BIẾT LỖI VÀ NHẬN LỖI
BIẾT LỖI VÀ NHẬN LỖI
Trong kinh Đức Phật có dạy rằng:
Có hai hàng người đáng quý:
1.Người không bao giờ làm sai
2.Người làm sai biết sửa
Hạng người 1 là hạng người rất khó kiếm trong cõi Ta Bà này chỉ có những bậc Thánh đã chứng đắc vượt ra ngoài mọi mê lầm mới đạt được.
Hạng người 2 là hạng người tuy hiếm nhưng không phải là không có, đó là những người biết trau dồi trí tuệ sáng suốt, biết nhận thức những sai lầm mình tạo ra hoặc được người khác chỉ cho mình những sai lầm liền sau đó biết hối lỗi làm mọi cách để sửa sai.
Đức Phật là một đấng giác ngộ viên mãn, bản thân ngài không có bất kỳ một lời nói hoặc hành động nào còn vướng vào sai lầm. Điều minh chứng hùng hồn nhất là dù đã trãi qua 26 thế kỷ, cho dù xã hội có thay đổi đến đâu nhưng những gì ngài làm, những giáo lý ngài giảng cho đến nay đều là chân lý. Vậy mà ngài vẫn đánh giá rất cao hạng người tuy có lỗi nhưng biết sửa, người nói sai biết nhận lỗi và sửa sai, ngài đã xếp hạng người này là đáng quý. Thế mới biết người làm sai mà biết sửa sai “có giá” đến mức nào!
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe sau đây câu chuyện về nghệ thuật bắt lỗi và nhận lỗi giửa một giáo sư âm nhạc Việt Nam và một thủy sư đề đốc người Pháp để chúng ta cùng suy ngẫm:
Giáo sư Trần Văn Khê được mời dự buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản, tổ chức tại Paris (Pháp). Tham dự hầu hết là người Nhật và người Pháp, duy chỉ mình ông là người Việt.
Diễn giả hôm đó là một cựu Thủy sư Đề đốc người Pháp đã mở đầu bài thuyết trình bằng câu: “Thưa quý vị, tôi là thủy sư đề đốc đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể.
Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy một rừng văn học, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm với chỉ 31 âm tiết. Chỉ hai điều này thôi, các nước khác không dễ có được…’”.
Những lời phát biểu này đã chạm đến lòng tự trọng dân tộc của Giáo sư Trần Văn Khê.
Khi đến phần giao lưu, ông xin phép được bày tỏ:
“Thưa Ông Thủy sư Đề đốc, ông nói rằng ông đã ở Việt Nam hai mươi năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên.
Chẳng biết khi ngài qua Việt Nam. ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của nước Việt? Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời, hút xách.Phải chi ngài chơi với giáo sư Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm 1.300 sách báo về văn chương Việt Nam mà giáo sư đã in trên Tạp chí Viễn Đông bác cổ của Pháp
Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông ấy đã cất công sưu tập…
Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng vạn áng văn kiệt tác…
Ngài nói trong thơ Tanka, chỉ cần một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Tôi chỉ là nhà nghiên cứu âm nhạc nhưng với kiến thức văn chương học thời trung học cũng đủ để trả lời ngài:
Việt Nam có câu:
“Đêm qua mận mới hỏi đào / Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”. Trai gái thường mượn hoa lá để bày tỏ tình cảm.
Còn về số âm tiết, tôi nhớ sử Việt Nam chép rằng ông Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần đi sứ sang nhà Nguyên (Trung Quốc), gặp lúc bà phi của vua Nguyên vừa từ trần.
Nhà Nguyên muốn thử tài sứ giả nước Việt nên mời đọc điếu văn. Mở bài điếu văn ra chỉ có 4 chữ “nhất”.
Mạc Đĩnh Chi không hốt hoảng mà ứng tác đọc liền:
“Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!
(Nghĩa là:
Một đám mây giữa trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước ao
Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!
tất cả chỉ 29 âm chứ không cần đến 31 âm”.
Khi giáo sư Khê dịch và giải nghĩa những câu thơ này thì khán giả vỗ tay nhiệt liệt….????
Ông thủy sư đề đốc đỏ mặt, nói: “Tôi chưa biết gì về người vừa nói, chỉ biết ông là một nhà âm nhạc. Nhưng khi ông nói và dẫn chứng, tôi biết mình đã quá sai khi vô tình làm tổn thương giá trị văn chương của dân tộc Việt Nam, tôi xin lỗi cả dân tộc Việt Nam’”…
Chúng ta thấy thật là tuyệt vời, hai con người thể hiện sự ứng xử có văn hóa và nhận thức ở tầm cao.
GS Trần Văn Khê là một người biết cách để bắt lỗi người khác với những ngôn từ rất hòa nhã và thâm thúy vừa biết bảo vệ nền văn hóa của dân tộc mình một cách sâu sắc vừa khéo léo chê vị thủy sư đề đốc là thiếu biểu biết hoặc là chỉ biết giao du với hạng người thiếu văn hóa mà lại khoác lác chê bai nền văn hóa của dân tộc Việt.
Còn ông thủy sư đề đốc người Pháp thì khi bị chỉ ra cái kém cỏi của mình với những bằng chứng thuyết phục và lý luận sắc bén với những lời nhận xét, phê bình hết sứ tế nhị mà thâm thúy. Mặc dù trong thâm tâm vị thủy sư đề đốc kia cảm thấy hết sức “ đau” nhưng mà cũng phải tâm phục khẩu phục để nói lời xin lỗi dân tộc Việt Nam.
Dù thiếu hiểu biết mà lại ưa khoác lác nhưng dù sao ta cũng thấy thái độ phục thiện biết chân thành xin lỗi của vị thủy sư đề đốc kia cũng đáng quý. Có thể xếp ông vào hạng người đáng quý thứ hai mà Đức Phật đề cập ở trên.
Việc biết lỗi và nhận lổi xem ra đơn giản như thế nhưng mà không hiểu sao với một số người lại cảm thấy quá khó không thể thực hiện được. Sự kiện trước lễ Vu Lan vừa qua có một vị tiến sĩ chuyên gia văn hóa của Viện Nghiên Cứu Tôn giáo Việt Nam (thuộc Viện hàn lâm KHXH) trả lời phỏng vấn của đài VTC14 về nguồn gốc lễ Vu Lan một cách lệch lạc, xuyên tạc giáo điển Phật giáo, sai lầm sơ đẳng về giáo lý đạo Phật và đánh đồng Phật giáo là một tôn giáo mê tín dị đoan, thần quyền, cầu đảo…Khi chương trình được phát ra đã bị tín đồ Phật giáo khắp thế giới phản ứng mãnh liệt và yêu cầu đài VTV14 cùng với tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai là người đã phát ngôn thiếu chuẩn xác kia xin lỗi công chúng và Phật giáo.
Thế nhưng tất cả đều rơi vào im lặng! Chúng ta thấy đài VTC14 là một kênh truyền thông của nhà nước, TS Nguyễn Ngọc Mai là một cán bộ trưởng phòng nghiên cứu Tín ngưỡng và Tôn giáo truyền thống của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Việt Nam thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội mà hành xử như thế thì thật không đúng với những người làm văn hóa tý nào! Làm sai, nói sai có người chỉ cho mình biết nhưng không chịu sửa sai và nói lời xin lỗi chắc chắn không phải là hạng người đáng quý mà Đức Phật đã đề cập rồi, phải không thưa các bạn?!
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)