THỜI ÔN DỊCH SUY NGHĨ LAN MAN VỀ HAI CHỮ TỪ THIỆN.
Từ thiện là từ Hán-Việt, Theo từ điển Hán Việt Thiều Chửu, từ thiện (慈善) là kết hợp giữa hai từ Từ (thương yêu, như là nhân từ (thương người), từ tâm (lòng thương)) và Thiện (tốt lành). Vậy từ thiện có nghĩa là làm việc tốt từ lòng yêu thương (người). Những hành vi, việc làm tốt mà không xuất phát từ lòng thương thì không được gọi là ‘Từ Thiện”.
Hiểu cho rõ nghĩa của từ thiện thì làm từ thiện sẽ đúng với ý nghĩa của nó. Giáo lý đạo Phật luôn đặt nặng về đức tính từ bi, thực hành hạnh từ bi tức là thực hành hạnh cứu khổ và ban vui cho chúng sanh. Từ bi luôn đi kèm theo một đức hạnh khác như TỪ BI-TRÍ HUỆ, TỪ BI-HỶ XÃ, BI-TRÍ-DŨNG, như vậy các hạnh đi kèm với từ bi như trí huệ, hỷ xã, trí-dũng là những đức hạnh song hành trên hành trình tu tập của người Phật tử, nhưng cũng có thể hiểu là những đức hạnh đi kèm đó hỗ trợ cho việc thực hành hạnh từ bi được viên mãn và đúng chánh pháp. Làm từ thiện xuất phát từ tình thương đem vật chất, của cải, tiền bạc cho đến tinh thần ra mà chia sẻ cho những người nghèo khổ hay đang lâm vào hoàn cảnh hoạn nạn, trong giáo lý đạo Phật gọi đó là hạnh bố thí. Trong “Tứ Nhiếp pháp” (bốn phép thiện để nhiếp hóa chúng sanh: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) thì bố thí được đặt lên trước tiên, trong Lục độ Ba-la-mật ( sáu pháp dùng để độ chúng sanh của hạnh bồ-tát: Bố thí, trí giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huê) thì bố thí cũng được đưa lên hàng đầu.
Năm 2020 đồng bào miền Trung bị thiên tai bão lụt tới tấp, từ Nghệ An cho đến Quảng Ngãi đồng bào lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Trong tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” đồng bào cả nước ở ngoài vũng bão lụt đã chung tay hướng về miền Trung thân yêu để nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ đồng bào miền Trung trong cơn hoạn nạn và đã có rất nhiều đoàn từ thiện gồm rất nhiều thành phần trong xã hội lên đường nhắm về miền Trung để chia sẻ với bà con vùng lũ. Sau một thời gian ngắn vận động trong hàng ngũ huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT trong tỉnh cùng với một số phật tử phát tâm hổ trợ, đoàn cứu trợ của BHD.GĐPTBRVT lên đường trực chỉ miền Trung đợt 1 đến với bà con vùng đồng bằng hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị lúc đó đang chìm ngập trong lũ. Đợt hai đến với bà con vùng cao, đến tận các bản làng bị thiên tai tàn phá của các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa thiên, Quảng Trị. Trong thời gian khoảng hai tháng sau bão lũ hàng trăm đoàn cứu trợ đã đem tình thương cùng với tiền bạc, nhu yếu phẩm trực tiếp trao tận tay cho bà con vùng lũ. Tôi cũng được tham gia đợt cứu trợ của BHD.GĐPTBRVT nên tận mắt chứng kiến những cảnh thống khổ đau thương của bà con miền Trung và bắt gặp hàng trăm đoàn cứu trợ của nhiều thành phần xã hội khác nhau như chính quyền các địa phương, các tôn giáo, các đoàn thể xã hội, các tổ chức từ thiện, các nghệ sỹ v.v….cùng về cứu trợ. Khách quan mà nói thì mặc dù có rất nhiều thành phần xã hội cùng tham gia cứu trợ, nhưng nhiều nhất vẫn là các đoàn của Phật giáo. Rất nhiều chùa, nhiều đạo tràng từ miền Nam với sự dẫn dắt của chư Tăng, Ni và phật tử trực tiếp về vùng lũ cứu trợ. Số tiền của mỗi phần quà, và số lượng phần quà của các đoàn PG cũng có vẻ khiêm tốn vì họ chỉ vận động được phật tử trong đạo tràng của chùa và những nhà hảo tâm. Nhưng Tăng, Ni, phật tử đã đến với bà con vùng lũ trước hết là tình thương muốn chia sẻ nỗi khổ niềm đau của bà con vùng lũ với một ít phẩm vật trao tặng, rất đúng với ý nghĩa câu “của tuy tơ tóc, nghĩa so ngàn trùng”. Hàng trăm đoàn cứu trợ của các ngôi chùa ở miền Nam đã đi ra cứu trợ bà con miền Trung như thế, họ đến trong âm thầm và ra về trong lặng lẽ, không đánh trống khua chiêng, không lên sóng truyền thông hay mạng xã hội, không có một đội ngũ truyền thông đi theo để livestream hay đăng lên mạng xã hội để quảng bá cho việc làm từ thiện của mình. Đến với đồng bào vùng bão lũ miền Trung tự thân những người trong đoàn phải vất vả bốc vác hàng, trực tiếp phát quà cho bà con nên không rảnh để livestream, nếu có chăng thì cũng chỉ một người ghi lại hình ảnh để làm tư liệu.
Hàng trăm đoàn Tăng, Ni Phật tử của các chùa đã đến với bà con miền Trung vùng lũ như thế đó, như đã nói ở trên họ đến trong âm thâm và ra về trong lặng lẽ. Thực hiện xong việc cứu trợ của những người phát tâm đóng góp đã ủy thác, họ trở về với công việc thường ngày.mà lòng hoan hỷ vì đã trực tiếp chia sẻ phần nào nổi khổ niềm đau của bà con vùng lũ, người cho và người nhận đều chan hòa niềm vui. Truyền thông, mạng xã hội ít người đề cập đến họ cũng như cộng đồng xã hội cũng ít nhắc đến họ, nhưng họ đã làm đúng ý nghĩa của hai chữ TỪ THIỆN, đồng thời đúng với tinh thần Bồ-tát đạo là bố thí không trụ tướng, bố thí trên tinh thần “TAM LUÂN KHÔNG TỊCH, tức là bố thí mà: Không thấy người cho, không thấy người nhận và không thấy vật được cho hay được nhận.
Đó mới đúng là tinh thần của những người đi làm từ thiện. Sự mất mát, nỗi khổ niềm đau của bà con miền Trung là rất lớn mà sự chia sẻ của những người làm từ thiện nếu đến với họ với tâm từ bi, trên tinh thần thương yêu, chia sẻ thì sẽ vơi đi phần nào nỗi khổ đó và họ sẽ cảm nhận bằng sự tri ân trong thầm lặng.
Tâm Lễ
(bài đã đăng trên trang Thuvienhoasen.org)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)