Ý NGHĨA PHẬT THÀNH ĐẠO VỚI ĐOÀN VIÊN GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Cách đây hơn 25 thế kỷ có một đêm tại khu rừng tỉnh lặng bên cạnh dòng sông Ni-liên-thuyền vẫn ngày đêm âm thầm trôi chảy với âm ba rì rào vô tận. Ánh trăng chiếu sáng bàng bạc khắp không gian của khu rừng soi bóng một vị hành giả một mình một bóng an nhiên tỉnh tọa dưới gốc cây tất-bát-la, đã bốn mươi chín ngày đêm trôi qua như thế. Trong cái không gian tỉnh lặng của núi rừng, giửa đêm khuya thanh vắng chỉ có tiếng côn trùng nỉ non trong đêm trường, tiếng róc rách của con sông âm thầm chảy dưới kia, dưới bóng dáng bất động đang tham thiền nhập định dưới gốc cây kia ít ai biết rằng trong tâm thức của vị hành giả đang có một sự chuyển hóa lớn lao, một sự chuyển hóa tâm thức đang diễn tiến qua từng thời khắc của đêm trường cô tịch, một sự chuyển hóa đã làm chấn động tam thiên đại thiên thế giới, quả đất rung động, chư thiên tấu nhạc đón mừng, một sự chuyển hóa mà từ đây đã làm thay đổi đời sống của vạn loại chúng sanh…
Vị hành giả đó không ai khác khác hơn là đông cung thái tử Tất-đạt-đa, người mà với một chí nguyện kiên cường đã rời bỏ cuộc sống quyền quý của một vị thái tử để dấn thân tìm đạo ngõ hầu giải thoát khổ đau cho chúng sanh. Thái tử đang có một cuộc sống vương giả, người đã có tất cả mọi dục lạc thế gian, người đã có tất cả những gì mà hàng triệu con người ở thế gian mơ ước thế nhưng người đã buông bỏ không hề luyến tiếc để ra đi làm thân du sĩ, một mình một bóng tìm ánh sáng chân lý cứu chúng sanh. Qua hai lần học và chứng đạo với những vị thầy nhưng người thấy đây chưa phải là đạo giác ngộ, tiếp nối là sáu năm khổ hạnh ép xác cho đến lúc thân tàn sức kiệt suýt bỏ mạng vì chọn nhầm pháp tu, nhưng rồi người đã kịp nhận ra những sai lầm trong đường lối tu tập và chọn phương pháp trung đạo để hành trì.
Thế là sau bốn mươi chín ngày đêm hạ thủ công phu, tham thiền nhập định và trong đêm nay người đã chứng tam minh, lục thông, đạt quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, từ đây tâm quang bừng sáng, chân lý hiển bày. Sự chứng đạo hoàn toàn giác ngộ của vị hành giả mang tên Tất-đạt-đa đã trở thành Đức Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại, từ đó đã giúp cho biết bao người thoát khỏi cuộc sống trâm luân khổ ải, vượt thoát sinh tử hoặc chuyển hóa thâm tâm, tạo dựng cuộc sống an lạc ngay tại cõi trần gian nhuốm màu tục lụy này.
Ý nghĩa sự thành đạo của đức Phật người đoàn viên GĐPT chúng ta được học trong tài liệu tu học Phật Pháp, trong kinh điển, trong các bài luận hoặc các bài thuyết giảng của Chư Thầy, Tổ. Thế nhưng chúng ta đã rút ra được những bài học gì từ sự kiện vĩ đại này để ứng dụng tu tập chuyển hóa tự thân và phụng sự đạo pháp, phụng sự lý tưởng? Bài học từ sự chứng đạo của Đức Bổn Sư thì có muôn vàn nhưng chúng ta có thể cô đọng một cách khái quát một vài khía cạnh nho nhỏ để học tập như sau:
1.Can đảm nhìn nhận sai lầm để chọn phương pháp tu tập đúng đắn: Lịch sử đã ghi lại trước khi thành đạo, đức Phật đã trải qua sáu năm tu khổ hạnh ở chốn rừng giả, với lối tu ép xác ăn uống rất ít (trong bài học của chúng ta có ghi là mỗi ngày ngài chỉ ăn một hột gạo một hột mè, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một cách diễn tả mang tính cường điệu để minh họa cho sự ăn uống rất ít của ngài) hệ quả là thân thể gầy còm và suýt nữa ngài đã mất mạng vì kiệt sức, nhưng sau khi tỉnh lại ngài đã thọ dụng bát sữa của nàng Sujata và bình tâm suy xét lại và thấy sự sai lầm của mình trong đường lối tu hành thời gian qua, thế là ngài đã chọn cho mình một giải pháp tu tập mới đó là TRUNG ĐẠO. Đó là con đường tu hành không cực đoan là thiên về hưởng thụ dục lạc, cũng không khổ hạnh ép xác, giử gìn thân thể khỏe mạnh để có một trí huệ sáng suốt mới thành công trong sự tu tập chuyển hóa thân tâm để chứng quả giác ngộ.
2.Phát tâm lập nguyện để chiến thắng chính mình: Sau khi bình tâm chọn đường hướng tu tập mới ngài đã phát nguyện: “Nếu không thành chánh quả ta nguyện suốt đời không rời gốc cây này” đây là một đại nguyện xuất phát từ sự phát tâm cao tột với một ý chí kiên cường, một lời tự hứa với chính mình để vượt qua mọi trở lực. Lịch sử ghi lại rằng trong đêm thành đạo ma vương sợ rằng khi đã chứng quả giác ngộ thì ngài sẽ đem ánh sáng đạo vàng để giải thoát chúng sanh khỏi bể khổ nên đã huy động lực lượng tìm mọi cách để đe dọa hoặc hiện thân thành những kiều nữ để quyến rủ ngài thối thất tâm bồ-đề. Nhưng đang tiến gần đến bên bờ giải thoát, ngài đã thấy được thật tướng của vạn pháp nên không mảy may dao động và đã kiên cường vượt thoát, chiến thắng ma quân. Chiến thắng ma quân từ bên ngoài đã khó nhưng chiến thắng nội ma tức là sự cám dổ từ bên lại trong càng khó hơn, hơn ai hết chính Đức Phật đã dũng mãnh chiến đấu để chiến thắng nó, ngài đã trải nghiệm vấn đề này một cách sâu sắc, bởi vậy sau này trong kinh pháp cú đức Phật có dạy rằng:
“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng.”
(Pháp cú 103)
3.Không thối thất tâm Bồ-đề, quyết chí tu tập giải thoát: Nếu nói về tiện nghi hưởng thụ cuộc sống thì thái tử Tất-đạt-đa sau khi chọn cho mình một con đường tìm đạo là đột ngột chuyển từ hình thái có tất cả đến không có gì cả. Thật vậy quyết định từ bỏ tất cả mọi thứ mà ngài có để chọn lối sống không có gì cả chỉ với tấm áo hoại sắc người đã vào nơi rừng sâu núi thẳm tìm đường học đạo. Một bước ngoặt lớn lao như thế nếu chí nguyện không kiên cường, không tự phát đại nguyện và quyết chí thực hiện cho đến cùng thì chắc chắn không một ai làm được. Một sự đánh đổi quá lớn, nhưng sau khi thành đạo giác ngộ thì ngài lại từ trạng thái không có gì cả chuyển qua có tất cả nhưng với một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều, một giá trị không thể so sánh đó là ngài đã tìm ra chân lý vĩnh cửu của vạn pháp và sự giải thoát bất thối chuyển.
Giải thoát ra khỏi vô mình và ái dục. Đây là nguồn gốc của khổ đau, phiền não, là cội rễ của sinh tử luân hồi. Vì nó mà bao nhiêu kiếp chúng ta đã trôi lăn trong vòng lục đạo, tạo nên nhiều nghiệp báo để rồi từ đó theo chánh báo và y báo mà nổi trôi không biết lúc nào ra khỏi.
Người đoàn viên Gia Đình Phật Tử chúng ta tự nhận mình là con Phật thì phải cố mà noi theo con đường mà Đức Phật đã chỉ ra và ta đã có ánh đạo vàng rạng soi con đường đó. Trên lộ trình tu tập để giác ngộ tự thân xuyên qua ý nghĩa của sự kiện Thành Đạo của Đức Phật chúng ta có thể rút ra nhiều bài học bổ ích để áp dụng trong cuộc sống.
-Nhận biết những sai lầm trong tu tập, trong hành hoạt để kịp thời sửa sai, chọn cho mình một đường lối tu tập phù hợp, chọn cho mình sự hành xử trong quá trình sinh hoạt trong tổ chức GĐPT để cùng nhau sống chan hòa trong mái ấm nhà Lam, cùng chung tay, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong quá trình xây dựng tổ chức. Đừng quá chú trọng đến những thành bại trong các sự kiện mà nặng lời với nhau, gieo vào tâm hồn nhau những sự phiền não không đáng có. Luôn tâm niệm mục đích của chúng ta là cùng chung sống dưới mái nhà Lam để cùng nhau tu tập chuyển hóa tự thân và phụng sự đạo pháp, phụng sự lý tưởng. Mà để thực hiện được mục đích đó trước nhất là mọi người phải được an lạc và tạo sự an lạc cho nhau, cùng nhau thực hiện Phật sự với tâm hoan hỷ, thân thương và chia sẻ.
-Trong lộ trình tu tập và phụng sự chúng ta luôn gặp những chướng duyên, những gian lao thử thách, nếu chúng ta không phát tâm lập nguyện để tạo động lực cho chính mình mà gặp chăng hay chớ, gặp khó khăn thì chùn bước, gặp trở ngại thì thối tâm, sống giải đải, buông thả, theo đuổi đam mê dục lạc không thúc liểm thân tâm, bị quyến rủ bởi những đam mê không chiến thắng nổi chính mình thì khó mà đi cho hết hành trình tu tập và phụng sự lý tưởng. Nếu ta cứ như thế thì tâm ta sẽ thối thất và ngày xa rời tổ chức sẽ không xa, hoặc còn ở lại thì chỉ là tính tháng tính ngày còn sự thăng tiến bản thân và cống hiến cho tổ chức thì chẳng là bao!
-Mục đích chính của người đoàn viên GĐPT của chúng ta là tu tập giải thoát và phụng sự chúng sanh. Đây là một mục đích cao cả không dễ gì đạt được, nhưng không phải vì thấy quá khó mà chúng ta thối tâm. Phải quan niệm rằng có đi là có đến, để đạt được sự giác ngộ phải tu hành vô lượng kiếp chứ không phải trong một hiện kiếp mà được, vì thế phải không ngừng gieo vào tâm thức chủng từ bồ-đề và nuôi dưỡng nó, dù gặp hoàn cảnh nào cũng không để cho hạt giống bồ-đề bị hư thối. Luôn tâm niệm rằng bước được một bước trên lộ trình giải thoát là ta đã tiến gần đến sự giác ngộ hơn một chút, và cứ thế đường đạo dù lắm chông gai ta cứ bền tâm vững bước…
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)