NHỮNG CÂU CHUYỆN THÁNG BẢY Câu chuyện thứ I: MÙA VU LAN BÁO HIẾU

299714773_1822085491456084_8562293441582392102_n
Tháng bảy âm lịch đối với hầu hết người Việt là một tháng đặc biệt, trong văn hóa dân gian thì “Tháng bảy ngày rằm xóa tội vong nhân”, còn đối với những người theo đạo Phật thì tháng bảy là mùa báo hiếu. “Vu Lan” là danh từ gọi tắt của “Vu Lan Bồn”, tiếng Phạn là Ullambana. “Ullam” dịch là “treo ngược” (đảo huyền), dụ cho cái khổ của người chết như bị treo ngược, cực kỳ thống khổ. Chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana”, dịch là “cứu giúp”. Như vậy “Vu Lan Bồn” là giải cứu tội bị treo ngược. Lễ Vu Lan dù xuất xứ từ một nghi lễ Phật giáo nhưng đã được du nhập vào nước ta hàng ngàn năm nay và đã trở thành một nét văn hóa bản địa dành cho tất cả người Việt vốn có truyền thống hiếu đạo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thế nên hiện nay lễ Vu Lan hằng năm đã trở thành nét văn hóa cộng đồng xã hội của người Việt.
Mùa Vu Lan báo hiếu với những nghi thức, tế lễ thần túy Phật giáo và cùng với những nghi lễ văn hóa dân gian truyền thống đan xen vào nhau một cách hài hòa. Có thể nói là mọi người kể cả những người không theo đạo Phật, những gia đình theo Nho giáo hay theo Lão giáo cũng đều làm lễ Vu Lan, nhân ngày lễ đó tưởng nhớ ông bà, cha mẹ đến bảy đời, công ơn thầy dạy, công ơn quốc gia cũng như công ơn của tất cả chúng sinh. Riêng đối với đạo Phật thì giáo lý Đức Phật dạy con người chúng ta phải tôn kính và tri ân, báo ân đối với tứ trọng ân là ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia xã hội, ân tam bảo. Giáo lý đạo Phật vốn chú trọng đến tinh thần hiếu nghĩa thế cho nên có thể khẳng định đạo Phật là đạo hiếu, trong kinh điển Nam Tông cũng như Bắc Tông đều ca ngợi ân đức ông bà, cha mẹ và khuyến khích tín đồ luôn tìm cách báo đáp, trong Tăng Chi bộ kinh đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai hạng người, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt một trăm năm cho đến khi cha mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn mẹ và cha…”(Tăng Chi I, 75). Trong kinh Nhẫn Nhục Đức phật dạy: “Thiện cùng cực, không có gì hơn hiếu; ác cùng cực, không gì hơn bất hiếu”. Kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy: “Phàm người phụng thờ quỷ thần, không bằng phụng thờ cha mẹ. Cha mẹ là vị thần tối thượng”. Kinh Đại Tập đức Phật chỉ rõ: “Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo phụng thờ cha mẹ. Khéo phụ thờ cha mẹ cũng giống như khéo phụng thờ Phật”.Như vậy kinh điển của Phật giáo Nam Tông cũng như Bắc Tông đều nói đến đạo hiếu và rất coi trọng đạo hiếu.
Tinh thần hiếu đạo của Phật giáo đã được chính Đức Phật dạy rõ ràng như thế nên đệ tử Phật đời sau tổ chức thành các nghi lễ trong mùa Vu Lan để thể hiện sự tri ân và báo ân đối với các bậc tổ tiên, cha mẹ. Chính tinh thần hiếu đạo đó đã lan tỏa và ăn sâu trong tâm thức người Việt, thế nên giờ đây lễ Vu Lan không còn là một nghi lễ của Phật giáo nữa mà nó đã trở thành mùa báo hiếu trong cộng đồng. xã hội.
Tinh thần Vu Lan với những nghi thức đi kèm như nghi thức Bông Hồng Cài Áo, phóng sanh, cúng dường, bố thí, làm từ thiện v.v…tất cả đều là những phương tiện thể hiện sự tri ân và báo ân như thế và đã được tổ chức hàng trăm năm nay như thế. Nhưng không hiểu sao năm nay có một cuộc “tập kích truyền thông” khắp cùng các trang MXH nhắm xuyên tạc các nghi lễ trong mùa Vu Lan. Hầu hết các bài viết này đều không phân tích được những nét đẹp, những giá trị cao quý của các hình thức nghi lễ mang lại mà hầu như chỉ nhắm vào các điểm chưa tốt, những điều chưa đẹp của các nghi lễ này để xuyên tạc, bêu rếu, nhục mạ và bài bác với một sự ác ý lộ liễu. Một số ít những người viết các bài này có biết ý nghĩa và bản chất của các nghi lễ trong mùa Vu Lan nhưng họ lờ đi và chỉ xoáy sâu vào những hiện tượng tiêu cực để đánh phá, một số khác thì vì “biết một mà không biết mười” nên chỉ nhắm vào các hiện tượng không đẹp để bài xích mà không biết ý nghĩa, bản chất thật của các nghi lễ này, hạng người này có thể ví là chỉ nhìn thấy những chấm đen trên một tờ giấy mà không thấy cả một tờ giấy trắng to, rộng, hoặc giả họ chỉ chăm chăm nhìn con sâu trên thân cây mà không hề thấy cây đa cổ thụ che mát một vùng, một số khác thì không hiểu “mô tê” gì mà chỉ a dua người viết mà bài bác, bêu rếu…
Trước sự tập kích truyền thông có hệ thống nhằm vào Phật giáo trong mùa Vu Lan năm nay, tôi thấy rất ít bài viết phản biện từ những tín đồ Phật giáo, thế nên những người chủ trương đánh phá Phật giáo tha hồ mà múa gậy vườn hoang, họ còn định hướng dư luận, lôi kéo những người thiếu hiểu biết a tòng theo họ nữa. Trước hiện tượng này mới đầu tôi định xem như không thấy gì cả và chọn sự im lặng vì hiểu bài học cãi với người ngu thì mình cũng ngu không kém. Thế nhưng tôi tiếc cho những người vì kém hiểu biết mà nghe theo luận điệu của những kẻ ác rồi a tòng theo, trong đó có những người tự xưng là phật tử nữa (!).
Vì vậy tôi quyết định viết loạt bài này, dĩ nhiên là nêu đúng ý nghĩa và bản chất các nghi lễ đạo Phật trong mùa Vu Lan, bài viết này nhằm giúp những người chưa am tường ý nghĩa các nghi lễ trong mùa Vu Lan hiểu rõ hơn về bản chất và ý nghĩa của những nghi lễ đó, ngoài ra cũng chỉ dành cho những ai ngây thơ bị những kẻ chủ mưu đánh phá Phật giáo giật giây rồi hiểu lầm. Dĩ nhiên những bài tôi viết sẽ không dành cho những kẻ phá họai, bêu rếu Phật giáo có chủ tâm, tôi xem họ là những kẻ ngoại đạo hèn hạ với cái tâm đen tối không hề thấy lỗi của mình mà chuyên đi nói xấu lỗi của người khác. Khi họ đã mang cặp kính đen để nhìn vạn vật thì dù cho trời có xanh trong, nắng vàng, mây trắng thì họ cũng bảo trời chỉ có một màu đen ảm đạm mà thôi! Chắc chắn họ không phải là tín đồ đạo Phật vì Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, Đức Phật dạy đệ tử rằng: “Thường xét lỗi mình, không nói chỗ khiếm khuyết của người.”. Tôi nghĩ họ cũng không phải tín đồ Ki-tô giáo vì Chúa Jesus cũng dạy: “Sao con thấy cái dằm trong mắt anh em mà lại không thấy cây đà trong mắt mình? Sao con có thể nói với anh em rằng: ‘Anh ơi, để tôi lấy cái dằm trong mắt anh ra,’ còn con, thì không thấy cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ đạo đức giả, trước hết hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái dằm khỏi mắt anh em được. (Lu-ca 41-42)…Tôi nghĩ tất cả giáo chủ các tôn giáo trên thế giới cũng đều luôn khuyên tín đồ của mình quay lại soi rọi chính mình để làm lánh tránh ác, trở thành những người thiện lương mà không bao giờ khuyến khích họ đi xoi mói, dèm pha những tôn giáo khác.
Kỳ tới: NHỮNG CÂU CHUYỆN THÁNG BẢY
Câu chuyện thứ 2: CHUYỆN PHÓNG SINH
Tâm Lễ
299590585_1822085494789417_2032987308190125794_n
digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb