Hòa thượng THÍCH THIỆN MINH, một biểu tượng của tinh thần uy vũ bất năng khuất.

thich-thien-minh

Nhân dịp dự lễ tưởng niệm húy nhật lần thứ 41 của cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, nguyên cố vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo, quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, Phó viện trưởng Viện Hóa Đạo, Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Thanh Niên GHPGVNTN. Cuộc đời và đạo nghiệp của Hòa thượng là hình ảnh một vị cao tăng lỗi lạc xuất chúng,  ngài là một nhà hùng biện, chiến lược gia trong hàng lãnh đạo cao thâm của Phật Giáo Việt Nam trong những năm tháng mà PGVN phải đối diện với muôn vàn ma chướng bủa vây,  luôn bị kỳ thị, luôn bị áp bức trong thời kỳ đất nước ta đang đắm chìm trong chiến tranh tang tóc, cùng những tháng ngày đen tối sau khi chiến tranh chấm dứt vào tháng 5 năm 1975.

Đọc lại tiểu sử chúng ta phải cúi đầu khâm phục tài năng và đức độ của ngài, sinh năm 1922 tại một quê nghèo ở Quảng Trị, từ nhỏ đã có túc duyên xuất gia thọ giới với đại lão Hòa thượng  Giác Nhiên, chùa Thuyền Tôn-Huế, Đệ Nhị Tăng Thống GHPGVNTN. Năm 1948 tức là vào lúc 26 tuổi, ngài đã được giáo hội cử làm Hội Trưởng Hội Phật Học tỉnh Lâm Đồng ,  khi GHPGVNTN thành lập ngài được công cử Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Thanh Niên GHPGVNTN vào năm ngài 42 tuổi (1964), Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN  khi Hòa thượng Thiện Hoa viên tịch năm 1973, lúc đó ngài mới 51 tuổi, năm 1976 ngài được cung thỉnh cố vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo. Ngài là một vị Tăng có công rất lớn trong việc xây dựng các đoàn thể giáo dục phật tử trẻ  hướng về phật pháp qua những năm tháng làm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, ngài  còn trực tiếp đứng ra thành lập Phật Học Viện Nha Trang, thành lập trường Bồ Đề, thành lập những Gia Đình Phật Tử đầu tiên… Kể sơ lược vài nét về thân thế và đạo nghiệp của ngài như thế để thấy rằng ngài quả là một thiên tài trong hàng lãnh đạo Phật giáo VN khi tuổi đời còn rất trẻ.

Cả cuộc đời ngài chỉ biết phụng sự dân tộc, phụng sự đạo pháp, trong vai trò lãnh đạo ngài cương quyết không để một thế lực cường quyền nào chen vào khuynh loát lý tưởng phụng sự nhân sanh một cách cao đẹp của Phật giáo, vì lập trường đó nên ngài nhiều lần đã bị bắt bớ, tù đày.  Năm 1975 vận  nước đổi thay, Phật giáo nước nhà lại lâm vào pháp nạn mới, dù chính quyền đương thời tìm mọi cách để đưa Phật giáo VN vào guồng máy công cụ cho chế độ, với vai trò một lãnh đạo PG đứng trước sứ mệnh lịch sử ngài đã giữ vững lập trường từ trước đến sau PG chỉ phụng sự, giáo hóa chúng sanh theo giáo lý Đức Phật, quyết không đem Phật giáo để phục vụ cho bất kỳ một thế lực nào. Thế là sau nhiều lần thuyết phục, thực hiện nhiều kế sách, làm mọi áp lực vẫn không lay chuyển được chí nguyện của ngài, thế nên  nhà cầm quyến đã bắt ngài  vào ngày 13 tháng 4 năm 1978 với những tội danh mơ hồ không hề có thực. Sau 6 tháng 5 ngày bị nhốt trong xà lim tối tăm, bị tra tấn hành hạ dã man, ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 17 tháng 10 năm 1978. Cái chết của ngài là một nỗi đau thương lớn của Dân tộc và Phật giáo Việt Nam, một cái chết hết sức oan khuất mà sau 40 năm vẫn chưa được khai sáng .

Một cái chết

Sau 40 năm vẫn đen ngòm như bóng tối

Bóng tối của vô minh, sắt máu bạo tàn.

………………………………………………..

Vì Phật giáo và Dân tộc nên ngài phải chết!

(Thích Nhật Tân-một cái chết sau 40 năm vẫn chưa sáng tỏ)

Lật lại trang sử cũ, những tháng ngày pháp nạn bi thương của Phật giáo VN sau năm 1975, nhà cầm quyền đã đề ra mọi sách lược để biến Phật giáo trở thành công cụ phục vụ cho chế độ,  nhưng với ý chí bất khuất,  lập trường kiên định , trong vai trò lãnh đạo Phật giáo chịu trách nhiệm trước lịch sử ngài đã cương quyết giữ vững lập trường nên bị cho là thành phần chống đối. Mai Chí Thọ Giám đốc công an Thành Phố HCM, trong cuộc họp với Phật Giáo, ông Thọ đã tuyên bố: 

“Có thể quý thầy nói hàng ngàn người nghe, chúng tôi nói không ai nghe, nhưng chúng tôi có súng, có nhà lao, có quân đội. Tất cả chúng tôi có trong tay. Liệu các thầy có chống đối được không và chống đối đến bao giờ?”


Thầy Thích Thiện Minh trả lời:

Tôi nghĩ rằng có lẽ ông đã nói sai. Hơn ai hết ông biết rằng trong suốt thời gian đương đầu với Pháp và với Mỹ, kẻ khác chứ không phải là ông đã nói ra những câu tương tự như vậy. Lịch sử đã chứng minh rằng súng đạn và nhà tù không phải là tất cả, lại càng không phải là yếu tố tất thắng. Một Ngô Ðình Diệm với 9 năm cai trị bằng mật vụ; một Tần Thủy Hoàng với chính sách bạo ngược đốt sách, chôn học trò. Kết quả như thế nào? Ðúng, chúng tôi, một tấc sắt cũng không có trong tay và các ông thì có tất cả. Nhưng chúng tôi biết bài học lịch sử”.

Vì sự cương quyết trong quan điểm lập trường đó nên Hòa thượng đã bị bắt giam với những tội danh mơ hồ và cuối cùng ngài bị bức tử sau 6 tháng giam cầm.

Khi Hòa thượng Thích Trí Thủ nhận được giấy báo tử, ngài cùng chư tăng trong Viện Hóa Đạo đã ra Hàm Tân để nhận diện. Lúc bấy giờ thi thể của Hòa thượng Thiện Minh  bị bọc kín, khuôn mặt tím bầm, mắt sâu hóm, râu và tóc ra dài che phủ cả mặt. Hòa thượng  xin được vuốt mặt người quá cố, công an Hàm Tân không cho, xin mang thi hài người đã mất về mai táng, cũng không cho; xin tham dự buổi lễ mai táng, cũng không cho, xin tụng một thời kinh ngắn cho người mất, cũng không cho. Tất cả, công an đều không cho với lý do: “cho dù đã chết, ông Đỗ Xuân Hàng vẫn là một tội nhân”, mà tội nhân thì Nội qui trại không cho những yêu cầu như thế. Sau đó, thi thể của Hòa thượng Thiện Minh bị chôn nhanh tại trại tù Hàm Tân, Phan Thiết và mọi dấu vết đã được xóa sạch.

Hơn 40 năm đã trôi qua, một thời gian khá dài để thời gian  phủ một lớp bụi mờ lên những sự kiện bi thương của Phật giáo Việt Nam trong những tháng ngày pháp nạn đau thương  đó. 40 năm đã qua nhưng cái chết của Hòa thượng Thiện Minh vẫn bị bao trùm một màn đêm tăm tối.

 Ngài như “nhạn quá trường không”, ngài đã giã từ cõi thế tục lụy này để đi về một phương trời khác, như mây trắng thong dong về một phương trời xa xứ, “người trở về kiếp xưa mây trắng, thảnh thơi trên bầu trời mênh mông”(Nhất Hạnh). Thế nhưng cuộc đời và đạo nghiệp của ngài ví như một thiên anh hùng ca, với chí nguyện kiên cường, hùng lực vô song ngài đã vượt lên trên mọi áp bức  cường quyền để hoàn thành sứ mệnh của một nhà lãnh đạo Phật giáo trong cơn pháp nạn. Ngài là hiện thân cho một biểu tượng của tinh thần: UY VŨ BẤT NĂNG KHUẤT của bậc đại hùng./.

                                                                                   Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật

                                                                        (bài đã đăng trên trang thuvienhoasen.org)

72897281_1032078870456754_6621139618081275904_n

72970018_1032078147123493_71762263496720384_n

72607739_1032078970456744_2196996705298153472_n

Hàng trước: HT Thích Minh Châu, HT Thiện Minh , HT Trí Quang

72478672_1032077937123514_7472579226240024576_n

Phái đoàn Liên Phái của PG và Liên Bộ của chính phủ NĐD trong cuộc họp giải quyết 5 nguyện vọng của PG

trong cuộc đấu tranh chống kỳ thị Phật giáo năm 1963

73416035_1032077760456865_2587060588534300672_n

72436176_1032078567123451_4812458989142933504_n

72789846_1032078263790148_3035907322623819776_n

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb