TÍNH CHẤT BÌNH ĐẲNG TUYỆT ĐỐI CỦA ĐẠO PHẬT
Khi nói đến đạo Phật thì hầu hết mọi người đều nghĩ đến tính từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha… nhưng đạo Phật còn có một tính chất rất tuyệt vời khác mà ít người nhắc tới đó là tính BÌNH ĐẲNG TUYỆT ĐỐI.
Đúng vậy, tính chất bình đẳng tuyệt đối của đạo Phật là một nét rất dăc thù chỉ có đối với đạo Phật mà không có bất kỳ một tôn giáo nào khác, bất kỳ một tổ chức đoàn thể nào khác hay bất kỳ một quốc gia nào có được!
Tính chất bình đẳng tuyệt đối của đạo Phật là một đề tài đã được đề cập đến qua các luận giải, qua các bài giảng của Chư tôn đức. Ở đây chỉ xin trình bày tính chất này qua sự cảm nhận và nhãn quan của một cư sĩ bình thường. Vấn đề dù không mới nhưng hy vọng sẽ làm sáng tỏ hơn tính chất ưu việt này của đạo Phật. Bài viết này trình bày tính bình đẳng tuyệt đối của đạo Phật qua ba khía cạnh: Bình đẳng tuyệt đối giữa chúng sanh và chúng sanh, bình đẳng tuyệt đối trong giáo đoàn của đức Phật và bình đẳng tuyệt đối giữa đức Phật và chúng sanh.
- Tình bình đẳng tuyệt đối giữa chúng sanh và chúng sanh.
Đức Phật ra đời ở Ấn Độ cách đây 26 thế kỷ, vào thời đó Ấn Độ là một đất nước mà sự phân chia giai cấp rất nặng nề. Ở đó người ta chia người dân ra bốn giai cấp rõ rệt:
-Giai cấp Bà-la-môn: Bao gồm giới tăng lữ thống trị về mặt tinh thần, phụ trách về lễ nghi, tế tự. Họ cho rằng mình được sanh ra ở miệng Phạm Thiên nên có địa vị tối cao trong xã hội, vì thế họ có quyền hành cao nhất và được hưởng nhiều quyền lợi nhất.
-Giai cấp Sát-đế lỵ: Là giai cấp vua chúa, quan lại có quyền lực và quyền lợi rất lớn, họ cho mình được sinh ra từ cánh tay Phạm Thiên, nắm quyền cai trị dân chúng,.
-Giai cấp Phệ-xá: Được cho là sinh ra từ bắp vế Phạm Thiên. Đây là giai cấp của những thợ thuyền, thương gia, nông dân. Tuy họ không có quyền hành gì lớn nhưng có tài sản và một chút địa vị trong xã hội vì đảm đương nền kinh tế trong nước.
-Giai cấp Thủ-đà-la : Được cho là sinh ra từ gót chân Phạm Thiên. Đây là giai cấp thấp hèn nhất trong xã hội Ấn Độ, họ sinh ra là để làm nô lệ cho các giai cấp trên và được mặc nhiên xem như giai cấp hạ tiện, bần cùng nhất, họ không có được quyền sơ đẳng của con người mà bản thân họ chỉ là vật sở hữu của các giai cấp khác.
Trật tự xã hội qua bao đời đều đã được mặc định như vậy, không ai dám thay đổi cái trật tự đó. Nhưng từ khi Đức Phật thành đạo trở về, ngài đã tuyên bố rằng tất cả chúng sanh đều bình đẳng tuyệt dối vì ngài cho rằng tất cả chúng sanh đều có phật tánh, thế nên bất kỳ ai cũng có khả năng thành Phật không phân biệt xuất thân từ giai cấp nào, giàu hay nghèo, quyền quý hay tiện nhân đều như nhau. Ngài cũng có một tuyên ngôn về tính bình đẳng tuyệt đối đó là: “ Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Chính giáo lý của đức Phật tuyên thuyết về tình bình đẳng tuyệt đối giữa tất cả chúng sanh với nhau nên những người thuộc giai cấp Bà-la-môn và Sát-đế lỵ cảm thấy mình bị xúc phạm vì đức Phật đã đặt họ ngang hàng với giới tiện dân. Quyền lợi và địa vị xã hội của họ đã được duy trì từ bao đời rồi, mà nay bị đức Phật phủ nhận, chẳng những thế mà Phật còn đưa hàng tiện dân mạt hạng lên ngang hàng với mình nữa chứ! Vì thế họ rất thù ghét đức Phật và tìm mọi cách để chống đối, phá hoại sự hoằng hóa tôn giáo của ngài.
- Tính bình đẳng tuyệt đối trong giáo đoàn của đức Phật:
Trong giáo đoàn thời đức Phật tại thế tất cả các đệ tử của ngài đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp xuất thân cũng như quyền lợi hưởng thụ. Họ sống với nhau trong tinh thần lục hòa cộng trụ, cùng nhau tu học theo lời dạy của Phật, đức Phật sẽ quán căn cơ của từng đệ tử để chỉ dạy phương pháp tu hành phù hợp mà không phân biệt trình độ cao thấp, không phân biệt kẻ trí người ngu. Đức Phật đã kết nạp vào giáo đoàn của ngài đủ mọi thành phần xã hội, từ những hoàng tử cao quý như ngài A-nan, Nan-đà, La-hầu-la, cho đến người thuộc giai cấp hạ tiện như ngài Ưu-bà-ly, một người Chiên-đà-la làm nghề gánh phân, hoặc xuất thân là tướng cướp như Ương-quật-ma-la…Về nữ giới thì từ người quyền quý như hoàng hậu Maha Bà-xà-bà-đề cùng các vương phi cho đến người xuất thân là kỹ nữ như nàng Liên Hoa Sắc…Tất cả các đệ tử của đức Phật đều nổ lực tu hành trong môi trường bình đẳng tuyệt đối và quên đi nơi xuất thân của mình. Việc tu hành được chứng quả nhanh hay chậm, tùy thuộc vào sự nổ lực của từng người chứ không phải do giai cấp xuất thân, trình độ hoặc là ngu hay trí. Điển hình như ngài A-nan là một hòang tử, xuất gia đã mấy mươi năm, có thời gian dài làm thị giả của đức Phật, lại được xưng tụng là đa văn đệ nhất, thế mà tu hành mấy mươi năm cho đến khi đức Phật nhập diệt ngài cũng chưa chứng đạo, phải đến đêm trước khi kết tập kinh tạng lần thứ nhất ngài mới chứng quả A-la-hán. Trong khi đó người Chiên-đà-la làm nghề gánh phân một chữ bẻ đôi cũng không biết, thế mà khi được đức Phật thu nạp đã nổ lực tu tập sau một tuần đã chứng quả A-la-hán.
- Tinh bình đẳng tuyệt đối giữa Đức Phật và chúng sanh.
Trước hết xét về giáo lý thì hầu hết các tôn giáo trên hành tinh dù là nhất thần hay đa thần cũng đều cho rằng giáo chủ là vị có quyền uy tối thượng, toàn năng, toàn trí, đứng lên trên tất cả mọi loài. Giáo chủ một tôn giáo là vị nắm quyền phán xét, có năng lực cứu rỗi những tín đồ ngoan đạo thực hành đúng lời dạy của mình và có quyền kết tội những ai không nghe và làm theo lời dạy của mình, sau khi chết đi được lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục cũng đều do thượng đế phán xét. Phật giáo thì không thế, chưa bao giờ đức Phật nhận mình là đấng quyền năng tối thượng mà chỉ khiêm tốn nhận mình là một đạo sư, tức là người chỉ đường và khuyên tín đồ hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, ngài cũng chỉ nhận mình là một người thầy thuốc biết bệnh cho thuốc, còn uống thuốc hay không là quyền của người bệnh, cho nên nếu người bệnh không lành thì đó không phải lỗi của thầy thuốc. Vì thế cho nên đức Phật được xem là có công năng cứu độ chứ không có công năng cứu rỗi!. Đức Phật quan niệm tất cả chúng sanh đều có phật tánh, thế cho nên ngài đã tuyên một thông điệp về tính bình đẳng tuyệt đối giữa ngài và chúng sanh là: TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH, CHÚNG SINH LÀ PHẬT SẼ THÀNH. Đây là một lời tuyên bố về tình bình đẳng tuyệt đối của đạo Phật mà trên hành tinh này chưa có một đấng giáo chủ nào tuyên bố như vậy cả, chưa có một vị giáo chủ nào nâng tín đồ lên ngang hàng với mình như đức Phật cả. Hầu hết các tôn giáo khác, giáo chủ là bậc tối thượng cho nên đứng lên trên tất cả, giáo chủ là bậc trên, tín đồ là bậc dưới, giáo chủ là bậc tối thượng nên có quyền phán xét và cứu rỗi mà tín đồ phải có bổn phận tuân thủ, đó là một “chân lý bất biến”. Đạo Phật không có khái niệm công, tội mà chỉ có nhân quả, nghiệp báo, chúng sanh gieo gì gặt đó, làm gì thì chịu trách nhiệm với hành vi mình tạo tác và nhận quả báo lành hay dữ cũng do chính hành vi mình tạo từ thân, khẩu, ý. Đức Phật không can thiệp vào luật nhân quả, nghiệp báo mà chỉ tìm cách giáo hóa cho chúng sanh tránh điều ác, làm điều thiện để được hưởng quả báo lành cho chính bản thân họ mà thôi. Đức Phật cũng không bắt tín đồ của mình phải tuân theo ý của mình nếu không thì bắt tội, ngược lại đức Phật khuyên tín đồ phải có chánh kiến một cách độc lập sau khi đã suy xét một cách thấu đáo, chứ đừng vội tin bất kỳ điều gì, cho dù lời nói đó là của vị giáo chủ của mình đi nữa.!
Trong Tăng Chi Bộ Kinh đức Phật dạy có 10 điều chớ vội tin:
1-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
2-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
3-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
4-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
5-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
6-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
7-Chớ vội tin một điều gì khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
8-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
9-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
10-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên.
Như vậy rõ ràng chưa bao giờ đức Phật áp đặt quan điểm của mình lên tín đồ, mà ngài để cho tín đồ của mình tự do chọn lựa sau khi suy xét kỹ càng, ngài không bao giờ bắt tín đồ phải nghe lời mình một cách mê tín cả.
Như vậy chúng ta thấy một vị giáo chủ một tôn giáo mà đặt mình ngang hàng với chúng sanh và cho phép tín đồ đặt niềm tin vào giáo lý của mình sau khi đã suy tính một cách chín chắn thì trên hành tinh này duy nhất chỉ có đức Phật và chỉ có đạo Phật mới có quan niệm bình đẳng một cách tuyệt đối như thế!
Tính chất bình đẳng tuyệt đối là một nét tinh hoa trong đạo Phật, mà chúng ta không tìm thấy ở bất kỳ tôn giáo nào hoặc bất kỳ một quốc gia, một đoàn thể nào khác. Từ ngàn xưa cho tới ngàn sau có lẻ cũng chỉ có duy nhất trong đạo PHẬT.
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
(bài đã đăng trên trang Thư Viện Hoa Sen.org)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)