VU LAN NGÀY ẤY – BÂY GIỜ
Ban Biên Tập: Kể từ hôm nay trang nhà GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu sẽ đăng liên tục các bài viết về chủ đề Vu Lan báo hiếu. Rất mong anh chị em lam viên hưởng ứng viết bài hoặc đón đọc và chia sẻ cho mọi người cùng đọc. Dù trực tiếp tham gia viết bài hay đọc và chia sẻ các bài viết về Vu Lan, anh chị em cũng đã góp phần mình thực hiện món quà nhỏ dâng lên đấng sanh thành đồng thời thể hiện tinh thần báo hiếu báo ân của người đoàn viên GĐPT trong mùa Vu Lan hiếu hạnh.
Tuyển tập Vu Lan: bài số 1: VU LAN NGÀY ẤY-BÂY GIỜ
Bây giờ đang là những ngày đầu tháng bảy âm lịch, tháng bảy về với những cơn mưa rào bất chợt, những ngày có gió nhẹ và nắng nhạt điểm mưa thưa. Đã có thấp thoáng trên bóng dáng của những chiếc lá vàng rơi bay la đà trong gió . Tháng bảy ở miền nam không có gió heo may, không có mưa ngâu, nhưng bao giờ cũng thế tháng bảy về gợi nhớ cho chúng ta mùa Vu Lan báo hiếu đã về. Hằng năm vào thời điểm này rải rác có chùa đã tổ chức lễ Vu Lan, các em đoàn sinh GĐPT đã chuẩn bị đầy đủ hoa hồng, hoa trắng để cài lên ngực áo của những người phật tử. Dù lễ cài hoa hồng trong mùa báo hiếu là một truyền thống văn hóa đẹp của người Nhật Bản được cài lên ngực áo mọi người trong ngày Mother’s day và đã được HT Nhất Hạnh du nhập vào nước ta từ hơn nữa thế kỷ trước, nhưng nghi lễ cài hoa màu hồng cho những ai diễm phúc còn mẹ và hoa trắng cho những người bất hạnh không còn có mẹ trên đời trong dịp lễ Vu Lan của nước ta đã trở thành một nét văn hóa rất đẹp trong Phật giáo Việt Nam.
Kể từ thời đất nước còn chiến tranh cho đến những tháng ngày khó khăn nhất khi nào lễ Vu Lan cũng được tổ chức dù quy mô hoành tráng hay đạm bạc đơn sơ cũng xúc động khi khơi gợi tình cảm của những người con đối với công ơn của hai đấng sinh thành…
Ký ức đưa tôi quay lại thời gian cách đây hơn ba mươi năm khi mà nơi tôi đến sinh sống ở một nông trường vừa mới được thành lập, hầu hết bà con ở đây đều là dân miền Trung di cư tự do vào đây sinh cơ lập nghiệp. Những ngày đầu cuộc sống còn vô vàn khó khăn, công việc của người công nhân nơi nông trường mới thành lập rất nặng nhọc, kinh tế thì thiếu trước hụt sau, dù vậy nhưng vì hầu hết người ở đây là dân miền Trung nên họ rất coi trọng đời sống tâm linh. Thế nên dù nơi ăn chốn ở vừa mới ổn định những người phật tử, trong đó có những huynh trưởng GĐPT từ miền Trung vào đã âm thầm bàn bạc tổ chức lễ Vu Lan nơi ngôi chùa tranh đơn sơ vừa mới được xây dựng xong. Không khí chuẩn bị lễ Vu Lan rất rộn ràng, mọi người ai cũng đều lộ vẻ hân hoan trên nét mặt nên ai cũng sẵn lòng xắn tay áo lên làm việc mặc dù chùa chưa có thầy trụ trì nhưng giáo hội tự sắp xếp cắt đặt công việc đâu ra đó. Hầu hết các phật tử đều rất vui vì có nơi để lễ Phật nên họ tập trung lại người già thì trang hoàng chùa, người trẻ thì đi chặt tre dựng rạp, đi mượn bàn ghế từ các nhà lân cận… Tất cả mọi người đều vui vẻ chuyện trò và say sưa với công việc, đến trưa thì quây quần ăn với nhay bữa cơm chay đạm bạc muối dưa, đến tối thì tập trung lễ Phật và xem xét lại khung cảnh lễ đường xem đã thật hoàn hảo chưa, tất cả đều toát lên một không khí đầm ấm trong tình đồng đạo và chung tay cùng chung lo phật sự. Đối với GĐPT thì từ những ngày đầu tháng bảy các huynh trưởng và đoàn sinh đều tập trung làm hoa hồng, hoa trắng, em thì thắt hoa, em thì tập múa…, anh em chan hòa tình thương cùng nhau làm việc như con một nhà. Hầu như việc tổ chức lễ Vu Lan và cài hoa hồng đều do GĐPT phụ trách, quý bác bên giáo hội chỉ lo lễ lược cúng kiến.
Năm đó sáng rằm tháng bảy trời mưa lất phất từ sáng sớm kèm theo những làn gió lạnh, dù vậy hầu hết đạo hữu và huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT đã lên chùa từ rất sớm, mỗi người một việc đâu vào đó để chuẩn bị làm lễ Vu Lan Lễ đường thì đã được chúng tôi thiết trí từ hôm trước, hôm nay chỉ rà soát lại những gì chưa hoàn thiện, kiểm tra âm thanh, máy móc, nhạc và duyệt lại nhóm múa dâng hoa. Thời kỳ đó Tăng, Ni còn rất hiếm, chùa làng chưa có thầy trú trì nên chúng tôi đã thỉnh chỉ được một thầy từ xa về chứng minh.
Buổi lễ báo tứ trọng ân được tổ chức trong chánh điện ngôi chùa tranh tuy đơn sơ nhưng rất ấm cúng và cảm động. Đến khi một em đoàn sinh lên đối trước Phật tiền và tứ ân dâng lời cảm niệm với chất giọng trầm ấm rất cảm xúc khi nói về công ơn cha mẹ, em đã bật khóc khiến cho trong đạo tràng nhiều người cũng khóc theo. Không gian lễ đường giờ đây như lắng đọng, khói trầm hương quyện tỏa như quyện lấy cái không gian thật yên ắng, chỉ có những tiếng sụt sùi thương cha nhớ mẹ, cũng có thể là những giọt nước mắt thương phận mình! Hầu hết những phật tử dự lễ đều được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng hay hoa trắng, dù chỉ là những đóa hoa do các em đoàn sinh GĐPT tự làm với tất cả tâm thành nhưng vì không có người chỉ dạy nên những đóa hoa hồng hồi đó không được sắc sảo và giống hoa thật mà trông giống như hoa mười giờ nhưng ai cũng trân quý đóa hoa biểu tượng cho tình mẹ thiêng liêng cao cả đó và họ đã mang nó về nhà để nơi thật trang trọng như là một linh vật…
Ba mươi năm đã qua, buổi lễ Vu Lan năm nào được lần đầu tổ chức nơi ngôi chùa tranh, tuy hết sức đơn sơ nhưng thật ấn tượng đã ghi dấu ấn khó phai trong tâm tưởng của mỗi người.
Bây giờ tất cả mọi thứ đã thay đổi, ngôi chùa bây giờ bê-tông cốt thép khang trang hoành tráng, lễ Vu Lan bây giờ cũng được tổ chức quy mô hoành tráng hơn, bóng dáng chư Tăng, Ni bây giờ trên tòa chứng minh cũng nhiều hơn, phật tử cũng đông và trông cũng sáng sủa thanh lịch, sang trọng hơn chứ không nhếch nhác lam lũ như ngày xưa. Về khâu tổ chức cũng quy mô hơn, âm thanh, ánh sáng cũng hơn đại hơn, có cả camera ghi hình, có hằng chục điện thoại smartphone đưa lên quay phim, chụp hình, live stream và những đóa hoa hồng, hoa trắng cũng được mua từ hàng công nghiệp đẹp như hoa thật. Nói chung giờ đây trong buổi lễ Vu Lan mọi thứ đều văn minh hiện đại hơn, người tổ chức lễ, người tới dự lễ cũng đều văn minh hiện đại hơn nhưng mà cũng…ít cảm xúc, ít ấn tượng, ít chuyển tải được tinh thần giáo dục hiếu đạo hơn!
Thương làm sao cái thuở hồng hoang ấy, tất cả mọi thứ đều đơn sơ, tềnh toàng nhưng sao mà vẫn thấy buổi lễ Vu Lan thấm đẩm tình thương và dạt dào cảm xúc đến vậy !
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)