Đề nghị việc đổi mới trong công tác đánh giá ở GĐPT (tt)
B. Yêu cầu về nội dung kiểm tra, đánh giá.
1/ Về nội dung, các đề kiểm tra đánh giá cần đạt được những yêu cầu cơ bản sau đây:
a. Đánh giá được một cách toàn diện các mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, nhất là kĩ năng học tập mà người học cần đạt được sau khi học xong một phân môn nào đó.
b. Đặt trọng tâm vào những nội dung liên quan nhiều đến việc ứng dụng kiến thức và kĩ năng vào thực tế, đánh giá cao khả năng sáng tạo của người học trong việc vận dụng kiến thức, kĩ năng môn học vào những tình huống của cuộc sống thực.
Thực sự, chúng ta có thể chia ra việc cảm nhận nội dung kiến thức của người học qua 3 cấp độ sau : Biết – Hiểu – Vận dụng. càng đi lên cấp độ càng khó hơn, nhưng cách thức lựa chọn cần phù hợp với khả năng của người học.
Việc cảm nhận nội dung kiến thức được chia thành các bậc theo bảng phân loại B.Bloom
(Hệ thống cấp bậc truyền thống về quá trình tư duy) Vào năm 1956, Benjamin Bloom đã viết cuốn Phân loại tư duy theo những mục tiêu giáo dục: Lĩnh vực nhận thức, trong đó phần mô tả về tư duy gồm sáu mức độ của ông đã được chấp nhận rộng rãi và được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực cho tới ngày nay. Danh mục những quá trình nhận thưc của ông được sắp xếp từ mức độ đơn giản nhất, gợi lại kiến thức, đến mức độ phức tạp nhất, đánh giá giá trị và tính hữu ích của một ý kiến.)
Sáu mức trí năng cơ bản từ thấp đến cao trong lĩnh vực nhận thức (theo B.Bloom)
TT | Mức nhận thức | Mức độ yêu cầu cần đánh giá |
1 | Biết | Bao gồm việc có thể nhớ lại các điều đặc biệt hoặc tổng quát; nhớ các phương pháp và quá trình; hoặc nhớ một dạng công thức, một cấu trúc, một mô hình mà thí sinh đã có lần học trong quá khứ, trong sách vở hoặc ngoài thực tế. |
2 | Hiểu | Bao gồm việc thí sinh biết được một câu nói, một đoạn văn hoặc một bài viết có ý nghĩa gì. Ở mức trí năng này, thí sinh không chỉ có thể nhớ lại và phát biểu lại điều đã biết mà còn có thể thay đổi diễn tả sang một dạng khác tương đương. Mức trí năng này có thể bao gồm 3 loại: diễn dịch, giải thích, ngoại suy. |
3 | Áp dụng | Bao gồm việc ứng dụng các điều trừu tượng đã học được vào các trường hợp đặc biệt, cụ thể. |
4 | Phân tích | Bao gồm khả năng phân tích điều đã học ra làm nhiều phần, nhiều yếu tố, sắp xếp thứ tự hoặc ngôi thứ các yếu tố ấy, tìm mối quan hệ có thể có giữa các ý tưởng để làm sáng tỏ những điều học được một cách có hệ thống. |
5 | Tổng hợp | Bao gồm khả năng lấy từ các phần riêng lẻ đã học để sắp xếp, gắn kết thành môt cấu trúc, một dạng thức, một tổng thể nối liền tất cả các phần ấy với nhau. |
6 | Đánh giá | Bao gồm khả năng có thể phán đoán giá trị của các tài liệu, các phương pháp đối với những mục đích nhất định nào đó, biết xác định các tài liệu hoặc phương pháp ấy có hội đủ hoặc đáp ứng các tiêu chí hay không. Các tiêu chí này có thể được cho sẵn hoặc do thí sinh đề ra. |
VD :
Ở bậc Mở Mắt, các em chỉ cần thuộc lòng 3 điều luật của Ngành Đồng. (Cấp độ Biết)
Bậc Cánh Mềm, các em có thể giải thích đơn giản các điều luật này. (Cấp độ Hiểu)
Bậc Chân Cứng trở lên các em có thể thực hành thường xuyên (Cấp độ Vận dụng)
2/ Các hình thức kiểm tra, đánh giá.
Về hình thức các đề kiểm tra cần đạt các yêu cầu sau đây:
a. Đa dạng hoá các hình thức kiểm tra đánh giá. Cần phối hợp một cách hợp lí giữa kiểm tra lí thuyết với kiểm tra thực hành, kiểm tra vấn đáp với kiểm tra viết, kiểm tra của người hướng dẫn với tự kiểm tra của người học v.v…, nhằm tạo điều kiện đánh giá một cách toàn diện và hệ thống kết quả học tập của người học.
b. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấm bài và xử lí kết quả kiểm tra sao cho vừa nhanh, vừa chính xác, bảo đảm được tính khách quan và sự công bằng, hạn chế được tiêu cực trong việc đánh giá kết quả học tập của người học.
b.1. Kiểm tra vấn đáp :
Mục tiêu.
Ngoài việc thực hiện mục tiêu chung của việc đánh giá kết quả học tập của người học, kiểm tra vấn đáp còn có những mục tiêu riêng sau đây:
– Thu hút sự chú ý của người học đối với bài học.
– Kích thích sự tham gia tích cực của người học vào bài giảng của người hướng dẫn.
– Giúp người hướng dẫn thu thập kịp thời thông tin phản hồi về bài giảng của mình để có những điều chỉnh thích hợp. Đây chính là một trong những mục tiêu chính của kiểm tra vấn đáp và cũng là một trong những mục tiêu ít được người hướng dẫn quan tâm nhất.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện.
– Không nhất thiết phải tiến hành kiểm tra vấn đáp vào đầu giờ học. Nên kết hợp kiểm tra vấn đáp với việc dạy bài mới để không những kiểm tra được việc nắm các bài học cũ mà còn chuẩn bị cho việc dạy bài học mới để có những điều chỉnh thích hợp và kịp thời cho nội dung và phương pháp dạy học.
– Không nên chỉ dừng lại ở việc yêu cầu người học nhắc lại các kiến thức đã học mà cần yêu cầu người học vận dụng những kiến thức này vào những tình huống mới. Việc ghi nhớ được kiến thức đã học chỉ nên xác định người học đạt được 50% kiến thức đạt được, 50% còn lại dành cho việc đánh giá mức độ hiểu và vận dụng kiến thức vào tình huống mới.
– Chỉ thu thập kết quả khi thấy các câu hỏi và các câu trả lời đã đủ để đánh giá kết quả học tập của người học. Nếu thấy chưa đủ thì chỉ cần đưa ra một lời nhận xét hoặc một lời khen.
Trong điều kiện hiện nay, vì số lượng người học thực chất không đồng đều (ở đơn vị thì quá ít, ở các kỳ trại hay lớp học cho HT thì quá đông) nên khó có thể tiến hành kiểm tra (vấn đáp) tất cả người học cuối mỗi bài học hay cuối khoá học. Về nguyên tắc, cách thức kiểm tra này cho phép đánh giá chính xác trình độ kiến thức, kĩ năng và năng lực của người học. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc đảm bảo sao cho cách thức kiểm tra này cung cấp các thông tin phản hồi thật sự chính xác và khách quan thì không phải là việc đơn giản và trên thực tế là chưa thể thực hiện được.
b.2 Kiểm tra các bài thực hành.
Mục tiêu.
– Đánh giá năng lực thực hành của người học.
– Thu thập thêm thông tin về trình độ nắm kiến thức, kĩ năng của người học cũng như thái độ trung thực, hợp tác, thận trọng… trong khi thực hành và khai thác kết quả thực hành.
– Gây hứng thú cho người học trong việc học tập.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện.
Có thể đánh giá năng lực thực hành của người học thông qua các công cụ sau đây:
– Bài thực hành dài tiến hành trong giờ thực hành (VD : Trò chơi lớn khi khảo sát kết khoá).Cần tận dụng tối đa việc này để đánh giá năng lực của người học. Ở loại hình này chúng ta chưa đánh giá cụ thể hoạt động của cá nhân, của nhóm mà chỉ mới lấy kết quả cuối cùng đánh giá. Việc này thường được đổ thừa cho nguyên nhân : Thiếu người, do vậy ở loại hình hoạt động này thông thường chỉ có 1 HT đứng trạm xác nhận kết qủa hoạt động chung cho nhóm. Để thay đổi mức độ này chúng ta cần có người theo dõi hoạt động của từng nhóm và từng cá nhân trong suốt buổi thực hành, đọc kĩ báo cáo thực hành của từng người học hoặc từng nhóm để có thể đánh giá được các mặt sau đây:
+ Đánh giá ý thức, thái độ tham gia hoạt động của từng cá nhân trong nhóm thực hành. Điểm về nội dung này có thể cho từ 0 đến 3 điểm (trên thang điểm 10) . Xin đề nghị như sau:
- Không tham gia: 0 điểm.
- Tham gia một cách thụ động, chỉ dừng lại ở việc quan sát và lập lại một cách máy móc các thao tác thực hành: 1 điểm.
- Tham gia một cách chủ động nhưng hiệu quả chưa cao, đã lặp lại được các thao tác thực hành nhưng chưa thành thạo: 2 điểm.
- Tham gia một cách chủ động, tích cực và có hiệu quả, chủ động thực hiện được các thao tác thực hành: 3 điểm.
+ Đánh giá chất lượng của bản báo cáo cá nhân. Điểm về nội dung này có thể cho từ 0 đến 7 điểm. Trong khi cho điểm cần đánh giá cao những nội dung có tính sáng tạo của cá nhân và phê phán nghiêm khắc bằng cách trừ nhiều điểm đối với những biểu hiện không trung thực trong báo cáo. Việc phân phối điểm cụ thể cho nội dung này tuỳ thuộc vào từng bài thí nghiệm thực hành.
– Các hoạt động thực hành tiến hành ngoài lớp học, ngoài giờ học. Ngoài các bài thực hành quy định trong chương trình, người hướng dẫn có thể giao cho một số người học thực hiện một số hoạt động thực hành khác có liên quan đến nội dung của bài học để họ làm ở nhà với những dụng cụ dễ kiếm hoặc với những dụng cụ mà chúng ta có thể cho mượn. Các loại bài tập thực hành này thường được tiến hành theo nhóm người học và cũng cần được cho điểm như các bài thực hành khác. Đối với những bài thực hành tự làm có tính sáng tạo cao có thể được đánh giá ngang với một bài kiểm tra cuối học phần hoặc cuối kỳ học. Đây là loại hình đánh giá rất phổ biến ở nước ngoài, nhưng còn rất ít được chú ý ở nước ta. Ở trường hợp này tôi xin nêu ra 1 ví dụ : Trại HLHT Lộc Uyển, A Dục chưa yêu cầu về tiểu luận kết khoá, nhưng nếu có TS nào đó căn cứ nội dung được tiếp thu và thực tế tình hình đơn vị, tự động đề ra 1 đề tài nghiên cứu và được xác định chính xác, khả thi chúng ta cũng cần nên cho điểm thay thế hoặc điểm cộng thêm cho TS này.
– Bài thực hành ngắn trên lớp tiến hành trong giờ học lí thuyết. chúng ta có nhiều hoạt động thực hành khác trong những giờ học bài mới như thực hành để thu thập dữ liệu, xử lí thông tin từ những số liệu đã thu thập được, …. Mục tiêu hình thành năng lực tự học cho người học cũng dần dần đạt được thông qua các hoạt động này.
– Quan sát thường xuyên và định kì kĩ năng thực hành của người học.
+ Khi quan sát người học thực hành, người hướng dẫn có thể xử lí ngay thông tin (uốn nắn, bổ sung, điều chỉnh, thay đổi quy trình thực hành của người học,…) hoặc ghi vào phiếu quan sát, sau đó tổng hợp các thông tin kết hợp với sản phẩm thực hành hoặc báo cáo thực hành của người học để đánh giá kĩ năng thực hành của người học.
+ Cũng thông qua quan sát người học thực hành, người hướng dẫn có thể theo dõi quá trình rèn luyện và hình thành kĩ năng học tập. Mọi thông tin cần được ghi vào phiếu quan sát để làm tư liệu đánh giá việc hình thành năng lực tự học của người học.
+ Cần xây dựng phiếu quan sát sao cho dễ sử dụng, có thể quản lí, ghi chép một cách thuận lợi, chính xác để có thể xử lí các thông tin thu thập được theo những mục tiêu đã đặt ra. Phiếu gồm các mục: mục đích quan sát, nội dung quan sát, thang điểm hoặc các tiêu chí cần thu thập thông tin. GV có thể ghi chép kết quả quan sát và miêu tả bằng cách đánh dấu, gạch chéo hay viết tuỳ theo quy ước của mình.
b.3 Các loại bài kiểm tra viết :
– Bài kiểm tra viết dưới 15 phút có thể thực hiện ở đầu hay cuối tiết học hoặc 1 giờ giấc thuận tiện. Thường kiểm tra nội dung của một hoặc hai bài vừa học với những câu hỏi mức độ biết (ghi nhớ, tái hiện) hiểu (giải thích, chứng minh…) và bài tập vận dụng liên hệ với thực tế sinh hoạt đơn giản. Đề kiểm tra 15 phút có thể là những câu hỏi tự luận, trắc nghiệm khách quan hoặc tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan, tuỳ nội dung và kinh nghiệm của người ra đề.
– Bài kiểm tra viết thời gian dài trên 1 giờ có thể là bài kiểm tra định hình (giữa khoá học hay kết thúc giai đoạn) hoặc là bài kiểm tra kết khoá.
Có thể thực hiện các bài kiểm tra viết thông qua các công cụ sau:
+ Trắc nghiệm khách quan.
+ Trắc nghiệm tự luận (câu trả lời ngắn, câu hỏi có dàn ý trả lời, câu hỏi mở,…)
+ Phối hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận.
+ Bài kiểm tra cho phép sử dụng tài liệu.
Các bài kiểm tra viết có vai trò quyết định trong hệ thống các bài kiểm tra nhằm xác định kết quả học tập của của người học . Đây cũng chính là loại hình kiểm tra cần đổi mới nhiều hơn cả.
3. Sử dụng trắc nghiệm khách quan và trắc nghiệm tự luận trong việc ra đề kiểm tra viết 1 tiết.
3.1. Trắc nghiệm khách quan và trắc nghiệm tự luận.
Trong dạy học, trắc nghiệm được coi là công cụ để đánh giá kết quả học tập của người học so với mục tiêu dạy học. Có nhiều cách phân loại trắc nghiệm dựa trên những cơ sở khác nhau. Căn cứ vào dạng thức của trắc nghiệm người ta phân thành trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan.
a. Trắc nghiệm tự luận.
Trắc nghiệm tự luận là loại hình câu hỏi hoặc bài tập mà người học phải tự viết đầy đủ các câu trả lời hoặc bài giải. Đây chính là loại hình câu hỏi và bài tập lâu nay chúng ta vẫn quen dùng để ra các đề kiểm tra viết. Loại trắc nghiệm này có những ưu điểm và nhược điểm sau đây:
– Ưu điểm:
+ Tạo điều kiện để người học bộc lộ khả năng diễn đạt những suy luận của mình.
+ Có thể thấy được quá trình tư duy của người học để đi đến đáp án, nhờ đó mà đánh giá được chính xác hơn trình độ của người học.
+ Soạn đề dễ hơn và mất ít thời gian hơn so với soạn đề bằng các hình thức khác.
– Nhược điểm:
+ Thiếu tính toàn diện và hệ thống. Do số các câu hỏi trong một bài kiểm tra bằng trắc nghiệm tự luận không nhiều nên chỉ có thể tập trung vào một số rất ít kiến thức và kĩ năng quy định trong chương trình.
+ Thiếu tính khách quan. Do đề kiểm tra chỉ có thể tập trung vào một số rất ít nội dung nên kết quả kiểm tra phụ thuộc nhiều vào “cơ may” của người học. Nếu “trúng tủ” thì đạt điểm tốt, nếu “lệch tủ” thì nhận điểm kém. Mặt khác, do người học tự viết câu trả lời và bài giải nên các phương án trả lời cũng như bài giải sẽ hết sức đa dạng.Việc đánh giá các phương án trả lời cũng như bài giải này sẽ phụ thuộc nhiều vào nhận định chủ quan của người chấm.
+ Việc chấm bài khó khăn, mất nhiều thời gian. Điểm số có độ tin cậy thấp vì khó xác định được một cách đơn giá các tiêu chí đánh giá.
+ Không thể sử dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại để chấm bài cũng như phân tích kết quả kiểm tra, đặc biệt là khi phải kiểm tra, đánh giá một số lớn người học.
Những nhược điểm trên có thể dẫn đến những tiêu cực trong việc học như học tủ, học lệch, quay cóp… và trong việc dạy như dạy tủ, đối xử thiên vị trong kiểm tra…
b. Trắc nghiệm khách quan.
Trắc nghiệm khách quan là loại hình câu hỏi, bài tập mà các phương án trả lời đã có sẵn, hoặc nếu người học phải tự viết câu trả lời thì câu trả lời phải là câu ngắn và chỉ duy nhất có một cách viết đúng. Trắc nghiệm này được gọi là “khách quan” vì tiêu chí đánh giá là đơn nhất, hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người chấm. Câu trắc nghiệm khách quan ở những mức độ khó khác nhau đều được cho điểm giống nhau. Thời gian để làm một câu trắc nghiệm khách quan ít nhất trong khoảng 1 phút và nhiều nhất trong khoảng 2 phút. So với trắc nghiệm tự luận thì trắc nghiệm khách quan có một số ưu điểm và nhược điểm sau.
– Ưu điểm:
+ Bài kiểm tra bằng trắc nghiệm khách quan bao gồm rất nhiều câu hỏi nên có thể bao quát một phạm vi rất rộng của nội dung chương trình. Nhờ đó mà các đề kiểm tra bằng trắc nghiệm khách quan có tính toàn diện và hệ thống hơn so với các đề kiểm tra bằng trắc nghiệm tự luận.
+ Có tiêu chí đánh giá đơn nhất, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người chấm. Do đó kết quả đánh giá khách quan hơn so với trắc nghiệm tự luận.
+ Sự phân bố điểm của các bài kiểm tra bằng trắc nghiệm khách quan được trải trên một phổ rộng hơn nhiều. Nhờ đó có thể phân biệt được rõ ràng hơn các trình độ học tập của người học, thu được thông tin phản hồi đầy đủ hơn về quá trình dạy và học.
+ Có thể sử dụng các phương tịên kĩ thuật hiện đại trong việc chấm điểm và phân tích kết quả kiểm tra. Do đó việc chấm bài và phân tích kết quả không cần nhiều thời gian.
– Nhược điểm:
+ Không cho phép đánh giá năng lực diễn đạt của người học cũng như không cho thấy quá trình suy nghĩ của người học để trả lời một câu hỏi hoặc giải một bài tập. Do đó nếu chỉ sử dụng hình thức trắc nghiệm này trong kiểm tra thì việc kiểm tra, đánh giá có thể có tác dụng hạn chế việc rèn luyện kĩ năng diễn đạt của người học.
+ Việc biên soạn đề kiểm tra rất khó và mất nhiều thời gian.
c. Lựa chọn các dạng trắc nghiệm tương ứng với yêu cầu kiểm tra.
Để có thể tận dụng được những ưu điểm và hạn chế các nhược điểm của hai loại trắc nghiệm khách quan và tự luận, trong một bài kiểm tra có thể phối hợp sử dụng cả hai loại trắc nghiệm này.
– Trắc nghiệm tự luận thường được dùng cho các yêu cầu về giải thích khái niệm, hiểu biết, nhận định …. Do đó, trắc nghiệm tự luận thường được dùng cho những yêu cầu ở trình độ cao như “vận dụng”, “phân tích”, “tổng hợp” và “đánh giá”.
– Trắc nghiệm khách quan có thể dùng cho mọi yêu cầu ở mọi trình độ. Thường thì “câu đúng, sai” và “câu ghép đôi” được dùng để đánh giá trình độ “nhận biết” và “thông hiểu”, “câu hỏi nhiều lựa chọn” có thể dùng để đánh giá cả trình độ “biết”, “hiểu”, “vận dụng”, … cũng như có thể dùng cho cả bài tập định tính và định lượng.
+ Do dạng “câu hỏi nhiều lựa chọn” đánh giá đúng trình độ học tập của người học hơn so với các dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan khác nên hiện nay, người ta khuyến cáo chỉ nên dùng “câu hỏi nhiều lựa chọn” để đánh giá tổng kết kết quả học tập của người học.
+ Một vấn đề đặt ra là: Nếu sử dụng câu bốn lựa chọn thì tối thiểu mỗi đề kiểm tra phải có bao nhiêu câu nhiều lựa chọn? Theo tính toán lí thuyết thì tối thiểu mỗi đề kiểm tra phải có 10 câu nhiều lựa chọn. Vận dụng phép tính xác suất có thể tính được xác suất người học trả lời đúng do ngẫu nhiên (đoán mò) như sau:
- Xác suất chọn đúng ngẫu nhiên 1 câu là: 1/4 = 25%.
- Xác suất chọn đúng ngẫu nhiên 2 câu là: (1/4)2 = 6,25%.
- Xác suất chọn đúng ngẫu nhiên n câu trong số N câu hỏi được tính bằng công thức: W(n,N)= (1/4)n.(3/4)N-n.C. Với C = N!/n!(N-n)!
Nếu trong một đề có 10 câu hỏi 4 lựa chọn thì có thể tính được:
- Xác suất chọn đúng ngẫu nhiên 5 câu là: 5,84%.
- Xác suất chọn đúng ngẫu nhiên 6 câu là: 1,62%.
- Xác suất chọn đúng ngẫu nhiên 7 câu là: 0,10%.
- Xác suất chọn đúng ngẫu nhiên 8 câu là: 0,04%.
- Xác suất chọn đúng ngẫu nhiên 9 câu là: 0,003%.
- Xác suất chọn đúng ngẫu nhiên cả 10 câu là: 0,00009%.
Như vậy tỷ lệ người học chọn ngẫu nhiên đạt điểm trung bình trở lên chỉ là 7,6%. Tỷ lệ này là có thể chấp nhận được. Do đó, trong một đề kiểm tra phối hợp TNKQ và TL, không nên ra ít hơn 10 câu trắc nghiệm 4 lựa chọn.
– Căn cứ vào yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học cũng như tình hình hướng dẫn thực tiễn của môn học ở từng đơn vị mà quyết định số câu khách quan và thời gian làm 1 câu khách quan trong một bài kiểm tra cho phù hợp, từ đó suy ra thời gian và số điểm dành cho phần “Trắc nghiệm khách quan” và phần “Trắc nghiệm tự luận”. Ví dụ:
+ Ở trình độ thấp nhất: Quyết định số câu khách quan trong đề kiểm tra 60 phút là 15 câu, thời gian dành để làm 1 câu khách quan là 2 phút. Suy ra thời gian dành để làm toàn bộ phần “Trắc nghiệm khách quan” là 30 phút, để làm phần “Trắc nghiệm tự luận” là 30 phút. Như vậy, tỷ lệ điểm dành cho trắc nghiệm tự luận và khách quan của bài kiểm tra ở trình độ này là khoảng 5,5 điểm : 4,5 điểm. Suy ra số điểm dành cho việc làm đúng 1 câu trắc nghiệm khách quan là: 4,5 điểm/10câu = 0,45 điểm.
+ Ở trình độ cao hơn: Nếu quyết định số câu khách quan trong đề kiểm tra 60 phút là 15 câu, thời gian dàmh để làm 1 câu khách quan là 1,5 phút thì thời gian để làm phần “Trắc nghiệm khách quan” là khoảng 23 phút và để làm phần “Trắc nghiệm tự luận” là khoảng 37 phút. Như vậy, tỷ lệ điểm trắc nghiệm tự luận và khách quan của bài kiểm tra 1 tiết ở trình độ này là khoảng 3 : 7. Suy ra số điểm dành cho việc làm đúng 1 câu trắc nghiệm khách quan là: 3 điểm / 15 câu = 0,2 điểm.
+ Ở trình độ cao hơn nữa: Nếu số câu khách quan là 20 câu và thời gian dành để làm 1 câu khách quan là 1,5 phút thì thời gian để làm phần “Trắc nghiệm khách quan” là khoảng 30 phút và để làm phần “Trắc nghiệm tự luận” là khoảng 15 phút. Như vậy, tỷ lệ điểm trắc nghiệm tự luận và khách quan của bài kiểm tra 60 phút ở trình độ này là khoảng 3 : 7. Suy ra số điểm dành cho việc làm đúng 1 câu trắc nghiệm khách quan là: 7 điểm / 20 câu = 0,35 điểm.
Như vậy, về thực chất số câu hỏi khách quan và thời gian dành để làm 1 câu khách quan là một trong những căn cứ để đánh giá độ khó của đề kiểm tra. Tùy theo điều kiện thực tiễn ở từng địa phương cụ thể mà người ra đề tăng số câu khách quan và giảm thời gian làm 1 câu khách quan cho phù hợp.
+ Mặt khác, việc ra các câu hỏi tự luận chủ yếu mới chỉ có khả năng đánh giá được ở mức độ nhận thức hiểu và vận dụng trong những bài tập mang tính lí thuyết.
Do đó trong giai đoạn hiện nay việc thay đổi hình thức ra đề để tỷ lệ câu trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan trong một bài kiểm tra đạt 3:7 là hợp lí. Nơi nào có khó khăn về điều kiện in ấn thì tỷ lệ này có thể là 4:6 hoặc 5:5.
Trong tương lai gần, khi mà trình độ người học làm phần “Trắc nghiệm khách quan“ đạt ở mức 1 phút làm 1 câu khách quan và số câu khách quan là 20 câu và việc ra các câu hỏi tự luận nhằm kiểm tra quá trình tư duy, vận dụng sáng tạo kiến thức và kĩ năng đã học của người học vào tình huống thực của cuộc sống được phổ biến rộng rãi thì phấn đấu để tỷ lệ này đạt 4,5:5,5 là hợp lí.
(còn tiếp)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)