KÝ SỰ MIỀN TÂY Phần 2: Những nẻo đường sông nước Miền Tây

62059970_295355868075354_97396758623027200_o

PHẦN 2. NHỮNG NẺO ĐƯỜNG SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY

Cuộc hành hương về miền Tây để chiêm bái Phật tích và tổng kết trại Huyền Trang đến đây là hoàn mãn. Tôi xin dành riêng phần 2 này để viết tiếp cuộc hành trình của đoàn GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu.

Theo kế hoạch của BHD BRVT chuyến về miền Tây là một cơ hội để anh chị em huynh trưởng được đến tận nơi để chiêm bái Phật tích và các ngôi chùa Tổ, trú xứ hành hoạt của các vị danh Tăng trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, đồng thời và trải nghiệm những điều thú vị về miền Tây sông nước nên ngoài bốn anh chị trong ban quản trại và 14 trại sinh của BRVT, BHD đã mở rộng ra các anh chị em nào muốn cùng làm một hành trình với đoàn thế nên tổng cộng trong đoàn có đến 27 anh chị em cùng đi.

Phần chính của chuyến đi xem như đã hoàn thành nên giờ đây các anh chị thật thoải mái, sau khi ghé thăm và cúng dường thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, đoàn trực chỉ về Cần Thơ…

Đường dài, dư âm những giờ phút lo toan cho phật sự và những cuộc di chuyển dài, cộng với hai đêm thiếu ngủ nên hầu hết anh chị em trong đoàn đều thấm mệt, nhưng với tinh thần sôi động của người áo lam thế là một chương trình văn nghệ được bắt đầu, xe tiếp tục bon bon trên hành trình, ngoài kia trời rất nóng, nhưng trong xe cũng rất “nóng” với những tiết mục ca hát hết sức sôi động, hầu như trong đoàn ai cũng phải hát, và thế là những giọng ca hay được phát hiện, có những anh chị em chưa hề được nghe họ hát thế mà hôm nay họ hát thật hay, thật truyền cảm. Chương trình văn nghệ tưởng chừng như kéo dài vô tận, giọng nam, giọng nữ, giọng trầm, giọng bổng gì cũng đều có cả, nhạc đạo, nhạc đời, nhạc ca ngợi tình yêu quê hương, nhạc  xưa và nay đều được các anh chị tận dụng. Đường thì dài nhưng say sưa với ca hát nên hầu như anh chị em ai cũng quên đi mệt nhọc, thật là một chương trình văn nghệ có một không hai, thật hào hứng và sôi động! Chương trình văn nghệ với chủ đề “Hát trên những dặm đường” đã có công phát hiện nhiều giọng ca hay, những “danh ca bị chôn vùi trong lá ủ” mà trước tới giờ hầu như anh chị em chưa bao giờ được nghe.

Xe về đến thành phố Cần Thơ thì trời cũng đã chiều muộn, anh chị em sau khi nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi tắm rửa và ra phố dùng cơm tối. Tiệm cơm chay ngay phía đối diện khách sạn nên không phải tìm kiếm lâu. Tối đến anh chị em ra bến Ninh Kiều, đây là một bến sông rất nổi tiếng của thành phố Cần Thơ, hầu như bất kỳ ai đến Cần Thơ cũng đều đến đây để vản cảnh, bên bờ sông Hậu có quảng trường rộng, khách du lịch và người địa phương để ra đây rất đông. Trên sông hai chiếc du thuyền đèn hoa rực rở từ từ trôi dọc theo bến sông, đứng trên bờ thoảng nghe lời ca tiếng hát trên thuyền vọng lại. Lạ cảnh, lạ người vả lại không có hướng dẫn viên rành rẽ nên anh em cứ đi tới đi lui trên bến sông mà không biết làm gì, sau cùng thì cũng hỏi thăm được cách lên du thuyền, thủ tục khá đơn giản, chỉ cần đăng ký đoàn với số lượng người, sau đó trên thuyền sẽ đọc tên đoàn và mời lên, du thuyền có ba tầng và các ca nhạc sỹ sẽ luôn phiên biểu diễn cho du khách trên mỗi tầng, không cần mua vé lên thuyền nhưng đồ ăn thức uống được tính giá rất cao. Ca sỹ hát không hay lắm nhưng cảm giác ngồi trên thuyền trôi lững lờ trên sông vừa nghe ca nhạc cảm thấy rất thú vị. Đoàn BRVT chỉ dùng nước mà không ăn nên theo dõi chương trình ca hát rất chăm chú và nhiệt tình, cũng rất nhiệt tình vổ tay tán thưởng và có nhiều anh chị còn lên tặng hoa cho ca sỹ nữa…

Sáng sớm hôm sau anh chị em lại dậy sớm để ra bến sông đi chợ nổi Cái Răng. Cũng vì thiếu thông tin nên suýt chút nữa đoàn bị dân cò dẫn đi chợ nổi bằng những chiếc xuyền làm du lịch chui giá trên trời mà không an toàn nữa! Đi lên đi xuống một hồi rồi cũng có người tử tế chỉ vẽ, sau cùng thì đoàn cũng ra đến bến sông mua vé đi thuyền ra chợ nổi. Chợ nổi Cái Răng rất nổi tiếng đã trở thành một nét văn hóa của miền Tây sông nước, chợ nổi đông trên ngả ba sông, sáng sớm các ghe lái thương hồ cung cấp đủ thứ, thực phẩm, nhu yếu phẩm, cây trái trong vườn nhà và các ghe nhỏ tấp vào kẻ bán người mua rất nhộn nhịp trên sông. Hầu như chỉ có các ghe trái cây, ghe nước giải khát, cà phê mới tấp vào những ghe du khách, trên ghe là dâu, xoài, măng cụt, cam… vừa hái trong vườn nhà còn tươi roi rói. Những người lái chiếc ghe này thật tài tình, họ lòn lách, tấp vào thuyền lớn mà không hề va chạm, vừa bán vừa nói chuyện một cách tỉnh bơ như trên đất liền vậy. Đối với dân sống ở miền Đông Nam Bộ được trải nghiệm mua bán trên chợ nổi Cái Răng thật thú vị biết bao, biết rằng giá bán trên chợ nổi có phần đắt hơn trên đất liền thế nhưng anh em thấy cảm tình với tính chất thật thà mộc mạc của dân sông nước Nam Bộ nên đã mua rất nhiệt tình.

Rời chợ nổi Cái Răng với những túi trái cây lỉnh kỉnh, anh chị em lại tiếp tục cuộc hành trình về Cồn Phụng (tên chính thức là cồn Thái Sơn) trên sông Tiền thăm nơi tu hành của ông Đạo Dừa-Nguyễn Thành Nam. Để quên đi mệt nhọc của cuộc hành trình một chương trình văn nghệ lại được tổ chức, buổi văn nghệ này cũng hào hứng và ồn ào không kém hôm qua, lần này thì không biểu diễn cá nhân nữa mà trên xe phân thành ba xóm, phía cuối xe đa số là các anh trẻ được gọi là xóm nhà lá, đoạn giửa xe đa phần là các chị được đặt tên là xóm nhà ngói, phía đầu xe  là các anh chị lớn tuổi được gọi là xóm nhà lầu. Cả ba xóm thay phiên nhau trổ tài, xóm nào cũng có những giọng ca hay, thế nên chương trình văn nghệ luôn sôi động và hào hứng. Chương trình văn nghệ kéo dài liên tục cho tới khi xe vào khu du lịch Cồn Phụng, đồng hồ lúc đó đã chỉ 10g30’.

Trước năm 1975, ông Đạo Dừa-Nguyễn Thành Nam chọn Cồn Phụng làm nơi tu luyện và khai sáng một tôn giáo mới với giáo lý hòa đồng tinh hoa các tôn giáo lớn như Phật, Thiên Chúa, Lão, Khổng, đặc biệt là ông chuyên ăn trái cây và uống nước dừa để sống nên người dân Nam Bộ gọi đạo của ông là Đạo Dừa. Ông Nguyễn Thành Nam xuất thân con nhà giàu có, là con của một ông chánh tổng, ông là một trí thức tây học, từng tốt nghiệp kỹ sư Hóa ở Pháp. Không biết vì bị tâm thần hoang tưởng hay ông là một vị tái sinh mà ông nhận mình là hậu thân của vua Minh Mạng tái sinh cõi trần để hành đạo cứu nhân độ thế. Tuy giáo lý của ông rất mơ hồ và có phần huyền bí nhưng cũng có khá đông người theo đạo. Sau năm 1975 chính quyền cấm Đạo Dừa vì cho rằng ông bị bệnh tâm thần và truyền bá mê tín dị đoan. Ông ngưng hoạt động một thời gian, nhưng về sau các tín đồ lại tìm đến ngày càng đông nên ông hành đạo trở lại, một lần nữa chính quyền lại ra lệnh cấm. Vào ngày….. chính quyền tỉnh Bến Tre đến Cồn Phụng yêu công ông chấm dứt việc hành đạo và giải tán, trong khi hai bên đôi co ông bỏ lên lầu tụng kinh thì bị một cán bộ kéo trở lại để nói chuyện, vì người ông thì nhẹ mà sức kéo quá mạnh nên ông té xuống sàn nhà chấn thương sọ não và từ trần vào ngày hôm sau thọ 81 tuổi. (chi tiết này chỉ những người chứng kiến mới biết chính xác, còn báo chí nhà nước nói ông bị một tín đồ kéo xuống nên té ngã, cô hướng dẫn viên du lịch thì nói ông té trên cần thang lầu nhà của một người bạn). Ngày nay lảnh địa của ông Đạo Dừa được bảo tồn để khai thác du lịch, nhưng những thông tin về ông Đạo Dừa do hướng dẫn viên du lịch nói thì có nhiều chi tiết thiếu chính xác, ví như chuyện ông có chín người vợ chẳng hạn… Sau khi mua vé đoàn được giao cho một cô hướng dẫn viên trẻ tuổi dẫn đoàn, đầu tiên là đoàn được trải nghiệm ngồi trên xuồng ba lá do các cô gài chèo xuồng lòn lách trong một kênh nước nhỏ, hai bên bờ chỉ toàn là dừa nước. Trên một dòng kênh nhỏ mà xuồng ba lá ra vào tấp nập, khách ngồi xuồng hầu hết là du khách, Tây có, Tàu có, Việt, Hàn…cũng có, cảnh tượng trông thật vui mắt.

Bước xuống xuồng ba lá đoàn được dẫn vào phong nghe đờn ca tài tử Nam Bộ, đoàn BRVT một lần nữa chứng tỏ sự vui nhộn và nhiệt tình khi nghe hát một cách chăm chú và rất chịu chơi khi lên tặng hoa cho ca sĩ. Chương trình đờn ca tài tử khá ngắn và đoàn còn phải xuống ghe lớn để đi ra Cồn Phụng. Khi ghe đang di chuyển trên sông thì trời đổ mưa to, mưa mù mịt trắng xóa phía trước dòng sông, mưa ào ạt trên mái nhà trong khu bàn đồ lưu niệm và các đặc sản kẹo bánh bến tre. Đoàn BRVT “tích cực” mua quà đến nổi mà sau đó hai nhân viên khu du lịch ì ạch mang thùng hàng xuống ghe không nổi phải cần sự tiếp sức của anh em. Trước năm 1975 tôi đã nghe danh ông Đạo Dừa khi vào năm 1974 ông đem chín giỏ cần xé tiền lên Sài Gòn ký quỹ để ra ứng cử tổng thống VNCH làm báo chí và dư luận một thời dậy sóng và Cồn Phụng nơi ông Nguyễn Thành Nam cát cứ làm bản doanh hành đạo với những công trình kiến trúc kỳ dị. Giờ đây mới được trông thấy tận mắt cửu trùng đài, lầu bát quái, sân chín rồng, đường đi Nam-Bắc Việt Nam…Nhìn những công trình kiến trúc kỳ dị. quái lạ và những ý tưởng hành đạo khác thường ấy tôi không biết ông Đạo Dừa là một người bị bệnh tâm thần hoang tưởng hay là một thánh nhân mà người trần mắt thịt đã không nhận ra! Giờ thì ông đã chết rồi, đạo của ông cũng không còn ai theo nữa, “căn cứ địa” Cồn Phụng của ông nhà nước bảo tồn để khai thác du lịch và có lẽ theo thời gian sẽ có những câu chuyện huyền thoại sẽ được thêu thắt, thêu dệt thêm chung quanh cuộc đời ông.

… Sau hai giờ tham quan và trải nghiệm anh chị em lên ghe trở về nơi xuất phát, uống nước dừa do khu du lịch tặng và lên xe “hồi hương”…

Rời Cồn Phụng thì trời đã quá trưa, anh em nói với  tài xế nhìn xem bên đường có quán cơm chay nào là tấp vào, nhưng trên xa lộ hàng quán thưa thớt nhưng thỉnh thoảng cũng thấy được vài tiệm cơm chay nhưng khổ nổi tiệm nào cũng đóng cửa và xe thì vẫn bon bon trên đường về và anh em thì đã nghe bụng réo ầm ầm vì từ sáng tới giờ chỉ mới điểm tâm tô hủ tiếu chay ở Cần Thơ…

Để quên cái bụng đang đói và con mắt đang muốn nhắm lại, đoàn lại nối tiếp một show văn nghệ khác, nhưng có lẽ đa số anh chị em đã thấm mệt lại thêm hết năng lượng nên show này xem ra không hào hứng bằng hai show trước, nhưng không phải vì thế mà kém vui vì đây là cơ hội hiếm hoi để anh chị em lam viên trổ tài ca hát mà !

Xe về đến ngả ba Mỹ Xuân thì trời đã nhá nhem tối, xe ghé vào quán cơm chay Thiện Tâm của chị Ngọc để dùng bữa chiều, vì đã hẹn trước nên mấy cái lẩu chay cũng được phục vụ rất nhanh và một lần nữa anh chị em trong đoàn đã rất nhiệt tình thưởng thức vì lẩu ngon một phần mà vì quá đói là phần khác…Thật là thương quá đi thôi!

Cuộc hành hương về Miền Tây chính thức khép lại, anh chị em trở về nơi trú xứ của mình mà lòng ngỡ như còn vấn vương những nẻo đường sông nước miền Tây…

                                                                                                                                                                                                                                                         Tâm Lễ

61461410_166091941093370_8326940571801223168_n

61700807_166091854426712_8427481207830216704_n

61723770_935499136781395_7977474239865290752_n

61731650_2842427979316225_3415130351922577408_o

61746877_677995532672368_6888493790294704128_n

61787541_935499013448074_8890511744997261312_n

61899202_677995549339033_5985250094792835072_n

61903667_166091834426714_5801696691644006400_n

61930765_2842428409316182_7464928871578599424_n

61937635_2842428015982888_828294669350731776_n

62022804_166091751093389_8496949572243816448_n

62059970_295355868075354_97396758623027200_o

62121005_935498890114753_5966142146070183936_n

62128595_935498773448098_3154998171512340480_n

62169728_2842428292649527_8130403740214624256_o

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb