ĐÔI ĐIỀU TRĂN TRỞ

                                                                                                                                 Phước Hòa

Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT) ra đời trên quê hương ta đã hơn bảy mươi năm qua là một tổ chức giáo dục trong cộng đồng xã hội, ra đời từ phong trào chấn hưng Phật giáo. Trong bối cảnh đất nước loạn lạc bị ngoại bang đô hộ, áp bức truyền bá những loại hình văn hóa lai căng mất gốc vào lớp trẻ, thanh thiếu niên Việt Nam mất định hướng, quên đi truyền thống văn hóa bản sắc dân tộc.

Gia Đình Phật Tử phát nguyện phụng sự xã hội với tinh thần giáo dục cho thanh thiếu đồng niên thành những Phật tử chân chánh, có nhân cách đạo đức dựa vào nền tảng giáo lý của Phât-đà. Chương trình đào luyện được triển khai liên tục nhằm cải thiện trí đức dân sinh một cách có hiệu quả rõ rệt. Phong trào GĐPT lớn mạnh được lan rộng nhanh chóng từ thành thị đến thôn quê và khắp mọi miền đất nước, cơ cấu hình thành hệ thống tổ chức điều hành quản trị thống nhất từ trung ương xuống địa phương với hai văn bản pháp quy  là Nội quy và Quy chế Huynh trưởng, một chương trình tu học mang đậm nét nhân văn, hết sức hoàn chỉnh từ thấp đến cao làm kim chỉ nam cho huynh trưởng trên lộ trình hành.

Nhìn về quá khứ theo dòng thời gian tồn tại của GĐPT như một thực thể sinh động của xã hội, với chỉ mục đích duy nhất giáo dục thế hệ thanh thiếu niên thấm nhuần về đời sống tâm linh, làm nền tảng đạo đức và chuyển hoá nhân cách hoàn thiện, cách ly những môi trường đen tối đầy cám dỗ sa đoạ. Tự tánh của nó lành mạnh thiện trí và giàu lòng nhân ái, vị tha. Tuy chưa đạt được những thoả nguyện mong ước nhưng làm vơi đi phần nào những tệ nạn xấu xa cho xã hội, và cùng hướng về một tương lai tốt đẹp đang chờ ở phía trước.

Giờ đây có lẽ hơn bao giờ hết tổ chức GĐPT đang ưu tư về vấn đề giáo dục đạo dức cho tuổi trẻ, chúng ta thử nhìn bức tranh của xã hội trong những năm vừa qua thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập các nền kinh tế và các luồng văn hóa thế giới, nhằm giao thương, trao đổi, học hỏi để phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp đó là điều tất yếu mà bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được thì nó kéo theo những hệ quả tai hại khó lường, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, điều kiện kinh tế phát triển, say đắm theo cái văn minh vật chất, một bộ phận tuổi trẻ hiện nay sống thiếu chuẩn mực, lười biếng học tập và làm việc.

Tập thói đua đòi, đam mê hưởng thụ trác táng, chạy theo những cám dổ thấp hèn, thời trang xa xĩ và độc hại, càng lúc càng xa rời cái thiện thay vào cái ác, nên những lúc gần đây thanh thiếu niên đã thực hiện nhiều vụ trọng án vô cùng tàn nhẫn, gây kinh hoàng chấn động dư luận trong nước và quốc tế nói lên sự thật đau lòng. Như vậy không hoàn toàn đổ lỗi cho thời thế, nhưng ít ra cũng thấy được giới trẻ đã tiêm nhiễm những gì chúng thường tiếp xúc hằng ngày, so sánh ở thời kỳ quê hương mình còn nghèo nàn lạc hậu, tỉ lệ tuổi trẻ hư hỏng, phạm pháp đâu có tràn lan nguy hiểm như thế.

Đứng trước thực trạng giới trẻ gia tăng bạo lực nghiêm trọng, đây là một vấn đề lớn toàn xã hội đang quan tâm và cũng chưa có giải pháp nào để ngăn chận hiệu quả. Dù thời nào, quốc gia nào tuổi trẻ là tương lai rường cột nước nhà, là sức mạnh nội lực, đầy đủ khả năng  bản lĩnh để nhận lãnh sứ mạng kế tục truyền thống của một dân tộc.

Vậy làm sao cho tuổi trẻ định hướng được đời mình, không vong bản hướng ngoại, mất gốc biết giữ gìn truyền thống cao quý của tổ tiên vốn hiền từ nhânhậu ấy là một bài toán hết sức nan giải. Đạo đức không dễ có mà cần huân tập trau dồi từ thời thơ ấu, để un đúc những chủng tử tốt làm nền tảng về sau.

Do đó sự dạy bảo của cha mẹ vô cùng quan trọng. Gia đình là nơi nuôi dưỡng hình thành nhân cách đầu tiên của mỗi con người, là môi trường thuận tiện để giáo dục đạo đức, biết yêu thương ông bà cha mẹ và những thành viên trong gia đình,có tấm lòng nhân ái, biết yêu quê hương đất nước.  Thế kỷ 21 thời hội nhập, cơ chế kinh tế thị trường cuộc sống hối hả bận rộn theo đà phát triển của xã hội nên có các bậc phụ huynh không còn thời gian nhiều để chăm sóc con cái, chỉ lo kiếm tiền cho con đến trường học là an tâm rồi, không biết phía sau đó sẽ có những việc gì xảy ra?

Có những gia đình  điều kiện kinh tế khá giả thì chìu chuộng con thái quá, cung cấp đầy đủ phương tiện,vật chất lẫn tiền bạc để tha hồ tiêu xài phung phí, tập thói ăn chơi theo thời đại, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin sai mục đích vô bổ, mà không quan tâm theo dỏi đến thành tích học tập, hạnh kiểm của con mình như thế nào?

Lại có những trường hợp theo xu hướng học tập và thị hiếu xã hội hiện nay nhiều cha mẹ buộc con theo học ngoại khóa vào những ngày thứ bảy, chủ nhật không còn thời gian để thư giản, tạo cho con mình thêm căng thẳng vì nghĩ rằng lo như thế là quá chu đáo!

 Tinh thần tôn sư trong đạo từ lâu là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt.

Được tiếp nối từ đời nầy sang đời khác dù gặp phải bất luận tình huống nào người học trò vẫn kính trọng, yêu mến Thầy,  người đã truyền đạt cho ta cả kiến thức lẫn đạo đức, tiếc thay hiện nay có một số ít học sinh không còn giữ được đạo lí tốt đẹp đó nữa, bạo lực học đường cùng hiện tượng xúc phạm đến danh phẩm và thân thể Thầy cô không còn là chuyện lạ hiếm có.

Xót xa hơn, trong những năm gần đây ngành giáo dục đã ra các thông tư qui định về thái độ, hành vi ứng xử đối với học sinh…

Nên thầy cô dù thấy học trò minh có dấu hiệu xấu, tiêu cực trong học tập cũng không dám lớn tiếng nặng lời, lỡ gặp những trường hợp quá bức xúc, khó kềm chế mà hành động thì liền bị phê phán một chiều, thiếu công bằng, hơn thế nữa, lắm lúc phải cam chịu những ngôn từ  phản ứng cộc cằn thô thiển từ phía phụ huynh .

Ôi còn đâu “Tiên học lễ,  hậu học văn”, còn đâu môn “giáo dục công dân”. Đây là nỗi niềm đau xót của những người làm công việc giảng dạy, đành bất lực trước sự suy đồi đạo đức của tuổi trẻ. Giáo dục tuổi trẻ là trách nhiệm gia đình, học đường và xã hội nhưng thực tế như đã phân tích ở trên, cả ba tổ chức này đều không đáp ứng được.

Với sứ mệnh của GĐPT mọi huynh trưởng đã phát tâm lập nguyện để thực hiện mục đích của tổ chức là: “ Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chân chánh góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo ”. Cho nên dù sanh ra trong nguy biến, phát triển trong gian khổ và tồn tại trong khó khăn nghịc cảnh suốt diều dài lịch sử hơn 70 năm qua mà anh chị em vẫn không thoái chí nản lòng, dù phải hứng chịu biết bao cơn sóng dữ nội ma ngoại chướng.

  Công việc GĐPT đã làm, đang làm và tiếp tục làm thực sự trong lúc nầy đây đang gặp những khó khăn không ít,  thời gian học tập của các em luôn cả chiều chủ nhật hằng tuần, ảnh hưởng bởi thời đại kinh tế phát triển, nhu cầu vật chất, phương tiện tiêu dùng, môi trường sinh hoạt, thời trang  giải trí… tiếp theo là những tiện nghi vui chơi thiếu lành mạnh làm mê hoặc tuổi trẻ, (chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh thì không thiếu thứ gì trên đó như thế giới games thật phong phú đa màu muôn dạng, thỏa thích đùa giởn, thưởng thức, nhắn gởi, chia sẻ trên những trang mạng xã hội mọi lúc mọi nơi mà không bị ai ngăn cấm).

Với một trào lưu như thế có lẽ trong mỗi anh chị em chúng ta không khỏi  thao thức ưu tư cho tuổi trẻ. Ngoài việc sát cánh với phụ huynh chúng ta phải kiến tạo những mô hình tu học, sinh hoạt sôi động,  nhiều sân chơi lành mạnh bổ ích, làm như thế nào cho em của mình có được sức đề kháng đủ mạnh để đối phó với cuộc sống đầy bất an của xã hội hiện tại. Đây là một nỗi lòng âu lo cho toàn thể lam viên chúng ta./.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb