KỲ XII: THAM QUAN VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM.
16-05-2024 | | 0 Phản Hồi
KỲ XII: THAM QUAN VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM.
Trước hết xin nói rõ Văn Miếu-Quốc Tử Giám là hai công trình có công năng khác nhau được xây dựng trong một khuôn viên chung, vì thế người ta thường hay gọi là Văn Miếu-Quốc Tử Giám mà ít ai để ý về ý nghĩa và công năng của hai công trình này.
VĂN MIẾU: Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tập 1, tr.234 chép: “Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học.” .Như vậy Văn Miếu ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, còn mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó mới 5 tuổi, đến năm 1072 lên ngôi trở thành vua Lý Nhân Tông. Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử. sau này Văn Miếu còn thờ 3 vị vua anh minh của dân tộc: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông. và tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An.
QUỐC TỬ GIÁM: Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử giám ở bên cạnh Văn miếu, có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc tử).
Như vậy có thể nói tóm tắt cho dễ hiểu: Văn miếu thờ Khổng Tử là người khai sáng ra đạo Nho, được xem như một tôn giáo mà nước ta ảnh hưởng rất sâu đậm. Còn Quốc Tử giám là trường Đại học đầu tiên ở nước ta chuyên đào tạo nhân tài cho tổ quốc, mới đầu trường chỉ dạy cho các hoàng tử và vương tôn công tử sau mở rộng ra cho những sĩ tử con thường dân nhưng có trình độ học vấn xuất sắc.
Khu di tích là “tấm gương” phản chiếu tinh thần hiếu học, coi trọng người tài và truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di tích Nho học nổi tiếng, tiêu biểu, có giá trị lớn về nghệ thuật – thẩm mỹ – kiến trúc.
Đoàn chúng tôi vào tham quan khu di tích vào một buổi chiều cuối xuân hà nội, trời có nắng nhạt và không khí mát mẻ. Chúng tôi được tham quan chiêm ngưỡng nhiều tư liệu, hiện vật quý giá. Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô, của Việt Nam, mà nó đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại.
Hình ảnh ấn tượng đầu tiên gây ấn tượng cho chúng tôi là Khuê Văn Các với lối kiến trúc giãn dị nhưng hài hòa và mang tính thẩm mỹ cao,. Khuê Văn Các được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, đã gây ấn tượng với du khách bởi lối kiến trúc vô cùng độc đáo. Trong văn hóa Đông Á và Việt Nam, sao Khuê là biểu tượng của văn chương, học thuật.
Khuê Văn Các được thiết kế với lầu vuông 8 mái, cao gần 9 thước. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch vuông bên dưới được trạm hoa văn tinh xảo, làm bệ đỡ cho tầng gác bên trên.
Tầng trên với lời bình là một “viên ngọc sáng” của di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám được thiết kế nổi bật với 4 ô cửa hình mặt trời đang tỏa sáng cùng với mái ngói đỏ chồng 2 lớp tạo nên công trình mái đặc biệt. Hai bên Khuê Văn Các là 2 cửa mang tên Bí Văn và Súc Văn dẫn vào từng khu nhà bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Khuê văn các đã quá nổi tiếng vì nó là biểu tượng cho nền văn học nước ta, đồng thời cũng là biểu tượng của thủ đô Hà Nội, ngàn năm văn vật. Văn Miếu-Quốc Tử Giám, một biểu tượng của nền văn minh, văn hiến và trí tuệ Việt Nam.
Đặc biệt là 82 tấm bia tiến sĩ – hiện vật từng được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”. Một trong 82 bia tiến sĩ được khắc một câu nói bất hủ của Thân Nhân Trung (ông đỗ tiến sĩ năm 1469).soạn năm 1484 “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo gây dựng nhân tài”. 82 tấm bia đá được dựng trong khoảng thời gian từ năm 1484 đến 1780 đã ghi lại lịch sử các khoa thi tiến sĩ được tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Dựa trên tư liệu tổng hợp từ nội dung các tấm bia, hậu thế đã biết được trong hơn 300 năm, nước ta có 1.307 người đỗ tiến sĩ.
Qua việc lưu danh các hiền tài của đất nước trên các tấm bia đá, chúng ta cũng nhận thức được các vị minh quân thời xưa đã coi trọng các bậc hiền tài của đất nước và tôn vinh cũng như đã sử dụng họ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đến Hà Nội được vào tham quan khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám để thấy tự hào về dân tộc đã coi trọng đạo học và nhân tài của đất nước. Xem trong các bậc hiền tài như thế nào chúng ta cũng cảm thấy một nền văn minh, văn hóa của dân tộc Việt đã được lưu dấu nơi đây. Những tấm bia đá lưu danh các bậc hiền tài cũng là bài học cho hậu thế phải biết trân quý giữ gìn di sản văn hóa của tổ tiên đã để lại. Để thấy những gì còn lưu lại trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám là quốc bảo, là kết tinh trí tuệ và hồn thiêng sông núi đã in dấu hàng ngàn năm.
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)