HÃY BIẾT TRÂN QUÝ NHỮNG GÌ MÌNH CÓ

HÃY BIẾT TRÂN QUÝ NHỮNG GÌ MÌNH CÓ

                                                                                                           Tâm Lễ

                                                                           

Mấy hôm nay trời trở lạnh, ở miền Bắc và miền Trung gió mùa đông bắc kéo theo làn không khí lạnh tràn về khiến trời trở rét. Ở miền Nam mặc dù nắng ấm quanh năm nhưng vào những ngày mùa đông cũng ảnh hưởng cái lạnh từ miền Bắc nên chiều tối và đêm về trời se se lạnh. Thành thật mà nói cái lạnh đầu đông ở đây so với miền Bắc thì chẳng thấm vào đâu, cũng như đối với thanh niên thì cũng chẳng quan tâm đến nhưng với những người cao tuổi hoặc chí ít cũng ngoại lục tuần như tôi thì cảm nhận cái biến đổi khí hậu không phải bằng cái lạnh thâm nhập vào cơ thể khi đêm về mà bằng cái đau nhức mình mẩy, toàn thân ủ ê như mới bị một trận đòn nhừ tử, nó thấm thía nỗi khổ của dấu hiệu tuổi già.

   Đang mang trong mình cái bệnh gai cột sống  chèn ép thần kinh nên chịu đựng cái lạnh đầu đông đối với tôi càng kinh khủng hơn nữa. Đã từ lâu mỗi buổi sáng tôi để chuông báo thức lúc 4g20, thú thật trước đây tôi để chuông báo thức lúc 4g30 nhưng sau này thấy để khởi động cái cơ thể đang nhức nhối sau một giấc ngủ tôi phải mất mười phút mới ra khỏi giường được. Thế là tôi quyết định rút lại sớm hơn mười phút để đúng 4g30 là vệ sinh cá nhân và bắt đầu thời khóa hành trì, đến khoảng 6 giờ kém 20 phút  tôi xã thiền và thiền hành 15 phút sau đó bắt đầu tập Dịch Cân Kinh và làm các động tác thể dục đến 6 giờ 30 là hoàn tất. Ngoại trừ những lúc có việc phải đi sớm thì thông thường sáng nào cũng thế, chênh lệch nhau năm, mười phút là cùng. Thế nhưng những khi trời trở rét như thế này thì tôi thức giấc trước khi chuông báo thức rất lâu nhưng để chiến đấu với cái đau nhức của cơ thể cũng như sự lười biếng của bản thân để khỏi phải nằm rán trên giường là một sự “đấu tranh” gay gắt với bản năng để bật dậy ra khỏi giường mà không bị trể năm, mười phút cũng là cam go lắm !

 Trong cuộc sống này để tồn tại giửa dòng đời bắt buộc chúng ta phải “bơi” không ngừng nghỉ, nếu bất kỳ lúc nào mà ta chán nản buông tay thì bị nhấn chìm ngay. Lúc còn niên thiếu thì phải nổ lực học hành, đến khi trưởng thành thì phải vật lộn với sự nghiệp, với miếng cơm manh áo, khi về già thì phải chiến đấu với bệnh tật  và phải đối diện biết bao điều lo toan khác khiến cho ta phải lao đao suốt đời.  Có những lúc bị bệnh tật hành hạ tôi cảm thấy đời mình sao mà nhiều nỗi khổ thế, tại sao có nhiều người tuổi đã bảy, tám mươi mà vẫn mạnh khỏe còn  mình thì chưa bao lăm tuổi mà thân chứa nhiều bệnh tật vậy?!

Giáo lý, kinh điển của đạo Phật tôi cũng có duyên tìm hiểu, cũng biết quy luật của vạn vật vô thường không ngừng biến đổi, cũng hiểu được vạn pháp vô ngã, cũng được nghe Đức Phật nói về nỗi khổ của kiếp nhân sinh và con đường thoát khổ, cũng gắng hành trì và áp dụng vào thực tiễn cuộc sống nhưng phải thành thật mà nhìn nhận rằng giửa cái biếtthực chứng là một khoảng cách xa diệu vợi, lý thuyết thì biết hết nhưng khi đối diện với cái đau của chính mình thì cũng khó mà vượt qua được tâm trạng u hoài.

  Tôi bị dằn vặt trong tâm trạng tiêu cực đó cũng khá lâu mặc dầu cố gắng vượt thoát ra khỏi nhưng mà cũng lắm nhọc nhằn,  cho đến khi được trãi nghiệm qua cuộc sống thực tế đã giúp tôi được nhiều điều.

… Trong một chuyến về quê họp mặt cựu học sinh trường NH Quảng Trị, tôi được gặp lại rất nhiều bạn học cũ đang ở quê nhà cũng có mà lưu lạc bốn phương tụ hội về cũng có. Mấy mươi năm gặp  lại nhìn nhau ngỡ ngàng, đứa nào cũng tuổi đời chồng chất, thời gian in đậm vết hằn năm tháng, dấu tích tuổi học trò đã hoàn toàn phai lạt, mấy mươi năm trôi qua đã xóa nhòa hình ảnh những cô cậu học trò hồn nhiên phơi phới tuổi xuân ngày nào mà thay vào đó là những ông bà đã bước qua lứa tuổi trung niên, cuộc đời như bóng nắng đã xế chiều. Cuộc hội ngộ chan hòa niềm vui, chúng tôi tay bắt mặt mừng cùng nhau nhắc lại những ngày xưa cũ để cùng sống lại những ngày tháng tuổi thơ dưới mái trường thân yêu dầu cho giờ đây có đứa công thành danh toại sự nghiệp vững vàng, có đứa còn lao đao lận đận nợ áo cơm, có đứa đã ra người thiên cổ. Trong số những người bạn còn sót lại tôi đặc biệt quan tâm đến hai người bạn, một nam, một nữ, cả hai ngày xưa cùng là bạn khá thân với tôi.

Anh bạn nam sinh tên là Lê Phúc, ngày xưa học giỏi toán khá đẹp trai, tính tình vui vẻ, sống chan hòa cùng bạn bè. Năm 1972 chiến trường khốc liệt, anh cũng như đa số chúng tôi phải vào quân ngũ và rồi một đứa phiêu bạt một phương. Năm 1975 trước ngày tàn cuộc chiến anh đã để lại trên chiến trường đôi chân và trờ về mái nhà xưa với một thân hình tàn phế. Thế là anh phải bắt đầu cuộc sống gian khổ sau ngày hòa bình với một người không thể đứng trên đôi chân của mình hay nói chính xác là không có đôi chân để đứng! Tôi gặp lại anh sau bao nhiêu năm xa cách mừng rơi nước mắt xót xa thương bạn vượt qua mấy cây số từ Phước Mỹ ra đến Đông Hà để đến với buổi họp mặt trên chiếc xe lăn mà miệng vẫn cười tươi vui vẻ, thân mật chan hòa cùng với bạn xưa. Trong khi chuyện trò các bạn có nhắc đến vài người tuy ở gần nhưng vì mặc cảm thân phận không thành đạt gì nên tìm cách xa lánh bạn bè không đến họp mặt, Phúc đã nói một câu khiến tôi phải nhớ đời.

- Như tao đây mà không mặc cảm thì thôi, chứ mấy đứa kia có gì đâu mà phải mặc cảm xa lánh bạn bè? !

 Người bạn thứ hai là một bạn nữ tên Liễu, ngày xưa là một cô học trò thùy mị nết na, có phần rụt rè, nhút nhát nhưng rất chăm học giờ đây đang nằm liệt giường sau một cơn tai biến. Sau buổi họp mặt trường xong, Ngữ nói

- Giờ lớp mình xuống xóm Tiêu (Sãi) thăm  Liễu.

Thế là cả nhóm lớp tôi kéo về nhà Liễu, Phúc củng đi theo, nhưng điều đáng nói ở đây là chúng tôi đi bằng xe máy, còn Phúc thì đi bằng xe lăn! Chúng tôi đến một lúc thì Phúc cũng vừa tới, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng cũng cười rất tươi.

 Cô học trò tên Liễu ngày xưa đẹp người đẹp nết biến đâu mất giờ chỉ còn một thiếu phụ gầy gò nằm trên giường, da mặt xanh xao nhưng đôi mắt rất sáng và đón chúng tôi với nụ cười rất tươi. Bạn bè ai cũng xúm lại hỏi han ân cần và tường thuật lại buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm trường NH, Liễu nằm nghe mà khuôm mặt tươi lên như đang cùng vui với bạn bè, nhưng sau đó là một tiếng thở dài nhè nhẹ nhưng đang dấu kín nỗi buồn.

 Tôi tháo logo họp mặt gắn lên áo Liễu, BH chỉ vào tôi hỏi Liễu.

- Có nhớ ai đây không?

- L chớ còn ai nữa, ngày xưa bạn có cái răng khểnh có duyên lắm. Mà bây giờ xem ra trắng hơn trước. Liễu cười vui trả lời

( Ơn trời! Tôi bây giờ cũng vẫn đen nhẻm thế mà Liễu khen trắng thì đủ biết ngày xưa tôi đen cỡ nào rồi!)

Chúng tôi chuyện trò với Liễu một lúc thì ra về mỗi đứa leo lên một chiếc xe máy, khởi động xe và vù đi, nhìn lui tôi thấy Phúc vẫn nhẫn nại đẩy bánh xe lăn một mình trên con đường nhựa nóng bỏng giửa trưa hè…

Trên đường về tôi cảm nhận thì ra mình thật còn diễm phúc hơn nhiều người, từ bấy lâu nay mình đau khổ vì chỉ nhìn thấy những ước mơ không thành, những điều mất mát, thua thiệt trong cuộc sống, những thất bại chua cay mà mình vấp phải, những vùi dập của nhân tình thế thái,  chỉ thấy những gì mình không có mà không cảm nhận được những gì mình đang có. Thực ra mình đang có cuộc sống của một người bình thường trong khi rất nhiều người mơ ước cũng không có,  mình đang có một đôi chân để đi dù đôi chân đó đang đau nhức từng ngày nhưng Phúc bạn tôi và bao nhiêu người nữa chỉ mong có một cái chân đau nhức mà cũng không được, mình đang được đi đây đi đó dù cho có cái lưng với cột sống mọc gai chèn ép thần kinh khiến đau nhức sau một đêm dài, thế nhưng Liễu bạn tôi và bao nhiêu người nữa cầu mong có cái cột sống lành lặn để đỡ thân mình đứng dậy mà khó lòng đạt được ước nguyện, và rồi cuộc sống còn bao điều bất hạnh, bao nỗi khổ niềm đau đang chồng chất lên kiếp người nữa!

 Nghĩ đến đây tôi chợt nhớ tới câu chuyện có một người thất nghiệp đang lang thang trên đường với đôi chân đau nhức vì đôi giày rách và cảm thấy mình bất hạnh ghê gớm, nhưng khi chợt nhìn thấy một người bên kia đường đang di chuyển trên xe lăn thì giật mình nghĩ lại thì ra nỗi khổ của mình chẳng là gì cả, mình chỉ khổ vì một đôi giày rách thôi, trong khi người kia bất hạnh hơn nữa khi không có đôi chân để xỏ giày!

  Một câu chuyện khác, có một ông nhà giàu sang quyền quý không thiếu thứ gì nhưng đêm đêm ông ta ra sân ngước lên nhìn trời cầu trời xin chỉ có một con mắt! (?)Mới nghe qua ta thấy ông nhà giàu có cử chỉ thật kỳ lạ và ngốc nghếch vì sao mà chỉ câu xin có một con mắt? Thì ra ông ta thật giàu sang nhưng bị mù, ông ta đang sống trong lâu đài, trên nhung lụa, bên vợ đẹp con ngoan nhưng không thấy gì cả nên đêm đêm ông cầu xin trời cho ông có một con mắt, để nhìn đời nhưng mà có được đâu ! Thế mới biết không có ai trong đời này là hoàn toàn hạnh phúc, mà cũng chẳng có ai là hoàn toàn bất hạnh. Hạnh phúc hay khổ đau có từ nhận thức của mỗi con người chúng ta với cuộc đời, có người ví cuộc đời như một tấm gương soi nếu mình cười với nó thì nó cười lại với mình, còn nếu mình nhăn nhó, hằn học với nó thì nó cũng hằn học, cau có lại với mình. Vậy chúng ta chọn điều gì?

  Chúng ta đang có rất nhiều thứ nhưng mình không biết trân quý nó mà chỉ chăm chăm vào những gì mà mình không có để rồi sống trong nỗi dắn vặt, khổ đau.

  Từ những bài học thực tế rút ra được sau lần gặp gở những người bạn bất hạnh trên tôi đã thay đổi nhận thức về cuộc sống rất nhiều. Giờ đây mỗi buổi sáng thức giấc cái cảm giác đau đớn ê ẩm trên cơ thể vẫn còn đó nhưng tôi đã “dũng cảm” bật dậy khởi động một ngày mới. Mỗi buổi sáng khi đảnh lễ trước bàn thờ tôi thấy hình tượng đức Phật nhìn tôi với ánh mắt bình an tự tại và trên môi vẫn thoáng một nụ cười từ hòa rất nhẹ. Sau giờ công phu tôi mở cửa bước ra thềm cảm nhận một luồng không khí trong lành của một buổi sớm mai, một không gian tỉnh lặng, thanh khiết, trên trời cao những vì sao nhấp nháy đang nhạt dần nhường cho ánh bình minh bắt đầu ló dạng. Một ngày mới bắt đầu với tiếng chim rộn rả trên cành, những đóa hoa  nguyệt quế trắng muốt vẫn âm thầm nở trong đêm lan tỏa một mùi hương thanh thoát.

  Tôi hít một hơi thật sâu đón nhận luồng không khí tinh khiết của ngày mới và “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm  ngày nửa để yêu thương”…

                                                                                                                     Tâm Lễ

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb