HÃY MỞ LÒNG RA
HÃY MỞ LÒNG RA
– Tâm hãy đọc bài viết cho kỷ yếu cả trại sinh, nhớ phân loại A,B,C và ghi lời nhận xét vào nhé!
Anh Nhẫn đưa cho tôi xấp bài viết của trại sinh rồi đi về phía lớp học đang được đời sống trại tập trung dưới những hàng dương phía gần bãi biển.
Tôi cầm xấp bài đi ra bãi biển, ngôi dựa lưng vào một gốc cây dương nhìn ra biển. Biển hôm nay thật đẹp, thật lý tưởng cho một cuộc trại. Mặt trời núp sau những đám mây mỏng màu xám nhạt rọi những tia nắng yếu ớt phủ một màu vàng nhạt xuống vạn vật. Biển một màu xanh ngắt, những con sóng nhẹ lao xao đuổi nhau xô vào bờ cát trắng tạo âm vang ầm ì bất tận. Ngoài khơi xa thấp thoáng những con tàu trắng đang lướt êm trên mặt biển và gần hơn là những con thuyền thúng nhấp nhô trong từng cơn sóng. Từng cơn gió nhẹ từ ngoài khơi thổi vào bờ, không khí mát mẻ trong lành. Tôi ngồi tập trung tư tưởng đọc từng bài viết của trại sinh, tiếng anh Nhẫn giảng bài ở phía sau nghe rỏ mồn một. Lớp học khi thì im phăng phắc, khi thì cười ồ lên vui vẻ trước những câu pha trò hóm hỉnh của anh.
Anh Nhẫn thật là một người biện tài giỏi, đề tài nào dù khô khan đến mấy cũng được anh giảng thât sống động, cuốn hút. Trại sinh dù có mệt mỏi, uể oải đến mấy khi đến giờ của anh cũng tỉnh táo nghe anh giảng. Những câu pha trò, những câu chyện vui ngắn thỉnh thoảng được anh khéo léo chen vào bài giảng làm lớp học sôi động hẳn lên.
Hết giờ, đời sống trại cho trại sinh nghỉ giải lao. Hơn bốn mươi trại sinh tản mác ra các gốc cây dương trò chuyện hoặc ra ngắm biển. Anh Nhẫn đến bên tôi.
- Tâm thấy chất lượng bài viết của trại sinh thế nào, có khá không?
Anh cất tiếng hỏi và ngồi xuống bên tôi.
- Dạ, nhìn chung thì cũng tương đối, có một vài bài khá nhưng cũng có một số loại C anh ạ.
- Những bài loại C ta cố gắng chỉnh sửa để đăng cho họ. phải tạo điều kiện để tất cả trại sinh đóng góp vào tập kỷ yếu của trạị vì đây là một kỷ niệm quý báu trong đời người huynh trưởng.
Tôi ngẩng mặt nhìn anh cười, cảm nhận được tấm lòng anh thật bao dung, đôn hậu. Nói về chử nghĩa thì anh là số một trong số anh em huynh trưởng trong tỉnh. Văn thơ của anh rất chỉn chu, nghiêm khắc, cân nhắc kỷ trong từng câu chữ, nhưng khi xét văn của người khác thì anh thật rộng lượng, ít khi phê phán mà góp ý hết sức tế nhị, khuyến khích, động viên nhiều hơn.
Trước đây khi tôi còn làm huynh trưởng một đơn vị Gia Đình Phật Tử thì anh Nhẫn đã là một huynh trưởng hàng đầu của ban hướng dẫn tỉnh. Hồi đó tôi chỉ dám nhìn anh với cặp mắt “kính nhi viễn chi”. Mỗi lần có dịp lên họp cùng ban hướng dẫn, nghe anh phát biểu với những lời lẽ khúc chiết, lập luận vững vàng, ngôn từ hòa ái tôi đã thầm kính nể. Đối với những huynh trưởng và đoàn sinh cấp dưới mới thoạt nhìn nét mặt nghiêm nghị, lạnh tanh của anh cũng thấy hơi “chờn” nhưng khi anh cười thì thấy anh thật thân thiện, dễ gần. Sau này, cùng làm việc nhiều với nhau tôi vô cùng cảm mến anh, tôi phát hiện ở anh một tấm lòng nhân ái, đôn hậu và gần gủi, thân thiện. Đối với xã hội hay cũng như đồng sự anh luôn hoà nhã, sống hòa hợp với tất cả mọi người mặc dầu tính tình anh hơi nghiêm khắc và cầu toàn. Đối với tôi anh coi như một người bạn vong niên, mặc dầu tôi thấy mình đứng sau anh về mọi mặt về tuổi đời, tuổi đạo, vốn sống cũng như kiến thức phật học, thế học…
- Chiều nay trại sinh sẽ đi khảo sát kết khóa rồi. Tâm có dự đoán ai là thủ khoa trại này không?
Tiếng anh cắt đứt dòng suy tưởng miên man của tôi.
- Em thấy bên nam thì có Thái, Hoàng, bên nữ thì có Thúy, Vân. Nhưng theo em Thái là có khả năng hơn cả. Thái giỏi toàn diện và tỏ ra tháo vát nhất.-
- Tâm biết vì sao trong tất cả chương trình trại huấn luyện và tu học huynh trưởng cấp nào cũng có đề cập đến tâm lý trẻ không? Nào là “hiểu trẻ”, “tâm lý trẻ”, tâm lý ngành”… Anh đột ngột chuyển đề tài.
- Theo em nghĩ thì các anh muốn huynh trưởng trở thành những nhà tâm lý học chứ gì! Tôi trả lời nửa đùa, nửa thật.
- Đúng đấy, nhưng không phải là những nhà tâm ly học lý thuyết mà phải là những nhà tâm lý học thực hành. Làm công việc daỵ trẻ mà không hiểu tâm lý trẻ thì thất bại là cái chắc!
Tôi chưa hiểu vì sao chuyển đề tài như thế thì anh đã nói tiếp, giọng chùng xuống như tâm sự.
- Thái giỏi thật đấy, nhưng Tâm biết không, suýt nữa thì tôi đã làm hỏng cậu ấy rồi đó!
Tôi nhìn anh thắc mắc chưa hiểu ra câu chuyện thì anh đã tiếp tục kể.
… Hồi tôi còn làm Liên Đoàn Trưởng ở Gia Đình Phật Tử K.L, Thái là một đoàn sinh thuộc loại ngoan, có nề nếp nhưng trong đoàn thiếu nam có một số em có triệu chứng hư hỏng hay bỏ các buổi lễ phật hay buổi sinh hoạt mà đàn đúm với bạn bè, từ đó lôi kéo một số đoàn sinh khác đi theo, trong đó có Thái.
Mùa Vu Lan năm đó, tối ngày mười bốn tháng bảy, thầy đang thuyết giảng về chử hiếu trong đạo Phật. Đạo hữu cũng như đoàn sinh GĐPT có mặt rất đông, ngồi chật cả sân chùa. Ngồi gần tôi là một nhòm đoàn sinh ngành thiếu chen lẫn vào quý bác đạo hữu. Tất cả mọi người đều chú tâm nghe thầy giảng, trong khi đó nhóm đoàn sinh ngồi sau lưng tôi thỉnh thoảng cười đùa ồn ào. Một số quý bác ngồi gần đó tỏ ý khó chịu, tôi phải quay mặt lại rầy la mấy lần, các em ấy im lặng một lúc rồi lại cười nói như cũ. Cuối cùng quá bực mình tôi bật dậy đi đến các em, thì ra là nhóm đoàn sinh nữ có, nam có, thêm mấy chú thiếu nam mặc thường phục trong đó có cả Thái đang đùa giỡn với nhau.
- Mấy em muốn nói chuyện thì ra chổ khác đừng làm phiền người khác. Tôi to tiếng.
Mấy cô chú nhìn tôi im thin thít. Nhìn mấy chú thiếu nam thoải mái trong bộ thường phục tôi không nhịn được. tôi trừng mắt hỏi.
- Còn mấy chú này ở đâu đến đây quậy phá?
Tôi gằng giọng, cả bọn nhìn tôi ngỡ ngàng, mới đầu chúng tưởng tôi không nhận ra người quen, nhưng khi nhìn vào ánh mắt tôi chúng chợt hiểu ra và lẳng lặng bỏ đi, Thái cũng nối gót theo chúng.
Hôm rằm sau lễ chính thức Vu Lan, cài hoa hồng và lễ báo tứ ân xong, đến giờ thọ trai tôi đi một vòng để xem các em ăn uống như thế nào. Đến chổ đoàn sinh ngành thiếu tôi lại thấy Thái trong bộ thường phục ngồi xen lẫn trong đoàn thiếu nam. Thấy tôi Thái ngước cặp mắt nhìn tôi hốt hoảng ra dáng sợ hãi. Nhớ chuyện hôm trước tôi đã toan nổi nóng muốn mời Thái ra khỏi bàn ngay lập tức. Nhưng thật may cho tôi, trong một sát-na tôi chợt nhớ tới câu nói của ông bà ta “trời đáng tránh bữa ăn!”. Tôi kịp dằn lòng lại với ý tưởng:
-“Rằm tháng bảy bất kỳ ai đến chùa cũng được mời ăn, huống chi Thái là em út của mình” thoáng đến với tôi thật nhanh. Trấn tỉnh lại tôi làm như không có chuyện gì xảy ra, chúc các em ăn ngon miệng rồi đi qua chổ khác.
Ba ngày sau, tôi nghe tin chị Thùy mẹ của Thái chết, cái chêt bất ngờ của một người đàn bà trẻ tuổi gây chấn động trong thôn xóm. Chị Thùy bị bệnh tim đã lâu, mấy hôm nay bệnh trở nặng người nhà đưa chị đi bệnh viện, em gái thì qua bên ông bà nội còn Thái thì ở nhà lang thang theo bè bạn. Ca mổ thay van tim của chị không thành công, chị Thùy chết trên bàn mổ. Chưa đến tuổi bốn mươi, chị chết đi để lại hai con nhỏ, Thái là con lớn và một bé gái mới mười tuổi. Cái chết của chị đã làm xúc động, bàng hoàng đối với bà con trong thôn xóm, ai cũng thương hoàn cảnh của gia đình chị.
Hôm thay mặt đơn vị đi phúng viếng, lúc thắp nhang trước bàn thờ chị Thùy, nhìn hai đứa trẻ đang rủ rượi trong bộ áo tang nhàu nát tôi không cầm được nước mắt. Lúc bắt tay chồng chị Thùy nói một vài lòi chia buồn, tôi bắt gặp ánh mắt của Thái nhìn tôi lạ lùng. Ôi! Cái ánh mắt u uẩn của một đứa trẻ thảng thốt khi ý thức được mẹ mình không còn nữa. Ánh mắt như xoáy vào tim tôi đau buốt, ánh mắt đó đã ám ảnh tôi rất lâu. Sau này biết chuyện những ngày lễ Vu Lan chị Thùy đi bệnh viện, chồng chị đi theo chăm sóc để hai đứa con nhỏ ở nhà, ba mẹ không có nhà, Thái bị những đứa bạn hư hỏng lôi kéo lang thang. Trong khi bạn bè trong GĐPT đang tập trung sinh hoạt tại chùa thì Thái cùng mấy đứa bạn xấu đàn đúm đầu đường xó chợ đến giờ ăn thì tấp vào đoàn ăn ké, bạn đoàn cũng không dám nói ra vì sợ mất lòng. Hôm lễ Vu Lan nếu như không kịp kềm chế có lẽ tôi đã đuổi Thái ra khỏi bàn ăn thì bây giờ tôi đã ân hận biết chừng nào. Bây giờ nghĩ lại tôi còn thấy hú vía!.
Sau này hồi tâm lại tôi hay tới thăm và an ủi chồng chị Thùy và an ủi hỏi thăm hai anh em Thái. Từ khi vợ mất, anh Toản ba của Thái để ý quan tâm đến con cái nhiều hơn và Thái cũng thay đổi tính nết, chịu khó học hành, không còn giao du với lũ bạn hư hỏng nữa. Với sự quan tâm đặc biệt của tôi, Thái đã siêng năng đi sinh hoạt, tu học trở lại. Bây giờ Thái đã là một huynh trưởng tập sự có đạo tâm và năng lực…
Anh Nhẫn ngừng kể. đưa mắt nhìn ra biển khơi, trời vẫn một màu xanh ngắt, biển vẫn mênh mông với những cơn sóng rì rào xô vào bờ cát trắng.
- Tâm thấy đó, Thái là một huynh trưởng đầy triển vọng, thế mà giá như ngày xưa nếu không kịp kềm chế cơn giận bùng phát thì tôi đã đẩy Thái trượt dài xuống hố sâu sa ngã. Cũng sẽ vì vậy mà Thái sẽ mất đi cơ hội để trở thành một huynh trưởng tốt, còn tôi thì sẽ ân hận suốt đời. Bởi vậy trong cuộc đời làm huynh trưởng của anh em mình phải cố gắng tu tập thúc liểm thân tâm đừng bao giờ để cho ngọn lửa sân bùng phát, phải suy nghĩ thật chín chắn trước khi quyết định nói gì, làm gì không thì sau này sẽ phải hối hận, nhất là phải biết sống bao dung, từ ái. Hãy mở lòng ra mà sống với đời, phải biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Cuộc đời vốn khổ rồi, đừng làm cho nó khổ thêm nữa !.
Tôi ngồi nghe anh nói, đầu óc miên man suy nghĩ về chặng đường phụng sự lý tưởng áo lam của mình thấy còn non yếu lắm. Lòng càng cảm phục những thế hệ anh chị đã tận tâm tận lực thực hiện sứ mệnh người huynh trưởng cho đến cuối đời và gần gủi nhất là anh Nhẫn, một người anh, người đồng sự mà tôi hết sức kính mến. Tôi đã học hỏi anh thật nhiều điều từ kỹ năng sống, cách đối nhân xử thế cho đến giáo lý nội điển, kinh nghiệm trong việc thực hiện vai trò huynh trưởng hướng dẫn đàn em trong GĐPT…
Tiếng còi của đời sống trại đã cất lên, tất cả trại sinh vội chạy về noi tập họp, hàng ngũ nhanh chóng được thiết lập. Tôi thấy thấp thoáng bóng dáng Thái nhanh nhẹn đứng đầu hàng. Phía trước tôi biển vẫn một màu xanh ngắt, những con sóng vẫn lô xô vổ về bờ cát tạo âm thanh rì rào muôn thuở…
Tâm Lễ
7/2005
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)