THÓI ĐỐ KỴ VÀ TÂM TÙY HỶ CÔNG ĐỨC.
Tôi được đọc ở đâu có người đã khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Thói đố kỵ là một trong những bản tính của con người”. Tôi nghe câu đó mà hoang mang, kinh hãi, nếu nói rằng đố kỵ là một bản tính của con người thì chẳng lẻ trong tâm mình cũng đang có cái thói đố kỵ hay sao? Giật mình quay lại soi rọi tâm tư chính mình thì thấy nghi nghi, hoặc hoặc vì có thể có mà có thể không, rất khó khẳng định. Nếu nghĩ rằng có thì té ra mình cũng tồi tệ thế sao!, nếu nghĩ rằng không thì e rằng chưa chắc là đúng. Thôi thì hạ hồi phân giải vậy.
Thói đố kỵ nó tiềm ẩn trong tâm ta một cách kín đáo nên đa phần những người sống theo bản năng không để ý để tu tâm sửa tánh thì nó sẽ bộc lộ một cách lộ liểu rỏ nét khi có điều kiện. Ví như thấy ai đó, nhất là những người thân cận hoặc có mối quan hệ với mình mà làm một việc gì đó thành công thì ta liền dấy lên suy nghĩ “chẳng qua là nó gặp thời, chó ngáp phải ruồi chứ tài cán gì” hay là “chẳng qua nhờ có kẻ chống lưng nên mới được vậy chứ thằng đó có gì là tài giỏi”. Trong cuộc sống là như thế, ta có thể hiểu được tâm trạng của người không thành công thấy kẻ khác hơn mình, hoặc họ làm được cái mà ta không làm được. Thậm chí trong việc tu tập hay làm phước thiện cũng vậy, ví như nếu có người cúng dường để xây dựng chùa chiền hay làm phật sự với số tiền lớn ta không sanh tâm vui mừng mà lại suy nghĩ “bà đó cúng dường để cầu tài, cầu lộc chứ đâu phải phát tâm” hoặc là “đã gọi là làm từ thiện mà còn cho người khác biết thì còn hay ho gì!” v.v…và v.v…Hàng trăm ngàn sự biểu hiện tâm đố kỵ khi thấy người khác làm được điều gì đó hơn mình, làm được điều mà ta không làm được, thậm chí khi thấy họ được tự nhiên tâm ta thấy nhói đau, thấy họ mất mát hoặc sa cơ lỡ vận tự nhiên tâm ta dấy lên sự vui mừng. Đó là tâm ác nó tiềm tàng trong ta mà đôi lúc ta không biết để chế ngự nó.
Nói tâm đố lỵ là một trong những bản tính của con người e rằng hơi quá nhưng theo tôi nói thế cũng không sai, vì thói đố kỵ nó vốn tiềm ẩn trong mỗi con người đôi lúc rất vi tế mà chính ta cũng không biết. Có nhà tâm lý học đã phân tích các hình thức biểu hiện của tâm đố kỵ trong mỗi con người như sau:
-Luôn soi mói và so sánh với người khác
-Luôn để ý đến những mặt không tốt của kẻ khác
-Không thích kết thân với người tài gỏi hơn mình
-Lúc nào cũng ganh ghét và nói xấu người khác
-Chẳng bao giờ họ công nhận thành quả của người khác một cách khách quan.
Thói đố kỵ nó tàn phá, hủy hại tâm ta một cách khốc liệt, nó làm cho ta luôn cảm thấy dằn vặt đau khổ khi thấy thành quả của người khác. Bởi vậy nên nhà văn Pháp Balzac đã từng nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần”.
Thói đố kỵ che mờ trí tuệ và lương tri của mình, nó khiến cho mình nhận định sự việc bằng con mắt tà kiến và thiên kiến, ta nhận định một việc không còn chánh kiến và khách quan, từ đó thái độ hành vi ứng xử và hành xử của ta trở nên lệch lạc, nguy hiểm cho chính bản thân ta và cộng đồng, hơn thế nữa còn chiêu cảm lấy nghiệp ác.!
Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, nước Tống có một vị quan đại phu tên là Tưởng Viện. Tưởng đại phu có mười đứa con trai, nhưng hầu hết những đứa con của ông đều bị tật nguyền. Trường hợp có mười đứa con đều bị tật nguyền như thế thì hiếm thấy!
Có người bạn tên Tử Cao nhìn thấy tình cảnh này, liền quan tâm hỏi thăm Tưởng Viện: “Đại phu lúc bình thường từng làm những chuyện gì, lại dẫn đến cả nhà xảy ra tai họa như vậy? Mười đứa con đều bị tật khác nhau, quả thật là chuyện hy hữu trên đời”.
Tưởng Viện suy đi nghĩ lại, cũng tìm không ra nguyên nhân, liền trả lời rằng: “Tôi lúc còn sống vốn chưa từng làm qua những chuyện xấu to tát thương thiên hại lý gì! Chẳng qua trong tâm luôn là thích đố kỵ người khác. Nhìn thấy người khác xuất sắc hơn mình, tôi liền đố kỵ với tài hoa của anh ta. Còn với những kẻ ton hót lấy lòng tôi, tôi thích anh ta từ trong tâm. Nghe nói có người làm việc thiện, tôi không chịu tin, hoài nghi kẻ đó hẳn là đạo đức giả. Nghe nói người khác có sai lầm hoặc làm điều gian ác, tôi tin tưởng không thôi. Nhìn thấy người khác có được một vài chỗ tốt, tôi liền cảm thấy giống như bản thân mất đi cái gì đó. Còn như người khác mất mát thứ điều chi, trong lòng lại thấy phấn khích giống như bản thân có được chỗ tốt gì đó. Đây chính là thái độ đối nhân xử thế trước nay của tôi, mọi chuyện chỉ có vậy mà thôi”.
Tử Cao sau khi nghe xong, thở dài cảm khái nói rằng: “Đại phu, ông có tâm thái bất chính như vậy, tâm đố kỵ lớn như vậy, thật là đáng sợ quá, e rằng mai này sẽ có tai họa diệt môn! Thế mà ông lại còn cảm thấy không sao cả, không hiểu được tính nghiêm trọng của sự tình, bệnh lạ và tai hoạ mà mười đứa con này của ông mắc phải, e rằng sẽ không chỉ dừng lại ở đây thôi đâu! Người xưa đều biết đạo lý nhân quả báo ứng, tâm đố kỵ là ác niệm lớn nhất, sẽ bị trời trách phạt”.
Cái thói đố kỵ nó làm cho tâm ta trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, chướng ngại trên đường tiến tu, khó phát tâm bồ-đề và rất khó tạo cho ta có một tâm bao dung, quảng đại.
Thấy được cái thói đố kỵ nó nguy hại như thế nào nên chi trong mười đại nguyện của ngài Phổ Hiền Bồ-tát có điều đại nguyện thứ năm là:TÙY HỈ CÔNG ĐỨC. Ta có thể hiểu một cách nôm na tùy hỷ công đức là thật tâm vui mừng trước việc làm lành của người, hoan hỷ trước thành công của người, vui với niềm vui của người và hoan nỷ trợ duyên cho người để họ thành tựu công đức. Khi tán thán phát tâm hoan hỷ một ai đó đã làm được công đức thì chính ta cũng có được sự phước đức trong đó. Cụ thể là ta đã sẻ chia niềm vui với người, tâm ta sẽ trở nên rộng rãi và an lạc, thấy được cái phước đức khi làm điều thiện lành từ đó ta cũng phát tâm làm theo. Còn ngược lại sinh tâm ganh ghét khi thấy ai đó làm được công đức, làm được điều tốt là ta đã dấy lên tâm niệm xấu ác và nó kéo tâm ta trở thành ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi và đương nhiên không thể nào phát tâm bồ-đề, không thể nào thực hành bồ-tát đạo được. Đối với việc tu tập là như thế, còn trong thực tiễn cuộc sống nếu một người nuôi dưỡng tâm ganh ghét, đố kỵ trước những điều tốt lành hay sự thành công mà người khác làm được, hoặc sinh tâm vui mừng trước sự thất bại của người khác, thì cái tâm của họ trở nên nhỏ nhoi, ích kỷ và dĩ nhiên khó mà có cái tâm rộng lớn, bao dung, thân thiện và không thể nào tạo cho mình một nhân cách lớn được! Dĩ nhiên người đó luôn sống trong khổ đau, dằn vặt vì luôn luôn cảm thấy bực bội trong lòng trước những công đức hoặc thành tựu của người khác.
Ôi cái thói đố kỵ nó tác hại như thế nhưng mà sao ta còn giữ nó trong tâm để làm gì nhỉ? Sao ta không cố gắng thực hành điều đại nguyện thứ năm của ngài Phổ Hiền Bồ-tát là TÙY HỶ CÔNG ĐỨC để đối trị, loại trừ thói ganh ghét, đố kỵ đang tiềm ẩn trong tâm ta nhỉ?
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
(bài đã đăng trên trang Thư Viện Hoa Sen.org)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)