TRẠI TRƯỜNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM CÒN ĐÓ NỖI BUỒN
TRẠI TRƯỜNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
CÒN ĐÓ NỖI BUỒN
TÂM LỄ
Chúng tôi đến Đà Lạt vào những ngày giửa thu để tiễn đưa một người anh lớn,GĐPT.VN lại vùa mất đi một đi một cây đại thụ. Mới đây anh Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều, một thạch trụ nhà lam ở đất Thần Kinh đã ra đi vào những ngày tháng bảy, giờ đây lại thêm một cây cao bóng cả của xứ hoa đào, anh Năng Quang Nguyễn Hữu Thạnh vừa giả từ cõi thế.
Vì khoảng cách gần ba trăm cây số nên xe của BHD.BRVT chúng tôi khởi hành tại điểm xuất phát ở huyện XM từ 4giờ sáng. Vượt qua cuộc hành trình dài chúng tôi đến tư gia anh Thạnh, nơi tổ chức tang lễ vào đúng giửa trưa. Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng mạnh đập vào mắt chúng tôi là khuôn viên tang đường ngập tràn hoa. Tôi nhủ thầm.
– Đúng là Đà Lạt xứ hoa có khác!
Ở đây chúng tôi gặp quý anh chị trong BHD.TƯ và các anh chị Huynh trưởng trong BHD các tỉnh khác đã đến từ trước.
Sau khi vào viếng và thọ tang nói lời tiễn biệt với anh xong, trong lúc ăn trưa mấy anh chị trong BHD.TƯ rủ đoàn BHD.BRVT chúng tôi đi thăm trại trường.
Trời Đà Lạt vào thu mây mù giăng giăng khắp lối, không gian trầm buồn, thỉnh thoảng lại mưa phùn lất phất bay, trời se lạnh thế nhưng chúng tôi vẫn nghiêm chỉnh trong bộ đoàn phục về thăm trại trường.
Ngày xưa khu vực trại trường là một nơi riêng biệt nhưng bây giờ đã bị đưa vào trong khuôn viên khu du lịch hồ Than Thở, thế nên muốn vào thì phải mua vé. Có một số anh, chị bức xúc.
- Trại trường là của GĐPT.VN, chúng tôi về thăm nhà mình sao lại phải mua vé?!
- Chúng tôi chỉ đi thăm trại trường GĐPT, chúng tôi không đi tham quan hồ Than Thở nên không mua vé.
Thế nhưng cô gái xinh đẹp, tha thướt trong tà áo dài đứng gác cổng vẫn nhã nhặn đề nghị chúng tôi vào quầy mua vé vì đây là quy định. Có lẽ đây không phải là lần đầu tiên cô gặp tình cảnh này. Tôi nói với người anh bên cạnh.
- Cô ta chỉ là một nhân viên làm nhiệm vụ, nói có ích gì!
Cuối cùng anh Hà thay mặt anh em vào mua vé và chúng tôi đi qua rào chắn theo số đếm của cô gái giử cổng. Mặc dù mới bước chân vào khu thắng cảnh du lịch nhưng tâm trạng anh chị em có gì đó trỉu nặng ưu tư.
Trại trường GĐPT đây rồi, đài Lục Hòa vẫn uy nghi sừng sững trước bao sóng gió của thời cuộc và ghi đậm dấu ấn thời gian. Đài Lục Hòa tuy không hoành tráng và kỳ vĩ nhưng là một công trình kiến trúc đẹp, thể hiện ý nghĩa sâu sắc và trí tuệ. Chúng tôi đảnh lễ, nhiễu quanh chân đài và nhẫm đọc tên những địa danh được ghi quanh đài sen, có những địa danh bây giờ không còn nữa như Kiến Tường, Phong Dinh, Phú Bổn, Quảng Tín, Phước Tuy…
Mái nhà chung của đại gia đình áo lam trên toàn quốc lấy biểu tượng là đài Lục Hòa, đó là phương châm sống, là nguyên tắc cư xử, hành hoạt của anh em trong đại gia đình, là biểu hiện của tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết keo sơn phụng sự lý tưởng.
Chúng tôi đứng tần ngần chung quanh đài, chiêm bái hình tượng đức Bồ-tát Quán Thế Âm trên đỉnh đài đưa đôi mắt từ bi nhìn xuống nỗi đau của chúng con, những đứa con áo lam khắp mọi miền đất nước về thăm ngôi nhà chung của mình mà phải mua vé để vào!
Tôi miên man suy nghĩ về những cụm từ hoa mỹ đang khoác lên trên bộ mặt của xã hội, về những quyền căn bản của con người sao mà nghe mỉa mai đến thế! Trại trường GĐPT.VN với diện tích 17,6 ha được cấp chủ quyền vào tháng3 năm 1967. Trên thân đài có tầm bảng ghi đầy đủ danh xưng và ngày tháng xây dựng, chứng tích rành rành trước thanh thiên bạch nhật như vậy mà người ta cố tình phủ nhận và đặt cho một tên mới hết sức gượng ép là “đồi Phật Bà” và sát nhập vào trong khu du lịch hồ Than Thở.
Cảnh củ còn đây, người xưa còn đó mà sao đành ngậm ngùi nỗi niềm hoài cổ “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền củ lâu đài bóng tịch dương” (thơ bà huyện Thanh Quan).
Đoàn chúng tôi thơ thẩn dưới chân đài chuyện vãn một hồi, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện thế thái nhân tình, chuyện GĐPT kiên trung vượt qua muôn vàn phong ba bão táp của thời cuộc vững vàng tồn tại giửa lòng dân tộc, chuyện những người anh, người chị khoác chiếc áo lam dấn thân phụng sự lý tưởng cho đến ngày giả từ cõi thế. Chính nơi đây giửa lúc GĐPT đang phải đối đầu với muôn vàn chướng nạn, một hội nghị của những người thuyền trưởng đang đứng trên đầu sóng ngọn gió xác quyết hướng đi cho con thuyền lam vượt qua bão tố để đi đúng hướng đã vạch ra. Hội nghị đó đã ghi vào trang lam sử thể hiện tinh thần kham nhẫn nhưng bất khuất, kiên cường của những người nắm vận mệnh của tổ chức.
Chiều mùa thu Đà Lạt sương mù giăng khắp lối, mưa bụi nhạt nhòa, cảnh vật mờ ảo sau màn sương, những cây thông già vi vu trong gió, thấp thoáng những căn nhà sàn, vài chú ngựa già, lác đác một vài toán du khách áo choàng xanh đỏ, hoa, cỏ đẹp mượt mà. Sương khói bãng lãng trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng, không có tiếng thở than trên hồ như huyền thoại xa xưa, mà lòng chợt nhớ tới câu thơ trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu được bác Tản Đà dịch rất xuất thần
“ Quê hương khuất bóng hoàng hôn
“ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!
Rời trại trường, một lần nữa được đến thăm ngôi nhà chung của đại gia đình áo lam mà sao lòng cứ bâng khuâng trỉu nặng u hoài, lên xe rồi còn ngoái lại lòng thầm nhủ.
- Trại trường ơi,còn đó nỗi buồn!
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)