đại thiên
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng.
Tô Đông Pha lấy làm đắc ý sai người nhà chèo thuyền qua sông trình thiền sư Phật Ấn bên chùa Kim Sơn. Phật Ấn xem xong lấy bút phê hai chữ “ Phóng thỉ” (nghĩa là đánh rắm). Người nhà mang thơ về trình lại, Tô Đông Pha đùng đùng nổi giận chèo thuyền qua sông đến chùa Kim Sơn hỏi tội Phật Ấn. Gặp nhau ở bến sông Tô Đông Pha trừng mắt hỏi Phật Ấn.
-Bài thơ tôi sai chổ nào mà ông dám phê “đánh rắm”?
Phật Ấn cười cười bình tỉnh trả lời
-Ông nói tám gió thổi không động mà chỉ cần hơi một cái đánh rắm đã thổi bay qua sông rồi!
Tô Đông Pha chợt bừng tỉnh nhận thấy tâm mình không “bất động” tý nào!
Câu chuyện giửa một thiền sư và một thi hào lỗi lạc cũng là một bài học thức tỉnh cho chính mình. Thông thường khi nhận được bốn ngọn gió lành là lợi lộc, danh dự, ca ngợi và an lạc, hạnh phúc ta thấy hài lòng, hưng phấn lúc ấy tâm ta hoan hỷ, thảnh thơi không vướng bận rồi suy luận rằng có lẽ công phu tu tập của mình cũng khá thâm hậu rồi, vì thế tâm ta rất tự tại, thảnh thơi an lạc. Thế nhưng nếu gặp bốn ngọn gió độc là suy sụp, hủy báng, chỉ trích, khổ đau thì tâm ta lại rất phiền não, buồn đau, sân hận, bất mãn…
Cho nên lúc tâm ta được thỏa mãn, xưng tụng ai cũng nghĩ mình đã chứng đạo nhưng khi gặp điều bất ý, bị xúc phạm, hoặc động đến “cái ta vĩ đại” của mình thì ta sẵn sàng nỗi sân hận, rồi oán trách, thậm chí tung hê, đạp đổ tất cả những gì mà trước đó mình tôn thờ, phụng sự, oán hận những người mà mới trước đây mình kính trọng….Bởi vậy, có thể nói rằng khi trực tiếp đối diện với những điều bất ý, một người có bản lỉnh, có nội lực tu tập hay không thể hiện qua phản ứng, qua cách hành xử của họ…thánh hay phàm cũng được bộc lộ lúc đó một cách trung thực nhất!
Có câu chuyện một vị võ tướng cũng có biết ít nhiều giáo lý đạo Phật, một hôm đến hỏi một vị thiền sư.
-Thầy trả lời cho tôi biết có địa ngục hay không?
Vị thiền sư thủng thẳng nhìn vị võ tướng hỏi
-Cái thứ như ông mà cũng bày đặt hỏi Phật pháp sao?
Nghe thiền sư khinh miệt mình như thế vị võ tướng nổi cơn thịnh nộ rút gươm ra khỏi vỏ trừng mắt quát.
-Ông dám coi thường tôi như thế à, tôi cho một nhát kiếm là chết ngay bây giờ!
Thiền sư không lộ vẻ sợ sệt mà bình thản nói
-Đó đó, ông vừa mới mở cửa địa ngục đó!
Thế đó, thiên đàng hay địa ngục chỉ cách nhau trong một sát na, một sợi tóc. Cho nên ta phải luôn canh chừng cái tâm cùa ta, đừng để cảm xúc tốt đánh lừa ta mà ta không biết. Bao lâu nay ta đã làm được rất nhiều việc mà ta cho là đã hy hiến cho đạo pháp, cho lý tưởng, cho đàn em hoặc ta đã làm từ thiện quá nhiều, giúp đở cho bao nhiêu người khốn khó. Thế ta thấy hài lòng những gì mình đã làm được và cảm thấy tự hào, một chút bệnh “công thần” âm thầm hình thành và ấp ủ trong tâm ta, “cái ta vĩ đại” cũng âm thầm lớn lên theo năm tháng mà ta đâu có hay. Có lúc nào ta phản quan tự kỷ soi lại tâm mình có thực là ta đã cống hiến một cách hoàn toàn vô tư không, hoàn toàn không có điều kiện đi kèm không (mặc dù điều kiện đi kèm là rất vi tế phải quán xét một cách sâu sắc mới nhận diện được nó).
Giá như những gì ta đã làm và đang làm cho đạo, cho đời, cho lý tưởng mà bị chê bai, bị phê phán, bị phủ nhận…thì thử hỏi ta có bình tâm không dao động mà tiếp tục việc mình làm trong tinh thần hoan hỷ không?! Tôi cảm thấy giật mình khi tự đặt câu hỏi đó cho mình, nếu gặp hoàn cảnh như thế liệu tôi tâm tôi có được bình an, bất động mà tiếp tục sự hy hiến của mình với cái tâm hoan hỷ không?! Hay là như nhà thơ Tô Đông Pha làm thơ nói tám gió thổi không động, nhưng chỉ cần một cái đánh rắm của thiền sư Phật Ấn đã bị thổi bay qua sông?!
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)