ĐỂ CÓ MỘT MÙA TRUNG THU TRỌN VẸN
Anh chị em lam viên thân mến.
Chúng ta vừa trải qua một mùa trăng hiếu hạnh với những hoạt động tổ chức mùa Vu Lan báo hiếu khăp các trú xứ của các đơn vị. Với những nổ lực của Ban Huynh Trưởng các đơn vị đã tổ chức nhiều lễ hội tri ân và báo ân thật nhiều ý nghĩa. Mùa trăng hiếu hạnh đã cho ta thật nhiều cung bậc cảm xúc đã đi qua, theo vòng quay của đất trời chúng ta lại sắp bước vào mùa trăng khác, đó là trăng rằm thánh tám, ngày tết trung thu, tết của thiếu nhi Việt Nam truyền thống có từ bao đời.
Bây giờ chỉ là mới những ngày đầu tháng tám nhưng không khí đón tết trung thu đã đến rất sớm, trên những dãy phố đã bày bán bánh trung thu la liệt với đủ các chủng loại, đủ các thương hiệu, giá cả thì thật là đa dạng, một cái bánh trung thu có giá từ vài chục ngàn cho đến hằng trăm ngàn! Các loại đèn trung thu cũng đã bày bán khắp nơi với muôn màu muôn vẻ, từ đèn giấy cổ truyền nhiều màu sắc như đèn ông sao, đèn cá chép… cho đến đèn công nghiệp hiện đại với máy bay tàu thủy, siêu nhân…làm bằng nhựa với ánh sáng điện nhấp nháy và phát ra những tiếng nhạc du dương…
Gia Đình Phật Tử chúng ta có ngành Đồng cũng ở độ tuổi thiếu nhi nên tết trung thu cũng là tết của các em ngành Đồng trong GĐPT. Chăm lo cho các em của chúng ta được đón một cái tết nhi đồng thật vui, thật nhiều ý nghĩa là bổn phận không riêng gì chỉ có anh chị huynh trưởng ngành Đồng mà tất cả huynh trưởng trong từng đơn vị cũng chung tay góp sức. Tổ chức đón tết thiếu nhi như thế nào để đạt được các yêu cầu nêu trên là tùy thuộc vào tình yêu thương, sự nhiệt tình và óc sáng tạo của các anh chị trưởng.
Trong GĐPT các em đều cùng chung màu áo lam, đều cùng nhau tu học, sinh hoạt dưới mái chùa nên nhìn chung các em đều bình đẳng không phân biệt hoàn cảnh giàu nghèo, sang hèn của gia đình các em. Hơn nữa vấn đề giàu nghèo cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mái nhà lam nơi các em đang cùng nhau vui học. Thế nhưng trên thực tế mỗi em đều có một hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhiều em thì kinh tế gia đình khá giả hoặc ổn định, ở nhà các em được nâng niu chìu chuộng từ cái ăn cái mặc cho đến nhu cầu hưởng thụ vì cha mẹ các em khá giả. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn do gia đình nghèo, cha mẹ không có điều kiện để lo cho các em được đầy đủ, nhiều lúc cái ăn cái mặc cũng chưa được đầy đủ thì nói gì đến những nhu cầu xa xỉ khác.
Thế cho nên các em được bình đẳng khi đến chùa, đến với GĐPT, nhưng khi trở về nhà thì khác. Em có gia đình khá giả được cha mẹ chuẩn bị đón tết trung thu với bánh trung thu đắt tiền, được mua đèn hàng điện tử cao cấp, trong khi đó có em thì không có một miếng bành trung thu để ăn thử, năn nỉ lắm mẹ mới mua cho cái lồng đèn giấy rẻ tiền để có mà đi rước đèn cùng các bạn.
Là anh chị trưởng tại đơn vị chúng ta phải thấu rỏ hoàn cảnh của từng em để lo cho các em có cái tết trung thu với niềm vui trọn vẹn bằng cách áp dụng phương châm : TẾT TRUNG THU YÊU THƯƠNG, CHIA SẺ. Hãy sáng tạo các hoạt động trung thu cho các em vui chơi trong tinh thần yêu thương nhau, chia sẻ sự khó khăn của nhau. Tập cho các em đức tính sống vị tha, biết cảm thông với nỗi khổ của người khác để rồi từ đó tìm cách sẻ chia cho nhau, tập cho các em biết nhường nhịn, giúp đở bạn mình khi khó khăn, túng thiếu. Thực hiện đón tết trung thu trong tinh thần yêu thương, chia sẻ là một bài học về đức tính từ bi của người Phật tử thật sống động và thiết thực mà các anh chị trưởng phải biết vận dụng để giáo hóa các em.
Hãy cùng nhau đón một tết nhi đồng trọn vẹn niềm yêu thương là tiêu chí mà các anh chị trưởng cùng nhau thực hiện trong tết trung thu năm nay.
Chúc quý anh chị, và các em thân thương có một mùa trung thu thật nhiều niềm vui khi cùng nhau YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ.
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)