CUỘC HỘI NGỘ MẸ ĐẪM NƯỚC MẮT

-550150

Tôi sinh ra và lớn lên vào thời đất nước loạn lạc, quê tôi vùng đất gọi là địa đầu giới tuyến nên chiến sự  luôn xảy ra khốc liệt, bom đạn chà đi xát lại, nhà cửa tan hoang, làng mạc tiêu điều xơ xác nên nhiều lúc gia đình phải ly tán. Những lần  phải xa mẹ lâu ngày khi gặp lại luôn làm tôi xúc động ứa nước mắt. Lần hội ngộ nào cũng cho tôi nhiều cảm xúc, nhưng cuộc hội ngộ đẫm nước mắt này thì nó hằn sâu trong ký ức khiến tôi không bao giờ quên được.

Tháng 5/1975 cuộc chiến kết thúc sau hai mươi năm gây tang tóc đau thương trên quê hương và dân tộc Việt. Tôi tìm về quê xưa hoang tàn đổ nát, mẹ con tôi sống trong những ngày tháng hết sức gian khổ, cùng nhau dựng mái lều tranh nhỏ trên nền nhà cũ để sống qua ngày tháng. Nhưng nhà chưa kịp khô lạt thì tôi được gọi đi cải tạo, ở nhà vì nghe lời vận động, muốn tôi mau được thả về thế là mẹ đăng ký đi kinh tế mới.

Tôi cải tạo ở trại 4 Ái Tử, tại đây tôi được “học tập để giác ngộ cách mạng”, được rèn luyện để hiểu “lao động là vinh quang” với câu  nói truyền tụng cửa miệng của trại viên “Lên đây phải nhớ cho rành: Nhất ri, nhì củi, tam rừng, tứ tranh”, đó là bốn việc nặng nhọc mà những tên “thư sinh” cũ như tôi rất sợ khi nhận việc. Hồi đó trại thường thiếu giống rau, giống sắn để trồng trên những mảnh đất mà trại viên đã vỡ hoang nên thỉnh thoảng Ban Quản Giáo cho trại viên tranh thủ về nhà nội trong ngày để lấy giống. Hồi đó ở trại không hề nhận được tin tức gì của gia đình vì thế có lần tôi được Ban Quản Giáo ân huệ cho về lấy giống rau lang tôi mừng hết lớn. Tối hôm đó tôi trằn trọc mãi không ngủ được, đến khi nghe tiếng gà rừng gáy tôi bật dậy, có lẻ mới nửa đêm nhưng tôi vội đi ngay vì sợ đi về không kịp, đi bộ khoảng 20 cây số về đến làng thì mới biết mẹ tôi đã đi kinh tế mới. Quá buồn,  tôi về nhà chị  ăn vội cơm trưa rồi chị cắt cho tôi mấy trăm ngọn rau lang để tôi đem về nạp cho trại. Lần về hiếm hoi không gặp được mẹ khiến trên đường trở lại trại tôi cảm thấy xa diệu vợi, bước chân nặng nề và lòng thì trĩu nặng nỗi buồn. Mấy tháng sau nhớ mẹ quá tôi năn nỉ nói hoàn cảnh của gia đình mình với quản giáo và xin cho được một lần về lấy giống. Lần này tôi được về lấy giống sắn, thế là tối hôm đó chỉ chợp mắt một tý là tôi thức dậy.  Để tránh sự tò mò của dân chúng và phiền phức khi gặp cán bộ tôi thay cái áo sọc nâu-trắng của tù binh bằng cái áo sơ mi cũ màu tối rồi lẳng lặng ra khỏi trại. Trăng hạ tuần tỏa ánh sáng nhờ nhờ nhưng cũng đủ cho tôi lần theo đường mòn mà đi. Vì được chị chỉ cho nơi ở mới của  mẹ nên ra tới quốc lộ 1 là tôi quẹo trái đi theo hướng bắc ra tới đường 74 thì rẻ vào. Trời đã bắt đầu sáng nhưng phủ một màn sương mờ ảo, tháng mười gió bấc thổi rào rạt lạnh buốt xương nhưng nhờ đi bộ đã mấy chục cây số nên người nóng bừng, mồ hôi ướt hết lưng áo nên tôi không biết lạnh là gì. Khi đi vào một đoạn vắng  trên con đường đi xuyên qua một đám ruộng nhỏ có mấy người đang cấy lúa, tôi thấy từ xa bóng một người đang gánh một gánh củi đang đi ra. Vì sương phủ dày đặc nên tôi không nhận diện được cho đến khi người ấy đến gần tôi mới nhận ra đó là mẹ tôi đang trùm chiếc áo tơi gánh hai lọn củi gốc (cây) đi chợ. Nhận ra mẹ, tôi sững lại giây lát nhìn mẹ trân trân, mẹ tôi cũng thế hết sức bàng hoàng vì bất ngờ được gặp con, cả hai mẹ con đứng ngây người trong giây lát, hoàn hồn lại vì  cuộc hội ngộ quá ư là bất ngờ này mẹ tôi quăng đòn gánh xuống đất, tôi cũng quăng hai cái cán cuốc bằng cây cuống tàu là quà đem từ trại về cho mẹ trên vai xuống và hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Hai mẹ con tôi cứ đứng giữa đường mà ôm nhau khóc như thế không biết bao lâu khi những người đàn bà đang cấy lúa thấy lạ nên tới thăm hỏi tôi mới bớt khóc. Thì ra những người cấy lúa đều là bà con ở chung một đội sản xuất  với mẹ ở vùng kinh tế mới, sau khi hỏi han xong một người lên tiếng

-Thôi dì bỏ gánh củi đó trưa con gánh về cho, chừ thì dì về cùng với em, kiếm cái gì đó nấu cho nó ăn một bữa, răng mà tội rứa không hiết. Người bà con nói xong cũng sụt sùi nước mắt.

Tôi theo mẹ đi về nhà, mái nhà tranh nhỏ nhoi, thấp trập nằm trên con đường vắng vẻ, gió bấc thổi thông thốc vào nhà, giờ thì tôi mới cảm thấy lạnh buốt. Trong khi mẹ tranh thủ nấu cơm tôi ngồi cạnh hỏi han mới biết khi tôi đi cải tạo rồi ở nhà được cán bộ nói gần nói xa là mẹ đăng ký đi vùng kinh tế mới thì tôi được về sớm. Vì quá thương con nên mẹ tôi ký giấy đăng ký đi mà không ngại khó khăn gian khổ sẽ đến trên vùng đất mới, mẹ tôi nói giọng xúc động

-Vì mong con mau về nên mạ mới đăng ký đi chứ lên đây gian khổ lắm!

Tôi nghe mà ứa  nước mắt.

Vùng  kinh tế mới là một vùng đất hoang hóa thuộc miền trung du huyện Gio Linh, lên đây ngày ngày phải đi khai hoang để trồng khoai sắn, vì là vùng đất rừng nên sau khi phá hoang xong còn trơ lại những gốc cây, khi dân mình khai hoang thì phải cuốc bật gốc để có đất canh tác. Sau một buổi cuốc đất thì bà con cũng gánh gốc đó về nhà cắt tỉa gọn gàng rồi khi được nghỉ thì gánh đi chợ Cầu, Gio Linh bán kiếm vài đồng mua thức ăn qua ngày. Nhà không có đàn ông mẹ yếu ốm nên cuốc gốc cũng chẳng được bao nhiêu nhưng cũng nhờ nó mà có mắm muối  ăn qua ngày…

Mấy mươi năm đã trôi qua, mẹ tôi giờ đã ra người thiên cổ, tôi cũng đã đường đời xế bóng nhưng ký ức ngày gặp mẹ đẫm nước mắt năm nào vẫn hằn sâu trong ký ức khiến mỗi lần nhớ lại nước mắt tôi lại ứa ra. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cái buổi sáng mù sương một ngày rét mướt tháng mười gió bấc thổi lạnh căm, trên con đướng vắng dáng mẹ lom khom trong chiếc áo tơi, đôi quang gánh với những gốc cây lỏm chỏm bước đi nhọc nhằn trên con đường đất gồ ghề vượt mấy cây số để về chợ Cầu, Gio Linh bán kiếm vài đồng mua muối mắm. Tôi vẫn nhớ như in đôi tay mẹ gầy guộc ôm lấy tôi mà khóc nức nở, những giọt nước mắt của hai mẹ con đã thấm ướt vai của nhau. Những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi vì mẹ con gặp nhau trong một hoàn cảnh bi đát như thế, mẹ thương tôi vì do đâu nên nỗi đứa con trai yêu quý của mẹ phải gánh chịu sự khổ nhục như thế, tôi thương mẹ vì một đời giải nắng dầm mưa lo cho con mong con có ngày nên sự nghiệp, thế mà đến tuổi già cũng phải lận đận áo cơm trong những ngày đông buốt giá…

Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt với mẹ trong một hoàn cảnh bi đất như thế là một ký ức buồn mà mỗi lần hồi tưởng lại lòng tôi vẫn thấy quặn đau…

Cánh cò cõng nắng cõng mưa

Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương…

Tâm Lễ

(các bạn bấm vào đường link này để nghe bản nhạc “lặng lẽ mẹ tôi” rất xúc động

https://www.youtube.com/watch?v=jcfPs9WXjsA

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb