NGHỊCH LÝ CUỘC ĐỜI
NGHỊCH LÝ CUỘC ĐỜI
Thế là mùa trăng trung thu đã qua đi một cách êm đềm với nhiều cung bậc cảm xúc, mỗi ngày qua đi chị nguyệt cũng đang khuyết dần không còn tròn trặn dễ thương tỏa sáng như đêm rằm nữa, cũng không còn hình ảnh các em bé cầm lồng đèn kéo nhau từng đàn dạo quanh các con đường trong làng nữa. Các em lại vùi đầu vào chuyện học hành, sách vở.
Mấy ngày qua trên TV chiếu cảnh các đoàn thể (của người lớn) tổ chức cho các em thiếu nhi vui trung thu ở các trung tâm văn hóa thành phố thật nhộn nhịp hoành tráng và hiện đại, các em thiếu nhi ở vùng cao nghèo khổ cũng được các đoàn thể chăm lo tổ chức lễ hội trăng rằm chu đáo. Nhìn mấy em bé vùng cao, vùng sâu áo quần nhem nhuốc nhận những chiếc lồng đèn xinh xắn, những hộp bánh với nét mặt rạng ngời cũng cảm thấy vui lây. Nhìn những cảnh đó tôi chợt thấy trẻ em bây giờ hạnh phúc quá! các em đã được xã hội quan tâm chăm sóc thật hạnh phúc.
Vui trung thu ở thành phố
Vui trung thu ở vùng cao
Thế nhưng thực tế thì những em thiếu nhi được một mùa trăng vui vẻ đó chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi trong hằng triệu trẻ em khắp cả nước không biết mùi vị trung thu là gì kể cả các em ở thành phố chứ đừng nói gì đến trẻ em ở nông thôn và vùng sâu, vùng cao! Xem những phóng sự về cuộc sống miền núi Tây Bắc ta thấy vẫn còn cảnh trẻ em, người lớn ăn lá rừng chắm muối thay cơm mà thấy xót xa cho những thực tại cuộc sống quanh ta!
Mấy hôm trước tình cờ xem TV thấy một phóng sự mô tả nạn đói ở châu Phi đã giết chết hằng trăm trẻ em, hàng ngàn trẻ em khác suy dinh dưỡng kiệt quệ, nhìn những cái đầu to tướng với đôi măt trắng giã mở to nhưng thất thần không còn sự sống với những thân hình khô đét chỉ còn da bọc xương mà muốn trào nước mắt!
Trẻ em châu Phi đang đói hằng ngày
Theo LHQ năm nay có khoảng 50 triệu người châu Phi sẽ đối mặt với nạn đói vì hạn hán và mất mùa. Thế nhưng trong khi hàng trăm người nghèo đang chết đói từng giờ thì ở các nước giàu có người ta vẫn phải vẫn phải đổ đi hàng triệu tấn thực phẩm dư thừa. Một thực tế chua xót cho sự nghịch lý giửa cuộc đời!
Theo thống kê, 40% lượng thức ăn và thực phẩm bị lãng phí trong quá trình vận chuyển từ trang trại tới bàn ăn. Con số này tương đương với khoảng 1,3 triệu tấn thức ăn bị lãng phí mỗi năm.
Mỗi năm, thế giới đang lãng phí 1, 6 tỷ tấn thực phẩm. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Australia, trung bình người dân lãng phí khoảng 50% lượng hải sản, 38% các loại ngũ cốc, 22% thịt và 20% sữa mỗi năm và còn nhiều con số thống kê về sự lãng phí thực phẩm khiến cho chúng ta phải giật mình…
Lãng phí thực phẩm ở những nước giàu có
Ai cũng nghĩ rằng kinh tế phát triển sẽ làm cho con người trên thế giới có một cuộc sống no đủ hơn, Thế nhưng thực tế thì ngược lại con số người trên thế giới sống dưới mức nghèo khổ, đang đói ăn ngày một tăng lên và hiện nay đã vượt qua con số 50 triệu người!
Thế giới ngày càng văn minh tiến bộ thì sự phân hóa giàu nghèo của người dân càng tăng thêm, hằng năm có hàng triệu tấn thực phẩm bị vất đi trong khi có hằng triệu người chỉ cần một nắm thực phẩm để ăn sẽ thoát được sự chết đói và chỉ cần một số nhỏ thực phẩm dư thừa đang bị vất đi đó đến được tay người đang đói thì sẽ cứu được hàng triệu người qua cơn đói khát!
Chung quanh ta hằng ngày vẫn có rất nhiều tổ chức nhân đạo, hàng triệu trái tim nhân ái đang san sẻ vật chất, tinh thần, tình thương đến những mãnh đời bất hạnh nhưng xem ra những nghịch lý cuộc đời vẫn chưa có cách giải! Một thực tại thật chua xót, đau lòng mà chúng ta cần suy ngẫm !
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)