THIỆN TRI THỨC DƯỚI GÓC NHÌN TỪ KINH HOA NGHIÊM
23-12-2021 | | 0 Phản Hồi
Trong các buổi chia sẻ pháp thoại hay trong lời giáo huấn đối với phật tử chúng ta thường nghe chư Tăng Ni luôn khuyên phật tử nên gần gủi thiện tri thức để học hỏi, tu tập cho tiến bộ. Có thể nhiều phật tử không hiểu hoặc chỉ hiểu láng máng về thiện tri thức là để chỉ những người phật tử thuần thành, những đạo hữu thiện lành, có trí tuệ và am tường Phật pháp để cho ta gần gủi thân cận mà học hỏi.
Từ điển Phật học Huệ Quang định nghĩa: Thiện tri thức (Phạn ngữ Kalyàna-mitta) còn gọi là Tri thức, Thiện hữu, Thắng hữu, Thân hữu, là người chân chính ngay thẳng, có đức hạnh, có khả năng giáo hóa, dẫn dắt người khác theo chánh đạo. Tự điển Phật Học Đạo Uyển giải thích “Thiện tri thức là danh từ chỉ một người bạn đạo, trong thời Phật giáo nguyên thủy danh từ này dùng để chỉ một vị tăng đầy đủ đạo hạnh như nắm vững lý thuyết Phật pháp và tinh thông thiền định có thể giúp đỡ các vị khác trên đường tu học”. Luật Tứ Phần nói “Bậc Thiện tri thức phải hội đủ 7 điều kiện: Cho được những gì khó cho, làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn, việc kín nói cho nhau biết, bảo bọc cho nhau, gặp khổ không bỏ, gặp nghèo không khinh”. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã, quyển 27 định nghĩa Thiện tri thức như sau: “Người có khả năng giảng nói các pháp Không, Vô tướng, Vô tác, Vô sinh, Vô diệt và Nhất thiết chủng trí, khiến người khác vui mừng tin ưa được gọi là Thiện tri thức”.
Có ba hạng thiện tri thức:
Giáo thụ thiện tri thức: là những người có khả năng hướng dẫn, dạy dỗ trên con đường tu hành, là bậc thầy;
Đồng hành thiện tri thức: là những người đồng chí, đồng hạnh, tức là người bạn tốt, trung thành.
Ngoại hộ thiện tri thức:là những người giúp cho những tiện nghi, tạo điều kiện tốt cho người tu hành
Tìm hiểu qua một số định nghĩa trong kinh điển, hay trong các từ điển Phật học chúng ta thấy rằng để được gọi là một vị thiện tri thức quả là rất khó, vì đòi hỏi vị đó phải hội đủ các điều kiện về đạo hạnh rất khắt khe. Cùng từ những định nghĩa về bậc thiện tri thức như trên mà hầu hết Phật tử đều hiểu về bậc thiện tri thức theo một nghĩa tích cực như thế.
Nhưng trong kinh điển Đại thừa, cụ thể là kinh Hoa Nghiêm, trong phẩm Nhập Pháp Giới kể lại câu chuyện Bồ-tát Di Lặc khuyên Thiện Tài đồng tử tìm cầu các bậc thiện tri thức để cầu đạo, ta thấy Thiện Tài đồng tử đã tìm gặp rất nhiều người để cầu học mà có những vị không phải là một phật tử cũng không hề biết giáo lý đạo Phật, không hề có một yếu tố nào quan niệm về thiện tri thức đã dẫn trong các văn bản trên. Bồ Tát Văn Thù nhận thấy Đồng Tử có những cá tính sáng ngời, sau này sẽ thành bậc đại Bồ Tát, xiển dương Phật Pháp, hóa độ chúng sanh, có đầy đủ ba yếu tố hành Bồ-tát đạo: sức khoẻ, công đức và trí tuệ. Có sức khoẻ mới vượt qua được khó khăn gian khổ đầy dẫy của cõi Ta-bà này; có công đức mới dám vào cảnh giới ngũ trược; có trí tuệ mới không sa vào cạm bẫy của ngũ dục thế gian và tăng trưởng bồ-đề tâm, hành bồ-tát đạo.
Gặp được ngài Văn Thù bồ-tát, Thiện Tài cung kính bạch rằng: “Cúi xin thánh giả mở lượng từ bi hướng dẫn cho con hiểu rõ pháp học Bồ Tát Đạo và pháp tu Bồ Tát Hạnh. Làm thế nào để đi đến nơi Bồ Tát đã đến, và làm bao nhiêu việc Bồ Tát đã làm. Cầu xin thánh giả ban ơn chỉ bày giáo hóa cho con thông đạt sự lý”.
Bồ-tát Văn Thù đã nói với Thiện Tài rằng: “Quý hóa và lợi hành thay! Thiện Nam Tử! Người phát tâm Bồ-đề, việc này đã khó. Đã phát tâm rồi lại cần cầu tu hạnh Bồ-tát Đạo thật là điều rất khó”.
Bồ-tát Văn Thù lại dạy thêm: “Nếu hành giả muốn thành tựu nhất thiết trí, cần phải quyết định tìm đến các bậc Chân Thiện Tri Thức. Khi thấy Thiện Tri Thức chớ sanh lòng biếng nhác, cũng không bao giờ xao lãng những điều khuyên bảo của Thiện Tri Thức”.
Vâng lời chỉ dạy của Bồ-tát Văn Thù, Thiện Tài đồng tử đã vượt quan bao nhiều đèo sâu, núi cao, bao nhiêu chướng ngại, gian khổ trên cuộc hành trình cầu đạo, từ những bậc Bồ-tát như Di Lặc bồ-tát, Quán Tự Tại bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi bồ-tát, Phổ Hiền bồ-tát, cùng các bậc Tỳ Kheo: Thiện Trụ tỳ-kheo, Hải Tràng tỳ-kheo, Hải Vân tỳ-kheo, Đức Vân tỳ-kheo, Ưu-bà-di Hưu-xã , Ưu-bà-di Cụ Túc, Ưu-bà-di Bất Động … Cầu học ở hàng cư sĩ như cư sĩ Minh Trí, cho đến cầu đạo ở các cô bé, cậu bé như Từ Hạnh đồng nữ, Tự Tài Chủ đồng tử, Đức Sanh đồng nữ, Hữu Đức đồng nam..Thậm chí cầu đạo với ngoại đạo: tiên nhân Tỳ-mục-cù-sa, Bà la môn Thắng Nhiệt, Bà la môn Tối Tịch Tịnh, Biến Hành ngoại đạo, trưởng giả Ư-bát-la-hoa, thuyền trưởng Bà-thi-la và cả một kỷ nữ tên là Bà-tu-mật-đa. Kỷ nữ Bà-tu-mật-đa là một kỳ nữ dùng sắc đẹp của mình để mê hoặc người, đây là cảnh giới của sự dục lạc, nhiễm ô, đây được xem như là sự thử thách trước bao cám dỗ của cuộc đời, chính trong môi trường đọa lạc này Thiện Tài đồng tử mới có dịp khẳng định bồ-đề tâm kiên cố của mình để vượt qua,. Cầu học với Thắng Nhiệt bà la môn để tìm cách vượt qua những chướng ngại như trèo lên núi đao, nhảy vào hầm lửa để thử thách bồ-đề tâm, thử thách bồ-tát hạnh. Bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu thử thách, bao nhiêu chướng ngại, cầu học với đủ hạng người có tốt, co xấu trong xã hội mà bồ-đề tâm không hề thối chuyển, chí nguyện càng kiên cường. Cũng từ những cảnh giới này Thiện Tài đồng tử mới thấy được những khổ đau của thế gian đang xảy ra, thấy được gữa chợ đời đầy ô trược để tăng trưởng đạo tâm, phát lòng từ bi vô lượng đến tất cả pháp giới chúng sanh…
Thiện Tài đồng tử không chỉ học với những vị bồ-tát hay tỳ-kheo đức cao vọng trọng như Đức Vân, Hải Vân, Thiện Trụ tỳ-kheo mà còn học những người đang bon chen giữa chợ đời với muôn vàn thói xấu ác , muôn vàn bon chen lừa lọc để học cách hành bồ-tát đạo tìm thấy ở những người trần tục đó những phẩm chất cao đẹp của một người lăn lộn ở chốn trần tục mà tâm vẫn không bị nhiễm ô.
Với tinh thần cầu học đạo và phát bồ-đề tâm kiên cố, thực hành bồ-tát hạnh hành giả phải cầu học với rất nhiều hệ tư tưởng khác nhau, biết dung nạp những tinh hoa của những hệ tư tưởng xem ra không dính dáng gì đến Phật pháp, rèn dũa chính mình trên lộ trình cầu đạo. Với tinh thần cầu học của Thiện Tài đồng tử trong phẩm Nhập Pháp Giới Kinh Hoa Nghiêm, cho chúng ta thấy một cái nhìn hết sức cởi mở và thông thoáng của Đại Thừa Phật giáo trong quan niệm về Thiện Tri Thức. Không đóng khuôn trong những mẫu mực cố định, không cụ thể hóa những đối tượng được cho là thiện tri thức theo quan niệm thông thường, mà hành giả phải tự mình với sự phát tâm trên tinh thần cầu đạo tiếp xúc với cuộc đời trần tục và tự rút ra cho mình những bài học để tăng trưởng đạo tâm và thực hành hạnh nguyện. NHƯ THẾ THÌ BẤT KỲ AI VÀ NHỮNG NGƯỜI THUỘC BẤT KỲ THÀNH PHẦN XÃ HỘI NÀO CŨNG CÓ THỂ LÀ THIỆN TRI THỨC CHO HÀNH GIẢ THAM CẦU HỌC ĐẠO VỚI TINH THẦN PHÁ CHẤP VÀ CẦU THỊ.
Tinh thần phẩm Nhập Pháp Giới-Kinh Hoa Nghiêm mang tính ẩn dụ cao, khởi đi từ Bồ-tát Văn Thù là yếu tố trí tuệ, kết thúc nơi Bồ-tát Phổ Hiền là yếu tố hạnh nguyện và nhân vật chính trong hành trình đó là Thiện Tài đồng tử tượng trưng cho yếu tố Bồ-dề tâm kiên cố. Để nhập vào pháp giới, Thiện Tài đồng tử phát tâm bồ-đề, an trú với Đức Như Lai, kế đến phải nhờ vào ngài Văn Thù bồ-tát, tức là bậc đại trí huệ dẫn dắt và khai thị, tìm học đạo với 53 vị Thiện Tri Thức gồm đủ mọi thành phần xã hội, học đủ tất cả về sắc pháp, tâm pháp và phương pháp hành bồ-tát đạo. Học đạo bằng cách đi thẳng vào chợ đời, cọ xát với những uế tạp, nhiễm ô, lừa lọc, xảo trá, giữa chốn hồng trần là một cách tu học thù thắng của hành giả trên hành trình thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, phát tâm bồ-để kiên cố dũng mãnh vượt qua bao nhiêu chướng ngại trong cuộc hành trình tìm đến bến bờ giác ngộ và thực hành bồ-tát hạnh giữa cõi ta-bà uế trược.
Tinh thần của Đại Thừa Phật giáo được biểu hiện một cách rỏ nét trong phẩm Nhập Pháp Giới Kinh Hoa Nghiêm. Theo ngài Trí Khải đại sư thì “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật”, tức là Phật thuyết Kinh Hoa Nghiêm 21 ngày lúc ngài mới thành đạo ở Bồ-Đề Đạo Tràng. Như vậy thì tinh thần Đại thừa đã được Đức phật tuyên thuyết vào thời kỳ “tối sơ” tức là ngay sau khi Đức Phật thành đạo. Thế nhưng trong lịch sử truyền thừa các nhà nghiên cứu Phật giáo cho rằng tư tưởng Đại Thừa (Mahayana) chỉ phát khởi sớm nhất là từ năm 100 trước công nguyên. Cũng theo các nhà nghiên cứu lịch sử truyền thừa Phật giáo thì kinh Hoa Nghiêm ( Avataṃsakasūtra) được cho là được dấu dưới Long Cung cho đến sáu trăm năm sau Đức Phật nhập diệt, ngài Long Thọ mới xuống Long Cung thỉnh về và truyền bá. Không biết có phải vì vậy mà tư tưởng đại thừa trong Kinh Hoa Nghiêm được lưu truyền trên thế gian muộn như thế chăng?
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
(bài đã được đăng trên trang thuvienhoasen.org)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)