TÁCH TRÀ CỦA THIỀN SƯ NA-IN

Traditional Japanese Tea Ceremony

Câu chuyện về tách trà của thiền sư Na-in (sống  thời Minh Trị Thiên Hoàng, Nhật Bản) là một câu chuyện thiền hết sức thâm thúy.

Có một vị giáo sư đại học, tâm tánh ngã mạn cho rằng sự hiểu biết của mình hết sức uyên thâm, đến tham vấn thiền với thiền sư Na-in, nói là đến tham vấn nhưng thực chất là đến vấn nạn vì giáo sư nầy nghĩ rằng  kiến thức về thiền của ông thầy tu không bằng cấp nầy làm sao bằng một giáo sư đại học như mình được!

Thiền sư ân cần rót trà mời khách, ly trà đầy nhưng thiền sư vẫn tiếp tục rót, nước chảy tràn ra ngoài, vị giáo sư thấy thế đưa tay ngăn lại,

-Tách trà đã đầy, thầy đừng rót thêm nữa.

Thiền sư Na-in thủng thẳng đáp.

-Cũng như tách trà nầy , ông mang đầy ý kiến và suy đoán riêng của ông làm sao tôi tôi có thể chỉ cho ông về thiền trừ phi ông làm cạn cái tách của ông trước đã.

Đây là một câu chuyện thiền thú vị, các thiền sư rất ít giải thích mà chỉ dùng một động thái, một hình ảnh nào đó để khai ngộ cho người khác. Có thể hiểu câu chuyện ẩn dụ: Thiền là phải để tâm rổng rang,  tỉnh lặng không để một thứ gì còn vướng bận, kể cả sự hiểu biết, kiến giải…Khi tâm rổng lặng hoàn toàn là hành giả đã đi vào thế giới thiền, không cần thêm bớt gì nữa.

Nhưng câu chuyện nếu đem áp dụng ngoài đời thì sẽ có thể hiểu cách khác.

Nếu bạn muốn học hỏi điều gì thì điều trước tiên là phải cầu học với cái tâm cầu thị, không cho mình là hiểu biết nhiều, không tự mãn, không kiêu ngạo (như tách trà đầy) mà phải thấy mình  nhỏ bé, sự hiểu biết còn nông cạn nên sẵn lòng muốn học hỏi ( như tách trà cạn) thì mình sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích, bổ sung cho kiến thức của mình giống như  tách tr à cạn được rót đầy nước vậy.

Tách trà đầy cũng có thể xem như tâm ngã mạn. khi cái tôi vĩ đại của mình đã chất đầy trong tâm  rồi thì khó mà dung nạp được ý kiến của người khác. Từ đó nếu ý ai khác với quan điểm của mình ta cũng đều không chấp nhận. Trái tim ta quá nhỏ bé nhưng đã chất đầy tự kiêu, ngã mạn rồi nên khó có thể dung nạp thêm ý kiến của người khác, suy diễn ý kiến người khác theo lăng kính chủ quan của mình nên không thể tiếp thu ý kiến khác mình được.

Tâm ngã mạn, tự mãn, tự đắc thì rất khó để mà học hỏi, bổ sung kiến thức cho bản thân, từ đó là một chướng ngại lớn cho việc thăng tiến tự thân. Cho nên khi cầu học hỏi điều gì hãy để tâm chí thành cầu thị và khiên hạ như cái tách trà cạn  để tiếp nhận nước trà làm cho đầy cái tách tức là sẵn sàng tiếp thu những điều cần học, cần biết một cách thành tâm vậy.

                                                                                                                                                   Tâm Lễ

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb