GIỚI HƯƠNG
GIỚI HƯƠNG
Tâm Chế
Hôm nay 29-4-BT trời vừa hầng sáng ,tôi vội vàng khăn gói lên đường đồng hành với anh em trại sinh trại Huyền Trang 3/BRVT vân tập về chùa Đức Sơn, một ngôi chùa mang dáng vẻ bình dị, trầm mặc nằm khiêm tốn trên tuyến đường Châu Đức-Mỹ Xuân. Vườn chùa rộng thoáng có nhiều hoa lá cỏ cây và chim muông ríu rít chuyền cành, cảnh chùa đơn sơ mộc mạc mà rất đậm đà hồn quê .
Từ khắp nơi anh chị em trại sinh lần lượt hội về. Đúng 8h buổi lễ được bắt đầu, sau lễ tác bạch thỉnh sư Thượng Tọa viện chủ đã hoan hỷ quang lâm chánh điện khai giới đàn và truyền trao giới pháp, gồm ba mươi trại sinh đang chí thành thọ giới để hành trì suốt 24h theo Luật tạng. Tôi xin được làm người hộ giới cho anh chị và để được thính pháp văn kinh. Nhờ ân đức giáo hóa của Thượng Tọa viện chủ và đạo tràng đã làm cho khoảng không gian vốn yên lặng của chùa Đức Sơn lại càng thêm tĩnh lặng và thanh thoát hơn. Tôi thấy cũng chính cỏi lòng mình cũng đang sâu lắng, từ nơi hố tâm tầm thường tôi lắng nghe từng hạt bụi, từng hạt bụi trần ai phiền muộn đang từ từ rơi rụng và màu trong của lòng đang thấp thoáng ánh lên theo với tiếng niệm Phật của đạo tràng thâm trầm vang vọng như làn điệu suối từ, từ từ len lỏi vào tận tâm can của kẻ phàm tục. Trong giây phút tỉnh thức hiếm hoi của một tâm hồn bám đầy rong rêu của mình, tôi chợt bắt gặp lại hình ảnh của những kỳ tu bát quan trai của trại Huyền Trang cách đây hai mươi năm về trước…
…Ngày ấy, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội thiếu thốn mọi bề, không chỉ đói cái bụng mà cái đầu cũng đói meo, mọi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo cũng không nằm ngoài khung cửa đó. Riêng GĐPT không đến nỗi phức tạp như bây giờ, nhưng cũng chẵng thuận buồm xuôi gió chút nào, thế nên hầu hết các kỳ học của trại đều được thể hiện dưới hình thức tu bát quan trai. Đúng hẹn lại lên đường, anh em chúng tôi lần lượt hành trình khắp các ngôi chùa từ Sơn Linh, Phước Quang, Viên Quang lúc thì Nguyên Phong, Viên Chiếu… vấn đề đi lại cũng rất khó khăn ai khấm khá lắm mới tậu được một chiếc xe đạp thồ sườn ống típ, di chuyển chủ yếu vẫn là đôi chân bằng xương bằng thịt do cha mẹ sản xuất có người đã xài tới 30-40 năm mà vẫn còn rất tốt, những lúc đi xa phải chạy đôn chạy đáo mượn cho ra chiếc xe đạp rồi hì hà hì hục đèo nhau đi hàng chục cây số, lương thực thì khoai đùm bắp bới, ai có phước lắm mới có được lon gạo bỏ bị xách đi. Bấy giờ người ta gọi đó thời kỳ bao cấp, bấp cao gì đó…Đúng là cái thời buổi khổ chi lạ, không chỉ rất nghèo mà còn rất khó!
Thời khó thế khó mặc thời thế, vấn đề tu tập vẫn được thực hiện rất nghiêm túc giữ đúng một ngày một đêm theo truyền thống Luật tạng, chứ không làm như các đạo tràng đang làm hôm nay là chỉ có 8h đồng hồ. Ở Sơn Linh thầy Hạnh Đức vì thương anh em ai nấy là dân lao động chính cống một tháng hết hai mươi chín ngày đi khai hoang lập nghiệp chỉ có một ngày nghỉ để đi tu bát quan trai nên thầy linh động cho ăn ba bửa no đủ kẻo sợ anh em chịu đói không quen mất sức. Còn ở chùa Phước Quang thì thầy Thiện Thông rất nghiêm khắc ,chỉ có bửa ngọ trai là ăn no, còn sáng và chiều là tiểu thực một chén cháo. Ở lại qua đêm nghe mùi chuối chín cái bụng nó la nhưng biết làm sao được,miệng lầm thầm nói với bụng rằng : “Cố gắng lên bụng ơi, để cho cái đầu tu nhé”. Còn vấn đề tu tập thì được quí thầy hướng dẫn kỷ lưỡng từ học đi, học ngồi, học ăn, học nói, học ngủ, mỗi một động thái đều phải có oai nghi tế hạnh, hầu hết thời gian là tọa thiền, kinh hành, niệm Phật và nghe pháp thoại, rất ít thời gian ngủ nghỉ.
Đã gần hai mươi năm thời gian lặng lẽ trôi qua nào thịnh suy được mất, buồn vui…sự vật lòng người muôn vàn thay đổi .Dừng dòng suy nghĩ trước cuộc đổi thay tôi cảm nhận sâu sắc lời Phật dạy mà tôi đã được học trong kinh điển “Sau khi Như Lai diệt độ, các ngươi hãy lấy giới luật làm thầy, giới luật còn là chánh pháp còn”, từ trong tư duy ấy tôi quán chiếu lại quá trình bản thân và đồng sự mình ,thấy một thực tế sinh động là những huynh đệ còn trụ được trước bao sự đổi thay còn đủ uy đức để cảm hóa chướng ma và làm nơi cho đàn em gởi gắm niềm tin, đa phần là những anh chị có công tu tập hành trì giới luật và ngược lại là bị thoái hóa biến chất có còn chăng chỉ là những hóa thân của thế lực vô minh, chỉ là con ma đói bên mâm cỗ ngủ dục tầm thường, những con thiêu thân trước bóng đèn danh tướng, chỉ là những con rối cho tổ chức.
Mặc dù đã thọ tam qui ngũ giới từ lâu, nhưng bài học giới luật đầu tiên mà tôi được học đó là đề tài “Thập mục ngưu đồ” do anh Từ hương dẫn ở trại ADục, anh nhắc nhở.
- Các em phải ghi nhớ rằng đây là con đường tu và hành của người huynh trưởng.
Thú thật những khi ở chùa hay ở trong vòng tròn áo lam thì tôi chăn trâu dễ dàng đôi chút, còn khi ở ngoài có lúc phải tháo mồ hôi hột vì sợi dây thừng với con trâu đen của mình,dìu dắt nó trèo đèo vượt suối đã khó mà giữ gìn nó qua những đám mạ nõn nà xanh mướt lại càng khó hơn .Cuộc đời lắm chông gai cạm bẫy, chỉ liếc mắt nhìn mà thiếu tĩnh thức, chỉ gật đầu nhẹ mà thiếu tĩnh thức là phạm giới, khen hoặc góp ý với đồng sự, với các em mà thiếu tĩnh thức là phạm giới .Đó mới là tinh thần tu giới của người huynh trưởng. Kinh nghiệm và thực tế đã chứng minh rằng chân dung, mạng mạch của người huynh trưởng là Giới. Đạo hạnh và uy tín của người huynh trưởng là làn hương được chiết xuất từ Giới-Định-Tuệ một công trình chiết xuất do chính tự thân người huynh trưởng thực hiện.Và chắc chắn rằng chẵng cần ai cấp ai cho, cũng không ai có quyền cấm đoán thu hồi được, chỉ có làn hương ấy mới có đủ sức mạnh để nuôi dưỡng và bảo vệ tổ chức GĐPT đi đúng chánh pháp làm cho Đạo pháp và Dân tộc trường tồn.
Trong dòng suy nghĩ ấy ,tôi thiết tha ước nguyện tinh thần tu bát quan trai hôm nay sẽ xông ướp sẽ gắn bó đi suốt cuộc đời anh chị trại sinh, sẽ là làn hương ngược chiều gió bay cùng với anh chị về tận các mái nhà Lam trên khắp mọi nẻo đường quê hương.
PL 2550
Đức Sơn 29-4 –BT
TÂM CHẾ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)