TẢN MẠN VỀ VĂN HÓA SẮP HÀNG
TẢN MẠN về VĂN HÓA SẮP HÀNG.
Tâm Lễ
Cách đây mấy năm tôi có dịp đi du lịch ở nước ngoài, trong một lần di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác khỏang cách hơn 200km. Mặc dầu là tháng giêng rồi nhưng cũng đang là mùa đông nên trời giá lạnh,xe chạy khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì nhiều người có nhu cầu “xả bầu tâm sự”. Mặc dầu xe đang đi qua vùng hoang vu hẻo lánh nếu ở nước ta thì tài xế chỉ cần tấp xe vào lề đường là mọi người có thể thoải mái “giải quyết vấn đề”. Nhưng người hướng dẫn viên chỉ cười và khuyên mọi người rán nhịn chờ đến trạm dừng. Không lâu sau xe dừng ở một trạm xăng và mọi người sắp hàng rồng rắn để vào nhà vệ sinh, vì có rất nhiều xe đã đến trước nên nhìn cái hàng dài ngoằng ai cũng lắc đầu ngao ngán. Thế là có nhiều anh phán “bày đặt đi vệ sinh mà cũng sắp hàng!” và đứng ngoài hút thuốc, rồi lách vào giửa hàng nhưng tức khắc bị la ó phản đối, quê quá phải xuống sắp cuối hàng. Về nước vui miệng kể cho bạn bè, có người nói:
- Ở nước ta làm gì có văn hóa sắp hàng!
Tôi không đồng tình với quan điểm đó, sao lại không được, hồi nhỏ học tiểu học (vào thập niên 1960s) trước khi vào lớp là chúng tôi sắp hàng nghiêm chỉnh trước phòng học rồi tuần tự vào lớp. Vào trong lớp đứng hát một bài hát ca ngợi anh hùng dân tộc rồi mới ngồi xuống, hồi đó lớp Nhất chúng tôi hát bài “Bạch Đằng giang sông ơi cùng ta reo lên chiêu anh hùng xưa…”nghe hào hùng lắm. Trước khi ra về cùng đứng dậy hát bài “tan học rồi là tan học rồi…” xong ra sân sắp hàng tuần tự ra về. Nhờ tập sắp hàng từ nhỏ nên thế hệ chúng tôi đi đâu cũng biết tuần tự sắp hàng chờ đến lượt không hề chen lấn…
Thế rồi năm tháng qua đi, đất nước trãi qua bao biến động thờì cuộc, có những năm tháng quá đổi cùng cực, con người phải vật lộn để kiếm miếng cơm manh áo, thế là nãy sinh những tiểu xảo để giành giựt với đồng loại từ miếng ăn cho đến một chút của cải, hay đơn giản là chỉ đi sau mà được đến trước người khác. Thế rồi không biết thói quen sắp hàng biến đâu mất!. Giờ đây đời sống đã khấm khá, con người càng tiếp xúc với nền văn minh hiện đại hơn, nhưng thói quen dùng tiểu xảo để tranh giành, chen lấn, cố tìm cách hơn người khác vẫn chưa bỏ được. Người ta tranh giành từ miếng ăn cho đến công việc, làm sao lợi mình là được còn ai thiệt thòi rán chịu, ai “lanh” thì được, ai “nghiêm chỉnh” thì thua! Người ta chen lấn giành giựt khắp mọi nơi, ở bệnh viện để đóng viện phí, để xin phiếu khám… ở các nới cấp phát thực phẩm, thuốc men, ở cổng trường để xin đơn nhập học cho con, ở lễ hội để được mua ấn, dâng lễ trước, để mua vé xe, để giành chổ ngồi vừa ý trong xe v.v và v.v…
Có lần tôi chở bà xã đi khám bệnh ở trung tâm Hòa Hảo, mới 6 giờ sáng mà người đã bu đen kịt nơi bàn phát phiếu khám, sảng hồn tôi vội chen vào xin vì sợ trể không về kịp, mấy phút sau lấy được phiếu khám trở ra thì phát hiện chiếc điện thoại di động bỏ trong túi quần đã không cánh mà bay!
Cách đây mấy năm vụ động đất, sóng thần ở Nhật Bản đã khiến hàng trăm ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và nạn đói. Chính phủ Nhật tổ chức phát thực phẩm cho nạn nhân, mặc dù đang đói nhưng hàng ngàn người vẫn thứ tự sắp hàng chờ đến lượt không hề có sự mất trật tự nào. Một sĩ quan cảnh sát người Nhật gốc Việt đã kể câu chuyện cảm động khi ông thấy một em bé khoảng 9 tuổi mất gia đình đang sắp hàng chờ nhận bánh mì, thấy cậu ta đứng gần cuối hàng không biết còn phần ăn cho cậu không nên ông đã nhường suất ăn lương khô trong túi cho cậu. Chú bé nhận xong nói lời cảm ơn và cầm xuất ăn đi về phía trước nạp vào bàn cấp phát. Quá ngạc nhiên ông hỏi thì được chú trả lời
-Dạ con nghĩ nhiều người trong hàng đang đói hơn con mong nhận phần ăn, con mang lên để các chú cấp phát chung cho công bằng chú ạ!
Quả thật nhân cách một cậu bé người Nhật đáng cho người lớn chúng ta phải khâm phục!
Sau trận thiên tai, dù bản thân đang đói, rét nhưng cách ứng xử rất có văn hóa của người Nhật khiến cả thế giới cảm phục tinh thần kiên cường và tính tự trọng của người Nhật.
Mới đây cơn bão Haiyen đã tàn phá Philippine, các nạn nhân của thiên tai đã đập phá cửa hàng, chen lấn, chà đạp nhau để cướp thức ăn khiến nhiều người trong chúng ta đã khởi tâm khinh khi cho là kém văn hóa! Thế nhưng những chuyện giành giật, chen lấn, xảy ra trên đất nước của mình khiến cho chúng ta phải cảm thấy xấu hổ. Mới đây một nhà hàng ở Hà Nội khai trương đãi ăn miễn phí thế là hàng ngàn người đổ xô chen lấn nhau gây cảnh hổn loạn ngay trên đường phố, ngay trong bếp ăn, để giành một xuất shusi miễn phí. Hay như vụ tòa đại sứ Hà Lan tặng áo mưa đã có hàng trăm người chen lấn xô đẩy nhau, thậm chí còn leo lên thềm giựt trên tay người phát để kiếm cái áo mưa giá trị vài chục ngàn đồng! có người hả hê vì giành được 2,3 cái!. Hay vụ đổi nón bảo hiểm dỏm lấy nón thật bù 50.000đ ở Đà Nẵng đã bị hàng trăm người chen lấn đạp lên nhau để giành giật, có nhiều người leo lên xe tải để giựt gây ra cảnh náo loạn. Mới đây một xe tải bị nạn đã bị hàng trăm người xúm lại cướp hết hơn một ngàn thùng bia ở Đồng Nai khiến dư luận xôn xao phẫn nộ. Còn nhiều, rất nhiều nữa, chỉ đơn cử một vài vụ ở ngay đất nước mình cho chúng ta thấy người ta giành giật, chà đạp nhau để giành ăn, giành quà tặng có giá trị không đáng là bao ở thủ đô ngàn năm văn vật, ở thành phố lớn, không phải vì họ quá thiếu, cũng không phải vì họ quá đói phải làm càn mà vì thiếu văn hóa, thiếu tự trọng. Như vậy chúng ta có thể thông cảm cho người dân Philippine khi họ phải đối mặt với cái đói, cái rét.
Tranh giành cái ăn, cái của vốn đã tệ nhưng tranh giành để thỏa mãn lòng tham trên lảnh vực tâm linh lại càng đáng xấu hổ hơn. Người ta chen lấn chà đạp nhau để được mua ấn, dâng lễ ở lễ hội khai ấn đền Trần ở Bắc Ninh, giành nhau để cướp chiếu cầu con trai ở lễ hội miếu bà công chúa Ngọc Kinh, Vĩnh Phúc…., còn nhiều điều “trông thấy mà đau đớn lòng”. Người ta chà đạp lên người khác để giành giật phần cho mình ở những nơi tôn nghiêm để được thể hiện lòng thành với thánh thần!
Suy cho cùng dầu cho biểu hiện dưới hình thức nào, ở đâu, dù là vật chất hay tinh thần, tất cả cũng chỉ thể hiện cái LÒNG THAM vô tận, lòng tham đó đã vượt qua giới hạn của đạo đức, nhân cách và lòng tự trọng.
Các nhà giáo dục, nhà văn hóa có khi nào đặt câu hỏi :
-Tại sao dân mình lại quên mất văn hóa sắp hàng? Một hành động hết sức đơn giản nhưng biểu hiện nhân cách, đạo đức, văn hóa và lòng tự trọng của một con người, một cộng đồng!
Tâm Lễ
Cảnh đè nhau để giành nón bảo hiểm ở Đà Nẵng
Hàng ngàn người chen lân để giành xuất ăn suishi miễn phí ở Hà Nội
Chen lấn giẩm đạp nhau để mua vé xe
Người Nhật sắp hàng chờ gọi điện thoại công cộng
Giành giật mua ấn trong lễ hội đền Trần
Giành giật áo mưa miễn phí ở Hà Nội
Đập phá cửa hàng cướp thức ăn ở Philippine
Giành chiếu để cầu con trai trong lễ hội miếu bà công chúa Ngọc Kinh, Vĩnh Phúc
Người Nhật sắp hàng mua dầu sau thảm họa động đất, sóng thần
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)