THÂN NHƯ CÂY BỒ-ĐỀ

Ficus_religiosa_Bo

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh có một giai thoại rất nổi tiếng về hai vị thiền sư Thần Tú và Huệ Năng. Cả hai vị đều là đệ tử của ngài Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Khi tổ Hoằng Nhẫn muốn truyền y bát cho đệ tử kế thừa làm Lục Tổ thì ngài bảo đệ tử một người làm một bài kệ trình bày sự chứng đắc của mình. Trong Tăng chúng có ngài Thần Tú là bậc giáo thọ ai cũng kính nể, nên ai cũng nghĩ chỉ có ngài Thần Tú là xứng đáng nhất được tổ truyền y bát nên không ai làm kệ cả. Ngài Thần Tú là trưởng tràng  nên nghĩ mình cũng phải làm bài kệ nói lên chỗ chứng đắc của mình cho sư phụ biết, có gì chưa đạt sư phụ sẽ chỉ dạy thêm. Làm xong bài kệ ngài không dám trình lên Ngũ Tổ mà chỉ lén viết vách chùa bài kệ nguyên văn như sau:

Thân thị bồ-đề thọ

Tâm như minh kính đài

Thời thời cần phất thức

Vật sử nhạ trần ai

Dịch:

Thân là là cây bồ-đề

Tâm như đài gương sáng

Phải luôn lau chùi sạch

Chớ để bám bụi trần.

Ý nghĩa của bài kệ ngài Thần Tú quan niệm khi đã quyết chí tu tập thì xem thân mình như gốc bồ-đề và tâm như đài gương sáng,  phải giữ thân kiên cố vững chải như cây bồ-đề là cơ sở để làm nên sự giác ngộ và giữ tâm, ý trong sạch thanh tịnh. Muốn vậy thì phải siêng năng tu hành để không cho phiền não, dục lạc vô minh của thế gian dính mắc vào sẽ chướng ngại cho việc tu tập giải thoát. Toàn bài kệ có ý khuyến tấn người tu tập nên thúc liễm, điều phục thân tâm thanh tịnh,  nghiêm trì giới luật, tinh cần tu tập để giác ngộ giải thoát.

Lục Tổ Huệ Năng lúc đó chỉ là một cư sỹ đang làm việc dười nhà bếp, khi đi lên nhà trên thấy Tăng Chúng xúm lại đọc bài kệ được viết trên vách, ông nhờ người đọc dùm vì không biết chữ, nghe xong ông nói tôi cũng có một bài kệ nhờ người viết dùm. Bài kệ như sau:

Bồ-đề bổn vô thọ

Minh kính diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai?

Dịch:

Bồ-đề vốn không cây

Gương sáng cũng không đài

Xưa nay không một vật

Bụi trần bám vào đâu?

Bài kệ của Huệ Năng có vẻ cao hơn bài kệ của ngài Thần Tú một bậc, tức là lấy giáo lý Tánh Không của đạo Phật mà luận, tất cả vạn pháp vốn không thực tướng, vạn pháp duy tâm tạo, tất cả đều do nhân duyên mà hợp và cũng do nhân duyên mà tan, vạn pháp xưa nay không có một vật nào cả (không có thực) thì lấy gì để bám víu ?!

Vì bài kệ thể hiện được  sự chứng ngộ này mà ngài Huệ Năng được Ngũ Tổ trao y bát và trở thành Lục Tổ của Thiền tông Trung Hoa…

 Sau này các nhà nghiên cứu Phật học, các bậc trí giả đã hoài nghi giai thoại này, cho là các đệ tử của ngài Huệ Năng vì muốn tâng bốc thầy mình mà thêm thắt các giai thoại vào. Nhà nghiên cứu phật học Trần Tuấn Mẫn nhận xét “…ta có thể tin rằng bài kệ của Thượng tọa Thần Tú, bấy giờ là vị Giáo thọ được tôn kính, nhằm khuyến dạy đồ chúng hoặc ít ra là để tự khuyến dụ mình. Không có việc thi đua làm kệ và không có bài kệ nào được viết lên vách chùa cả. Từ đó, dĩ nhiên không hề có bài kệ đối đáp, Lục Tổ không hề có bài kệ như thế, chỉ do người sau vì vụng về muốn tâng bốc Lục Tổ và hạ uy tín của Thượng tọa Thần Tú mà thôi!”

Đó là chuyện của các bậc chứng ngộ và lý luận của những vị thiện tri thức nghiên cứu Phật học. Còn chúng ta là những Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tự biết mình là kẻ sơ cơ học đạo, hạ căn hạ trí thì lấy bài kệ của ngài Thần Tú để chiêm nghiệm tu tập, xem thân như cây bồ đề phải cần gìn giữ để làm phương tiện tu tập, vì “thân người khó được”. Không biết bảo hộ thân mình thì lấy gì để cho tâm ta nương náu mà tu tập chuyển hóa nghiệp thức. Xem tâm như một đài gương sáng để tu tâm, sửa mình không để cho vô minh phiền não, ái dục, trần lao bám vào làm che mờ trí tuệ. Có thúc liễm thân, tâm, nghiêm trì giới luật, tinh cần tu tập thì cái tâm ta mới sáng lạng như đài gương được. Đó là lộ trình tu tập của mỗi một anh em chúng ta trên hành trình đến bến bờ giác ngộ.

TÂM LỄ

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb