CHO DÙ NGÀY MAI TẬN THẾ, ĐÊM NAY SEN VẪN GIEO TRỒNG
Cách đây mấy năm do một sự tình cờ tôi được đọc quyển sách “Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư” của pháp sư Đạo Chứng. Nội dung quyển sách là tự truyện của tác giả, tên đời của pháp sư là Quách Huệ Trân, là một bác sĩ chữa bệnh ung thư nhưng éo le thay bà lại là một bệnh nhân bị bệnh ung thư nên bà đã tự nhận xét về mình là một bác sĩ vừa dở lại vừa dốt vì lo cho mình chưa xong thì nói chi đến việc chữa lành bệnh cho người khác!…Thế rồi có duyên lành bà đã hành trì theo pháp môn Tịnh Độ, với niệm tin mãnh liệt vào phương pháp tu trì của mình bà vừa chữa bệnh cho mình vừa giúp cho nhiều bệnh nhân ung thư khác vượt qua nỗi đau bệnh tật để sống những ngày cuối đời trong an lạc, sau đó bà đã xuất gia trở thành một tu sĩ phật giáo với pháp hiệu là Đạo Chứng…Bài này tôi không đề cập đến sự mầu nhiệm khi thực hành pháp môn niệm Phật của bà (vị nào muốn biết công năng mầu nhiệm của pháp môn Niệm Phật thì xin đọc quyển sách “Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư”của pháp sư Đạo Chứng). Điều mà tôi rất tâm đắc là thái độ sống tích cực và lạc quan của một bệnh nhân ung thư đang chờ ngày chết của bà thể hiện qua việc làm với câu nói: “Cho dù ngày mai tận thế, đêm nay sen vẫn gieo trồng …”
Con người ta sinh ra trên cõi trần thế này là do nghiệp duyên mà thác sanh vào một gia đình, một xã hội, một quốc độ nào đó. Thế cho nên người ta thường nói con người không thể chọn cha mẹ là vậy!. Do nghiệp dẫn dắt và hoàn cảnh xuất thân của từng người không ai giống ai cho nên suốt trong dòng đời mỗi người sẽ được hưởng những phúc lành cũng như chịu tai họa cũng khác nhau, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” không ai giống ai. Chỉ có một điều duy nhất mà người ta được thiên nhiên ban tặng rất bình đẳng là ai cũng có chung một quỹ thời gian là 24 giờ một ngày. Dù bạn là ai, dù muốn dù không ai cũng có một quỹ thời gian như thế, muốn dài hơn hoặc ngắn hơn cũng không thể được!
Ai cũng có một quỹ thời gian giống nhau như thế, nhưng cách sử dụng thì không ai giống ai. Có người tận dụng khoảng thời gian đó để làm được nhiều việc giúp ích cho đời, có người để thời gian trôi qua một cách vô ích! Bởi vậy suy cho cùng chiều dài cuộc đời của một người không phải được đo bằng năm tháng họ sống trên cõi trần này được bao nhiêu năm mà là họ đã làm được gì cho bản thân, cho đời trong thời gian mà họ hiện hữu trên cõi trần.
Tôi có một người bạn sinh ra đồng thời với nhau trong những năm tháng mà đất nước đang loạn lạc chiến tranh, thời niên thiếu anh ấy sống rất tích cực, học giỏi, rất năng động và nuôi nhiều hoài bảo cho tương lai. Thế nhưng tuy được học hành tương đối đến nơi đến chốn, nhưng thế hệ của chúng tôi có thể xem là “sanh bất phùng thời”, trưởng thành trong một đất nước đang có chiến tranh tàn phá, hằng ngày không biết bao nhiêu thanh niên trai tráng đã phải bỏ mạng trên chiến trường. Khi chúng tôi bước chân vào đời với bao nhiêu hoài bảo, ước vọng về một tương lai tươi sáng phía trước thì đùng một cái đất bằng dậy sóng, thế cuộc đổi thay, chúng tôi như rơi từ trên cao xuống vực thẳm. Để thích ứng được với hoàn cảnh cuộc sống mới với một tương lai đen tối như thế là một điều không dễ dàng gì. Lũ chúng tôi có đứa đã vượt qua những năm tháng đầy gian khó đó để làm lại cuộc đời và giờ đây cũng đã thành danh, có đứa giờ đây vẫn “bên trời lận đận”, số phận nỗi trôi mỗi đứa một hoàn cảnh không ai giống ai. Riêng anh bạn tôi thì cú đánh chí mạng của thời cuộc khiến hắn ngã ngựa và không thể nào gượng dậy được, thế là những năm tháng của cuộc đời hắn giờ đây chỉ là nối tiếp những tháng ngày vật vờ vật vưỡng với cuộc sống không mục đích, không lý tưởng, không giúp ích gì xã hội và cho chính cuộc đời hắn. Bạn tôi đã kéo lê cuộc sống vô vọng đó bằng nỗi chán chường tuyệt vọng và oán than cho số phận, cho thời thế. Do hồi đó hoàn cảnh kinh tế ai cũng khó khăn, phương tiện đi lại không có, phương tiện truyền thông cũng rất hạn chế nên chúng tôi ít khi lui tới thăm nhau. Thế rồi trong một ngày buồn tôi đã nghe bạn ra đi trong nhà một người em gái, bạn tôi đã sống những ngày tháng cô đơn và chết cũng trong cô đơn, không vợ con, không nhà cửa. Chúng tôi là những người bạn thời học sinh khi biết tin đã đến thắp một nén nhang để tiễn đưa người bạn xấu số mà lòng ngậm ngùi đau xót. Bạn đã từ giã cõi đời ở tuổi ngoài bốn mươi, nhìn lại cuộc hành trình ngắn ngủi trong cõi trần thế của bạn ai cũng cảm thấy xót xa. Khi đứng trước bàn thờ bạn đốt một nén nhang để nói lời tâm sự cùng bạn, nhìn di ảnh bạn nhạt nhòa trong khói hương tôi chợt đau xót nhận ra rằng những năm tháng khổ đau của đời bạn thực ra bạn chỉ tồn tại mà không hề sống. Có thể nói một cách nôm na rằng những ngày tháng hiện hữu trên cõi đời này của bạn là đã chết mà chưa chôn, giờ đây thì bạn đã chết thật rồi ngày mai người ta sẽ đưa hình hài bạn về với lòng đất và thế là đặt dấu chấm hết cho một cuộc đời!
Câu chuyện về cuộc đời của bạn tôi thật là bi thảm, cái bi thảm ở đây không phải do hoàn cảnh thời cuộc đẩy bạn vào mà thực ra là do bạn đối xử với cuộc sống chính mình nên đã đẩy cuộc đời của mình vào bế tắc và tuyệt vọng. Tôi tiếc giá như bạn tôi ngày đó có duyên tiếp cận với giáo lý đạo Phật hoặc may mắn được biết hoặc được gặp những người có quan điểm sống tích cực như bác sĩ Quách Huệ Trân, thì có lẽ bạn sẽ có một thái độ sống tích cực hơn để sống trên trần gian dù ngắn hay dài cũng đều có ý nghĩa và thiết thực có ích cho mình, cho đời. Bác sĩ Quách Huệ Trân dù đang đối diện thường trực với nỗi đau hành hạ thân thể vì bệnh ung thư và cái chết có thể đến với mình bất kỳ lúc nào, thế nhưng bà vẫn can đảm đối diện với cái chết mà sống những ngày tháng còn lại của đời mình một cách có ý nghĩa với một tinh thần lạc quan, chẳng những đã giúp cho những ngày tháng cuối đời của mình có ý nghĩa mà còn giúp được cho nhiều người vượt qua nỗi đau để sống những ngày tháng cuối đời một cách an lạc. Đức tin mãnh liệt của pháp môn Niệm Phật đã giúp bà vượt qua bệnh tật và có cuộc sống lạc quan và cống hiến cho đời, giúp các bệnh nhân ung thư vượt qua nỗi sợ hải và nỗi đau của bệnh tật để có những tháng ngày sống có ý nghĩa.
“Cho dù ngày mai tận thế, đêm nay sen vẫn gieo trồng” ! đây là một nhân sinh quan hết sức lạc quan, tích cực của một người đối diện với cài chết cận kề. Phương châm sống đó có thể áp dụng cho bất kỳ ai trong chúng ta, nếu thực hành được như thế thì chúng ta đã tạo dựng một cuộc sống an lạc, một cảnh giới tịnh độ ngay trên cõi trần gian tục lụy này.Quan niệm và thái độ sống tích cực của bác sĩ bị bệnh ung thư Quách Huệ Trân được thể hiện qua câu nói sau đây:
“Chúng ta không thể quyết định chiều dài của sinh mệnh, nhưng chúng ta có thể quyết định chiều rộng và chiều sâu của sinh mệnh. Cho nên, học sống một ngày là biết ơn một ngày, học sống một hôm có ý nghĩa một hôm. Cho nên:
Cho dù ngày mai tận thế.
Đêm nay sen vẫn gieo trồng
Đem lòng gió mát trăng thanh.
Xưng tán A-di-đà Phật.”
Đúng vậy, sống một ngày là biết ơn một ngày, sống một hôm có ý nghĩa một hôm, vì đó là SỐNG chứ không phải TỒN TẠI!
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
(bài đã đăng trên trang thuvienhoasen.org)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)