THÔNG ĐIỆP THÁNG BẢY: SỐNG CHẬM LẠI VÀ YÊU THƯƠNG NHIỀU HƠN
Thời gian trôi qua như nước chảy gầm cầu, thấm thoát mới đó mà đã là tháng bảy âm lịch rồi. Tháng bảy đối với người Việt chúng ta là tháng dành cho tâm linh. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam từ bao đời xem tháng bảy là tháng mà cửa ngục được mở ra để cho linh hồn những người đang bị giam giữ trở về thăm gia đình trên dương thế. Vì thế tháng bảy người Việt chúng ta thường làm những điều thiện lành để tích lũy phước đức hồi hướng cho ông bà tổ tiên ông bà cha mẹ đã khuất được siêu thoát. Đồng thời họ cũng cũng thiết lễ cúng kiến cho vong linh thập loại cô hồn đang còn vất vơ vất vưởng khắp mọi nơi và cầu cho họ có nơi nương tựa hoặc được thoát kiếp đọa đày, câu nói “tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân” phát xuất từ quan niệm đó. Đối với những người theo đạo Phật thì tháng bảy là tháng báo hiếu, ngoài việc tạo tác những hạt giống thiện lành, gia tâm làm những điều thiện họ cũng chuyên trì tu tập, nhiều người thường nhật chỉ ăn chay kỳ, có thể là tháng hai ngày hoặc bốn ngày, nhưng tháng bảy rất nhiều người phát nguyện ăn chay suốt tháng cũng không ngoài ý nghĩa làm lành tránh dữ, tích lũy phước đức. Tháng bảy là mùa báo hiếu, tất cả những người theo đạo Phật đều cầu nguyện Chư Phật mười phương từ bi gia hộ cho tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp được siêu sanh Cực Lạc Quốc, ông bà, cha mẹ hiện tiền được mọi sự an lành thân tâm thường lạc. Mùa báo hiếu, Vu Lan thắng hội hầu hết những người theo đạo Phật đều đến chùa cầu nguyện và hướng tâm về sự báo hiếu. Kể từ khi được thầy Nhất Hạnh du nhập tục lệ cài bồng hồng trong ngày Mother’s day của người Nhật từ những thập niên 1960s và phổ biến đoản văn Bông Hồng Cài Áo sau đó được nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc thì nghi thức cài bông hồng trong mùa Vu Lan đã được lan tỏa rộng rãi. Bây giờ nghi thức đó đã trở thành một truyền thống, một nét văn hóa đẹp mang tính nhân văn được thực hiện trong các lễ Vu Lan Báo Hiếu khắp tất cả các chùa Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài, nghi thức này cũng đã có hướng lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng xã hội.
Tháng bảy năm nay mùa Vu Lan báo hiếu về trong hoàn cảnh cả thế giới đang gồng mình chống dịch Covid-19. Trong nước thì tình hình cũng rất tồi tệ, suốt ba tháng qua dịch bện trở lại và có khuynh hướng lây lan nhanh chóng, cho tới thời điểm này số người nhiễm bệnh đã gần ba trăm ngàn người, nhất là tại Sài Gòn ngày nào cũng phát hiện ca dương tính lên tới con số hàng ngàn và số người bị chết bởi dịch bệnh trên toàn quốc cũng lên trên ba ngàn, dịch bệnh vẫn diễn tiến phức tạp hiện nay chưa có dấu hiệu chửng lại. Để hạn chế sự lây lan chính quyền đã áp dụng giãn cách, thắt chặt sự đi lại khiến cho hầu như mọi hoạt động của xã hội đều bị ngưng trệ, người dân không được ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, công ty xí nghiệp đóng cửa, người lao động tự do rơi vào tình trạng khủng hoảng vì thất nghiệp, không có tiền trang trải cuộc sống. Rất nhiều tai ương mà dịch bệnh đã mang đến cho con người và xã hội, những gì mà nó gieo rắc cho loài người còn đau thương hơn một cuộc chiến tranh. Thế nhưng bên cạnh những sự mất mát mà bản thân cũng như gia đình xã hội phải gánh chịu vì đại dịch mang lại, thời gian bị quản thúc ở nhà suốt hàng tháng trường cũng chúng ta cũng “ngộ” ra nhiều điều tốt-xấu trong cuộc sống, những bất công của xã hội, bộ mặt thật của một tầng lớp quyền lực cũng được dịp lộ diện ra, những mảnh đời bi thương, những số phận hẩm hiu trong xã hội được nhận diện. Đại dịch không biết khi nào chấm dứt, còn hôm nay chúng ta phải đối diện với nó, sự khó khăn chồng chất lên cuộc sống, chúng ta không thể nào thay đổi được hoàn cảnh thực tại, nếu cứ ngồi lo lắng bâng quơ hoặc than thân trách phận thì nào có được lợi ích gì mà nó càng khiến ta ngập chìm trong suy nghĩ tiêu cực và tuyệt vọng. Không thay đổi được hoàn cảnh thì chọn cách suy nghĩ, cách sống tích cực cũng là một giải pháp tốt giúp chúng ta vượt qua nhũng ngày tháng khó khăn này.
-SỐNG CHẬM LẠI: Chính những ngày tháng bó gối trong nhà không giao tiếp với cộng đồng, không bận tâm với công việc hàng ngày đã giúp ta có thời gian “phản quan tự kỷ” quay lại nhận diện chính mình, xem xét lại tâm thức chính mình để nhận rỏ những năm tháng qua vì bon chen sự nghiệp, vì danh lợi, vì miếng cơm manh áo chúng ta đã trôi lăn theo dòng đời mà đôi lúc không nhớ ra mình là ai, đây cũng là cơ hội xem xét lại thái độ sống của mình, xem xét lại cách đối nhân xử thế của mình. Thời gian qua có phải là chúng ta đã quá hướng ngoại tìm cầu, bị cuốn theo bao chuyện thị phi, đàm tiếu của thiên hạ mà chưa hề sống thật cho mình.. Thay vì vùi đầu vào chiếc điện thoại để lướt web, chát chít với ai đó hoặc dán mắt vào màn hình TV xem hết phim này đến phim khác, hết đài này chuyển qua đài khác cho qua tháng ngày. Giết thì giờ là một khái niệm hết sức nguy hại, nó đồng nghĩa với việc tự giết đi một thời gian sống quý giá của chính mình. Suy nghĩ tích cực để chọn lối sống tích cực, vì đây cũng là thời gian vàng cho ta tinh cần tu tập, hạ thủ công phu, phát triển nội lực và nghiên cứu, tìm hiểu kinh sách, nội điển. Đây là những điều mà trong cuộc sống bình thường chúng ta khó mà thực hiện được.
-YÊU THƯƠNG NHIỀU HƠN: Những ngày tháng cả nước đối đầu vời đại dịch cho chúng ta thấy rằng đây là một cuộc chiến không cân sức giữa loài người thông minh tài trí nhất trong muôn loài với những sinh vật không thấy hình dạng, không thấy nó ở đâu cả, nhưng hầu như nó ở khắp tất cả và nó sẽ bất ngờ gieo tai họa cho bất kỳ ai. Trong thời gian sống trong đại dịch này chúng ta nhận chân được thân phận con người thật là mong manh, vô thường diễn biến trong từng sát-na và cái chết sẽ đến với bất kỳ ai và bất kỳ khi nào Hằng ngày qua phương tiện truyền thông chúng ta đã thấy biết bao nhiêu cảnh khổ đang diễn ra trong một đất nước thời bình mà còn tồi tệ hơn thời chiến. Tai ương do dịch bệnh mang đến cho xã hội rất kinh hoàng, hàng ngàn người chết cô đơn trong bệnh viện, không có một người thân bên cạnh, không có một nén nhang sưởi ấm, không có một nghi lễ tiễn đưa, xác họ được đưa đến nhà hỏa táng và sắp hàng chờ hỏa thiêu và những gì để lại cho người thân là một hũ tro cốt nguội lạnh. Trong khi đó hàng chục ngàn người khác phải rời gia đình để đến những khu cách ly trong nỗi lo sợ ám ảnh thần chết sẽ gọi tên mình không biết khi nào. Về mặt xã hội, đại dịch đã đưa đến hàng triệu người mất việc làm, không có thu nhập, không có tiền trang trải cuộc sống, nó tạo ra những mảnh đời bất hạnh đang sống giữa chốn phồn hoa đô hội mà không có cái ăn nên phải hoặc vượt hàng ngàn cây số về quê để trốn dịch mà thực ra là trốn chạy cái đói đang ập đến và hệ quả là đã có những người phải bỏ mạng dọc đường. Trong thời gian dịch bệnh chúng ta đã chứng kiến được những điều như cụ Nguyễn Du đã từng nói ‘những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.Cũng chính những điều trông thấy khiến cho lòng phải xót xa ấy mà chúng ta thấy được lẻ vô thường của cuộc sống, thấy được kiếp sống nhân sinh quá là phù du và cuộc trần thế luôn diễn ra cảnh tang thương dâu bể. Thấy được những khổ đau chồng chất trong cuộc sống, thấy được kiếp người mong manh, thấy được những khổ đau đang diễn ra hàng ngày chung quanh đã khiến cho lòng ta thương cảm. Thế nên phát tâm từ bi, chia sẻ, giúp người hoạn nạn trong cơn khủng hoảng này được phát xuất từ trái tim từ ái là một sự lựa chọn tích cực. Ban phát tâm từ bi, dang tay giúp đỡ người khốn khó làm cho nó lan tỏa trong cộng đồng, góp phần xoa dịu những nỗi khổ niềm đau của đồng bào mình tức là đã làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.
“Tháng bảy mùa trăng ngày hiếu Vu Lan về…” là một câu hát trong bài “Tâm sự người cài hoa trắng” thường được cất lên trong những buổi lễ bông hồng cài áo hằng năm. Nhưng có lẻ năm nay nó chỉ có trong tâm tưởng, không nghi lễ Vu Lan, không nghi thức bông hồng cái áo vì thế sẽ không có bông hồng hay bông trắng sẽ được cài lên ngực áo của chúng ta, nhưng mùa Vu Lan vẫn hằng hữu trong tâm ta. Vì thế SỐNG CHẬM và YÊU THƯƠNG NHIỀU HƠN sẽ làm cho mùa báo hiếu năm nay càng thêm nhiều ý nghĩa.
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
(bài đã đăng trên trang thuvienhoasen.org)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)