CHỮ TÍN TRONG LÝ TƯỞNG, HÀNH HOẠT CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
24-11-2021 | | 0 Phản Hồi
BBT: Kính gửi anh chị huynh trưởng của lớp học Phật Pháp Căn bản.
Chúng ta đã qua bài học mới tuy nhiên thầy Giáo thọ muốn quý anh chị làm luận văn về đề tài CHỮ TÍN TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ, vì đây là một đề tài thầy rất tâm đắc. Vâng ý chỉ của thầy, BBT đăng bài luận văn của anh Tâm Lễ để quý anh chị tiếp tục viết về đề tài này.
CHỮ TÍN TRONG LÝ TƯỞNG, HÀNH HOẠT CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Tâm Lễ
A DẪN NHẬP.
Trong cuộc sống đời thường chúng ta thường hay nghe nói về chữ TÍN, như uy tín, tín tâm, trung tín …Vậy thì ý nghĩa của chữ Tín là gì, bài viết dưới đây xin tìm hiểu về chữ Tín trong lý tưởng và hành hoạt của Gia đình Phật Tử, đồng thời cũng tìm hiểu vài nét sơ lược quan niệm về chữ Tín đối với Nho giáo và Phật giáo.
B. NỘI DUNG
Trước khi tìm hiểu chữ TÍN trong lý tưởng, hành hoạt của Gia Đình Phật Tử chúng ta thử tìm hiểu quan niệm về chữ Tín trong Nho giáo và Phật giáo như thế nào.
I. CHỮ TÍN TRONG QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO: Đối với Nho giáo Tín là đức tính thành thật, sống một cách trung thực, tôn trọng lời hứa, cẩn trọng trong giao tiếp, ứng xử đúng với đạo lý làm người. Tín như là một trong những hành động thực thi lòng nhân nghĩa đối với mọi người, đặc biệt trong các lĩnh vực quan hệ giao tiếp, ứng xử. Con người của Nho giáo luôn biết coi trọng chữ Tín, người trọng chữ Tín trong cách sống và quan hệ với xã hội được gọi một cách kính trọng là người có UY TÍN. Đối với Nho giáo chữ Tín là một yếu tố tạo nên Ngũ Thường: tức là năm điều đạo đức thường có ở đời, năm điều đó góp phần hình thành nên nhân cách và tinh thần đạo lý ở mỗi con người đó là: Nhân, Nghĩa, Lễ Trí, Tín.
Như vậy đối với Nho giáo chữ Tín rất được xem trọng vì nó là một yếu tố để tạo nên đạo đức, nhân cách của một con người trong lối sống và thuật đối nhân xử thế ở đời.
II. CHỮ TÍN TRONG PHẬT GIÁO: Theo quan niệm của Phật giáo thì chữ Tín có đầy đủ yếu tố như Nho giáo nghĩa là phải giữ sự trung thực, luôn tôn trọng và giữ lời hứa trong giao tiếp, trong đối nhân xử thế để tạo uy tín cho chính mình, tạo cho mình một phong cách chuẩn mực. Ngoài ra chữ Tín trong Phật giáo còn có nghĩa là niềm tin, đức tin vào giáo lý đạo Phật, gọi là Tín tâm, khi nói về đức tin trong tôn giáo người ta thường phân biệt Chánh tín và Mê tín
-Chánh tín: Là có một đức tin chơn chánh được hình thành từ cơ sở của tư duy trí tuệ. Dùng trí tuệ để soi xét một vấn đề, dùng tư duy, lý trí để cân nhắc suy xét một cách thận trọng thấy điều nào phù hợp với đạo đức, phù hợp với chân lý và tin theo.
- Mê tín: Là niềm tin dựa trên cảm tính, thấy yêu thích và có lợi ích cho bản thân thì tin theo không được ánh sáng của trí tuệ soi rọi vào. Không dùng lý trí để phân định đúng sai, phải trái, không căn cứ vào giáo lý của Đức Phật để đối chiếu mà tin theo một cách mê muội.
Chữ Tín Trong Đạo Phật, nói đầy đủ là Chánh Tín tức là đức tin, niềm tin khởi nguồn từ nhận thức dựa trên nền tảng của từ bi và trí tuệ.
Trong 37 phẩm trợ đạo có:
- Ngũ Căn: Là Tín Căn, Tấn Căn, Niệm Căn, Định Căn, Huệ Căn tức là năm nền tảng căn bản để phát sinh thiện pháp là các gốc để đưa con người đến với chánh đạo. Trong Ngũ Căn thì Tín Căn được nêu lên trước tin , hàm ý tất cả mọi căn bản đều được xuất phát từ Tín Căn vì Tín Căn là đức tin căn bản vào Tam Bảo, vào giáo lý của Đức Phật sau khi đã được suy xét một cách thấu đáo, minh bạch.
-Ngũ Lực: Là Tín Lực, Tấn Lực, Niệm Lực, Định Lực, Huệ Lực. Ngũ lực là sức mạnh sinh ra trong quá trình tu hành, giúp duy trì sự kiên định liên tục để đạt đến sự giải thoát. Trong đó Tín Lực cũng được nêu lên đầu tiên. Tín Lực là sức mạnh sinh ra từ Tín Căn có khả năng tin tưởng vào chánh tín và phá hủy những tà tín hay mê tín.
- Tứ bất hoại tín: Tứ bất hoại tín tức là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin Giới. Đây là bốn niềm tin kiên cố không thể hủy hoại, bốn niềm tin không thể hủy hoại của một phật tử. Nếu một phật tử mà dao động hoặc mất niềm tin vào bốn niềm tin kiên cố căn bản trên đây thì sẽ mất tín tâm vào chánh pháp và như thế thì sẽ mất phương hướng, sẽ đánh mất tâm bồ-đề. Một phật tử mất niềm tin vào bốn điều trên đây thì sẽ trở thành một phật tử trên hình thức và sẽ không có một sự tiến bộ nào trên hành trình cũng cố đạo tâm và phát triển nội lực tâm linh.
Ngoài ra chữ tín còn được nhắc đến trong những bội kinh Đại thừa Phật giáo như Thắng Man, Kim Cang, Pháp hoa, Hoa Nghiêm…
III. CHỮ TÍN TRONG LÝ TƯỞNG, HÀNH HOẠT CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ.
Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục thanh thiếu đồng niên dựa trên nền tàng giáo lý Phật-đà nhằm đào luyện họ trở thành những phật tử chơn chánh, đồng thời góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo như trong mục đích GĐPT đã nêu rỏ và không hề thay đổi trong suốt 70 năm qua.
Vì là một tổ chức giáo dục dùng giáo lý đạo Phật làm căn bản để tu học cho đoàn viên nên nội dung giáo dục cũng từ giáo lý của Đức Phật trên tinh thần đưa đạo vào đời, chuyển hóa giáo lý ấy từ những lý thuyết trong tam tạng kinh điển trở thành những hiện thực sinh động mang tính ứng dụng cao trong đời sống xã hội. Đem đạo vào đời, đem giáo lý của Đức Phật để thực hành một cách thiết thực trong đời sống xã hội là tôn chỉ, là mục tiêu mà tổ chức GĐPT đặt ra từ khi mới thành lập cho đến ngày nay. Muốn hoàn thành tôn chỉ đào luyện con người am tường giáo pháp và thực hành giáo pháp ấy vào đời sống trước hết là phải taọ dựng cho họ NIỀM TIN kiên cố, xem đó là hành trang căn bản trên hành trình tu học và phụng sự.
Trong GĐPT chữ Tín bao gồm quan niệm chữ Tín của Nho giáo, chữ Tín của Phật giáo và còn thêm chữ Tín đối với lý tưởng GĐPT.
1.Chữ Tín trong lý tưởng GĐPT: Tín trong lý tưởng GĐPT là một điều căn bản yêu cầu phải được xác định đối với mỗi đoàn viên. Nếu một đoàn viên GĐPT mà thiếu niềm tin vào lý tưởng thì chắc chắn không thể phục vụ lâu dài trong tổ chức được. Nếu anh chị đó còn ở trong tổ chức thì còn chăng chỉ là cái áo khoác trên người. Cho dù anh chị đang là cấp nào, đang giữ chức vụ gì cũng thế, thiếu niền tin sâu sắc vào tổ chức thì anh chị đó tự biến mình thành kẻ đứng bên lề với cái áo lam khoác lên mình như là một hình tướng.
Trong tài liệu tu học trại Lộc Uyển có bài “Đức tin của người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử’ nhấn mạnh rằng người huynh trưởng GĐPT ngoài đức tin căn bản là tin vào cuộc đời của Đức Phật, tin vào giáo pháp của Đức Phật còn phải trang bị hai niềm tin kiên cố sau đây:
a.Tin vào năng lực của chính mình: Điều này cũng không ngoài giáo lý của Phật, ngài daỵ đệ tử “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” hoặc “Hãy tự mình nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào ai khác” . Như vậy qua lời dạy của Đức Phật, người huynh trưởng GĐPT phải tự tin vào khả năng giác ngộ của chính mình mới có thể giác ngộ tự thân và đủ niềm tin để phụng sự cho đạo pháp, phụng sự lý tưởng được.
b.Tin vào Gia Đình Phật Tử: Người huynh trưởng đã chọn tổ chức GĐPT để làm lý tưởng sống và phụng sự vì đã hiểu mục đích tôn chỉ của tổ chức, từ đó phát nguyện thực hành bồ-tát hạnh, phụng sự chúng sanh mà đoàn sinh GĐPT là đối tượng trực tiếp. Vì vậy phải đặt niềm tin vào lý tưởng GĐPT. Trong quá trình hiện diện trên quê hương gần một thế kỷ qua GĐPT đã đóng góp cho đạo pháp rất nhiều Tăng tài cho Phật giáo, rất nhiều phật tử thuần thành, am tường giáo lý, trung kiên với đạo pháp góp phần hộ đạo và hoằng dương chánh pháp. GĐPT cũng đóng góp cho xã hội rất nhiều công dân tốt phục vụ cho nước nhà, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội thanh bình, an lạc hơn.
2.Thực hành chữ Tín trong hành hoạt: Sau khi niềm tin đã được cũng cố vào lý tưởng GĐPT như đã trình bày ở trên, người huynh trưởng GĐPT trong bất cứ mọi hành hoạt đều phải lấy chữ Tín làm đầu để thực hiện sứ mệnh huynh trưởng.
Chữ Tín phải được ăn sâu trong tâm thức để từ đó thực hiện chữ Tín trong hành hoạt. Thế nên sau khi phát nguyện thọ nhận trách nhiệm làm người huynh trưởng GĐPT trong lễ truyền đăng kết khóa trại đào tạo huynh trưởng đầu tiên là trại huấn luyện huynh trưởng sơ cấp Lộc Uyển. Từ đây anh chị đang tự mình thọ nhận trách nhiệm và bổn phận của một huynh trưởng tập sự trong GĐPT với vai trò Đoàn phó. Sau thời gian phục vụ trong tổ chức được thử thành sự trung kiến , tinh thần phụng sự đạo pháp, phụng sự lý tưởng người huynh trưởng ấy được dự trại huấn luyện A-dục. Sau đó nếu thể hiện được tinh thần trung kiên và phát nguyện dấn thân nhận lãnh sứ mệnh huynh trưởng anh chị sẽ được phát nguyện thọ huynh trưởng cấp Tập. Tiếp theo, trưởng thành hơn bước nữa khi chí nguyện đã vững bền, niền tin đã kiên cố anh chị sẽ được thọ huynh trưởng cấp TÍN. Chữ Tín trong huynh trưởng cấp Tín đã nói lên tâm nguyện và ý chí cũng như tinh thần trách nhiệm và bổn phận của người huynh trưởng đã thọ nhận lãnh sứ mệnh huynh trưởng của cấp ấy rồi vậy.
C. KẾT LUẬN
Tóm lại chữ Tín trong lý tưởng và hành hoạt của GĐPT là điều tiên khởi, cũng là điều căn bản để mỗi một huynh trưởng áp dụng trên hành trình tu học và phụng sự Đạo pháp phụng sự lý tưởng, phụng sự chúng sanh.
Chữ Tín càng kiên cố thì chí nguyện phụng sự càng bền vững và sẽ không thối thất trước mọi chướng ngại trên hành trình lắm chông gai để dấn thân phục vụ Dân tộc, Đạo pháp và tổ chức Gia đình Phật tử ./.
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)