Từ Đài LỤC HÒA Trại Trường GĐPT Việt Nam Đến phiên bản Đài LỤC HÒA GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu.
Trước năm 1975 dù là một đoàn viên GĐPTVN nhưng tôi chưa có duyên đến thăm trại trường GĐPTVN tại Đà Lạt. Sau này trong những lần lên phật sự ở Đà Lạt tôi có dịp về thăm trại trường, nhưng buồn thay mỗi lần vào thăm đều phải mua vé vì hiện nay trại trường GĐPTVN bị sát nhập vào khu du lịch Hồ Than Thở và đài Lục Hòa đã được đặt tên là Đồi Phật Bà (!). Có lần chúng tôi đi theo đoàn vào thăm, đoàn phục GĐPT hẳn hoi và nói với người gác cổng là chúng tôi vào thăm trại trường là về lại nhà của mình sao lại phải mua vé?. Nhưng nhân viên dứt khoát không cho vào nếu không có vé vì đó là quy định nên họ không thể làm khác được, cuối cùng thì để chiêm bái, tham quan biểu tượng của GĐPTVN chúng tôi cũng đành phải mua vé để vào vì không có cách nào khác!
Đài Lục Hòa được xem như là biểu tượng tinh thần, sức sống của GĐPTVN, được tôn trí trong khuôn viên trại trường là một đài hình lục giác cao 11 mét khắc sáu phép hòa kính lên sáu mặt và trên cùng là tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, vòng quanh chân đài khắc tên các đơn vị GĐPT tỉnh khắp toàn quốc. Hình ảnh Đài Lục Hòa đã quá quen thuộc với tất cả huynh trưởng và đoàn sinh nên dù đã đến hay chưa anh chị em hầu như cũng đều thấy thân quen.
Theo năm tháng tôi trưởng thành dần trong tổ chức áo lam, quá nhiều lần được thấy trên hình ảnh cũng như trực tiếp thăm viếng Đài Lục Hòa, càng suy ngẫm về ý nghĩa của biểu tượng tôi càng kính phục thế hệ huynh trưởng đàn anh đã có ý tưởng thiết kế một công trình mang tính biểu tượng rất sâu sắc hết sức ý nghĩa này . Lục hòa là lời dạy của Đức Phật về nguyên tắc ứng xử để có một cuộc sống hòa hợp, thanh tịnh của tăng đoàn, sau này GĐPT cũng ứng dụng thực hiện sáu nguyên tắc đó để lam viên cùng sống đoàn kết, yêu thương, hòa hợp với nhau trong tổ chức.
- Thân hòa đồng trú: Cùng sống chung với nhau trong một mái nhà, một tổ chức, một đoàn thể… trong tinh thần thương yêu, hòa hợp, giúp đở và san sẻ cho nhau.
- Khẩu hòa vô tránh: Dùng lời nói hòa nhã, dịu dàng, ái ngữ để nói với nhau, không cải cọ, trách mắng nhau làm mất tình đoàn kết.
- Ý hòa đồng duyệt: Tâm ý luôn vui vẻ, hòa hợp, có gì không thống nhất cùng đem ra bàn bạc, thảo luận trong tinh thần thương yêu, tôn kính nhau.
- Giới hòa đồng tu: Cùng nhau nghiêm trì giới luật, giữ gìn, tuân thủ các quy định chung để cùng nhau thăng tiến trong tu tập và giữ gìn kỷ cương, nề nếp của tổ chức.
- Kiến hòa đồng giải: Đem sự thấy biết để giải bày cho nhau hiểu. Đây là nguyên tắc cùng giúp nhau tiến bộ trong tu tập cũng như mọi lãnh vực khác.
- Lợi hòa đồng quân: Cùng sống chung dưới một mái nhà, một tổ chức, một đoàn thể thì mọi quyền lợi đều được san sẻ thể hiện tình thương và sự bình đẳng để tạo sự thương yêu bền chặt.
Cái ý tưởng mà tôi tâm đắc nhất là trên đỉnh đài được tôn trí thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, ngài là biểu tượng của từ bi, của tình thương với hạnh nguyện nghe nỗi khổ, niềm đau của chúng sanh mà cứu độ. Thế nên tất cả phép lục hòa được dựa trên tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha mà thực hiện. Đây là một ý tưởng hết sức sâu sắc và độc đáo, càng suy ngẫm tôi càng bái phục quý anh đã có ý tưởng này khi thiết kế, xây dựng biểu tượng tinh thần cho tổ chức GĐPTVN là đài Lục Hòa với tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trên đỉnh.
Xét nội dung thì bất kỳ một tổ chức nào không phân biệt đoàn thể, tôn giáo, chính kiến…mà áp dụng sáu phép hòa kính này thì cũng đều mang đến sự lợi ích lớn, một gia đình áp dụng tinh thần lục hòa để sống thì gia đình đó có cuộc sống hạnh phúc, một đoàn thể mà ứng dụng tinh thần lục hòa để hành xử thì đoàn thể đó có sự hòa hợp và đoàn kết, nói rộng ra nếu một xã hội mà thực được sáu phép hòa kính để cùng chung sống thì sẽ tạo dựng một xã hội thái bình, an lạc. Nên nói rằng tinh thần lục hòa là tinh thần của hòa bình và Đài Lục Hòa của GĐPTVN cũng có thể xem như là biểu tượng của hòa bình vậy.
Lam viên Bà Rịa Vũng Tàu đã luôn đặt trọng tâm tinh thần đoàn kết, thương yêu, chia sẻ để hành hoạt, vì thế mà anh chị em lam viên GĐPTBRVT luôn đoàn kết, yêu thương và chia sẻ nên tổ chức không ngừng thăng tiến. Ngưỡng vọng hướng về Đài Lục Hòa GĐPTVN, biểu tượng sức mạnh tinh thần của tổ chức nên nhân dịp kỹ niệm 50 năm GĐPT.BRVT với sự cho phép của đại đức trụ trì, cùng chung tay góp sức của hai ngàn đoàn viên với sự trợ duyên của thiện hữu tri thức đã thiết trí một phiên bản Đài Lục Hòa tại khuôn viên chùa Thiên Quang, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, BRVT để anh chị em lam viên mỗi lần đến nơi đây để tổ chức các lễ lược, trại mạc… có cơ hội chiêm bái, ngằm nhìn phiên bản Đài Lục Hòa uy nghi trong nắng, trầm mặc giửa đồi thông reo vi vu trong gió, trong tiếng chim hót, tiếng nước chảy rì rào dưới thác Hòa Bình tự nhiên thấy lòng mình lắng lại, tâm tư như hướng về chốn tổ, hướng về nguồn cội tự sách tấn mình và sách tấn nhau tinh tấn tu tập thăng tiến tự thân và dấn thân phụng sự đạo pháp, phụng sự dân tộc.
Khi tôi viết những dòng chữ này thì nghe đâu chính quyền tỉnh đang có kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ vì xây dựng không phép (!). Những ngày này trong khí nao nức đón mừng kỷ niệm Phật đản Phật lịch 2563. Đặc biệt năm nay lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam nên người Phật tử trên mọi miền tổ quốc đều cảm thấy hoan hỷ vô biên. Đức Phật thị hiện chốn Ta-bà mang ánh đạo vàng sáng soi khắp mười phương, hóa giải mọi khổ đau đem đến sự an vui, hạnh phúc cho nhân loại. Hai ngàn lam viên BRVT cũng đang hòa chung niềm vui đó và đang nỗ lực tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng ngày đại lễ, nhưng tâm tư vẫn luôn hướng về sự trường tồn của Đài Lục Hòa nơi chùa Thiên Quang vì đó là biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần của tổ chức, là bàn thờ tâm linh cho triệu trái tim lam trên khắp năm châu. Cùng chung lời cầu nguyện cho lương tri của con người mau thức tỉnh mà không hủy hoại chốn thiêng liêng của một tôn giáo luôn đề cao tinh thần từ bi, tinh thần hòa bình, an lạc cho muôn loài. Vì thế, bất kỳ vì lý do nào mà phá hoại nơi thờ phượng, xúc phạm đức tin thiêng liêng của quần chúng là một điều không thể chấp nhận được. Huống chi đài Lục Hòa là biểu tượng của hòa bình, biểu tượng của tinh thần, là bàn thờ tâm linh của hàng ngàn đoàn viên GĐPTVN, với một diện tích khiêm tốn (28m2), chỉ được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, lại được tôn trí trong một vườn chùa, uy nghi trầm mặc với năm tháng, đem lại sự thanh tịnh, an lạc cho những những người có cơ hội chiêm bái để từ đó lắng lòng thanh tịnh, tăng trưởng điều lành, đoạn trừ điều ác, chuyển hóa khổ đau phiền não thành an lạc, hạnh phúc. Sự hiện hữu của Đài Lục Hòa với hình ảnh từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm chỉ đem lại những lợi ích lớn lao cho con người và góp phần tạo dựng một xã hội thái bình, an lạc thì hà cớ gì lại nhân danh quyền lực với những nguyên tắc này, quy định kia để phá bỏ?! Bất kỳ ý nghĩ, lời nói, hành động, nào cũng bị luật nhân quả-nghiệp báo tác động, vì đó là một định luật của tự nhiên không có một trường hợp ngoại lệ nào !
Những ngày đón mừng Phật đản PL 2563.
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)