CẦN MỘT SỰ ĐỊNH HƯỚNG VĂN NGHỆ TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ  

Văn nghệ là danh từ nói chung về các hoạt động lãnh vực văn học nghệ thuật, trong đó có thể chia thành hai nhóm chính:

- Văn nghệ tĩnh: gồm những lãnh vực như văn chương, thơ phú, vẽ tranh, điêu khắc…

- Văn nghệ động: gồm những  loại hình biểu diễn như ca múa nhạc…

Văn nghệ là một trong bốn bộ môn tu học của huynh trưởng và đoàn sinh trong Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Như vậy, chỉ riêng việc đưa văn nghệ vào một bộ môn tu học của đoàn viên, chúng ta cũng đã cảm nhận được văn nghệ trong tổ chức GĐPT quan trọng như thế nào !

Bài viết này chỉ xin đề cập hạn chế một chi phần trong lãnh vực văn nghệ động, đó là biểu diễn ca nhạc trong GĐPT. Vì ca nhạc là một lãnh vực mà GĐPT thường được sử dụng như một phương tiện để chuyển tải tinh thần giáo pháp Phật-đà vào trong tâm thức đời sống của đoàn viên và công chúng. Phương thức thể hiện phương tiện văn nghệ là các buổi công diễn ca nhạc trong các dịp lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan… Đối với nội bộ thì có những hội thi, hội diễn ca nhạc cho đoàn sinh các ngành Thanh, Thiếu, Đồng do Ban Hướng Dẫn Trung Ương hay Ban Hướng Dẫn tỉnh tổ chức trong phạm vi hoạt động của mình.

Trong xã hội nước ta tình hình hoạt động văn nghệ sân khấu biểu diễn hiện nay rất phong phú,  đa dạng và cũng rất phức tạp. Chúng ta không lạm bàn về tình hình ca nhạc ở ngoài xã hội mà chỉ đề cập về văn nghệ trong các ngôi chùa nơi quần chúng phật tử, trong đó có đoàn viên GĐPT đến sinh hoạt tu học được tổ chức vào các dịp lễ lớn như Vu Lan, Phật Đản… .

Thực tế hiện  nay trong các dịp lễ lớn quý Thầy,  Cô trụ trì rất dễ dàng mời các ca sĩ chuyên nghiệp có tiếng tăm về hát gọi là cúng dường. Với trình độ biểu diễn chuyên nghiệp, cộng thêm tâm lý của công chúng vốn rất ái mộ các ca sĩ chuyên nghiệp ( Ở các vùng nông thôn đôi lúc chưa hẵn các ca sĩ đó có tiếng tăm mà chỉ cần nghe các ca sĩ ở thành phố HCM về là họ đã háo hức đến xem rồi chứ chưa biết đó là ca sĩ loại gì, hạng gì…). Nếu tình hình cứ tiếp diễn và ngày một lan rộng như thế thì văn nghệ của GĐPT sở tại trở nên lép vế vì chỉ là “cây nhà lá vườn”, ca sĩ, diễn viên thì hầu hết là con cháu trong làng xã, đạo hữu, công chúng  đã quá biết rành về nhau, đã quá quen thuộc rồi, có gì hay, có gì lạ đâu mà xem!. Trước thực trạng này nếu như không được chính vị trụ trì, đạo tràng phật tử địa phương hổ trợ và chính tự thân GĐPT phải tự mình xoay xở, sáng tạo để tồn tại thì không khéo đến một lúc nào đó GĐPT sẽ bị đánh bật ra khỏi đất diễn truyền thống của mình, nói theo ngôn ngữ thời đại là “thua ngay trên sân nhà” !

Nhận định như thế để thấy rằng sân khấu văn nghệ trong GĐPT đang bị sự xâm thực mạnh mẽ của các tổ chức khác nên muốn tồn tại và phát huy văn nghệ trong GĐPT đòi hỏi hàng huynh trưởng lãnh đạo và nhất là các huynh trưởng đang phụ trách về lãnh vực văn nghệ cần phải tư duy, trăn trở để có những định hướng, những giải pháp thiết thực.

Riêng về nội dung của văn nghệ trong GĐPT thì cũng cần phải định hướng như thế nào mới phát huy tác dụng (giáo dục, truyền bá giáo pháp) chứ không thể để các đơn vị làm văn nghệ một cách cảm tính như hiện nay. Thỉnh thoảng xem các clip ghi lại các đêm văn nghệ cúng dường Phật Đản, Vu Lan của các đơn vị GĐPT đăng trên các trang mạng tôi thấy các tiết mục ca múa cũng được dàn dựng khá công phu, hóa trang nhiều màu sắc, xem cũng khá  bắt mắt và thu hút. Nhưng đôi lúc xem xong tôi chợt nghĩ rằng nếu không biết đó là một đêm văn nghệ của GĐPT A, GĐPT B thì người xem có thể tưởng rằng đang xem văn nghệ của một đoàn ca múa nào đó!

Vì sao mà tôi dám nói như thế?.Thật ra thì nhiều lúc xem một lúc mười tiết mục ca nhạc của một đơn vị GĐPT nào đó, với sự hóa trang muôn màu muôn vẻ, Tây, Tàu, Ấn Độ, tây nguyên, đồng bằng, phố thị…mà không thấy bóng dáng cái ao lam đoàn phục thân thương của GĐPT đâu hết. Có những tiết mục nội dung ca ngợi sự truyền bá Phật giáo hơn hai ngàn năm tại nước ta, nhóm múa hóa trang đủ màu sắc nhưng không thấy một chút gì mang sắc thái cùa Phật giáo cả. Tương tự như thế một đêm văn nghệ của GĐPT mà rất ít hình bóng chiếc áo lam (kể cả ca sĩ) xuất hiện! Có những tiết mục, hóa trang vô cùng rực rỡ nhiều màu sắc nhưng mà từ trang phục cho đến vũ điệu lại không ăn nhập gì với nội dung bài hát cả! Một đêm văn nghệ của GĐPT mà có rất ít chất liệu của tổ chức áo lam, thế nhưng ca sĩ, diễn viên rất vui vì được hóa trang đẹp, được thể hiện trên sân khấu và được công chúng thưởng ngoạn vổ tay.

Nhận thấy tình hình văn nghệ của GĐPT hiện nay có nhiều dấu hiệu mất sức hút và đánh mất dần bản sắc đặc thù của GĐPT khi mà càng ngày các chùa càng thích mời ca sĩ về biểu diễn, lại nữa do chạy đua theo thị hiếu của quần chúng nên văn nghệ trong GĐPT có dấu hiệu hụt hơi vì không đua chen được với người ta, vì mình là nghiệp dư, do đó tài năng, khả năng, công phu dàn dựng của mình hạn chế, vì nhiều thứ tác động do khách quan và chủ quan khác!

Vậy thì làm thế nào để văn nghệ trong GĐPT duy trì được chổ đứng trong từng trú xứ và trong lòng phật tử mà không đánh mất bản sắc truyền thống của mình? Để giải được bài toán khó này cần có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của hàng huynh trưởng lãnh đạo cho đến từng em đoàn sinh. Ở đây tôi chỉ xin được nêu ra ý kiến chủ quan của mình như sau:

  1. Xác định văn nghệ trong GĐPT là phương tiện để chuyển tải tinh thần giáo dục, là phương tiện để đưa ánh sáng Phật Pháp, xây dựng tình yêu quê hương, cha mẹ, tình yêu với lý tưởng áo lam, sống hướng thiện, hướng thượng vào tâm thức và đời sống của người đoàn viên GĐPT và công chúng.
  2. Văn nghệ trong GĐPT phải thể hiện tình đặc thù của tổ chức áo lam không chạy theo thị hiếu, không đua đòi với văn nghệ ngoài đời thường từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.
  3. Mặc dù điều kiện hạn chế nhưng văn nghệ trong GĐPT cần phải cập nhật phù hợp với xu thế của thời đại, hiện đại nhưng không đánh mất bản sắc truyền thống của GĐPT.

Ở đây xin giải thích thêm ba tiêu chí trên, về điều thứ nhất và điều thứ ba thì đó là mục đích văn nghệ trong GĐPT, chúng ta ai cũng đồng ý như thế nên không cần phải thảo luận gì thêm. Điều thứ hai, đây là một điều kiện rất quan trọng, chúng ta biết các chương trình biểu diễn văn nghệ ngoài đời hiện nay rất hiện đại từ hình thức đến nội dung, vả lại phương tiện truyền thông hiện nay cũng rất hiện đại nên hầu như bất kỳ ai nếu muốn cũng có thể tiếp cận được. Vì vậy nếu chúng ta cố gắng chạy họ theo thì sẽ hụt hơi, đuối sức và nếu cố so sánh với họ thì sẽ nhận thấy văn nghệ của chúng ta thật là thô thiển, đơn giản, không hấp dẫn người xem. Vì thế để văn nghệ trong GĐPT có một chổ đứng trong lòng đoàn viên, trong lòng công chúng thì  cần phải chọn cho mình một lối đi khác, lối đi đó chúng ta thể hiện VĂN NGHỆ ĐẶC THÙ CỦA GĐPT. Không đua chen, không chạy theo lối đi của người khác, không tìm cách để học đòi cách làm văn nghệ của người ta mà phải tạo cho mình một bản sắc riêng biệt. Chúng ta cũng cần biết rằng công chúng (ở đây là đạo hữu, phụ huynh) muốn xem những cái gì của chính chúng ta, đó là văn nghệ đặc thù bản sắc của GĐPT  thể hiện trên sân khấu mà họ không thể tìm kiếm bất kỳ sân khấu ca nhạc nào khác. Nếu không có tính đặc thù đó thì sẽ mất sức hút với công chúng là điều không tránh khỏi!

Riêng về các hội thi ca nhạc được tổ chức trong nội bộ, tôi cho rằng đó là một mô hình văn nghệ tích cực, nó có tác dụng phát huy tinh thần văn nghệ trong GĐPT, tạo điều kiện để các đơn vị cũng như huynh trưởng và  đòan sinh giao lưu học hỏi lẫn nhau, qua đó phát huy những cái hay, cái đẹp để về thực hiện tại trú xứ của mình. Đồng thời việc thi đua sẽ là động lực để các đơn vị, các em đoàn sinh nổ lực tập luyện để tăng trưởng kỹ năng hoạt động văn nghệ.

 Tuy nhiên tinh thần thi đua có tác dụng như con dao hai lưỡi, nếu không khéo tổ chức thì các hội thi văn nghệ sẽ phản tác dụng vì nó sẽ phát sinh tính so đo, ganh đua về thứ hạng. Từ đó dẫn đến tình trạng suy diễn lệch lạc như cho rằng các anh chị ban tổ chức, ban giám khào thiên vị, không công bằng hoặc thiếu năng lực…Thế rồi phát sinh sự ganh tỵ, so đo với các đơn vị bạn,  với đồng bạn. Đôi lúc sau hội thi những câu chuyện thị phi, hơn thua cứ lan truyền râm ran mãi giửa các đơn vị, giửa từng huynh trưởng và đoàn sinh gây mầm mống bất mãn, chia rẻ, mất đoàn kết trong nội bộ.

Văn nghệ có vị trí quan trọng trong tổ chức GĐPT, nhưng cần phải có sự nhận định chuẩn xác để có sự định hướng cụ thể từ nội dung đến hình thức thể hiện, như thế văn nghệ mới là một phương tiện thù thắng để đạt được mục đích giáo dục, chuyển tải giáo lý Phật-đà, góp phần tích cực trong việc đưa đạo vào đời.

                                                                                                                                                                                                                      Tâm Lễ

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb