DUY TUỆ THỊ NGHIỆP
DUY TUỆ THỊ NGHIỆP
Người phật tử mỗi lần đên các giảng đường của các chùa hay thiền viện, học viện Phật giáo hay các điểm tu học của Tăng Ni sinh thường thấy có treo câu DUY TUỆ THỊ NGHIỆP. Hầu hết các TĂNG NI đều biết ý nghĩa của câu đó, nhưng đa phần các phật tử nếu không dược học giáo lý một cách căn cơ thì sẽ không hiểu nghĩa câu trên là gì.
DUY TUỆ THỊ NGHIỆP là câu được trích trong bài kệ thứ ba của kinh Bát Đại Nhân Giác (8 điều giác ngộ của bậc đại nhân). Câu này thuộc điều giác ngộ thứ ba, nguyên văn như sau: “Tâm vô yểm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác; Bồ-tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần lạc đạo, duy tuệ thị nghiệp”. Nghĩa là tâm tham không biết chán cứ mong cầu cho nhiều (thế là) tăng trưởng tội ác. Bồ-tát thì không vậy, thường nghĩ biết đủ, an phận trong thanh bần mà vui đạo, chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp.
Chúng ta cũng thường nghe đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Hai hạnh từ bi và trí tuệ là cốt tủy của đạo Phật. Đó là châm ngôn hành hoạt của các vị xuất gia ‘thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, cũng là châm ngôn sống và tu tập đúng nghĩa của một người phật tử. Xã bỏ tham cầu, thiểu dục tri túc, chấp nhận sống thành bần mà an lạc trong sống đạo, bởi vì muốn ít, biết đủ để cho tâm ta được an lạc, không vì quá tham cầu bon chen với danh lợi, mãi mê chạy theo tham dục trong cuộc sống khiến tâm ta luôn bất an và chuốc lấy nhiều phiền não. Điều này trùng hợp với tư tưởng của Nho gia qua câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc?”. (Hễ biết đủ là thấy đủ, chờ cho đủ thì biết đến khi nào mới đủ?). Điểm then chốt trong bài kệ này là: Người tu theo giáo lý của Phật (cho dù là xuất gia hay tại gia) xã bỏ, không tham đắm vào dục lạc thế gian mà chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp.
Trí tuệ ở đây phải được hiểu là TUỆ GIÁC, tức là sự trí tuệ giác ngộ, thấy biết tất cả sự vật, sự việc trong vũ trụ như nó đang là, tức là nhìn vạn hữu bằng con mắt thiền quán thấy đúng thực tướng của vạn pháp, không bị chi phối bởi vọng thức, không nhìn nhận sự vật, sự việc qua lăng kính của lục thức, gồm có: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, ý thức tác động vào. Trí tuệ do tu tập thiền định mà có chứ không phải lả là tri thức tức là kiến thức tích lũy được do học, do tìm hiểu nghiên cứu mà có, cũng không phải là sự thông minh, sự hiểu biết hay khả năng suy luận, lý luận, phân tích của con người trong thế tục. Đỉnh cao của trí tuệ là trí bát nhã, đó là Nhất Thiết Chủng Trí tức là thông đạt hết thảy thực tướng của vạn pháp không có một chút sai lầm nào, đó là trí của Chư Phật.
Như vậy thì có thể xác định mục đích của người tu Phật cho dù xuất gia hay tại gia đều lấy Trí Tuệ Bát Nhã làm sự nghiệp, làm bản hoài tu tập, hoặc có thể hiểu theo một hướng khác là lấy trí tuệ làm thiện nghiệp (karma) cho bản thân trên hành trình tu tập.
Có trí tuệ mới có Chánh Tri Kiến (thấy biết một cách chơn chánh) là một chi phần đầu tiên trong bát chánh đạo bao gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Bát Chánh Đạo là ngọn đèn tuệ giác soi sáng trên hành trình tu tập của một Phật tử, để đạt đến sự giác ngộ, giải thoát, ngoài ra không có con đường nào khác.
Tu tập như thế mới đúng với tinh thần Từ Bi-Trí Tuệ của đạo Phật, cũng cần nói thêm là Từ Bi trong đạo Phật cũng được soi chiếu trên nền tảng của Trí Tuệ chứ không phải từ bi một cách mù quáng, sai lầm. Khi đã xác định được như thế rồi thì người tu tập theo giáo lý Phật-đà dù tu theo hạnh gì, theo pháp môn nào thì chỉ có đích đến là đạt được Nhất Thiết Trí vì đó là trí tuệ Phật, túc là đạt đến cảnh giới giác ngộ giải thoát. Chúng ta thường nghe đạo Phật có 84.000 pháp môn, thực ra đây là một con số mang tính ước lệ có nghĩa là có vô số phương pháp, vô số phương tiện tu tập để đạt đến giác ngộ giải thoát, như trăm con sông đều đổ về biển cả vậy.
Thấu triệt được những điều trên đây thì người phật tử đang trên lộ trình tu tập hay cả những người muốn tìm hiểu về Giáo lý đạo Phật đều có thể hiểu được PHƯƠNG TIỆN và MỤC ĐÍCH của Phật pháp.
Bài viết này cũng hy vọng giải tỏa những ngộ nhận (hoặc cố tình ngộ nhận) của một số phật tử và những người không phải phật tử có thể nhận định và phân biệt đúng thế nào là một bậc CHÂN TU, một từ ngữ được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây.
Tâm Lễ
(11/2024)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)