NGUỒN GỐC NGHI THỨC BÔNG HỒNG CÀI ÁO
09-08-2022 | | 0 Phản Hồi
ĐỂ GIÚP CHO ANH CHỊ EM LAM VIÊN HIỂU THÊM VỀ MỘT NGHI THỨC Ý NGHĨA TRONG LỄ VU LAN. HẦU NHƯ AI CŨNG THỰC HIỆN NHƯNG KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT .
Nghi thức cài hoa hồng lên ngực áo của người còn mẹ và cài hoa trắng lên ngực áo của người đã mất mẹ trong dịp lễ Vu Lan hằng năm hiện nay đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Hầu như tất cả các chùa chiền đều tổ chức nghi thức này trong dịp lễ Vu Lan, nhưng nguồn gốc của nó xuất phát từ đâu và có từ bao giờ thì không phải ai cũng biết. Nhưng cho dù nghi thức này được du nhập từ đâu đi nữa thì lễ Vu Lan mà không thực hiện được nghi thức bông hồng cài áo thì phật tử cảm thấy thiếu đi một phần trang trọng của buổi lễ. Nói như thế để thấy nghi thức bông hồng cài áo nó đã ăn sâu trong cốt tủy của người Phật tử Việt Nam như thế nào!
Nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 Âm lịch) là một nghi thức đặc biệt của Phật Giáo Việt Nam. Càng đặc biệt hơn, nghi thức này do giới Phật tử trẻ tuổi tại miền Nam đưa vào Phật Giáo từ hơn 40 năm về trước. Sau đó không lâu, nó đã trở thành một nghi thức có tính cách truyền thống trong lễ Vu Lan.
Năm 1962 thầy Nhất Hạnh phổ biến đoản văn Bông Hồng Cài Áo, trong đó thầy đề cập tới câu chuyện như thế nầy: “Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng…” cảm động với một nghi thức có ý nghĩa nhân văn như thế thầy đã viết trong đoản văn “Bông hồng cài áo”:“Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục lệ cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”.
Lúc đó thầy Nhất Hạnh chưa phải là một tên tuổi có sức thu hút mạnh trong giới Phật tử trẻ. Chỉ có một số nhỏ sinh viên biết đến ông. Tuy thế, đề nghị nói trên của thầy Nhất Hạnh được một số thành viên trong Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đón nhận một cách tích cực. Họ chép tay đoản văn Bông Hồng Cài Áo thành thành hàng trăm bản và cho phổ biến ngay trong nội bộ đoàn. Lễ Vu Lan năm đó (1962), đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn thực hiện nghi thức Bông Hồng Cài Áo tại chùa Xá Lợi: họ mời tất cả những người dự lễ nếu còn mẹ cài một bông hoa hồng màu đỏ lên áo, những người mất mẹ cài một bông hoa hồng màu trắng trên áo.
Có thể đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn thực hiện được điều này nhờ hai yếu tố thuận lợi:
1-Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử toàn quốc họp tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn (trụ sở của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam) từ ngày 26 tới 28 tháng 12.1961 với khoảng 200 đại biểu tham dự. Đại Hội biểu quyết:
a- bản nội quy Gia Đình Phật Tử Việt Nam;
b- quyết định hợp nhất Gia Đình Phật Tử thuộc Ban Hướng Dẫn bốn đoàn thể Phật Giáo (Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung Việt, Nam Việt, Việt Nam Phật Giáo và Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam) dưới sự lãnh đạo của Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam;
c- bầu Ban Thường Vụ của Ban Hướng Dẫn Trung Ương với Thượng toạ Thiện Hoa làm Trưởng Ban, các thành phần khác đều là các huynh trưởng kỳ cựu của GĐPT.
Lúc đó Sinh Viện Phật Tử Sài Gòn là đoàn đầu tiên về loại này (đoàn Sinh Viện Phật Tử Huế mãi tới tháng 3/1963 mới được thành lập), nên các hoạt động có tính Phật sự của họ dễ được sự yểm trợ tinh thần dù ẩn hay hiện của Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT.
2- Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt từ năm 1955, nắm quyền quản trị chùa Xá Lợi, là một cư sĩ học giả Phật học có tinh thần khai phóng không cố chấp bảo thủ, nên không ngăn cản việc đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đưa một nghi thức mới lạ nhưng dễ thương vào lễ Vu Lan.
Có thể nói qua việc thực hiện nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong lễ Vu Lan 1962 tại chùa Xá Lợi, đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đã chứng tỏ được khả năng tổ chức. Họ sẽ trở thành lực lượng xung kích lôi cuốn các sinh viên học sinh khác, làm bùng nổ lớn cuộc đấu tranh của Phật Giáo chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm từ tháng 5/1963, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền này vào đầu tháng 11/1963.
Đầu năm 1964 nhà xuất bản Lá Bối ở Sài Gòn xuất bản cuốn Bông Hồng Cài Áo, khổ sách nhỏ và dài như một cái bì thư, bìa màu hồng nhạt do họa sĩ Hiếu Đệ vẻ một cành hoa hồng cách điệu rất trang nhã và mỹ thuật. Do không giữ bản quyền, nên cuốn sách mỏng này được phổ biến rất rộng qua nhiều đợt in khác nhau. Giới phật tử trẻ hồi đó thường dùng sách này để tặng nhau trong mùa Vu Lan, tác phẩm trở thành cuốn sách được biết đến nhiều nhất của HT Nhất Hạnh.
Năm 1965 đoàn cải lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở Bông hồng cài áo. Vở diễn đã gây xúc động mạnh trong công chúng miền Nam. Ngoài ra Bông hồng cài áo cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.
Năm 1967, một nhạc sĩ quen thuộc với giới sinh viên Phật tử Sài Gòn là Phạm Thế Mỹ phỏng theo ý văn của Nhất Hạnh trong đoản văn trên, viết bản nhạc Bông Hồng Cài Áo. Bản nhạc này lập tức được các đơn vị Gia Đình Phật Tử miền Nam đón nhận và đưa vào nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong lễ Vu Lan. Kể từ đó bản nhạc này gắn bó với nghi thức Bông Hồng Cài Áo.
Ngày nay nghi thức bông hồng cài áo đã trở thành nét đẹp của văn hóa Phật giáo VN, có điều ít ai biết nguồn gốc của nghi thức này. Vì thế trong mỗi mùa Vu Lan báo hiếu khi cài lên ngực áo một đóa hoa hồng ngoài việc chúng ta dành những giờ phút tỉnh tâm để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, chúng ta cũng nên dành thời gian để niệm ân HT Nhất Hạnh người đã có ý tưởng du nhập nghi thức bông hồng cái áo vào Việt Nam và cũng tưởng nhớ ân đức của nhiều thế hệ huynh trưởng GĐPTVN đã lưu truyền và phát triển nghi thức này để trở thành một truyền thống đẹp mang đậm tính nhân văn trong lễ Vu Lan của nước ta hiện nay.
Hiện nay hầu hết các chùa đều có tổ chức nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong lễ Vu Lan. chùa nào có GĐPT sinh hoạt thì do các em đoàn sinh GĐPT phụ trách, chùa nào không có thì thầy, cô trụ trì sẽ giao cho những phật tử trẻ tuổi phụ trách, (đây là một phương tiện tùy duyên, tuy nhiên từ chỗ không am tường lễ nghi nên một vài nơi nãy sinh một vài vấn đề không đẹp và đúng ý nghĩa lắm như trang phục đẹp nhưng thiếu trang nghiêm, không phù hợp, cách xưng hô, sử dụng thuật ngữ Phật giáo thiếu chính xác v.v…)
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)