GIÁ TRỊ CỦA LỜI PHÁT NGUYỆN
GIÁ TRỊ CỦA LỜI PHÁT NGUYỆN
Trong bài tham luận của Hội Đồng Huynh trưởng cấp Tấn đọc tại Đại Hội HT.GĐPT.BRVT vừa qua có một ý rất hay: “Mỗi một người huynh trưởng không phải một lần mà rất nhiều lần phát nguyện trước Tam Bảo trọn đời phụng sự Đạo pháp, phụng sự lý tưởng GĐPT, thế nhưng đôi lúc lời thệ nguyện đó bị quên đi khiến cho chúng ta đã bao lần muốn thồi chuyển vì gặp chướng duyên hoặc khi cái TA không được thỏa mãn”.
Thât vậy khi bước chân vào cuộc hành trình phụng sự lý tưởng GĐPT người HT đã bao lần quỳ trước Đại Hùng Bửu Điện dưới sự chứng tri của Tam Bảo, sự hiện diện của anh chị HT đại diện cho tổ chức để tự nguyện dâng lời phát nguyện thề trọn đời phụng sự lý tưởng GĐPT. Trong giây phút thiêng liêng đó chắc trong tâm tư của bất kỳ anh chị nào cũng nghĩ rằng lời phát nguyện đó sẽ được mình thực hiện cho đến hết cuộc đời.Thế nhưng trong cuộc hành trình phụng sự lý tưởng GĐPT đã có nhiều anh chị đã phủ nhận lời thề đó và thối chuyển rời bỏ tổ chức vì nhiều lý do trong đó có lý do là vì cái “TA” của mình không được thỏa mãn cũng khá phổ biến. Bỏ qua trường hợp những anh chị rời tổ chức vì không thể vượt qua các nghịch cảnh, chướng duyên, còn lại những trường hợp rời bỏ tổ chức vì những nguyên nhân sau:
- Bất mãn vì có sự bất đồng quan điểm ý kiến trong khi làm việc mà ý kiến của mình bị bác bỏ hoặc những điều mình đề đạt không được thực hiện.
- Mâu thuẩn nãy sinh trong anh em đồng sự mà mình bị yếu thế.
- Không được công cử vào một chức danh nào đó mà mình muốn, không được xếp cấp mà mình xin thọ nhận hoặc yêu cầu nào đó của mình không được thỏa mãn.v.v…
Tất cả những lý do điển hình nêu trên tựu trung cũng đều làm cái TA của mình không được thỏa mãn khiến cho lòng sân hận, phiền não nên quên luôn lời phát nguyện trước Tam Bảo mà rời bỏ tổ chức. Nhưng sau khi rời bỏ tổ chức mỗi người hành xử một cách khác nhau tùy theo năng lực tu trì, trình độ nhận thức và cái TA của họ lớn như thế nào để họ cảm nhận sự tổn thương ra sao. Thông thường sẽ có những phản ứng như sau:
- Tìm một lý do nào đó khá thuyết phục ( nhưng chắc chắn đó không phải là lý do thực) để biện minh cho sự ra đi của mình như: gặp hoàn cảnh quá khó khăn, kinh tế gia đình khủng hoảng v.v…không thể tiếp tục sinh hoạt được
- Tìm đồng minh để bày tỏ sự bất mãn của mình với tổ chức hoặc vì một cá nhân nào đó mà mình đành lòng ra đi, thường thì đổ lổi cho tập thể hoặc cho người nào đó và cố tìm cách chứng minh mình là người đúng.
- Công khai bày tỏ thái độ bất mãn, tìm đồng minh để lôi kéo về phe mình, tìm cách để chống đối những anh chị em còn lại trong tổ chức, tìm cách xuyên tạc sự thật, tìm những kẻ hở trong quá trình làm việc của anh chị em trong tổ chức để khoét sâu những sai sót, những nhầm lẫn để hạ uy tín của tổ chức hay từng cá nhân mà mình có thành kiến v.v…
Trong tất cả những phản ứng trên đây thì loại người thứ ba là đáng sợ nhất, chỉ vì cái TA của họ không được thỏa mãn mà họ nở quên đi lời phát nguyện đã nhiều lần đối trước Tam bảo để tuyên hứa, quên đi tổ chức mà mình tự nguyện suốt đời phụng sự và xem như lý tưởng mà mình tôn thờ, quên đi tình Lam với những anh chị em đã một thời cùng mình đồng cam cộng khổ phụng sự lý tưởng.
Chỉ vì cái TA vĩ đại không được thỏa mãn mà họ sẵn sàng đánh đổ tất cả từ lời nguyện trước Tam Bảo cho đến tổ chức, đồng sự, biến tình cảm thành lòng căm phẩn, sân hận chất đầy phiền não. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Cái ta là đáng ghét” nhưng trong những trường hợp này thì :Cái TA không chỉ là đáng ghét mà là đáng sợ làm sao!
Lời phát nguyện đối với người huynh trưởng có tính chất hoàn toàn tự nguyện và đối trước Tam Bảo xin chứng tri cho lời nguyện đó, nó có giá trị tinh thần thiêng liêng và cao cả biết bao thế mà chỉ vì cái TA không được thỏa mãn mà biết bao người đã phủ nhận lời nguyện của chính mình, quay lưng trở mặt với lý tưởng mà mình nguyện tôn thờ, thế mới biết cái TA thật là đáng sợ!
Cho nên quan niệm VÔ NGÃ LÀ NIẾT BÀN trong giáo lý Phật Đà thật là mầu nhiệm biết bao.!
TÂM LỄ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)