BÁO CÁO LƯỢC TRÌNH 50 HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GĐPT BÀ RỊA VŨNG TÀU  

IMG_1765

 Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

- Kính bạch Chư Tôn Đức

- Kính thưa BHDTƯ, quý Huynh Trưởng các cấp cùng toàn thể quý vị.

50 năm trong sự biến dịch vô thủy vô chung của thời gian vô tận thì chẳng là bao, năm mươi năm trong hạn cuộc của kiếp nhân sinh thì cũng đã đi gần hết một kiếp người. Còn 50 năm đối với sự hình thành và phát triển một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên như GĐPTVN thì là một cuộc hành trình không phải là quá ngắn, vì để tiếp nối mạng mạch của tổ chức thì đã phải trải qua nhiều thế hệ huynh trưởng lãnh đạo tiếp nối, hơn nữa trong 50 năm ấy tổ chức đã phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, thịnh suy với những biến thiên của thời cuộc vì thế để đi hết cuộc hành trình đó chúng ta cứ tưởng như đã trải qua một thời gian dài thăm thẳm.

Vượt qua những chướng duyên khảo đảo, GĐPT BRVT đã đi suốt cuộc hành trình 50 năm dựng xây và phát triển để rồi ngày hôm nay dưới sự chứng minh của Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, sự hiện diện của quý anh chị đại diện BHDTƯ GĐPTVN cũng như sự tham dự của đông đảo quý anh chị HTr các cấp, quý vị quan khách, quý thân hữu trong buổi lễ kỷ niệm này. Vì điều kiện thời gian không cho phép chúng tôi chỉ xin lược trình một cách khái quát quá trình 50 năm dựng xây và phát triển GĐPTBRVT.

 

I./ DUYÊN KHỞI HÌNH THÀNH.

Khởi nguyên từ phong trào chấn hưng Phật giáo được Chư Tôn Đức Tăng Ni lãnh đạo Phật giáo các miền cùng với những cư sĩ trí thức Phật giáo khởi xướng từ thập niên 1930 của thế kỷ trước. Từ ý tưởng của bác sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám, một vị cư sĩ trí thức uyên thâm Phật học, thế học nhiều tâm huyết cho tiền đồ của dân tộc, đạo pháp đã cùng với những cư sĩ trí thức Phật giáo đương thời như Phạm Hữu Bình, Đinh Văn Nam (tức cố trưởng lão Hòa Thượng Thích Minh Châu), Võ Đình Cường, Nguyễn Hữu Quán v.v…thành lập các Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, rồi Gia Đình Phật Hóa Phổ. Cho đến năm 1951 đại hội huynh trưởng tòan quốc tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế thì danh xưng GĐPTVN chính thức được hình thành.

Từ năm 1953-1963 GĐPTVN bước vào thời kỳ phát triển mạnh trên khắp mọi miền của đất nước. Ở các tỉnh Nam Phần và thủ đô Sài Gòn các anh chị trong BHDTƯ hiện đang sinh sống tại Sài Gòn như anh Tống Hồ Cầm, Nguyễn Văn Thục v.v.. được sự hổ trợ của Chư Tôn Đức cùng quý vị cư sĩ trong hội Phật Học Nam Việt nên từ Sài Gòn đến các tỉnh Cần Thơ, Định Tường, Đồng Nai, Biên Hòa… các đơn vị GĐPT lần lượt ra đời.

Tại tỉnh nhà bấy giờ là tỉnh Phước Tuy được thành lập sớm nhất là GĐPT Chánh Kiến do anh Tống Hồ cầm đến chùa Linh Sơn Cổ tự thành lập khoảng thời gian 1956 do bác Lê Văn Cang làm gia trưởng.

Sau đại hội huynh trưởng toàn quốc năm 1961 cho đến năm 1965 mới thành lập được các đơn vị GĐPT đầu tiên đó là các GĐPT Tịnh Quang tại chùa Tịnh Quang, Bà Rịa, do bác Lê Thái làm Gia trưởng, GĐPT Bảo Hải do bác Mạc Văn Vỹ làm gia trưởng, GĐPT Hải Quang tại chùa Linh Bửu do bác Lê Văn Trường làm gia trưởng, GĐPT Thiện Quang sau đổi tên là Khánh Điền do đạo hữu Nguyễn Thị Bích làm Gia trưởng.

Đến năm 1965 sau khi thành lập được 4 đơn vị, Ban Chấp Hành GĐPT Phước Tuy thành lập do anh Nguyễn Văn Huệ làm trưởng ban và ban viên là các anh Lê Văn Dương, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Hồng Trân, Đặng Phước Bình, Lê Thanh Tâm. Từ đó phát triển thêm các đơn vị GĐPT khác ở vùng Bà Rịa và Phước Tuy.

Như vậy khởi đi từ thuở bình minh của tổ chức với một sự manh nha ở một vài ngôi chùa lẻ tẻ, GĐPT Tỉnh Phước Tuy được chính thức thành lập vào năm 1965 do anh Nguyễn Văn Huệ làm trưởng Ban Chấp Hành đó là tiền thân của GĐPT BRVT ngày nay. Đây cũng là lý do vì sao BHD.GĐPT.BRVT đã chọn năm 1965 để làm niên đại khai sinh của tổ chức GĐPT tỉnh nhà.

Để có cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành và phát triển GĐPT tỉnh nhà chúng tôi xin chia ra từng thời kỳ như sau:

II./ CÁC THỜI KỲ DỰNG XÂY VÀ PHÁT TRIỂN GĐPT BRVT.

 

1./ Thời kỳ ổn định và phát triển (1970-1975).

Vào đầu thập niên 1970 do tình hình chiến sự ở miền Trung ngày càng khốc liệt, Sau “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 hàng trăm ngàn dân Quảng Trị đã vào lánh nạn chiến tranh tại Huế và Đà Nẵng,  sau đó một bộ phận người dân theo chương trình di dân của chính phủ vào miền Nam lập nghiệp. Những tín đồ Phật giáo theo dự hướng dẫn của Hòa Thượng  Thích Thiện Minh vào lập nghiệp tại thôn Quảng Phú, xã Phú Mỹ (nay thuộc huyện Tân Thành) và vùng đất Suối Nghệ (nay thuộc hyện Châu Đức) rất đông trong số đó là các huynh trưởng GĐPT tại Quảng Trị theo vào, đây cũng là cơ hội cho sự phát triển GĐPT tỉnh nhà. Cũng từ đây các đơn vị GĐPT lần lượt ra đời tại các vùng định cư của người dân miền trung như Khánh Quảng ở Quảng Phú, Khánh Lương, Khánh Linh ở Suối Nghệ, Khánh Bình ở Bình Ba v.v…

  Trong thời kỳ này đã tổ chức đại hội bầu Ban Chấp Hành GĐPT tỉnh và kết hợp với Ban Đại Diện GĐPT miền Khánh Hòa tổ chức được 2 trại huấn luyện huynh trưởng Lộc Uyển 1 và A-dục 1/BRVT. Tổ chức được các trại họp bạn Nhất Chi Mai tại chùa Cây Dương, Bà Rịa, hổ trợ Ban Đại Diện GĐPT miền Khánh Hòa tổ chức trại họp bạn Thái Hư tại Vũng Tàu, Năm 1974 tổ chức trại họp bạn ngành Nữ tại chùa Viên Quang, Suối Nghệ đón tiếp chị Tâm-Chánh-Hoàng Thị Kim Cúc phó trưởng BHDTƯ cùng các chị Phạm Thị Xuân Phương, Phạm Thị Xuân Viên về thăm.

Năm 1974 tổ chức đại hội huynh trưởng GĐPT Phước Tuy nhiệm kỳ 1974-1976 công cử anh Nguyễn Hồng Trân làm trưởng ban.

Trải qua một thời gian dài GĐPT BRVT không phát triển được nhiều lắm, tầm ảnh hưởng của GĐPT cũng không lan tỏa nhiều đến sinh hoạt của Phật giáo địa phương cũng như Chư Tôn Đức Tăng Ni và công chúng Phật tử.  Sau mùa hè năm 1972 một số  đồng bào từ Quảng Trị vào lập nghiệp tại Quảng Phú và Suối Nghệ đã thành lập một số đơn vị mới làm tiền đề cho sự phát triển GĐPT tỉnh nhà sau này.

Cho đến sau năm 1975 khi có một số lượng lớn huynh trưởng và đoàn sinh từ miền Trung vào lập nghiệp thì tình hình sinh hoạt GĐPT có chiều hướng phát triển, mọi hoạt động dần dần có quy cũ và rỏ nét hơn.

  Thời kỳ này GĐPT tỉnh nhà đã thành lập được 13 đơn vị trong đó Phước Tuy có 10 đơn vị, Vũng Tàu có 3 đơn vị. Hoạt động của GĐPT tỉnh nhà tuy không rầm rộ lắm  nhưng cũng đã tổ chức được những sự kiện quan trọng và các trại họp bạn, trại huấn luyện. Kể từ đây ảnh hưởng của GĐPT bắt đầu lan tỏa trong cộng đồng xã hội tại tỉnh nhà.

2./ Thời kỳ khó khăn và duy trì tổ chức (1975-1980)

 

Sau tháng 4 năm 1975 cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài suốt 20 năm gây bao nhiêu điêu linh tang tóc trên quê hương đã chấm dứt hòa bình đã được lập lại. Kể từ đây đất nước không còn tiếng súng, không còn cảnh chết chóc, đất nước đã thanh bình trở lại. Nhưng cũng kể từ thời điểm này các hoạt động của các đoàn thể thanh thiếu niên hoat động xã hội và tôn giáo không được phép hoạt động và GĐPT cũng chịu chung số phận. Đây là một thời kỳ hết sức khó khăn, hầu như tất cả các đơn vị GĐPT trên toàn quốc đều âm thầm ngưng sinh hoạt.

  Trong muôn vàn khó khăn của đất nước thời hậu chiến, việc duy trì sinh hoạt của GĐPT là một vấn đề bất khả thi, khăp toàn tỉnh những nơi có GĐPT sinh hoạt giờ đây chỉ còn là cái bóng của quá khứ, hình ảnh những chiều chủ nhật sân chùa rợp bóng áo lam, câu kinh, tiếng kệ, lời ca tiếng hát, những tiếng cười rộn rả của các em đoàn sinh trong sân chùa giờ không còn nữa. Các huynh trưởng và đoàn sinh dầu có nặng lòng với chiếc áo lam cũng đành thúc thủ và họ chỉ còn cách đến chùa lễ bái trong các đêm sóc vọng như những bao người khác.

Trong thời kỳ này khi anh Võ Đình Cường không trực tiếp điều hành tổ chức, BHDTƯ đã công cử anh Nguyên Y-Lương Hoàng Chuẩn đang là Phó trưởng ban ngành Nam làm Quyền Trưởng Ban để điều hành tổ chức. Đến tháng 9 năm 1976 anh Lương Hoàng Chuẩn từ trần, BHDTƯ đã công cử chị Tâm Chánh-Hoàng Thị Kim Cúc đảm nhận chức vụ Quyền Trưởng BHDTƯ để tiếp tục lãnh đạo điều hành tổ chức.

Trong vai trò trưởng BHDTƯ chị Kim Cúc đã bất chấp mọi hiểm nguy đã đi khắp nơi từ Sài Gòn cho đến miền Trung, Cao Nguyên, các tỉnh Đông Nam phần, Tây Nam phần, kể cả những vùng rừng núi hoang vu cho đến vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế mới, các nông trường cao su …để vận động tái sinh hoạt và thành lập những đơn vị mới hầu duy trì mạng mạch của tổ chức. Trong thời gian này chị đã hai lần về thăm huynh trưởng và đoàn sinh tại tỉnh Phước Tuy để động viên và sách tấn anh chị em tiếp tục vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh để tiếp tục sinh hoạt và tái sinh hoạt các đơn vị đã tạm ngưng sinh hoạt do thời cuộc.

Tình hình chung là như vậy, tuy nhiên mặc dù chịu nhiều chướng duyên và áp lực từ nhiều phía tại ngôi chùa Viên Quang, Suối Nghệ GĐPT Khánh Lương vẫn duy trì sinh hoạt, vẫn duy trì được những nề nếp của tổ chức. Bên cạnh đó GĐPT Khánh Linh, GĐPT Khánh Bình vẫn thầm lặng duy trì.

Nhìn lại dòng lam sử, phải nói rằng đây là một thời kỳ khó khăn nhất của GĐPT, trong khi hầu hết các GĐPT trong tỉnh đều âm thầm gián đoạn sinh hoạt thì GĐPT Khánh Lương, Suối Nghệ vẫn kiên trung duy trì mạng mạch của GĐPT tỉnh nhà, chúng ta cũng hết sức trân trọng niệm ân sư cô Thích Nữ Như Tuệ trụ trì chùa Viên Quang cùng với quý bác trong Ban Đại Diện Phật Giáo xã Suối Nghệ đã tích cực trợ duyên cho sự duy trì sinh hoạt của GĐPT Khánh Lương. Có thể nói rằng GĐPT Khánh Lương là tiếng chim gọi đàn, mở hội, là cái nôi, là khởi điểm của thời kỳ tái sinh hoạt và phát triển của GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu.

3./ Thời kỳ phục hoạt và phát triển (1980-1993)

   Đây là thời kỳ tại tỉnh Phước Tuy cũ bây giờ đang trực thuộc tỉnh Đồng Nai, các địa phương như huyện Châu Thành (nay là huyện Châu Đức, Tân Thành và thành phố Bà Rịa) cùng với huyện Xuyên Mộc đã tiếp nhận rất đông đồng bào từ các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi v.v… vào lập nghiệp. Do tình hình kinh tế khó khăn chỉ  một bộ phận nhỏ trong số họ là có điều kiện vào làm ăn sinh sống ở các đô thị, đa số còn lại thì vào vùng nông thôn làm ruộng, hoặc đi vùng kinh tế mới phá rừng làm rẫy hoặc vào làm công nhân trong các nông trường cao su như Xà Bang, Cù Bị, Bình Ba… ở Châu Thành, nông trường cao su Hòa Bình, Bàu Lâm v.v… ở Xuyên Mộc.Trong số đồng bào miền Trung vào lập nghiệp này có rất đông tín đồ Phật giáo vì vậy có rất nhiều huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT. Đây là một điều kiện rất thuận lợi cho việc tái sinh hoạt và thành lập các đơn vị GĐPT trên tỉnh nhà. Trong thời kỳ này các GĐPT mới được thành lập khắp các vùng kinh tế mới, vùng nông trường cao su ở  hai huyện Châu Thành, Xuyên Mộc. có thể nói đa số các đơn vị GĐPT trong tỉnh đều được thành lập trong thời kỳ này.

  Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn chung của đất nước nhưng với nhu cầu tâm linh và lý tưởng GĐPT mãnh liệt các huynh trưởng bằng mọị cách đã chủ động hoặc cùng với những đạo hữu tại từng địa phương đã tìm mọi cách xây dựng những Niệm Phật Đường, những ngôi chùa tre lá để chiêm bái đồng thời thành lập các GĐPT để tiếp nối và phát triển mạng mạch của tổ chức. Tinh thần trung kiên, kham nhẫn của quý anh chị huynh trưởng trong thời kỳ này là một tâm nguyện rất đáng trân trọng và Phật giáo sử tại tỉnh nhà cũng không thể bỏ qua công đức của huynh trưởng GĐPT trong thời kỳ  sơ khai dựng xây, đặt nền móng cho sự phát triển Phật giáo tại các địa phương  trong giai đoạn này.

  Vượt qua bao nhiêu chướng ngại, trở lực, Ban Chấp Hành GĐPT tỉnh trong giai đoạn này đã tổ chức được những khóa học trường kỳ cho huynh trưởng, những trại huấn luyện Đội Chúng trưởng, Lộc Uyển, A-dục được tổ chức ở cả hai địa điểm là Châu Thành và Xuyên Mộc để đào tạo huynh trưởng điều hành đơn vị,  trại huấn luyện HTr Huyền Trang lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn tỉnh với sự hổ trợ của BHD Gia Định do anh Nhật Thường-Nguyễn Quang Tú làm trại trưởng được tổ chức tại Suối Nghệ. Đồng thời tổ chức các kỳ đại hội huynh trưởng để bầu Ban Chấp Hành GĐPT tỉnh theo các nhiệm kỳ. Tổ chức các trại họp bạn ngành Nam, ngành Nữ đón các anh chị BHDTƯ về thăm.

Năm 1988 tại đại hội huynh trưởng nhiệm kỳ 1988-1990 danh xưng Ban Chấp hành GĐPT Phước Tuy được chính thức đổi thành Ban Hướng Dẫn GĐPT Phước Tuy vì sự lớn mạnh về mọi mặt của GĐPT tỉnh nhà.

Ngoài những trại họp bạn, trại huấn luyện và những phật sự được tổ chức liên tục trong thời kỳ này có một sự kiện mang dấu ấn lịch sử: Đó là trại họp bạn kỷ niệm 50 năm GĐPTVN tại chùa Viên Quang, Suối Nghệ, đây là một trại quy mô với sự tham dự tất cả huynh trưởng và đoàn sinh ngành Thanh, Thiếu trong toàn tỉnh, anh Nguyên Tín-Nguyễn Châu đại diện  BHDTƯ cùng các anh chị trong BHDTƯ đã thân lâm về chủ tọa và tham dự.

 Đây cũng là một thời kỳ mà lam viên trên cả nước đã chịu nhiều tổn thất lớn khi phải ngậm ngùi đưa tiễn những anh chị cả của tổ chức từ giả cõi hồng trần sinh về một thế giới khác, đó là chị Tâm Chánh-Hoàng Thị Kim Cúc từ trần tháng 2 năm 1989,  anh Như Tâm-Nguyễn Khắc Từ xã báo thân tháng 4.1993. Riêng đối với lam viên BRVT thì sự kiện anh Tâm Phát-Võ Văn Phác  là ủy viên Nội Vụ BHD Gia Định về phụ trách huấn luyện cho liên trại huấn luyện Huyền Trang-Adục-Lộc Uyển cho GĐPT Phước Tuy và anh đã chọn mãnh đất nghĩa tình Suối Nghệ để ở lại phụng sự lý tưởng GĐPT.Trong thời gian anh bị bệnh nặng đã được gia đình bác Hòa là thân sinh của chị Như Ý  Phó trưởng ban Ngành Nữ GĐPT Phước Tuy chăm sóc và anh đã từ giả cõi trần ngày 24.7 năm Kỷ Tỵ (1989). GĐPT Phước Tuy đã long trọng tổ chức tang lễ anh đồng thời để tưởng niệm công hạnh anh GĐPT.BRVT đã lấy ngày mất của anh làm ngày hiệp kỵ hằng năm.

4./ Thời kỳ thống nhất tổ chức và bảo vệ Nội Quy (1993-2000)

Đây là một thời kỳ có nhiều dấu ấn quan trọng trong dòng lam sử BRVT vì có quá nhiều sự kiện liên quan đến sự thịnh suy của tổ chức. Sau đại hôi ngày 06.5.1993 được tổ chức tại chùa Bát Nhã đánh dấu sự hợp nhất các Ban Hướng Dẫn trong địa bàn tỉnh BRVT, Năm 1993 Giáo Hội tỉnh đã thành lập Ban Trợ Lý Điều hành GĐPT tỉnh, đến năm 1998 Ban Trợ Lý Lâm thời được đổi thành Ban Hướng Dẫn Phân ban GĐPT, kể từ đây GĐPT.BRVT bị phân hóa làm 2 ngả rẽ: Phân ban GĐPT thì sinh hoạt dười sự bảo trợ của GHPGVN, còn GĐPT truyền thống thì vẫn duy trì, tuân thủ, mục đích, truyền thống từ trước đến nay của tổ chức .

   Tuy phải đối diện với muôn vàn khó khăn nhưng BHD tỉnh vẫn kham nhẫn đối trị với nội ma ngoại chướng, mặt khác thì vẫn đều đặn tổ chức các hoạt động phật sự để duy trì tổ chức. Lần đầu tiên trại Huyền Trang I của GĐPT BRVT được tổ chức đào tạo được 26 huynh trưởng, tiếp theo là gởi 19 huynh trưởng tham dự trại Huyền Trang 2 tại Long Khánh, Đồng Nai, mở 2 trại A-dục đào tạo được 80 huynh trưởng, mở 2 trại Lộc Uyển đào tạo được 155 huynh trưởng, mở 4 khóa trại Đội, Chúng trưởng và 4 khóa trại Chăn Đàn đào tạo được 500 em trại sinh. Về tu học trường kỳ vẫn tiếp tục duy trì đều đặn có 30 huynh trưởng theo học các lớp bậc Trì, 3 khóa bậc Định có 62 học viên, 2 khóa bậc Trì có 40 học viên và 8 khóa bậc Kiên có 185 học viên.

Các sinh hoạt truyền thống khác cũng được tổ chức, các kỳ đại hội cũng được tiến hành theo đúng nhiệm  kỳ. Như đã trình bày ở trên đây là một thời kỳ mà GĐPT.BRVT gặp nhiều biến động với những chướng ngại từ nhiều phía. Thế nhưng dù gặp nhiều phong ba bão tố, lên thác xuống ghềnh con thuyền lam BRVT dưới sự lèo lái của BHD tỉnh đã anh dũng vượt thoát để thẳng tiến đúng mục đích, tôn chỉ của tổ chức đã đề ra.

5./ Thời kỳ thăng tiến tổ chức (2001-2015)

Bước vào thế kỷ XXI, GĐPT.BRVT đã có những bước tiến dài trong việc phát triển tổ chức. Cơ cấu điều hành từ BHD tỉnh cho đến Đại Diện BHD tại các huyện, thị cũng như Ban Huynh Trưởng tại các đơn vị  dần dần được kiện toàn. Các trại huấn luyện từ Đội Chúng trưởng đến Huyền Trang được liên tục tổ chức, các sự kiện sinh hoạt truyền thống như hiệp kỵ, lễ lược được tổ chức ngày càng nề nếp hơn. Chúng ta có thể lược qua một vài sự kiện lớn qua từng nhiệm kỳ

  1. Nhiệm kỳ 2001-2003:

Trong nhiệm kỳ này GĐPT BRVT đã có 24 đơn vị GĐPT đang sinh hoạt, có 8 đơn vị tạm thời ngưng  sinh hoạt vỉ gặp chướng duyên. Tại hàng có 237 huynh trưởng , trong đó có 3 HTr cấp Tấn, 32 HTr cấp Tín, 50 HTr cấp tập và 152 HTr tập sự. Về đoàn sinh có 1400 đoàn sinh trong đó ngành thiếu 500 em, ngành Đồng có 900 em.

Về tu học liên tục có các khóa bậc học Kiên, Trì, Định, Lực cho huynh trưởng , tại các đơn vị đều tổ chức tu học thường xuyên cho đoàn sinh, cuối năm đều có kỳ thi vượt bậc.

Về huấn luyện tổ chức trại huấn luyện A-dục 7 đào tạo 40 huynh trưởng, trại Lộc Uyển 11 đào tạo 45 huynh trưởng, mở 2 trại Anoma-Nilien đào tạo được 170 Đội Chúng trưởng.

Các trại truyền thồng như trại Dũng, trại Hạnh, hội Hiếu đều được tổ chức quy mô toàn tỉnh, đồng thời các phật sự khác cũng được tổ chức thành  truyền thống như Hiệp Kỵ, cúng dường Chư Tăng Ni mùa an cư kiết hạ, Lễ Báo Ân mùa Vu Lan, xây dựng lễ đài, văn nghệ cúng dường mùa Phật Đản v.v…

    2.Nhiệm kỳ 2003-2005.

Trong nhiệm kỳ 2003-2005 vẫn tồn tại những khó khăn khach quan, những áp lực từ nhiều phía nhưng GĐPT BRVT vẫn khắc phục mọi chướng duyên để tiếp tục vượt qua giông bão thẳng tiến theo đúng mục đích tôn chỉ. Vấn đề tu học huynh trưởng và đoàn sinh vốn được duy trì đều đăn, trại huấn luyện huynh trưởng A-dục 8 được tổ chức có 34 huynh trưởng trại sinh trúng cách. BHD cử 13 huynh trưởng dự trại Phú-lâu-na 2 do BHDTƯ tổ chức tại Đồng Nai. Các trại truyền thống Dũng, Hạnh, Hiếu được tổ chức quy mô toàn tỉnh tại các địa điểm thác Hòa Bình, Khu du lịch biển Hồ Cốc và chùa Phước Bửu.

   Vượt qua những khó khăn thách thức, BHD đã có những kế hoạch thăng tiến tổ chức đầy sáng tạo. Sự kiện Phật Đản Phật lịch 2549 (2005) tất cả các đơn vị GĐPT đều tập trung về lễ đài chính của các huyện dự lễ với số lượng rất đông và nề nếp đã khẳng định với giáo hội và công chúng sự trưởng thành vượt bậc của GĐPT tỉnh.

   Trong nhiệm kỳ này GĐPT có một sự tổn thất lớn là Hòa Thượng Thích Tâm Thanh CVGH.GĐPTVN, một thạch trụ Tăng-già đã viên tịch vào tháng 3 năm 2004. Riêng đối với GĐPT.BRVT thì sự ra đi của anh Tâm Dũng-Nguyễn Đức Nga UV Nội Vụ BHD là một tổn thất lớn để lại một niềm tiếc thương vô hạn trong lòng lam viên tỉnh nhà.

     3.Nhiệm kỳ 2005-2007.

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ này là tập trung mở các trại huấn luyện đào tạo huynh trưởng. Trại Đội Chúng trưởng ủy quyền cho các huyện tổ chức đào tạo được 141  Đầu Thứ Đàn và 145 đội Chúng trưởng, trại Lộc Uyển 12 đào tạo 32 huynh trưởng, trại Huyền Trang 3 đào tạo 23 trại sinh và có 8 huynh trưởng tham dự trại Vạn Hạnh 6 do BHDTƯ tổ chức.

Ngoài các trại truyền thông được tổ chức hằng năm, năm 2007 BHD tổ chức Hội thi “ Tiếng Hát Ngành Thiếu” kết hợp tổ chức thi “Người Dẫn Chương Trình” được tất cả các đơn vị trong tỉnh tham gia tích cực tạo một luồng gió mới cho tinh thần văn nghệ trong tỉnh nhà. Từ thành công của hội thi này BHD đã đưa hội thi “Tiếng Hát Ngành Thiếu” trở thành một sinh hoạt truyền thống được tổ chức 2 năm/lần.

    4.Nhiệm kỳ 2008-2012.

Kể từ nhiệm kỳ này theo yêu cầu của BHDTƯ kể từ nay nhiệm kỳ BHD các tỉnh là 4 năm và trùng khớp với nhiệm kỳ của BHDTƯ. Nhiệm kỳ này được khởi đầu bằng đại hội tổng kết nhiệm kỳ vừa qua tại hội trường khu du lịch suối nước nóng Bình Châu. Trong muôn vàn khó khăn BHD đã tìm ra giải pháp địa điểm tổ chức đại hội ở một nơi không ai ngờ đến. Đại hội được BHDTƯ đáng giá là thành công vượt bậc và tổ chức trang trọng, nề nếp, hoàn hảo, nội dung đúng trọng tâm yêu cầu.

  Trong nhiệm kỳ này ngoài việc tu học thường xuyên BHD đã tổ chức giới đàn Bồ-tát giới tại gia cho 4 Htr và Thập Thiện cho 38 huynh trưởng tại giới đàn chùa Đức Sơn. Hằng năm tổ chức từ 3 đến 5 kỳ tu Bát Quan Trai cho huynh trưởng, mỗi kỳ có từ 60-80 huynh trưởng tham dự.

   Tháng 7.2008 BHD tổ chức phái đoàn phúng viếng và tham gia tổ chức tang lễ cố trưởng lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, đệ tứ Tăng Thống GHPGVNTN tại tu viện Nguyên Thiều.

  Năm 2010 tổ chức hội thi Phật Pháp dành cho ngành Thiếu mang tên “Đường Về Linh Thứu”. Đây là một loại hình tu học áp dụng công nghệ thông tin đầy sáng tạo thu hút tất cả các đơn vị tham gia. Nhận thấy sự hiệu quả trong loại hình tu học mới mẻ này BHD đã quyết định đưa hội thi này thành truyền thống tổ chức 2 năm/lần.

Về huấn luyện BHD đã mở 4 trại huấn luyện Đầu Thứ Đàn, Đội Chúng trưởng, Liên trại A dục 9-Lộc Uyển 14 đào tạo 37 huynh trưởng A-dục và 41 huynh trưởng Lộc Uyển. Năm 2011 mở trại Lộc Uyển 15 có 75 trại sinh tham dự.

Về các trại truyền thống nổi bật nhất là trại họp bạn Tâm Minh 1 được tổ chức vào ngày mùng 3, 4 tết Mậu Tý (2008) quy tụ 20/24 đơn vị tham gia  với trên 500 huynh trưởng và đoàn sinh.

Tháng 1/2011 thành lập trang web GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu.com. Đây là một trang thông tin điện tử, là tiếng nói chính thức của lam viên BRVT nhằm chuyển tãi thông tin tu học, huấn luyện, hoạt động phật sự của GĐPT trong tỉnh và toàn quốc.

 Tái thành lập Ban Bảo Trợ tỉnh vào năm 2009, kể từ đây Ban Bảo Trợ GĐPT tỉnh là một bộ phận trợ duyên tích cực cho mọi hoạt động của GĐPT tỉnh.

 Phát hành đặc san Sen Biển I cũng là một nổ lực lớn của lam viên trong tỉnh. Mặc dù không phải là những cây viết chyên nghiệp nhưng Sen Biển là một tuyển tập thơ-văn phong phú về nội dung, đẹp về hình thức được lam viên và công chúng gần xa yêu mến đón nhận.

Thành lập Ban Liên Lạc Cựu Đoàn Sinh vào tháng 8 năm 2011 để gắn kết tình lam của những anh chị đoàn sinh cũ không còn điều kiện để tiếp tục sinh hoạt.

     5.Nhiệm kỳ 2012-2016.

Đến nhiệm kỳ nầy GĐPT BRVT đã từng bước thăng tiến rỏ nét, toàn tỉnh có 31 đơn vị sinh hoạt với 2000 huynh trưởng và đoàn sinh bao gốm Xuyên Mộc 16 đơn vị, Châu Đức 12 đơn vị, Tân Thành 2 đơn vị và thành phố Vũng Tàu 1 đơn vị và trong tương lai gần sẽ có 1 đơn vị mới ở thành phố Bà Rịa.

Việc tu học được thực hiện trường kỳ và đều đặn cho huynh trưởng và đoàn sinh cuối năm, cuối khóa tổ chức thi vượt bậc nghiêm chỉnh. Tu Bát Quan Trai mỗi năm 5/kỳ có từ 60-90 huynh trưởng và đoàn sinh tham dự. Để tăng trưởng tinh thần tu  học của huynh trưởng trong mỗi kỳ tu Bát Quan Trai BHD thỉnh  quý Thầy giảng về đề tài tu học huynh trưởng, hoặc các kinh Đại thừa Phật giáo trong chương trình tu học bậc Lực.

Về huấn luyện ngoài các trại huấn luyện Đầu Thứ Đàn được các huyện mở 2 năm/ lần, năm 2013 mở Liên Trại huấn luyện Huyền Trang 4- A-dục 10 có 40 trại sinh Huyền Trang và 42 trại sinh trúng cách. Cử 8 HT tham dự trại Vạn Hạnh 7 do BHDTƯ tổ chức.

Năm 2014 tổ chức trại họp bạn ngành Thiếu Tâm Minh 3 tại khuôn viên đại tự Đại Tòng Lâm, đây là một trại có quy mô nhất từ trước tới nay với 28 đơn vị có 700 huynh trưởng và đoàn sinh tham dự. tại trại cũng kết hợp tổ chức vòng chung kết hội thi “Đường về Linh Thứu;” lần thứ 3 tại giảng đường trường Phật học Đại Tòng Lâm và đêm hội diễn văn nghệ chủ đề “Mẹ và Quê Hương”. Tháng 1.2015 tổ chức ngày Nguyện cho ngành Thanh với hội thi Phật pháp ‘Đường Lên Yên Tử” lần thứ I tại chùa Lạc Bang. Tháng 8.2015 tổ chức hội Hiếu ngành Đồng tại chùa Vạn Thông với quy mô lớn có 490 huynh trưởng và đoàn sinh ngành Đồng tham dự, tại Hội Hiếu đã tổ chức một đêm hội diễn văn nghệ và đặc biệt là tổ chức hội thi Phật Pháp “Đường Lên Núi Tuyết” lần thứ I. Cuối năm 2015 chuẩn bị các tổ chức trại Tâm Minh 4 quy mô tất cả huynh trưởng và đoàn sinh toàn tỉnh kỷ niệm 50 năm thành lập GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu. Phát hành tập sử liệu “50 năm GĐPT BRVT hình thành và phát triển” cùng với đặc san Sen Biển 2 để chào mừng sự kiện lịch sử này.

Ngoài ra các trại truyền thống Dũng, Hạnh, Hiếu, Hiệp kỵ vẫn được tổ chức ngày càng nề nếp và quy mô hơn Đồng thời cũng tổ chức các khóa hội thảo chuyên đề cho huynh trưởng các cấp.

Về công tác từ thiện xã hội kể từ năm 2000 về sau này đã có những hoạt động tích cực như xây dựng quỹ tình lam tại tỉnh và đề nghị BHDTƯ để hổ trợ cho huynh trưởng những lúc gặp khó khăn đặc biệt, tai nạn hay bệnh tật, bên cạnh việc chuyển hồ sơ các em đoàn sinh thi trúng tuyển vào đại học, cao đẳng hằng năm lên BHDTƯ hổ trợ, ủy viên Từ Thiện Xã Hội BHD tỉnh cũng vận động các nhà hảo tâm ủng hộ và BHD tỉnh tổ chức tặng quà khích lệ cho các em trúng tuyển ĐH, CĐ tại tỉnh nhà, thường xuyên tổ chức thăm hỏi khi có huynh trưởng ốm đau hoặc tai nạn, phúng viếng, trợ tang khi tứ thân phụ mậu huynh trưởng quá vãng v.v…

III./ NHẬN ĐINH KHÁI QUÁT TIẾN TRÌNH DỰNG XÂY VÀ PHÁT TRIỂN GĐPTBRVT 50 NĂM QUA.

50 năm đã đi qua, nửa thế kỷ hiện hữu trên mãnh đất quê hương Bà Rịa Vũng Tàu với biết bao biến động của thời cuộc. Từ năm 1965 thành lập Ban Chấp Hành GĐPT Phước Tuy chỉ với 4 đơn vị với không tới 200 huynh trưởng và đoàn sinh, GĐPT BRVT đã có bước tiến thật dài và vững chắc. Hiện nay toàn tỉnh đã có 31 đơn vị GĐPT, với 8 huynh trưởng cấp Tấn, 42 huynh trưởng cấp Tín và 117 huynh trưởng cấp Tập và hơn 200 huynh trưởng tập sự cùng với gần 2000 đoàn sinh. Chúng ta thấy GĐPT.BRVT thực sự đã trưởng thành và thăng tiến. Do biến động của thời cuộc, mấy mươi năm qua lúc nào cũng có nhiều chướng duyên khảo đảo, thế nhưng từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác GĐPT BRVT lúc nào cũng có những thuyền trưởng tài năng, cũng có thuyền viên tâm huyết và trung kiên với lý tưởng phụng sự tổ chức đã đoàn kết trên dưới một lòng duy trì sinh hoạt và thăng tiến tổ chức.

  50 năm qua chiếc thuyền lam BRVT đã vượt qua giông tố bão bùng, nội ma ngoại chướng thế nhưng với nổ lực và lòng nhiệt tình đã anh dũng vượt qua và đã thành tựu nhiều Phật sự đáng tự hào. Các nhiệm kỳ BHD GĐPT.BRVT đã tổ chức đào tạo được 15 lớp bậc Kiên, 14 lớp bậc Trì, 7 lớp bậc Định và thường xuyên có học viên các lớp bậc Lực do BHDTƯ tổ chức. Về huấn luyện đã tổ chức được 29 trại huấn luyện Chăn Đàn, 31 trại Đội Chúng Trưởng, 16 khóa trại Lộc Uyển, 10 khóa trại A-dục và 4 trại Huyền Trang, 16 HTr tham dự 2 trại Vạn Hạnh VI và VII, 14 HTr tham dự 2 trại chuyên năng Phú lâu-na 1 và 2 đào tạo huấn luyện viên. Tất cả các trại huấn luyện huynh trưởng và tu học trường kỳ huynh trưởng đã đào tạo hằng trăm huynh trưởng các cấp để cung cấp tương đối đủ huynh trưởng điều hành tại các đơn vị GĐPT và tham gia vào Ban Hướng Dẫn tỉnh.

Vận động các đơn vị thực hiện truyền thống cúng dường mùa An Cư Kiết Hạ, tổ chức tu Bát Quan Trai 5 kỳ/năm, thành lập chúng huynh trưởng Bồ-tát giới tại gia để cùng sách tấn tu học.

Đặc biệt tổ chức các loại hình tu học sáng tạo đã trở thành truyền thống như tổ chức các hôi thi Phật Pháp “Đường Lên Yên Tử” dành cho ngành Thanh, “Đường Về Linh Thứu” dành cho Ngành Thiếu, “Đường Lên Núi Tuyết” dành  cho ngành Đồng, hội thi “Tiếng Hát Ngành Thiếu” được tổ chức 2 năm/lần.

   Thế nhưng những con số thống kê nói trên sẽ không nói lên được điều gì nếu không thấy được sự trưởng thành của GĐPT tỉnh nhà từ cấp đơn vị lên đến BHD tỉnh. Hàng ngàn huynh trưởng và đoàn sinh xuất thân từ GĐPT.BRVT trong mấy mươi năm qua có nhiều người bây giờ đã là những Tăng Ni trở thành bậc trưởng tử Như Lai trực tiếp hoằng dương chánh pháp, có nhiều huynh trưởng và đoàn sinh không có điều kiện tiếp tục sinh hoạt tại hàng nhưng chủng tử bồ-để được gieo trồng trong những năm tháng dưới mái nhà lam đã hiện hành trở thành những công dân tốt trong xã hội, những người con hiếu thảo, những bậc cha mẹ có trách nhiệm đối với gia đình. Về phương diện đạo đức, mặc dù số lượng thanh thiếu niên Phật tử tham gia GĐPT còn khiêm tốn và tầm ảnh hưởng của GĐPT cũng chưa có sức lan tỏa rộng trong cộng đồng xã hội nhưng các đoàn viên GĐPT không sa vào tệ nạn xã hội và hầu hết là những thanh thiếu niên có tư cách đạo đức tốt.

   Thế cho nên dù có được công nhận hay không công nhận thì sự đóng góp của GĐPT tỉnh nhà đối với đạo pháp, đối với cộng đồng xã hội tại địa phương trong suốt mấy mươi năm qua là một thực thể không ai có thể phủ nhận. Trong tương lai với mục đích tôn chỉ không thay đổi GĐPT.BRVT cũng sẽ phát huy sự nghiệp phụng sự đaọ pháp, phụng sự dân tộc hơn thế nữa, đó là điều mà chúng ta đã khẳng định.

    IV.KẾT LUẬN.

Chỉ với vài trang giấy để lược trình dòng lam sử của GĐPTBRVT trải qua 50 năm thì không thể nào phản ảnh hết được nên chỉ xin ghi lại những nét khái quát, những cột mốc, những dấu ấn đậm nét mà Lam viên BRVT đã để lại trong cuộc hành trình.

 Hôm nay trong không khí long trọng, trang nghiêm của buổi lễ kỷ niệm, dưới sự chứng minh của Chư Tôn Thiền Đức, sự chứng tri của quý anh chị huynh trưởng các cấp cùng toàn thể quý vị quan khách, thân hữu hiện diện, huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT.BRVT chúng ta hãy:

- Lắng sâu tâm tư nhìn lại một chặng đường quá khứ để tri ân sự hy sinh, sự đóng góp cho lý tưởng của bao thế hệ tiền nhân, để tự hào cho một chặng đường chúng ta đã đi qua hết sức gian lao khổ nhọc nhưng cũng hết sức trung dũng kiên cường, tự hào về những gì đại gia đình áo lam BRVT đã đóng góp cho đạo pháp, dân tộc.

- Nhìn sâu vào thực tại để xót xa thấy rằng trong ba mươi đóa sen trắng đang vươn lên từ bão lửa của nhà lam BRVT có những đóa sen đang bị vùi dập chưa giải trừ ách nạn được. Chúng ta đang có một Khánh Biên bao năm qua tan đàn xẻ nghé vì ngôi chùa thân yêu bị triệt hạ, một Khánh Viên không có một nơi chốn nương thân để thể hiện đức tin và cùng nhau tu học, một Khánh Lương đang bị chướng ngại không được lễ bái, tu học trong ngôi chùa mà chính bàn tay của nhiều thế hệ huynh trưởng đã góp công sức tạo dựng nên. Tuy nhiên mặc dù giửa muôn vàn nguy khó nhưng quanh ta còn có Chư Tôn Đức Tăng Ni dang rộng vòng tay bảo bọc chở che, có quý đạo hữu Phật tử khắp nơi thương yêu, hổ trợ và đại gia đình áo lam có hàng hàng lớp lớp nhiều thế hệ huynh trưởng và đoàn sinh đang tay trong tay, đoàn kết, thương yêu, chia sẻ để cùng nhau sách tấn tu học, cùng nhau dựng mái lam yêu ngày càng thăng tiến. để vững lòng tin đi hết cuộc hành trình.

- Hướng về tương lai để ưu tư, trăn trở cho tương lai của Đạo Pháp, cho sự thịnh suy của GĐPT trong tương lai, để từ đó vạch cho mình một hướng đi thích hợp, tìm cho mình những giải pháp, những phương thức hành hoạt để duy trì và phát triển tổ chức, tiếp cận được nhu cầu của thanh thiếu niên Phật tử thời đại mà không xa rời mục đích tôn chỉ của tổ chức.

  GĐPT.BRVT hiện vẫn như chiếc thuyền nan lênh đênh trên biển cả muôn trùng với sóng gió bão giông, muốn tồn tại và tiếp tục hành trình chúng ta không có con đường nào khác là mọi thành viên phải thực sự thương yêu, đoàn kết, cảm thông và hoan hỷ, bao dung để cùng nhau vững tay lái chắc tay chèo, tập trung mọi sức lực trí tuệ để đưa chiếc thuyền lam vượt qua giông tố tiếp tục cuộc lam trình. Trong thời kỳ muôn vàn khó khăn bủa vây này bất kỳ một lam viên nào cho dù là huynh trưởng hay đoàn sinh nảy sinh tư tưởng thối thất tâm bồ-đề, phủ nhận lời phát nguyện trước Tam Bảo khi  làm lễ đeo huy hiệu hoa sen, hoặc khi phát nguyện làm huynh trưởng đều như là một mái chèo bị gãy làm cho chiếc thuyền bị chòng chành, như một lỗ mội rỏ rỉ có thể làm đắm thuyền. Anh chị em lam viên BRVT chúng ta nên nhận thức sâu sắc về điều đó để lựa chọn cho mình thái độ phụng sự lý tưởng GĐPT, để khỏi đắc tội với anh linh của tiền nhân, khỏi hổ thẹn với lương tâm khi tự mình chối bỏ lời nguyện.

Trước khi dứt lời chúng con xin chí thành đảnh lễ Chư Tôn Đức Tăng Ni, nguyện cầu Chư Phật hộ trì quý ngài Pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, phật sự viên thành. Kính chúc quý anh chị huynh trưởng các cấp, quý vị quan khách và thân hữu vạn sự an khang, kiết tường, như ý, vô lượng phước an.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát ma ha tát.

BHD.GĐPT.BRVT

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb