TRỞ LẠI TRẠI TRƯỜNG GĐPT.VN.
Chúng tôi trở lại trại trường GĐPTVN Đà Lạt sau khi bế mạc Đại hội Huynh trưởng GĐPTVN kỳ thứ XI năm 2020.
Sau khi rời chùa Pháp Vân, nơi tổ chức Đại hội chúng tôi thực hiện cuộc hành trình trong đêm hướng về Đà Lạt nên đoàn BHD.GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu đến trại trường thật sớm.
Sáng nay trời Đà Lạt trở lạnh, mây mù giăng mắc khắp chốn, bầu trời u ám với những đám mây màu cánh vạc buồn ảm đạm. Khi chúng tôi đến thì các đoàn khác chưa về đến, chỉ có anh trưởng BHD Lâm Đồng có mặt từ sớm để đón các đoàn về thăm. Trại trường GĐPTVN sau ngày 30.4.75 bị nhà nước chiếm dụng và sát nhập vào khu du lịch hồ Than Thở, vì vậy dù là đoàn viên GĐPT đến thăm trại trường cũng bị mua vé như bao nhiêu du khách khác. Trong những chuyến ghé thăm trại trường trước đây đã có nhiều anh chị chống đối việc mua vé với nhân viên bán vé.
-Chúng tội là Huynh trưởng GĐPT đang mặc đồng phục vào trại trường để thăm viếng là giống như về nhà mình sao lại phải mua vé?
Cô nhân viên bán vé ngồi trong phòng vé từ tốn trả lời
-Dạ, chúng con chỉ làm nhiệm vụ là bán vé cho bất kỳ ai vào tham quan khu du lịch Hồ Than Thở, nếu mấy bác không hài lòng thì trình bày với lãnh đạo khu du lịch chứ chúng con không có quyền.
Tuy nói ba tiếng cho bớt nỗi bức xúc thế thôi, nhưng rồi ai muốn vào thì phải mua vé, dù cho vào đó chỉ để thăm trại trường nếu không thì chỉ biết đứng ngoài mà nhìn vào !
Vì thấy trại trường của mình bị chiếm dụng một cách đau đớn như thế, nên mỗi lần trở lại thăm trại trường lam viên chúng tôi đều cảm thấy bức xúc và ray rứt vì ngôi nhà chung thân yêu của mình mà muốn vào thì phải mua vé. Biết đó là một điều vô lý, nhưng biết làm thế nào được khi đó là lệnh của những người có thẩm quyền và chung quanh ta vẫn còn tồn tại biết bao nhiêu điều vô lý như thế. Trại trưởng GĐPT VN trước đây với diện tích 17,6 ha được cấp chủ quyền vào tháng 3 năm 1967. Trên thân đài có tấm bảng ghi đầy đủ danh xưng và ngày tháng xây dựng, chứng tích rành rành trước thanh thiên bạch nhật như vậy mà người ta cố tình phủ nhận và đặt cho một tên mới hết sức gượng ép là “đồi Phật Bà” và bị sáp nhập vào khu du lịch Hồ THAN THỞ.
Trại trường GĐPTVN là mái nhà chung của đại gia đình áo lam trên toàn quốc lấy biểu tượng là đài Lục Hòa, đó là phương châm sống, là nguyên tắc cư xử, hành hoạt của anh em trong đại gia đình, là biểu hiện của tinh thần tướng ái, đoàn kết keo sơn, phụng sự lý tưởng. Đúng ra nếu như không có biến động của thời cuộc thì giờ đây trại trường đã có đầy đủ các công trình, có đầy đủ các phương tiện để lam viên khắp mọi miền tổ quốc về đây để kiến lập các khóa trại tu học, huấn huyện. Trại trường cũng sẽ là một cơ sở xứng tầm cho một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn đến bộ mặt xã hội như GĐPT. Thế nhưng mọi sự đã đổi thay và giờ đây trại trường cũng chỉ có độc nhất là đài Lục Hòa là còn trơ gan cùng tuế nguyệt nằm bên trong hồ Than Thở nước lặng lờ muôn thuở như vẫn còn cau mặt với tang thương, như là chứng nhân của bao sự đổi thay vật đổi sao dời, tang thương dâu bể.
Đi dạo thơ thẩn trong khuôn viên hồ Than Thở để chờ các đoàn khác đến để cùng làm lễ, chúng tôi mặc phong phanh trong bộ đoàn phục GĐPT nên cảm nhận thấm thía được cái lạnh se thắt của xứ hoa anh đào với những cơn gió thổi thông thốc rất khó chịu. Thế nhưng được lang thang trong không gian im ắng với sương mù giăng giăng khắp chốn trong một buổi sớm mai thật yên tỉnh, được đi dạo trong các lối đi quanh co bên những thảm hoa đẹp rực rở muôn màu muôn vẻ cảm giác cũng rất thú vị.
Trong thời gian gần đây khu du lịch hồ Than Thở cho trùng tu lại đài Lục Hòa và đơn vị thi công họ đã sơn phết lại với màu sắc khác như thân đài nguyên thủy. Họ đang sơn màu cam thay vì màu trắng trước đây, họ lý luận thân đài sơn màu cam sẽ làm nỗi bật hình tượng bồ-tát Quán-Thế Âm màu trắng trên đỉnh đài. Thế nhưng hầu hết các huynh trưởng Gia Đính Phật Tử từ khắp nơi đều phản ứng không đồng tình, vì họ đã trùng tu một di tích mà làm mất đi dấu tích xưa cũ như vậy là thiếu sự tôn trọng và không đúng với tinh thần trùng tu các di tích. Lam viên khắp nơi đã phản đối qua các kênh truyền thông và trực tiếp thương lượng với ban quản lý khu du lịch, với bên thi công. Họ đã tiếp thu ý kiến với thái độ cầu thị và cuối cùng họ đã đồng ý tu bổ và sơn phết lại nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc như trước đây. Đồng thời họ cũng cho gắn lại những bảng tên các BHD tỉnh chung quanh chân đài đã góp gạch xây đài bị rơi ra.
Đài Lục Hòa giờ đây được khoác lên tấm áo mới trông đẹp và bề thế hơn, tượng bồ-tát Quán Thế Âm sáng trắng đứng trên đỉnh đài uy nghi đang nhìn xuống trần gian với đôi mắt từ bi thương xót cho chúng sanh đang sống trong nỗi đau muôn thở của kiếp nhân sinh. Nhìn xuống đàn con áo lam mà cám cảnh đàn con về thăm nhà mà cũng phải mua vé vào! Tuy nhiên cũng cần ghi nhận thiện chí của ban quản lý khu du lịch là từ đây anh chị em lam viên muốn vào thăm trại trường thì vé vào cửa sẽ được giảm 20% ( tức là 10.000 đ). Số tiền tuy không đáng kể nhưng dù sao khi quyết định giảm vé cho lam viên họ cũng đã xác nhận những chủ sở hữu thực sự của trại trường.
Đài Lục Hòa trong lần trùng tu làn trước tuy vẫn tuân thủ nguyên bản nhưng vẫn được làm thêm những chi tiết mới như gắn thêm bảo cái trên tượng bồ-tát, lần này thì được gắn thêm lá bồ-đề sau lưng tượng và xây một bệ thờ trước mặt đài để khách thập phương chiêm bái. Bộ mặt mới của đài Lục Hòa bây giờ đẹp hơn hoặc xấu hơn nguyên bản thì còn tùy vào quan niệm thẩm mỹ và quan niệm về văn hóa bảo tồn của từng anh chị em lam viên và công chúng. Riêng tôi thì vẫn thấy hình như dấu xưa đã nhạt nhòa theo năm tháng và hình như có một sự mất mát mơ hồ nào đó và nói như bà Huyện Thanh Quan là cảm nhận phảng phất một nỗi buồn hoài cổ
“ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
(Thăng Long hoài cổ)
Để rồi từ đó cảm khái một sự hoài niệm những tháng ngày xưa cũ
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau !
(Chùa Trấn Quốc)
Sau khi các đoàn đã vân hội đầy đủ, buổi lễ được diễn ra dưới chân lễ đài, anh chị em huynh trưởng đại biểu đại hội XI kết chặt vòng dây thân ái cất cao lời ca…gang thép ta chia tay đừng buồn…Thế rồi anh chị em tỏa đi muôn phương như những cánh chim lam bay về trú xứ của mình tiếp tục thực hiện sứ mệnh đã thọ nhận với tổ chức để tiếp tục cuộc hành trình phụng sự lý tưởng GĐPTVN.
Trời Đà Lạt vẫn sương mù giăng giăng khắp chốn và những cơn gió lạnh se thắt lòng người.
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)