Có những dòng sông
Nơi tôi cất tiếng khóc chào đời là một ngôi làng nhỏ bốn bề ruộng đồng bát ngát xanh tươi nằm dưới chân Cồn tiên-Dốc Miếu và phía bên chiếc cầu Hiền Lương nối đôi bờ sông Bến Hải. Dầu phải xa quê từ buổi thiếu thời nhưng tuổi thơ tôi đã được gắn liền với những con đường đất với giếng nước, ao làng sau những chiều tan học hay những buổi sáng tinh mơ được theo chân mẹ đi chợ Kênh, một ngôi chợ quê nhỏ thó chỉ nhóm từ lúc canh gà gáy tan cho đến khi mặt trời mọc chuyên bày bán những cây nhà lá vườn, đại loại như cà ớt, khoai sắn, rau cải và một số thủy sản đồng quê , đơn vị đo lường hàng hóa giữa kẻ mua người bán nơi dây người ta tính với nhau bằng thúng, mủng, mớ, chục.vv. không ồn ào náo nhiệt, lấn chen mua giành bán giật mà luôn chất phác hiền lành mộc mạc, rất đỗi chân quê. Chợ Kênh nằm khiêm tốn bên bờ Bến Hải, nên mỗi lần được mạ cho ra chợ là thêm một lần tôi được lội xuống bờ sông, được ngắm nhìn dòng nước lững lờ trôi với những con sóng nhỏ nối đuôi nhau từ thượng nguồn xuôi ra biển cả và cũng để rồi tuổi thơ tôi lại thêm một lần tận kiến nỗi buồn của sông quê vắng bóng con đò, giữa dòng vết cắt trên cầu ngăn đôi!
Ngày ấy tôi được nghe mạ kể rằng: Sông Bến Hải phát xuất từ núi Động Chân ở thượng nguồn Trường Sơn rồi đổ ra biển cửa Tùng thuộc huyện Gio Linh Quảng Trị, gần 100km dòng chảy con sông đã đi qua trên nhiều tên đất tên làng, nên sông Bến Hải còn gọi là sông Rào Thanh, sông Bến Hói, hay Minh Lương, còn chiếc cầu Hiền Lương được bắc lần đầu tiên vào năm 1928 dưới triều nhà Nguyễn, lòng sông ở đoạn chiếc cầu đi qua rộng chừng gần 200m. Tuy sông không rộng cầu không dài, nhưng tự bao đời nay vẫn luôn là nét đẹp, là duyên quê của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, là chốn đi về, là nơi nối nhịp tri âm của người dân ở đôi bờ Bến Hải. Không quản ngại với những thiên tai, thăng trầm của xứ sở, con sông quê hiền lành cùng với chiếc cầu mảnh mai đã bền bỉ cùng năm tháng, âm thầm hiến mình cho nếp sống yên bình thơ mộng của quê hương. Nhưng rồi một ngày kia đất bằng dậy sóng, năm 1954 hiệp định Genève ra đời, người ta đã thỏa thuận cùng nhau lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến và dòng sông Bến Hải làm làn ranh chia đôi đất Việt. Kể từ ngày bị áp đặt làm thân phận ngăn đôi đất nước, làm vết cắt trên da thịt của quê hương, con sông ngày đêm buồn bả tủi nhục, dòng nước ngậm ngùi, mờ đục, nặng trĩu, ngập ngừng, lững thững trên đường đi qua chiếc cầu Hiền Lương lạnh lùng, nằm trơ gan cùng tuế nguyệt.
Thời gian đi qua nhanh trên đất làng yêu dấu, tuổi thơ tôi chưa kịp lớn khôn thì chiến tranh trỗi dậy từng ngày, con đường cái quan ngày nào tôi được mạ cho đi chợ Kênh đã bị bom mìn băm nát. Ngôi chợ quê thân yêu cũng cùng chung số phận tiêu điều, tang thương. mảnh đất nơi tôi chôn nhau cắt rốn luôn được xem là khoảnh đất yên bình còn lại trong những làng quê ở vùng địa đầu giới tuyến, là nơi tìm sự an ổn cho người dân làng bên trong những đêm hận thù sục sôi gõ cửa, cũng đã thành chốn bất an, thành nơi tiêu thụ đạn bom, trút lửa hận thù của đôi bờ ý thức. Như một cơn ác mộng , dòng sông quê êm ả, cánh đồng quê yên bình bát ngát xanh tươi ngày nào, giờ đã biến thành chảo lửa chiến tranh, bức họa đồng quê được tô đắp bởi nét mực kế thừa qua bao thế hệ, đã bốc cháy lổ loang, người người đành phải đau đớn ngậm ngùi gạt nước mắt tạ từ đất mẹ ra đi tìm sự sống. Cảm thông với nổi mất mát, đau thương của người dân lành bản xứ, nhạc sĩ Lê Minh Bằng đã viết ca khúc “Thương Vùng Hỏa Tuyến”,khúc hát ngân lên đã làm não lòng bao kẻ ly hương, với “Có ai qua vùng hỏa tuyến, nhắn cho tôi một vài lời ,mái tranh thân yêu còn đâu, lủy tre xanh tươi còn đâu, đổi thay giờ đây lửa máu, xóm thôn hoang tàn đổ nát, luống khoai luống cà nghẹn ngào, vắng trâu ăn trên đồng sâu, trẻ thơ đi tìm mẹ hiền…, oán xâm lăng gây lửa khói, để cho bao nhiêu lệ rơi, để cho sầu héo lòng tôi…” Mang bên mình những chiếc bóng quê hương, mái chùa, sân đình, giếng nước ao làng, với bao kỷ niệm tuổi học trò chân đất theo gia đình cùng đoàn người di dân tôi đi tìm con đường sống, trong bối cảnh chiến sự như những vết dầu loang, đã khiến cho bước chân kẻ tha hương ngày càng dàì, con đường ly hương ngày lại càng xa ngái. Trôi nổi từ miền Trung cho chí tận miền Nam trên những nẻo đường làm kiếp lưu dân, tôi đã có duyên ghé lại, soi mình bơi lội, để tìm những giây phút dịu dàng những kỷ niệm êm đềm trên những dòng sông mà tên tuổi của nó đã gắn liền với văn nhân, thi sĩ, gắn liền với những thăng trầm suy thịnh của dân tộc, như : Con sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, dòng Hương giang thơ mộng ở chốn kinh thành, sông Thu Bồn uốn mình ngoạn mục từ thượng nguồn về tận phố cổ Hội An đất Quảng. Sau ngày tàn cuộc chiến (1975) vì không chịu được sự oi bức của cuộc sống đầy kỳ thị ở xứ mình, tôi tiếp tục lang thang tìm về với điệu sống phóng khoáng của dân quê miền Tây Nam Bộ, nơi đây tôi đã có dịp bơi xuồng qua lại trên dòng Cửu Long mênh mông sóng nước và được nghe những câu hò đậm chất phù sa châu thổ.
Chiến tranh-hòa bình, thế sự thăng trầm, cuộc sống đổi thay. Trải qua bao tháng năm dài, vẫn kiếp lưu dân miệt mài đi tìm con đường sống. Mãi đến mùa đông 1979, con thuyền nhân duyên đã đưa tôi về với xứ sở miền Đông, như con chim tìm được đất lành, mảnh đất La Vân, Ngải Giao đã thành bến đậu cho con đò mưu sinh, trải qua bao mùa lưu lạc, Nằm trên trục lộ giao thông nối giữa hai đầu Bà Rịa- Long Khánh, La Vân là một vùng quê nghèo vừa mới trở mình hồi sinh sau ngày kết thúc chiến tranh nên màu sống vẫn còn nhạt nhòa, khiêm tốn. Tuy thiếu vắng những cánh đồng, không một dòng sông, nhưng chính nơi đây, từ những bước chân đầu tiên ở đất khách lạ lùng, tôi đã tìm lại được cho mình một màu xanh tương lai hy vọng, tìm lại hương của một loài hoa luôn ngược chiều gió bay và đã kết nối dòng chảy của con sông từ những con tìm lam, đã giữ trọn lời nguyền suốt đời ấp ủ…Để rồi “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, những cái tên Dương, Bộ, Khiên, Tú, Quốc, Bình, Ngôn, Nhạn… những người anh, những bạn bè, mỗi đứa một nẻo quê hương, mỗi nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng như đã cùng chung một mái nhà, một dòng sông và một niềm mơ ước, được thực hiện mục đích lý tưởng của mình là “Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chơn chánh, góp phân xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.
Vượt qua những thử thách của thế lực vô minh, những khó khăn của thời đói cơm rách áo, anh em cùng chung lòng tô đắp nhà Lam xây dựng Gia Đình. GĐPT/KV đã được ra đời từ đó và tôi còn nhớ như in trong lần quay vòng tròn áo lam đầu tiên trên vùng đất mới, chúng tôi đã cùng nhau hát vang khúc ca “ chúng ta là chim bốn phương bay về đây…” Cũng từ nơi vòng tròn đầu tiên này chúng tôi bắt đầu khởi động lại con thuyền lý tưởng, khởi động lại hạnh nguyện đời mình, qua một thời xa vắng. Mùa thu năm 1981 tôi được tham dự trại huấn luyện A-dục do BHD/ GĐ cùng với BCH/ PT tổ chức tại Chùa Viên Quang, Suối Nghệ, vào một ngày trung tuần mùa đông năm ấy trên tuyến hành trình về đích của trại, chúng tôi cùng nhau theo dấu đi đường tìm điểm đến từ chùa Sơn Linh hướng về phương đông khu rừng Xuân Sơn.
Chúng tôi phải vuợt qua những chặng đường núi đồi, khe suối cheo leo hiểm trở, càng đi chúng tôi như càng tiến sâu vào rừng xanh, mãi cho đến khi nghe tiếng thác đổ ì ầm, mới hay con đường rừng đã hết, và chính mình đang dừng chân bên một dòng sông và đất trại là những tảng đá chằng chịt nối đôi bờ, có chổ bằng phẳng, có nơi chênh vênh đứng giữa lòng sông, dựng lên những ngọn thác dâng tràn, tiếng thác đổ cùng với tiếng vượn hú chim reo đã hòa âm thành một bản nhạc rừng, âm vang trầm hùng giữa chốn thiên nhiên tịch mịch. Mặc dù phải tất bật với trách nhiệm của một trại sinh, nhưng tôi cũng đã dành dụm một chút ít thì giờ quí báu để ngồi nhìn dòng sông, nhìn lại dòng đời, mình được bao lần tìm về soi bóng trên những dòng sông.
May mắn hôm nay trên con đường huynh trưởng đã cho tôi được thêm một lần về soi mình trên một con sông rất xa lạ có tên là sông Ray, con sông này được bắt nguồn từ núi Xuân Lộc, Đồng Nai đổ ra cửa biển Lộc An, Bà Rịa Vũng Tàu, trên 100 cây số dòng chảy con sông đã len lỏi vượt qua những khu rừng, triền núi chân đèo, nên hình dáng con sông luôn thay đổi có lúc thu mình quanh co chảy xiết, có khi phìn ra thong dong thư thái, tạo nên những bưng biền, đồng ruộng và có nơi phải hóa thành thác ghềnh để trào tuôn ra biển cả.
Tuy không hùng vĩ danh tiếng như những dòng sông mà trên dòng đời tôi đã đi qua, nhưng chính con sông bé nhỏ này đã mang lại cho tôi những giây phút thiêng liêng, những dòng cảm xúc sâu lắng và những kỷ niệm đẹp cho đời mình.Vì lần này tôi ngồi nhìn dòng sông không phải để cảm nhận những nỗi niềm buồn vui đan xen như đã nhìn sông quê Bến Hải, không phải để cảm nhận sự gồng gánh những đau thương cùng đất nước trong thời chiên tranh như dòng sông Thạch Hãn, cũng không phải để thưởng thức nét đẹp duyên dáng, quý phái nhưng rất thùy mỵ thân thương của sông Hương xứ Huế… Mà lần này tôi về ngồi trên dòng sông, giữa chốn núi rừng tịch mịch, để được nhìn lại chính mình, để kết nối, để tìm lại những tháng ngày quá khứ, để nhìn lại và tiếp tục con đường mình đã đi và được nhận chân sâu hơn mục đích, lý tưởng mà đời mình đã chọn từ thời non trẻ.
Đến với dòng sông hôm nay không phải chỉ soi mình trên dòng nước mà đã được soi mình trên những tấm gương, đến vời rừng xanh hôm nay không phải để ngồi hóng mát dưới những tán cây rừng mà đã được đứng dưới những gốc cây cao bóng cả tên tuổi giữa trời Lam đất Việt. Chúng tôi ngồi quay quần trên những tảng đá như những chiếc thuyền nổi giữa dòng sông để lắng nghe anh Như Tâm-Nguyễn Khắc Từ nói về sứ mệnh người huynh trưởng với đạo pháp và dân tộc, được nghe anh bày vẽ cách nhìn nhận ngón tay chỉ mặt trăng, được nghe anh trao truyền lý tưởng qua lời kinh phát nguyện và ý nghĩa truyền đăng tục diệm của nguồn sáng vô tận trong kinh Duy- ma-cật. Nhưng có lẽ trong lúc này bài học từ cái nhìn thấy, còn sống động thực tiển hơn cả, những bài học của sự lắng nghe. chúng tôi đang nhìn hinh bóng các anh như đang soi minh trong những tấm gương trong suốt.
Động lực nào đã khiến một con người vừa thoát vòng tù tội, chưa kịp phục hồi sức khỏe, đôi mắt mù lòa, thân thể hao gầy đôi chân chưa vững bước, đã lặn lội từ Sài Gòn về tận chốn rừng rú hoang vu để đem hết tâm can mình truyền trao lý lưởng cho đàn em. Có phải chăng các anh là hiện thân của đức hy sinh của tinh thần vô úy của châm ngôn Bi – Trí – Dũng. Sau khi được tiếp nhận ngọn đèn vô tận từ tay anh trao truyền dưới đại hùng bửu điện chùa Sơn Linh, và đựơc chính anh đại diện cho tổ chức công nhận lời phát nguyện của mình, chúng tôi rất cảm động vì chính anh đã trút hết tâm can, đem đến cho chúng tôi sự lớn khôn từng ngày.
Rời trại trường A-dục chúng tôi trở về tiếp tục con đường phụng sự tổ chức trong hoàn cảnh xã hội cực kỳ khó khăn, nhưng nhờ thấm nhuần ân đức hy sinh và tinh thần vô úy của các anh, sau những ngày trên đất trại mà chúng tôi đã vượt thắng được tất cả và con đường đi của tổ chức ngày càng được rộng mở tại các địa phương, trong bối cảnh thời khó, thế khó. Để rồi vào một ngày cuối thu năm1987 tôi lại được trở lại dòng sông Ray lần thứ hai với vai trò trai sinh trại huấn luyện Huyền Trang. Mặc dầu không thể tắm hai lần trên dòng sông Ray, nhưng hôm nay tôi đã sung sướng, được tắm hai lần trên dòng sông Lam. Cũng trên những tảng đá năm xưa, hôm nay chúng tôi lại được ngồi lắng nghe anh Nguyễn Khắc Từ truyền đạt về vai trò lãnh đạo của người Huynh Trưởng, nói về lập nguyện của Ngài Huyền Trang trên sa mạc Gobi đầy thống khổ và anh đã ân cần chia sẻ những trải nghiệm cuộc đời huynh trưởng của minh, trong những lúc đối diện với các thế lực vô minh qua các lần pháp nạn, trong những lúc tù đày.
Như báo hiệu rằng phía trước con đường các em đi đang có những thử thách đợi chờ để tôi luyện ý chí của người huynh trưởng, nên anh luôn “ chúc các em sẽ gặp nhiều chướng ngại”… Không gian im vắng, một bầu không khi thiêng liêng bao trùm trước đại hùng bửu điện chùa Sơn Linh chúng tôi vô cùng xúc động và vinh hạnh được thêm một lần nữa nghiêm cẩn tiếp nhận ngọn đèn vô tận từ tay anh trao truyền.
Tạm biệt dòng sông Ray! Với sứ mệnh của người huynh trưởng Huyền Trang, chúng tôi tiếp tục dấn thân vào con đường phụng sự lý tưởng, gánh vác sự sống còn của tổ chức tại tỉnh nhà…Theo thời gian, thiên nhiên cũng nhiều biến đổi, sinh thái đôi bờ con sông đã không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng giữa lòng, dòng sông vẫn chảy và luôn chung thủy, trong ngóng đợi chờ đón bước chân lam. Cũng thế dù phải trải qua những gian lao thử thách của các thế lực vô minh ngăn bước cản đường , nhưng dòng sông lam BRVT vẫn tuôn trào lan tỏa, con đường lam Bà Rịa Vũng Tàu luôn kiên định lập trường vượt qua mọi gai chông, ngày càng rộng mở từ Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành, Vũng Tàu, từ phố thị cho đến rừng sâu, khắp mọi nẻo đường ngát hương sen biển. Không lỗi hẹn với ngày tạm biệt, chúng tôi lại tiếp tục trở về chung nhịp bước với dòng sông. Chúng tôi về đây kiến lập trại trường, Lộc Uyển-, A-dục cho đến Huyền Trang, nối tiếp đàn anh, đào luyện con người truyền trao sứ mệnh.. Có những lần tôi đã không dấu được niềm xúc động khi ngồi tâm tình câu chuyện lửa tàn với các thế hệ Trại Sinh Lộc Uyển- A-dục- Huyền Trang bên bờ sông Ray, nhìn ánh lửa hồng, trong tôi lại hiện về những hình ảnh năm xưa, hơn 30 năm trước cũng trên bờ sông này bên bếp lửa tàn, anh Từ, anh Để, anh Tú, anh Khôi các anh đã nhỏ nhẹ trút vào lòng chúng tôi về sức sống của GĐPT/VN.
Có những lần chúng tôi không dấu được niềm tự hào khi quỳ dưới đại hùng bửu điện của ngôi chùa Thiên Quang, chúng tôi tự hào vì hôm nay mình đã thực hiện được lời trao gởi của các anh hơn 30 về trước, đã thay mặt các anh tiếp nhận nguồn ánh sáng vô tận từ Tam Bảo trao truyền cho hàng ngũ huynh trưởng kế thừa. để tiếp nối mạng mạch của tổ chức, đem ánh sáng Phật Pháp vào đời thực hiên mục đích lý tưởng Ngồi nhìn dòng sông tôi nhớ lời mạ dạy năm xưa, giang sơn Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu, lãnh thổ Việt Nam “tam sơn tứ hải nhất phần điền” con sông luôn là mạch máu quê hương, sông kết chặt núi non đất liền biển cả, sông sẽ vui khi núi biển vẹn toàn và sông sẽ ngậm ngùi khi đất nước chưa yên. Như chung dòng suy nghĩ , chung nỗi niềm trăn trở với những dòng sông, con sông Lam BRVT vẫn mãi một lòng tinh khiết, trung kiên, vượt qua bao chướng ngại thác ghềnh đem suối từ soi sáng nhân sinh. Vì một ngày mai Quê Hương Việt Nam tươi sáng vẹn toàn./
Tâm Chế
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)