KỲ XIII: THAM QUAN, CHIÊM BÁI CHÙA ĐẬU.

436234013_2261296424201653_6704762347429016735_n

KỲ XIII: THAM QUAN, CHIÊM BÁI CHÙA ĐẬU.
Chùa Đậu tuy không đồ sộ lớn lao như một số chùa khác nhưng có một bề dày lịch sử đáng nể, hơn nữa là nơi tôn trí nhục thân của hai thiền sư đắc đạo là Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh.
Chùa Đậu tên chữ là Thành Đạo Tự hay là Pháp Vũ Tự, là chùa thờ một trong tứ pháp lớn nhất ở miền Bắc.(Tứ pháp gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tương trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Chùa Đậu tọa lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa này cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km. Trước kia, khu vực Thường Tín thuộc tỉnh Hà Tây cũ (hiện tại đã là Hà Nội). Theo cuốn sách được lưu trữ tại chùa, lịch sử chùa Đậu Hà Nội đã tồn tại lâu đời gần 2.000 năm, từ thời Sĩ Nhiếp thế kỷ thứ 3. Trải qua nhiều thế kỷ, chùa Đậu đã nhiều lần được sửa chữa, tôn tạo.
Vào đời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa Đậu còn được biết đến là “Đệ nhất danh lam”. Chùa Đậu linh thiêng cũng gắn liền với quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Từ năm 1964, chùa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A.
Đặc biệt, chùa Đậu còn nổi tiếng là nơi lưu giữ 2 pho tượng được tạo từ di hài của 2 vị thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh. Pho tượng táng của thiền sư Vũ Khắc Trường hiện đã hư hại ít nhiều. Còn pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh hiện vẫn tương đối nguyên vẹn. Pho tượng cao 59cm, nặng 7kg, 2 tay chắp trước bụng, 2 chân bắt chéo theo tư thế kiết già, người hơi cúi về phía trước. Trải qua gần 4 thế kỷ, pho tượng vẫn giữ được nét mặt an nhiên siêu thoát, phảng phất bờ môi thoáng cười niềm hạnh phúc vô biên bất diệt. thiền sư Vũ Khắc Minh có pháp danh là Đạo Chân, viên tịch vào khoảng năm 1638. Thiền sư Đạo Chân đã trụ trì chùa Đậu nhiều năm. Theo huyền tích dân gian, trước khi viên tịch, nhà sư đã dặn các đệ tử rằng: “Sau khi nghe tắt tiếng mõ 7 ngày, hãy mở cửa am ra. Nếu thấy ta ngã thì an táng như bình thường, nếu ta còn ngồi thì làm theo cách này…”.
Sau đó thiền sư nhập thất, đóng kín cửa. Theo đúng lời thầy dặn, sau 7 ngày im tiếng mõ, các đệ tử mở cửa am vẫn thấy nhà sư trong tư thế thiền định, không có mùi hôi. Các đệ tử liền làm theo cách được ông hướng dẫn để tạo hình pho tượng.
Pho tượng tạo từ di hài của thiền sư Vũ Khắc Minh hoàn toàn không giống những cách ướp xác đã biết trên thế giới. Cho tới nay, người ta vẫn chưa tìm được tài liệu lý giải về phương pháp tạo tượng này. Thậm chí, hiện không có tư liệu về việc ông tu theo hệ phái nào trong Phật giáo Việt Nam. Hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ XVII. Kiểm tra X-quang cho biết, toàn thân hai vị thiền sư không có vết đục đẽo, không có hiện tượng rút bỏ nội tạng…Trải qua gần 400 năm tồn tại thân thể của hai ngài vẫn không hề bị hủy hoại. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh cao 57cm, nặng 7,5 kg, thiền sư Vũ Khắc Trường cao 75cm, nặng 31 kg.
Chúng tôi đến chùa Đậu thì trời đã về chiều. Xe chạy qua một vùng nông thôn rất yên bình, cảnh quan hai bên đường là hình ảnh đặc trưng của vùng nông thôn Bắc bộ, hai bên đường là những cánh đồng lúa, những cánh đồng trồng rau chạy dài, xanh mướt. thật là một vùng quê thanh bình, yên ả.
Chùa Đậu tuy nổi tiếng như thế nhưng là một ngôi chùa quê, đường vào chùa có những người dân bán rau quả, họ bày biện rau trên những tấm ni-lon trải trên đường. Những thứ rau củ quả của vườn nhà đem bán cho khách hành hương với giá thật rẻ, trông những người đàn bà nhà nông chất phác và lam lũ, nếu bán hết tất cả những gì họ bày ra thì không tới trăm ngàn đồng, khi ra về trong đoàn cũng có chị đã mua những mớ rau đó như là một sự chia sẻ với giá ủng hộ.
Chúng tôi chiêm bái lễ Phật trong chánh điện và đảnh lễ trước nhục thân của hai vị thiền sư đắc đạo mà lòng thật xúc động. quý ngài đã xã báo thân, nhưng để lại nhục thân như là một thứ xá lợi. Một sự thị hiện sự chứng đắc đã làm cho người dân cả nước (và cả nước ngoài) phải cúi đầu kính phục. Các nhà khoa học đã đem nhục thân của quý ngài về xét nghiệm bằng phương pháp và dụng cụ y khoa tân tiến nhất và thấy hộp sọ của ngài không bị đục thủng để lấy nảo ra và nội tạng cũng tự tiêu hủy mà không cần phải phẩu thuật lấy ra rồi ướp xác như những phương pháp ướp xác thông thường của Ai Cập.
Các nhà khoa học không giải thích được vì sao mà xác của hai thiền sư tồn tại một cách diệu kỳ như thế, những vị rtu hành lý giải hiện tượng này là quý ngài đã chủ động dùng lửa tam muội đốt cháy nội tạng để đi vào niết bàn.
Sự niết bàn để lại nhục thân bất hoại nói lên sự linh thiêng mầu nhiệm của những vị sư tu hành đắc đạo một cách thuyết phục nhất cho loài người. Hai viên ngọc xá lợi quý giá đó là hai vị thiền sư Việt Nam, tu hành tại một ngôi chùa quê, nơi mà chúng tôi đã được đến chiêm bái trong một buổi chiều cuối xuân nắng nhạt, gió nhẹ và phong cảnh thật tỉnh lặng, thanh bình…
Tâm Lễ

436197489_2261296450868317_2417361687087996861_n

436234097_2261296344201661_7976630936131894034_n

440362957_2261296384201657_2366824795747967031_n

436295201_2261295577535071_8016882597598037231_n

436357878_2261296290868333_222930918279799291_n

440363538_2261295587535070_2158739522359447221_n

440377035_2261296277535001_4352284158418242063_n

440379018_2261296267535002_2523737296225789843_n

440382490_2261296504201645_627308094180013271_n

441294903_2261296460868316_1744985065593656365_n

442384887_2261296360868326_227114667190886723_n

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb