HỌC VÀ HÀNH

HỌC VÀ HÀNH

                                                                                                                                Thiện Thọ

 Hai từ Học và Hành thường đi đôi với nhau nghe quen quá nên đôi lúc chúng ta không tìm hiểu kỷ và ít quan tâm. Thực ra học và hành là hai việc khác nhau rất xa. Chuyện kể về đại thi hào Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn cho ta thấy rõ điều đó.

Tô Đông Pha là một nhà thơ lớn của Trung Hoa, cũng là một học giả Phật giáo, sự hiểu biết về giáo lý Phật giáo cũng rất sâu rộng, ông thường đàm đạo về giáo lý với thiền sư Phật Ấn rất tâm đắc. Một hôm ông làm một bài thơ nội dung có nói về “Bát phong xuy bất động”. Chiều tối sai người hầu chèo thuyền đưa qua Ngài Phật Ấn. Xem xong Ngài mĩm cười và lấy bút ghi vào dưới bài thơ mấy chữ… để thử lòng Tô Đông Pha. Người hầu đem thư về, vừa xem xong lời phê của ngài Phật Ấn, Tô Đông Pha đùng đùng nỗi giận vội mang áo choàng chèo thuyền qua để vấn nạn, cho rằng mình bị coi thường quá đáng.

Không vui vẻ tươi cười như mọi khi, Tô Đông Pha đi thẳng vào phòng với thái độ không bình thường và hỏi ngài Phật Ấn tại sao cư xử với ông như vậy? Ngài Phật Ấn xem như không có chuyện gì xảy ra, pha trà và mời Tô Đông Pha ngồi uống. Vẫn còn nguyên thái độ sân hận trên khuôn mặt, Tô Đông Pha hỏi lại một lần nữa về lời phê của bài thơ… Ngài Phật Ấn cười nhẹ và hỏi lại với thái độ hơi ngạc nhiên: Ủa! “Bát phong xuy bất động, sao mới chỉ một cái đánh rấm trên giấy thôi, mà tiên sinh phải nhọc lòng chèo thuyền trong đêm khuya khoắt như thế?”

Cho nên dù chúng ta có học thuộc lòng Tam Tạng kinh điển mà không thực hành thì chẳng có ích lợi gì chẳng khác nào vào nhà hàng, xem hết thực đơn, cách thức chế biến v.v… mà không ăn thì vẫn đói như thường.

Để chia sẻ thêm với ACE về “Bát phong xuy bất động” là tám ngọn gió chướng thường làm chao đảo ngọn đèn Tâm chúng ta trong đời sống thường nhật, xin mạo muội trình bày bốn cặp phạm trù sau đây để ACE chúng ta cùng suy gẫm.

 1. Được và Mt (Li lc và l lã)

Thường khi chúng ta được lợi thì vui mừng, điều này không có gì sai trái. Những gì lợi ích đều đem đến niềm vui mà mọi người ai cũng ước mong, tìm kiếm. Nếu đời sống không có những giây phút vui vẻ ấy thì có gì đáng sống? Những lạc thú cũng sẽ giúp chúng ta thêm sức khỏe, phấn khích và trường thọ…

Nhưng khi bị mất mát, thua thiệt, lỗ lã thì phiền não phát sinh. Có những trường hợp mất mát, lỗ lã quan trọng có thể làm cho người ta điên loạn, có thể khiến người ta tìm đến cái chết, nếu không còn sức chịu đựng nổi.

Là Phật tử gặp những trường hợp tương tự, ta phải dũng cảm chịu đựng và giữ tâm bình thản, đừng nóng nảy, phải biết rằng mọi công việc làm ăn đều luôn luôn gặp phải thành công hoặc thất bại. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận để đối phó. Phải biết rằng mọi thành công có được là kết quả của những thất bại trước đó. Hoặc giả ta có thể quan niệm rằng đó chỉ là mất mát nhỏ không đáng kể, hoặc chúng ta chiêm nghiệm lý vô thường và bất cứ điều gì tệ hại nhất cũng có thể xảy ra đối với ta. Hãy xem đó là thử thách sự tu tập của mình mà thôi.

Vào thời Đức Phật có vị nữ thí chủ là bà Visakhà thường đến chùa chăm lo mọi nhu cầu của Đức Phật và Tăng chúng. Một hôm bà mang một cái áo choàng rất quý, khi đến chùa, bà cởi áo choàng và giao cho nữ tỳ cầm giữ. Lúc ra về cô nữ tỳ vô ý để quên. Đại Đức A-nan thấy đem cất, chờ bà đến để trao lại. Về đến nhà sực nhớ, bà bảo người nữ tỳ quay trở lai tìm và dặn thêm, nếu có vị tỳ kheo nào đụng đến thì không nên lấy về. Cô nữ tỳ đến chùa hỏi thăm, biết rằng đại đức A-nan đã cất giữ, nên trở về báo tin cho chủ. Bà Visakhà liền đến hầu Phật và ngõ ý muốn làm một việc thiện với số tiền bán cái áo choàng ấy. Đức Phật khuyên cô nên xây dựng một ngôi tinh xá để chư Tăng có nơi cư trú. Vì trong nước không ai có đủ số tiền để mua cái áo đắt giá đó, nên chính bà mua lại, và dùng số tiền ấy xây dựng một ngôi tinh xá đẹp đẽ dâng chư Tăng. Mọi công việc hoàn tất bà Visakhà ngõ lời tri ân người nữ tỳ như sau: “Nếu con không lỡ bỏ quên cái áo choàng, ta sẽ không có cơ hội tạo nên phước báu này. Như vậy, ta xin chia phúc này đến con”

Thay vì buồn giận vì mất vật quý giá và la rầy người nữ tỳ vô ý, bà đã vui vẻ cảm ơn người ấy đã giúp cơ hội cho bà tạo phước.

2. Khen và chê (ca tng và khin trách)

Được khen và bị chê là cặp phạm trù khác thường làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người. Khi được khen thì vui vẻ, nở mày nở mặt, hân hoan thỏa thích. Trái lại lúc bị chê tinh thần suy sụp, buồn rầu ủ dột, bất mãn, đỏ mặt, tía tai…

Những lời khen xứng đáng quả thật êm tai, nhưng nếu không xứng đáng như sự nịnh bợ, dù hay ho cũng làm cho ta thất vọng và có thể, có hại cho ta.

Trong công việc làm ăn, những lời khen tặng, tuyên dương có thể giúp chúng ta thăng tiến rất nhiều. Một lời giới thiệu tốt đẹp cũng cho ta gặt hái được điều ta mong muốn. Nếu diễn giả có lời khen tặng cử tọa, mọi cử tọa đều chú ý lắng nghe. Nếu diễn giả bắt đầu bằng những lời khiển trách, chỉ trích, chê bai thì thái độ của người nghe là không thuận lợi, chắc chắn sẽ nhận lấy thất bại.

Người sống thật tâm không muốn nghe những lời nịnh bợ và không muốn nịnh bợ. Khen người mà không có ẩn ý ganh tỵ, chê trách không có ý khinh khi chỉ muốn giúp người.

Đức Phật dạy: “ Người nói nhiều bị khiển trách, người nói ít bị khiển trách, người im lặng bị khiển trách. Trên thế gian không ai tránh khỏi bị khiển trách ”.

Hình như khiển trách là phần thưởng chung cho nhân loại.

Nhân vô thập toàn ” nên không ai trăm phần trăm tốt và cũng không ai xấu trăm phần trăm. Kẻ si mê lầm lạc chỉ tìm cái xấu, cái hư của người khác mà không muốn tìm cái tốt, cái đẹp của ai.

Giữa những lời khen chê, người trí không thỏa thích và không buồn rầu mà tựa như tảng đá vững chắc, không lay chuyển dưới sức bão táp phong ba của đời sống.

Càng bị phê bình, càng bị chỉ trích là thường tình. Càng hoạt động, càng phục vụ chúng ta càng trưởng thành và càng phải chịu phê bình chê bai nhiều hơn.

Khi bị phê bình, chỉ trích, ta phải nghĩ rằng đây là cơ hội để thực hành pháp nhẫn nại. Thay vì tức giận phải biết ơn người phê bình chỉ trích chúng ta.

3.Danh thơm và tiếng xu: (tiếng tt và tiếng xu)

Danh thơm và tiếng xấu là cặp phạm trù khác mà ta phải đối phó hàng ngày.

Danh thơm chúng ta hoan hỷ đón mừng, làm phấn khởi tinh thần. Chúng ta mong muốn thấy tên tuổi và hình ảnh của mình trên mặt báo, hoặc được tường thuật và được nhiều người biết đến hoặc được chú ý đến mình.

Để có được hình ảnh của mình trên ti vi, trên tạp chí vài người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để được ca ngợi, để được tuyên dương, vài người sẵn sàng đóng góp một số tiền to tát hay hối lộ cho nhóm người quyền thế. Hoặc cúng dường trai tăng hàng trăm vị tỳ kheo, hay nhiều hơn nữa… Nhưng có thể những người trên sẽ hoàn toàn thản nhiên trước nỗi thống khổ của người nghèo nàn đói rách sống ngay bên cạnh mình.

Còn tiếng xấu chúng ta không thích nghe hoặc nghĩ đến, nhưng khi nó lọt vào tai ta, ta sẽ trở nên bối rối, bàng hoàng, khó chịu dù đúng hay sai.

“ Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng ”. Có thể ta phải mất thời gian dài để gầy dựng thanh danh nhưng trong phút chốc có thể tan thành mây khói, nên chúng ta không cần phải chạy theo danh thơm tiếng tốt. Nếu chúng ta xứng đáng, nó sẽ đến mà không cần tìm. Cũng như hoa khi đượm mật đầy đủ, ong bướm tự tìm đến. Hoa không cần mời ong, mời bướm.

Lời Phật dạy:

“ Hãy như sư tử không run sợ trước tiếng động

Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới

Hãy như hoa sen, từ bùn dơ nước đục mọc lên, nhưng không bị nước đục bùn dơ làm ô nhiễm.

Hãy vững bước, một mình, như con tê giác”.

Là huynh trưởng chúng ta nên tập hạnh dứt bỏ, khước từ, không luyến ái, không chấp trước hoặc cao thượng hơn nên thông cảm cho người và nên tìm cách giúp đỡ họ.

4.Hnh phúc và đau kh: (sukkha – dukkha)

Hạnh phúc và đau khổ là những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống chúng ta. Hạnh phúc chân thật chỉ có thể tìm thấy khi đã thoát khỏi sanh tử luân hồi. Tuy nhiên, Đức Phật không bao giờ khuyên chúng ta nên khước từ hạnh phúc trần gian và rút vào sống ẩn dật chốn rừng sâu vắng vẻ.

Điều gì dễ chịu là hạnh phúc, hưởng thọ những lạc thú là hạnh phúc, thoả mãn điều mong ước là hạnh phúc… Nhưng khi chúng ta vừa đạt được điều mong ước ấy, ta lại ước mong loại hạnh phúc khác. Túi tham không đáy, không bao giờ thấy đủ và những điều đó thật là ngắn ngủi và ảo huyền. Tiền của, vật chất, quyền lực đều không mang lại hạnh phúc cho con người mà trái lại có thể là mầm đau khổ cho người làm chủ nó.

Đức Phật kể ra bốn loại hạnh phúc cho người tại gia cư sĩ.

Loại hạnh phúc được có tư hữu như sức khoẻ, tài sản, trường thọ, sắc đẹp, vui vẻ,mạnh mẽ, sự nghiệp, đông đảo con cháu…

Loại hạnh phúc thứ hai là thọ hưởng những tài sản ấy

Loại hạnh phúc thứ ba là không nợ nần

Loại hạnh phúc thứ tư là sống trong sạch không bị khiển trách.

Chúng ta vui vẻ đón mừng hạnh phúc nhưng đau khổ thì không được niềm nỡ đón nhận. Những đau khổ như sinh, già, bệnh, tử, ngũ ấm xí thạnh, cầu bất đắc, ái biệt ly, và oán tắng hội khổ thường đến với chúng ta. Chúng đến không đơn độc mà có lúc dồn dập khiến người ta không thể chịu đựng nỗi.

“Phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”

Cho nên ở đời hạnh phúc thì mong manh, ít có mà đau khổ thì rất nhiều.

Vào thời Đức Phật, một đại phú gia nọ ở thành Xá Vệ, có người con gái xinh đẹp tên Patacarà. Cô Patacarà chỉ có một anh trai và cả hai anh em được cha mẹ tâng tiu như trứng mỏng.

Khi cô lên mười sáu, cha mẹ cô sắp sửa đính hôn cô với con một vị trưởng giả khác. Nhưng trước đó cô đã lỡ thương một tên gia đinh trong nhà. Do đó trước ngày thành hôn, Cô Patacarà cùng với tên gia đinh trốn cha mẹ vào tận khu rừng xa, sống trong một chòi lá.

Ngày kia, khi sắp sanh đứa con đầu lòng, Cô Patacarà thúc giục chồng đưa cô về cha mẹ, vì ở giũa rừng không có ai để chăm sóc nàng lúc khai hoa nở nhuỵ, nhưng người chồng không dám, nên cản ngăn không cho nàng đi. Cố nài nỉ mãi không được, Cô Patacarà đợi khi chồng đi vắng, lẻn bỏ về nhà cha mẹ. Rủi thay, dọc đường cô nghe đau bụng vô cùng và hạ sanh một trai, vừa lúc chồng cô đến, và đưa cô trở lại chòi.

Ít lâu sau, Cô Patacarà sắp sanh con thứ nhì. Lần này, cô cũng lén bỏ nhà, bồng con về cha mẹ trong khi người chồng bận việc ở ngoài rừng. Về nhà không thấy vợ con, người chồng sanh nghi, đuổi theo. Lúc ấy một cơn bão tố nỗi lên càng lúc càng to. Mưa càng ngày càng nặng hạt. Cô Patacarà lại cảm nghe đau bụng, nên nói với chồng tìm cây lá che đỡ cho nàng. Người chồng nghe lời vào rừng, chọn được cây ngay ngắn mọc trên gò mối và lấy búa chặt cây. Một con rắn từ trong ổ mối nghe động bò ra cắn anh chết.

Cô Patacarà ngồi bên đường đợi mãi không thấy chồng, bụng thì càng ngày càng đau buốt. Đơn độc một mình, giữa rừng, giữa đêm hôm tăm tối, và dưới cơn mưa gió lạnh lùng, cô hạ sanh đứa con thứ nhì. Suốt đêm trường, nàng ôm hai con vào lòng, chịu lạnh dưới cơn mưa tầm tả và giữa tiếng khóc inh ỏi của hai trẻ sơ sinh.

Tảng sáng hôm sau, cô bồng con đi tìm chồng, thấy chàng nằm chết bên gò mối. Sau khi than khóc thảm thương, nàng đành bỏ xác chồng lại đó rồi ôm hai con về nhà cha mẹ.

Cô phải vượt qua một con sông, tuy cạn nhưng vì cơn lũ trong đêm nước chảy mau như cắt. Không thể đem hai con qua sông cùng một lúc, cô để lại bên này đứa con lớn và bồng đứa nhỏ lội nước băng qua sông. Sau khi nhặt lá cho con nằm, cô trở lại rước đứa kia. Nhưng khi ra đến giữa sông, cô quay đầu lại nhìn con thì thấy từ trên không trung một con chim to sà xuống táp đứa nhỏ. Cô hoảng kinh kêu la để đuổi chim cứu con. Bên kia bờ, đứa con lớn nghe tiếng, ngỡ mẹ kêu liền bò về hướng mẹ, hụt chân rơi xuống sông, bị nước cuốn trôi theo dòng.

Chồng bị rắn cắn, một con bị chim xớt đi, đứa khác bị nước cuốn. Cô Patacarà trơ trọi một mình, vừa khóc vừa thầm thủi lần mò về nhà cha mẹ. Thấy có người từ đằng xa đi lại và sau khi được biết người ấy ở thành Xá Vệ, cô liền hỏi thăm tin nhà.

- Cô có biết rằng có trận giông to và mưa lũ trong đêm vừa qua không?

- Dạ biết, tôi đã trải qua một đêm kinh hoàng khủng khiếp dưới cơn bão tố ấy.

Đúng vậy, cơn bão ấy đã làm sụp đổ nhà của ông đại phú gia mà cô vừa hỏi. Cả ông lẫn bà và cậu con trai đều chết dưới lớp gạch vụn.

Và chỉ về hướng thành Xá Vệ, ông hỏi:

Cô có thấy đằng xa người ta đang xúm xít bu quanh đám lửa không? Đó là đám thiêu của ba người.

Cô Patacarà không còn chịu đựng được nữa. Trở nên người loạn trí, cô nằm lăn ra ngoài đường, đầu bù tóc rối, quần áo tả tơi. Có người thấy vậy động lòng thương, đưa nàng đến đức Phật. Được Đức Phật khuyên lơn và chỉ dạy, cô nhận thức bản chất vô thường của đời sống và xin xuất gia theo Phật…

Những đau khổ mà ACE đã từng gặp có lẽ chẳng thấm vào đâu so với Cô Patacarà, cho nên chúng ta hãy nghĩ rằng chúng ta đang gặp nhiều may mắn hơn rất nhiều người.

Tóm lại, tám ngọn gió cuộc đời vẫn thổi là điều bình thường. Quan trọng là cách đón nhận nó như thế nào. ACE hãy tự tìm cho mình hải đảo bình an bằng cách vận dụng những điều Phật dạy để sống. Chọn cho mình pháp môn thích hợp, uốn nắn từng lời ăn tiếng nói, cách cư xử đối với mọi người để tạo an lạc cho mình và giúp mọi người trong điều kiện có thể./.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb