PHƯỢNG CÓ BUỒN KHÔNG?
Tâm sự mùa Hè với lam viên Bà Rịa Vũng Tàu
Khi đọc dấu châm hỏi này, chắc anh chị và các em nhiều người sẽ nghĩ rằng, người viết đang quan tâm đến ai đó, có thể là thân quyến, thân hữu hoặc anh chị lam viên nào đó mang tên loài hoa Phượng, hoặc sẽ nghĩ rằng, trong những ngày Hè cấm túc an cư vì làn sóng Covid, người viết đang ngồi tìm lật từng trang ký ức để hồi tưởng về những khung trời kỷ niệm một thời áo trắng, nhớ về trường xưa bạn cũ, nhớ về cái tuổi học trò hồn nhiên đôi lúc pha chút ngố ngáo nhưng rất đong đầy ước mơ và hy vọng. Tất nhiên trong cuộc sống chúng ta luôn biết quan tâm đến với mọi người chung quanh, luôn biết tôn trọng và giữ gìn những dấu ấn có ý nghĩa trên dòng đời mình đã qua là một nét đẹp văn hóa, đậm chất nhân văn cần được tùy hỷ và trân trọng. Từ ngày cơn bão Covid quét lên miền trần thế đã gây không biết bao tang tóc cho nhân loại từ đông sang tây. Cho đến nay Xuân Canh Tý một mùa Xuân có quá nhiều dang dỡ với những cuộc hội ngộ trôi qua , rồi đến mùa Hạ cũng quá nhiều lỗi hẹn với những chuyến đi xa, và có lẽ trên dòng chảy thời gian sẽ thêm một mùa Thu xa vắng đang chờ đợi chúng ta ở phía trước Khi mùa Covid, mùa của đau thương, mất mát sợ hãi thì hình như, không những nó chưa ra đi, mà ngày càng lan rộng và tiếp tục gieo rắc những vùng thảm họa, khủng khiếp. Hằng ngày nghe nhìn, những cảnh tượng mất mát chia ly đau đớn tột cùng mà cơn bão Covid đã gây ra cho đồng bào, đồng loại khắp nơi, chắc các bạn và chúng tôi, chúng ta không những chỉ quan tâm, mà phải ngồi sâu lắng lương tri từng giây phút trước màn hình, để tiễn biệt những người đã xấu số ra đi trong lạnh lùng xa vắng, lòng đầy xót xa, ngậm ngùi thương cảm. Covid về đã làm cho cuộc sống nặng trĩu bởi nhiều mối quan tâm, lo lắng bất an cho mọi người. Nhưng hôm nay người viết không dành dấu chấm hỏi này cho một ai đó mang tên Phượng và cũng không nhằm gởi đến một cây hoa phượng nào đó đã đứng bơ vơ một thời trong ký ức học trò, hoặc cây phượng đỏ nào đó đang cô đơn trong sân trường trống vắng, vào những trưa hè ngập nắng vàng rơi, quanh đây bây giờ. Như vậy anh chị và các em sẽ đặt câu hỏi với người viết rằng, nếu quả thật dấu chấm hỏi này không dành cho ai đó mang tên Phượng hay những kỷ niệm dễ thương của mùa chia tay học trò, thì phượng đang ở phương nao và liệu có màu hoa phượng nào đẹp hơn “ màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè sang kỷ niệm người xưa biết đâu mà tìm” hay không? Bây giờ mời quý anh chị và các em thân thương cùng với người viết đi tìm Phượng nhé:
Anh chị và các em thân mến. Để có một vườn Sen Biển mạnh mẽ sáng tươi được mọi người quan tâm thương quý như hôm nay chúng ta đã phải trải qua những chặng đường quá khứ đầy sóng gió chông gai. Chúng ta đã chấp nhận dấn thân trước mọi cam go thử thách để tồn tại, đồng thời cũng luôn năng động sáng tạo để tùy duyên đồng hành với chướng ngại, để biến nghịch duyên thành tăng thượng duyên làm đà tiến bước. Trên những bước tiến ấy luôn có một câu hỏi rất lớn được đặt ra, đó là: Làm thế nào để phát triển bền vững tổ chức trong mọi thời đại, trước mọi hoàn cảnh. Tự tìm đặt câu hỏi cho chính mình và đi tìm câu trả lời để giải mả thỏa đáng vấn đề, đấy chính là năng lực, là tầm nhìn của những người Huynh Trưởng lãnh đạo, là chìa khóa mở cánh cửa phát triển của tổ chức. Theo đó với tầm nhìn khiêm tốn và sự đồng tâm hiệp lực, chúng ta đã cho ra đời các mô hình hoạt động rất mới, vừa đậm nét truyền thống và vừa phù hợp với thực tiễn thời đại mới, đó là các hội thi: Văn Nghệ, Đường Về Linh Thứu, Đường Về Núi Tuyết, Đường Lên Yên Tử, rất phong phú về hình thức và sâu sắc về nội dung luôn có sức hấp dẫn, thu hút và hiệu quả. Nhưng không dừng lại ở đó, mà theo đà tiến bước, chúng ta cùng nhau tiếp tục nâng tầm đào luyện các em bằng sự trải nghiệm, ứng dụng phật pháp vào đời sống hằng ngày, nhằm từng bước hoàn thiện bản thân để ngõ hầu có được những kỷ năng sống, có được những bước đi vững chãi vào đời cho các em, trong bối cảnh xã hội ngày càng đầy dẫy nhưng gam màu u ám, đồng thời cũng định hướng đúng đắn cho các em đức tin nơi Tam Bảo và sự tu tập đúng chánh pháp, trước những xu hướng, những phong trào, những hình thức thông tin rất lạ của Phật Giáo Việt Nam hiện nay. Chúng ta đã mạnh dạn kiến tạo Khóa Tu Mùa Hè An Lạc cho Ngành Thiếu.- Đến đây các bạn đã hình dung ra phượng đang ờ phương nào chưa?Theo dấu đi đường chúng ta tiếp tục nhé:
Như anh chị và các em đã biết, chúng ta luôn ở trong hoàn cảnh thời khó, thế khó. Từ ý tưởng đến tính thực tiển cho một mô hình mới, là những bước đi rất khó, nhưng tìm một nơi chốn nào đó, hội đủ những điều kiện thiết yếu và rộng lòng bao dung che chở cho hơn 500 tu sinh, tu tập, sinh hoạt an toàn cả thể chất lẫn tinh thần trong 3 ngày, là một bước tiếp theo càng lại thật không dễ dàng . Đang lay hoay đi tìm lời giải cho bài toán khó thì thiện duyên đã đưa chúng ta đến với đức từ bi vô úy, bao dung che chở của Ôn viện chủ Thiền Viện Toàn Giác.
Anh chị và các bạn đã đến và đã thấy, Thiền Viện Toàn Giác được tọa lạc sâu trong thác Giang Điền: chánh điện, giảng đường, thiền thất nằm khiêm tốn dưới những bóng cây, được bao bọc chung quanh bởi rừng xanh và sông suối rất êm đềm tĩnh lặng. Chiều chiều nghe tiếng hót chim rừng nhẹ nhàng thanh thót trong làn gió rì rào, hòa lẫn với tiếng chuông chùa thong thả nhẹ rơi, như một bản hợp tấu trầm hùng sâu lắng trong chốn tòng lâm uy nghiêm tịch tịnh, đem đến cho chúng ta những giây phút thư thái an nhiên. Không Gian Thiền Viện Toàn Giác thông thoáng bát ngát và yên bình như thế, nhưng vườn tâm của Ngài Viện Chủ và Chư Tôn Đức nơi đây lại càng sâu thẳm mênh mông vô bờ bến hơn, từng lời dạy, từng bước chân, tiếng cười, hỏi han chăm sóc, cho đến cốt cách thiền môn thật trang nghiêm nhưng rất gần gủi của quý Ngài là nguồn năng lượng, là chất liệu nuôi dưỡng huệ mạng và sự an lạc cho Ban Tổ Chức và tu sinh suốt trong những khóa tu. Chắc anh chị, các bạn cùng bản thân người viết đã cảm nhận được rằng: Bên cạnh sự hiến tặng màu vàng của chư Tôn Đức đem đến cho ta niềm an lạc giải thoát, sự hiến tặng màu lam của Anh Chị Trưởng đem đến cho các em đức hy sinh hướng thiện, sự hiến tặng màu xanh của suối rừng đem đến cho ta nguồn tươi mát, và nữa khi ta vừa bước chân vào ngỏ thiền viện, người chào đón ta đầu tiên, đó chính là hàng hoa phượng vĩ thắm tươi vươn mình trước cổng tam quan, trên lối vào thiền viện, mỗi bữa cơm trưa khi ta khất thực, thọ trai, trước mỗi buổi chiều, khi ta thiền hành hoa phượng dang cành như những chiếc lọng đỏ thắm che mát cho ta, phượng rất gần gũi, khi ta vui chơi trước sân, khi ta ngồi thư giãn đàm đạo trên những hàng ghế đá và cho đến trước giờ kết vòng thân ái phượng đã cùng chúng ta ghi lại những tấm hình kỷ niệm, khi chiều xuống ta vẩy tay tạm biệt thiền viện tạm biệt rừng xanh và phượng, hẹn mùa Hè sau. Phượng đứng cúi đầu yên lặng dưới bóng hoàng hôn trong tiếng chuông chiều trầm lắng, dìu dặt đong đưa thanh thoát.
Không gian ngoại cảnh nơi đây bát ngát thiên nhiên bởi màu xanh của rừng, của sông suối hòa quyện như một bức tranh, non xanh nước biếc thật yên bình và không gian nội tâm nơi đây lại càng mênh mông sâu thẳm bởi đức Từ Bi Hỷ Xả của tứ vô lượng tâm. Nên từ ngày đầu tiên khi được Ôn Viện Chủ bao dung che chở cho đến nay thiền viện Toàn Giác là nơi bến đỗ tâm linh cho lam viên BRVT mỗi lần Hạ đến , màu hoa phượng nơi đây không phải là màu của mùa hè, mùa chia tay xa cách tuổi học trò nơi sân trường với nhiều nổi buồn, tiếc nuối thường tình thế nhân, mà mùa hoa phượng nơi Thiền Viện Toàn Giác là mùa hội ngộ tình lam, hội ngộ ngành thiếu GĐPT/BRVT mỗi khi Hè đến. Chúng ta về đây để kết nối đaọ tình, để thực tập nếp sống lục hòa cộng trụ. Về đây để được trau dồi trí tuệ, được mở rộng lòng thương, và về đây để cùng nhau có được những mùa Hè an lạc, hướng thượng và hướng thiện…. Như đã nói trên, ngày ấy trước giờ kết thúc mùa Hè An Lạc lần 2, cũng như lần đầu chúng ta đã tạm biệt thiền viện, tạm biệt rừng xanh, tạm biệt hàng phượng vĩ thắm tươi với nhiều lưu luyến và hẹn gặp lại mùa Hè năm sau.
Mặc cho dòng đời, lắm thăng trầm sóng gió, lắm nhân tai, biến thiên dịch bệnh, trên dòng thời gian bốn mùa vẫn luân phiên đi về với cuộc sống muôn loài. Đáng tiếc mùa Xuân- Hạ năm nay đã bị đắm chìm dưới đám mây đen dày đặc của cơn bão dữ Covid, đã làm xáo trộn và đình trệ mọi sinh hoạt xã hội, trong đó có sự sinh hoạt của chúng ta. Nhưng dù cho hoàn cảnh như thế nào, chúng ta cũng vẫn không xao lảng lời hẹn ước, không quên ngày truyền thống. Không quên: Vì nơi đó là bến đỗ tâm linh, là khung trời hạnh ngộ là sức sống và sự phát triển của tổ chức. Vào những ngày trung tuần mùa Hạ khi cơn bão Covid vừa lắng xuống, sau khi tranh thủ tổ chức thành công đại hội GĐPT/BRVT nhiệm kỳ 2020-2024 chúng ta liền bắt tay triển khai Khóa Tu Mùa Hè An Lạc lần thứ 3. Theo đề án chúng ta sẽ cùng nhau hội ngộ vào những ngày 14-15-16/8/2020. Với sự đồng lòng chung tay, tích cực nhanh chóng, mọi việc từ tổ chức đời sống, sinh hoạt, tu học đều đã được chuẩn bị hết sức chu đáo. Đặc biệt đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của của đoàn sinh và huynh trưởng và sự thương yêu, trợ duyên của chư Tôn Đức Cố Vấn Ân Sư cùng với sự quan tâm của quí Thân Hữu, Ân Nhân, Bảo trợ gần xa.Ngày hội lớn, đang đến gần từng giờ, trong sự trông chờ của toàn thể lam viên, từ anh chị trưởng cho đến đoàn sinh ai nấy đều náo nức chuẩn bị đầy đủ thời gian, tinh thần và hành trang vào ba lô hành trình, đợi giờ xuất phát về bến đỗ tâm linh về Thiền Viện Toàn Giác. Nhưng đáng tiếc mọi sự nhộn nhịp và nguồn hưng phấn đang nô nức trào dâng, bỗng chốc chùng xuống, khi nghe truyền thông đại chúng phát đi thông tin không lành rằng, cơn bão dữ Covid đã quay trở lại Việt Nam, đang bùng phát tại tp Đà Nẵng, đã làm cho anh chị và các em ai nấy, lòng cảm thấy bất an, hồi hộp, e chừng mùa Hè An Lạc thứ 3 của chúng ta sẽ tuột khỏi tầm tay. Một ngày, hai ngày cho đến một tuần rồi hai tuần kể từ ngày 25/6, ngày tin không lành được phát đi ….Chúng ta vẫn kiên trì nuôi hy vọng, ngày mai tình hình sẽ tươi sáng hơn, nhưng Covid ngày càng như một loài ác ma vô hình, với những đường đi đầy bí hiễm, phức tạp khó lường, không những đã gây ra bao cảnh ly biệt, chạnh lòng, hoang vắng tại tp Đà Nẵng và một vài nơi thuộc các tỉnh miền Trung thân yêu, mà sự trở lại của Covid là thêm một lần nữa gây hoang mang, bất an và bế tắt cho toàn xã hội. Không thể khác hơn trong hoàn cảnh chung của nhân loại, trước sự hoành hành của Covid. Chúng ta cần phải tích cực chung tay cùng với mọi người để bảo vệ an sinh cho công đồng và cho chính chúng ta. Biết thế nhưng lòng chúng tôi vẫn cảm thấy nặng nề, bịn rịn trước khi đặt bút thông báo đến anh chị và các em thân yêu rằng chúng ta tạm dừng khóa tu Mùa Hè An Lạc lần thứ 3! Chúng tôi rất hiểu và thương rằng , với sự hăng say đầy nhiệt huyết hướng đến khóa tu, khi nhận được thông báo này chắc quí anh chị và các em rất lấy làm buồn tiếc, hụt hững, nhưng là những đoàn viên áo lam chúng ta đã có duyên phước được lắng nghe chư Tôn Đức dạy rằng “ vô thường sanh diệt là nguyên lý sinh tồn của vạn pháp” sự bất bình thường, phải lỗi hẹn với khóa tu mùa hè lần 3 của chúng ta cũng không nằm ngoài nguyên lý đó. Rất mong anh chị và các em chúng ta chỉ một thoáng buồn thôi nhé hãy bình tâm để cho nó tự nhiên trôi qua đi, mọi chuẩn bị hãy cất giữ lại đó, thời gian sẽ qua rất mau “sau cơn mưa trời lại sáng” chúng ta còn rất nhiều khóa tu mùa hè an lạc đang chờ phía trước, phải không anh chị và các em thân thương?
Đến đây người viết đã đưa quí anh chị và các bạn gặp phượng rồi đấy. Phượng có buồn không? Theo người viết thiết nghĩ, nếu có buồn chăng cũng chỉ là một thoáng qua, như chúng ta thôi. Vì phượng rất may mắn được ở chùa , có một sự sống bình an, được cắt tỉa dưỡng nuôi chu đáo, không như đồng loại của mình đang ở sân trường, góc chợ, bờ sông hoặc ở vất vưỡng dọc đường gió bụi, luôn bị con người nhẫn tâm tấn công chặt phá, đe dọa sự sống mọi lúc mọi nơi. Thôi trời đã về khuya mà lời tâm sự cũng đã quá dài rồi, người viết xin được tạm dừng nơi đây nhé. Chúc quý anh chị và các em thân thương, có một đời sống an lạc trong biển đời đầy sóng gió và không quên chúc phượng luôn được an cư nơi chốn Già Lam, mãi mãi xanh tươi trong vô thường sanh diệt, để có những mùa phượng vĩ thắm tươi cho cuộc hạnh ngộ mùa Hè An Lạc lần 3 và những mùa kế tiếp.
Cuối Hè Canh Tý 2020
Chế Tâm Cương
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)