Nên bao dung, chớ nên dung túng
“Xin lỗi không phải là để người ta tha thứ, mà là để nhận khuyết điểm về mình. Cho nên nếu đã xin lỗi mà người không tha thứ thì bạn cũng đừng trách lại”.
Có người hỏi tôi: Nếu mình chỉ biết tha thứ và bao dung, rốt cuộc có trở thành dung túng hay không? Vấn đề then chốt này, là ở chỗ công phu do mình tiếp thu được, làm thế nào để chuyển hóa kẻ thù địch thành bạn hữu. Hai chữ “Chuyển Hóa” này vô cùng quan trọng.
Sau khoảng thời gian bạn tha thứ cho đối phương thì họ sẽ dần dần cảm thấy là họ đã trách lầm bạn và cảm thấy có lỗi với bạn, lúc bấy giờ cách nghĩ của họ về bạn bắt đầu có sự thay đổi. Sau khi cách nghĩ của họ thay đổi, bây giờ đúng lúc bạn hỏi họ là tại sao lại đối xử với mình như vậy, có phải họ cảm thấy mình bị thiệt thòi điều gì không? Chính vì bạn thật tâm muốn giúp họ, không có ý hại họ nên mới có thể giúp họ xả bỏ tâm oán hận.
Muốn chuyển hoá thù địch thành bạn thân, cần phải có trí tuệ mới làm được. Nếu chỉ đơn thuần bao dung thì rốt cuộc sẽ trở thành dung túng. Cũng giống như bạn uống thuốc độc vào trong bụng, không có năng lực để giải độc tính, rốt cuộc lại còn bị thuốc độc hại chết. “Thừa nhận sai lầm là tự lãnh trách nhiệm về mình và cũng là lãnh trách nhiệm đối với người.”
Có một vị nữ sĩ nọ, vì nhất thời không cẩn trọng lời nói, nên đắc tội với người bạn của mình, làm đổ vỡ mối giao hảo tốt đẹp vốn có giữa hai người. Bà thật lòng xin lỗi bạn, nhưng không được người bạn ấy tha thứ. Bà ta hỏi tôi: “Thưa sư phụ! Người phạm sai lầm phải làm thế nào để được người khác tha thứ?”
Tôi nói: Cô đã ngõ lời xin lỗi mà đối phương vẫn không chịu tha thứ thì chỉ có cách để thời gian làm giảm cơn nóng giận! Cô không cần phải để đối phương hiểu và bỏ qua ngay, vì khi người ta đang nổi nóng thì e rằng rất khó tiếp nhận lời xin lỗi. Có thể đối phương sẽ nghĩ rằng: “Nếu hôm nay mình dễ dàng tha thứ cho cô ấy thì ngộ nhỡ cô ta lại ăn nói bừa bãi thì mình biết phải làm sao đây?” Cho nên cô ta sẽ né tránh, để tránh bị thương tổn thêm lần nữa.
Có lẽ một thời gian ít lâu sau, người bạn thù hận kia sẽ nghe được lời xin lỗi của cô bạn từ miệng của một người khác và họ không còn oán hận cô ta nữa. Và có lẽ là giờ phút trùng phùng giữa hai người không được tự nhiên lắm, vì khi lòng thù hận đã lâu như thế thì làm sao có thể kết bạn lại ngay?
Lúc này bạn không nên miễn cưỡng, không nên nóng vội, cũng không nên cố ý biểu hiện sự thân thiết, vẫn giữ mối quan hệ lợt lạt. Bạn cần phải có thời gian làm nguồn động viên, cổ vũ. Được như vậy mới có thể nối lại tình bạn.
“Xin lỗi không phải là để người ta tha thứ, mà là để nhận khuyết điểm về mình. Cho nên nếu đã xin lỗi mà người không tha thứ thì bạn cũng đừng trách lại.”
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)