BỒ TÁT GIỚI

BỒ TÁT GIỚI

 

I. LÝ TƯỞNG BỒ-TÁT

-Bồ-tát là  người đã dâng hiến trọn cuộc đời của mình không chỉ một đời này, mà nhẫn đến vô số đời trong tương lai, trong thời gian vô tận, cho một mục đích duy nhất là thành Đẳng chánh giác; và thành Đẳng chánh giác không vì an lạc riêng cho mình   mà vì an lạc và lợi ích cho rất nhiều, cho vô lượng vô biên chúng sinh.

-NGƯờI  hành trì Phật pháp vì mong cầu an lạc và lợi ích cho vô số chúng sinh khác, trong hiện tại và trong tương lai vô tận, đều được gọi là Bồ-tát, nên có hàng Bồ-tát  tại gia và hàng Bồ-tát  xuất gia.

-Trong tự tính thanh tịnh mọi chúng sanh đều hàm chứa đức từ bi, nhưng nếu không tu tập, không phát triển, nó không bao giờ lớn thêm, rộng thêm để có lợi lạc cho mình và mọi người.

- Đức Phật dạy Tứ vô lượng tâm, nhưng  không phải  chỉ là lý thuyết, mà là sự thực hành, có phương pháp, có tăng tiến. Tu tập cho tâm từ bi càng lúc càng rộng lớn thêm lên, đó là thực hành Bồ-tát đạo.

- Bồ-tát  Đạo là   on đường của những người khởi hành bằng nguyện Bồ-đề .

- Nguyện Bồ-đề là trí năng tỉnh thức, là khả năng phán đoán thế giới của ta, thân và tâm của ta, cái gì thật, cái gì giả. Khi mới bắt đầu, bồ-đề nguyện cũng chỉ là ý tưởng mơ hồ. Đứng dưới chân núi, mấy mây thấp trên đầu núi. Khung trời do vậy cũng chỉ thấy ngang đầu núi thôi. Rồi càng leo cao một bậc, mây lại cao thêm một lớp, và trời lại cao thêm một tầng. Lên cho đến đầu đỉnh núi, mới biết trời đất bao la.

-Bồ-tát  Đạo là con đường được định hướng bằng bồ-đề nguyện, và bước đi bằng bồ-đề hành. Người học đi, khi đã có thể đứng, có thể bước, bấy giờ điều cần học là biết cách tránh. Tránh những chướng ngại, tránh những chỗ lồi lõm, những chỗ gai góc, tránh không để trượt té.

-Hành bồ-đề cũng vậy, biết phòng hộ, biết vượt qua chướng ngại. Biết phòng hộ, có năng lực phòng hộ, để vượt qua những chướng ngại, đó là sự học tập bằng Bồ-tát  Giới.

II. BỒ-TÁT GIỚI VÀ PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM

1. Bồ-đề tâm: Bodhicitta; là tâm nguyện vĩ đại của Bồ Tát, tâm nguyện vì lợi ích cho tất cả chúng sinh mà tu tập, hành những điều khó hành trải qua nhiều vô số kiếp. Song, chúng ta cũng biết rằng cả ba thừa đều nhắm đến mục đích cứu cánh là bồ-đề, cho nên có bồ-đề của Thanh văn, bồ-đề của Độc Giác và bồ-đề của Đẳng giác Phật. Tâm bồ-đề là tâm nguyện hướng đến mục đích cứu cánh, do đó cũng được phân biệt thành ba thừa như vậy.

Nói tóm lại, trong ý nghĩa vừa nói, phát tâm bồ-đề, là phát nguyện thành Phật. Theo Kinh Pháp Hoa, chư Phật xuất hiện thế gian chỉ vì một nhân duyên duy nhất. Cho nên cứu cánh bồ-đề cũng duy chỉ có một. Từ đó mà biết rằng Bồ-đề tâm là cội nguồn an lạc của chúng sinh. Kinh Hoa Nghiêm nói:

Thiện nam tử, Bồ-đề tâm như hạt giống, vì từ đó nảy mầm tất cả Phật pháp. Bồ-đề tâm như khoảnh ruộng tốt, vì từ đó sinh trưởng tất cả các pháp bạch tịnh của chúng sanh. Bồ-đề tâm như mặt đất, vì nâng đỡ tất cả thế gian. Bồ-đề tâm như nguồn nước, rửa sạch tất cả cáu bẩn phiền não. Bồ-đề tâm như ngọn gió, đi khắp thế gian không trở ngại. Bồ-đề tâm như ngọn lửa đốt cháy tất cả cỏ rác tà kiến…”.

2. Bồ-đề nguyện:

-Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh (kinh Duy-ma-cật )

- Giữ cho chủng tánh Phật bất đoạn (Kinh Kim Cang)

3. Bồ-đề hành:

a/Để chủng tánh Bồ Tát không bị cắt đứt

Có những điều thiện do bẩm sinh, gọi là sinh đắc thiện, nhưng cũng còn nhiều điều thiện có được phải do nỗ lực tu dưỡng, gọi là gia hành thiện. Cũng vậy, bồ-đề tâm không phải tự nhiên mà có. Nếu tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật, thì tất cả đều có thể phát đại bồ-đề tâm. Vậy, điều cần làm là học cách để phát bồ-đề tâm, như người nông phu dù đã có sẵn hạt giống nhưng phải học cách gieo trồng, phải biết cách ươm mầm cho hạt giống có cơ sinh trưởng thành cây lớn có ích. Kinh và luận chỉ dạy rất nhiều về các phương pháp tu dưỡng để phát bồ-đề tâm như vậy, tất cả đều tùy theo căn cơ, xu hướng của mỗi cá nhân.

Thiện Sinh trong Thanh văn tạng, sau khi nghe Phật giảng giải ý nghĩa sáu phương, tức thì phát nguyện quy y Phật, thành người ưu-bà-tắc. Kinh chỉ nói như vậy. Nhưng trong kinh tạng Đại thừa, sau khi nghe xong, Thiện Sinh lại hỏi: “Chúng sinh làm thế nào để phát bồ-đề tâm?”. Câu hỏi này thay cho lời phát nguyện quy y. Vậy, trong ý nghĩa cứu cánh, quy y chính là phát bồ-đề tâm. Ý nghĩa này càng trở nên rõ hơn, sau khi nghe Phật trả lời.

Phật nói:

“Thiện nam tử, vì hai mục đích mà phát bồ-đề tâm. Một là để tăng trưởng thọ mạng; hai là tăng trưởng tài vật. Lại có hai mục đích khác nữa, một là vì để chủng tánh Bồ Tát không bị cắt đứt, hai là vì để đoạn trừ hoặc-nghiệp-khổ cho chúng sinh…”. Người quy y Phật được hướng theo hai mục đích khác nhau, theo hai ngả đường khác nhau, như đã nói trên: tăng thượng sinh đạoquyết định thắng đạo. Những vị bước theo ngả quyết định thắng đạo, với mục đích giải thoát, lại được phân thành hai hướng. Một hướng, chỉ nhắm đạt đến mục đích của chính mình, giải thoát bản thân. Một hướng khác, từ nhận thức nỗi khổ của mình mà đồng cảm với thống khổ của chúng sinh, cho nên ước nguyện giải thoát nhắm đến giải thoát chung cho tất cả chứ không riêng  cho mình.

b/Thực hành Lục độ ba-la-mật:

 Như trong nội dung các điều khoản của giới bản  hệ Du-già.

III. BỒ-TÁT GIỚI

  1. A.  Phật tử và Bồ-tát giới

-Kinh Phạm Võng nói: “Bồ-tát giới là bản nguyên của chư Phật, là căn bản của Bồ-tát, là căn bản của đại chúng Phật tử”. Người không hành Bồ-tát đạo tuy học Phật nhưng vĩnh viễn không thể thành Phật. Muốn hành Bồ-tát đạo phải thọ Bồ-tát giới. Vì thế, Bồ-tát giới là nguyên nhân căn bản để tất cả chư Phật thành Phật, cũng là chỗ căn bản của Bồ-tát để thành Bồ-tát. Và đó cũng là căn bản của người Phật tử.

-Kinh luận Đại thừa cho rằng phải là Bồ-tát mới có thể được gọi là Phật tử vì có chủng tử thành Phật mới xưng là Phật tử.  Trong  Kinh Lăng-già (Laṅkāvatāra-sūtra) gọi Bồ-tát Đệ bát địa là Tối thắng tử, Luận Phật Tánh gọi Bồ-tát Sơ địa là Phật tử. Kinh Phạm Võng nói người phát bồ đề tâm thọ Bồ-tát giới mới được gọi là Phật tử.

- Tứ Phần Luật cho rằng: Người tiếp nhận vào biển lớn Phật pháp, dù là Tiểu thừa, cho đến chỉ thọ tam quy ngũ giới đều được gọi là Phật tử.

-Chúng ta có thể thấy, Đại thừa lấy chủng tử thành Phật để gọi là Phật tử. Nay học Đại thừa Bồ-tát giới,  Huynh trưởng chúng ta  nên nhớ “Bồ-tát giới là bản nguyên của chư Phật, là căn bản của Bồ-tát, là căn bản của đại chúng Phật tử”; Căn bản của Phật tử” chính là chỉ cho nền tảng yếu tính của chủng tử thành Phật.

B. Nội dung Bồ-tát giới

Bồ-tát giới đáng tôn đáng quý là do vì nó bao hàm và còn vượt hơn tất cả giới. Bồ-tát giới là Ba la đề mộc xoa (Biệt giải thoát giới), ngoài giới của 7 chúng Ưu bà tắc, Ưu bà di, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni. Bồ-tát có thể trong 7 chúng, cũng có thể ở ngoài 7 chúng. Ưu bà tắc, Ưu bà di được thọ Bồ-tát giới, cho đến Tỳ kheo, Tỳ kheo ni cũng được thọ Bồ-tát giới, đây là trong 7 chúng thọ thêm Bồ-tát giới. Theo Kinh Phạm Võng nói: “Chỉ cần hiểu được lời nói của Pháp sư đều được thọ giới”. Vì thế, súc sinh cho đến người biến hoá như quỷ thần đều có tư cách thọ Bồ-tát giới và được gọi là Bồ-tát, đây là đơn thọ Bồ-tát giới ngoài 7 chúng. Những Bồ-tát đơn thọ này, trên trình độ phát tâm mà nói, tuy vượt qua 7 chúng, nhưng những người ấy không có địa vị trong 7 chúng, nên cũng không được đặt trước 7 chúng. Bởi vì thứ tự của Phật chế, lấy 7 chúng làm chuẩn chứ không lấy Bồ-tát làm chuẩn.

Nội dung của Bồ-tát giới là Tam tụ tịnh giới, chỉ có ba câu nhưng lại bao quát hết pháp môn tự độ, độ tha, trên cầu thành Phật, dưới hoá độ chúng sinh. Đó là:

1.       Trì tất cả tịnh giới, không một tịnh giới nào chẳng trì.

2.       Tu tất cả thiện pháp, không một thiện pháp nào chẳng tu.

3.       Độ tất cả chúng sinh, không một chúng sinh nào chẳng độ.

Trong kinh, Phật gọi Tam tụ tịnh giới này là Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Tam tụ tịnh giới nghĩa là tập hợp tất cả Phật pháp vào ba môn lớn: Trì luật nghi, Tu thiện pháp, Độ chúng sinh làm cấm giới để thọ trì. Trong 7 chúng thì làm ác là có tội, không tích cực tu thiện không có tội, sát sinh là có tội, không tích cực cứu hộ sinh mạng cũng không có tội. Vì thế,  giáo lý Tiểu thừa dạy  chỉ tích cực bỏ ác, tiêu cực làm thiện, tích cực giới sát, tiêu cực cứu hộ sinh mạng. Bồ-tát giới thì phải tích cực bỏ ác làm thiện, cũng phải tích cực giới sát, cứu hộ sinh mạng, đem không tu thiện và không cứu hộ sinh mạng liệt vào phạm vi của cấm giới, nhân đây Bồ-tát giới không những bao hàm giới của thất chúng mà còn vượt hơn giới của thất chúng.

Nội dung của Tam tụ tịnh giới có thể nói là bao hàm hết thảy:

-Nhiếp luật nghi giới hàm dung tất cả giới luật và oai nghi của Đại thừa, Tiểu thừa;

-Nhiếp thiện pháp giới bao hàm 8 vạn 4 ngàn pháp môn xuất ly;

-Nhiêu ích hữu tình giới bao quát từ bi hỷ xả hoằng nguyện và tinh thần rộng độ tất cả chúng sinh.

Thế nên Tam tụ tịnh giới cũng bao quát cả tinh thần của Tứ hoằng thệ nguyện.

C . Chủng loại Bồ-tát giới

Những Kinh điển liên quan đến giới pháp mà Bồ-tát phải thọ trì được đề cập trong sáu bản sau đây:

1.   Bồ-Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh

2.   Phạm Võng Kinh Bồ-Tát Giới Bản

3.   Du-Già Sư Địa Luận Bồ-Tát Giới Bản

4.   Bồ-Tát Địa Trì Kinh

5.   Bồ-Tát Thiện Giới Kinh

6.   Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh

 

Sau đây là tóm lược nội dung của phần Giới kinh trong các bản Kinh trên.

1. Bồ-tát anh lạc bản nghiệp kinh

Kinh này ở trong Đại Chính Tạng, tập 24, ký hiệu 1485, do Trúc Phật Niệm đời Diêu Tần dịch khoảng năm (376-378), gồm hai quyển, tám phẩm. Nội dung kinh nói về 52 thứ bậc của Bồ-tát. Anh lạc bản nghiệp là lối dụng ngữ theo hệ thống Kinh Hoa Nghiêm, cho nên giáo tướng của kinh này với kinh Hoa Nghiệm phù hợp nhau rất nhiều chỗ. Vì dùng 52 địa vị của Bồ-tát là: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Vô Cấu Địa và Đẳng Giác Địa mà có tên gọi như vậy. Ở phần bài tựa của phẩm Đại Chúng Thọ Học nói về tam tụ tịnh giới như sau:

- Dùng 84.000 pháp môn lập ra Nhiếp Thiện Pháp Giới.

- Dùng từ bi hỷ xả, 4 vô lượng tâm lập ra Nhiếp Chúng Sinh Giới. (Nhiêu Ích Hữu Tình Giới).

- Dùng 10 Ba-la-di lập ra Nhiếp Luật Nghi Giới (10 Ba-la-di này với 10 trọng giới của kinh Phạm Võng giống nhau).

Bản kinh này ngoài ảnh hưởng của Kinh Hoa Nghiêm còn chịu ảnh hưởng của kinh Phạm Võng khá nặng; vì nội dung của Tam tụ tịnh giới thuộc giới Đại thừa. Đặc biệt là giới Bồ-tát có pháp thọ mà không có pháp bỏ, một lần thọ là vĩnh viễn không mất, dù phạm giới Ba-la-di cũng không mất giới thể. Vì chủ trương giới lấy tâm làm thể.

Khi khảo cứu bản kinh này thì tại Ấn Độ không có căn cứ lịch sử thật sự. Mọi thứ kinh luật tại Trung Quốc từ “Pháp Kinh Lục” trở đi đều chép là do Trúc Phật Niệm đời Diêu Tần dịch; nhưng trong phần dịch kinh thuộc “Xuất Tam Tạng ký tập” thì không thấy tên của nó, mà thấy ghi trong phần Thất dịch tạp kinh lục (những kinh lục tạp loại mất tên người dịch). Lịch Đại Tam Bảo Ký nói rằng ngoài bản dịch của Trúc Phật Niệm còn có bản dịch của Trí Nghiêm đời Tống. Thế nhưng, các học giả hiện đại căn cứ tính chất không xác định về dịch giả và nội dung của kinh để kiểm tra thì cho rằng bản kinh này do người Trung Quốc biên soạn. (PQĐTĐ, tr.5227a).

2. Phạm Võng kinh Bồ-tát giới bản

Kinh này ở trong Đại Chánh Tạng tập 24, ký hiệu 1484, tương truyền do Cưu-ma-la-thập (344-413) đời Hậu Tần dịch (nhưng chưa có gì chắc chắn), gồm 2 quyển, thuyết minh về cấp bậc tu hành của Bồ-tát và giới tướng của 10 giới trọng và 48 giới khinh. Theo bài tựa của kinh này do Tăng Triệu viết thì nguyên bản đầy đủ gồm 61 phẩm, 112 quyển mà bản này là phẩm thứ 10 của bộ đó. Vì giáo pháp của chư Phật trùng trùng vô tận, dùng để trang nghiêm pháp thân mà không chướng ngại nhau giống như mạng lưới của Phạm Thiên vương, do đó nên kinh này có tên là kinh Phạm Võng.

Quyển thượng trình bày việc đức Phật Thích Ca tiếp độ đại chúng tại cõi thiền thứ tư khiến họ trở về cung Kim Cương Quang Minh ở thế giới Liên Hoa Tạng, bằng cách đưa thính chúng đến trước đức Lô-xá-na hỏi về nhân hạnh của Bồ-tát, rồi đức Lô-xá-na nói rộng về 10 phát thú, 10 tâm trưởng dưỡng, 10 tâm kim cương và 40 pháp môn của Thập-địa.

Quyển hạ trình bày về 10 giới trọng và 48 giới khinh của Bồ-tát, dựa theo sự chỉ dạy của đức Thích Ca ngay dưới cội Bồ đề tại thế giới Ta-bà này.

Kinh này được xem là thuộc quyển kinh đệ nhất nói về giới luật của Đại thừa, được giới Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản và ViệtNamtrọng thị. Vị tăng Nhật Bản là Tối Trừng căn cứ vào nội dung của kinh cho rằng nó có liên quan đến giới luật ở thời điểm mà nó xuất hiện. Giới của kinh này khác với giới của Tiểu thừa, vì không phân biệt tại gia, xuất gia, chủ trương căn cứ vào giới cộng thông của chúng sinh, lấy việc tự giác về Phật tính làm cơ sở.

Bản kinh này được xem là thuộc hệ thống của Kinh Hoa Nghiêm. Tuy nhiên về nội dung còn được dẫn dụng từ nhiều kinh khác. Do đó, các học giả suy định rằng nó không phải được dịch từ Phạn văn mà do người Trung Quốc biên soạn vào khoảng cuối đời Lưu Tống. Xưa nay bản kinh này được thịnh hành nhất là quyển hạ, và gọi là Phạm Võng Bồ-tát Giới Kinh, Bồ-tát Giới Bản v.v… Về sớ giải có rất nhiều, nhưng các bản sau đây là chủ yếu:

1. Bồ-tát giới nghĩa sớ, 2 quyển, do Trí Khải đời Tùy soạn.

2. Bồ-tát giới sớ, 3 quyển, do Minh Khoáng đời Đường soạn để bổ sung bộ sớ giải của Trí Khải.

3. Phạm Võng Kinh Bồ-tát giới bản sớ, 6 quyển, do Pháp Tạng đời Đường soạn.

4. Bồ-tát giới bản sớ, 3 quyển, do Nghĩa Tịch, người Tân La (Triều Tiên) thuật.(PQĐTĐ, tr.4642c-3c)

3. Du-già sư địa luận Bồ-tát giới bản

Giới bản này được gọi gọn là Bồ-tát giới bản, nằm trong Đại Chính Tạng, tập 24, với ký hiệu 1501, do Pháp sư Huyền Trang (600-664) dịch. Giới bản này thuộc quyển 40 và 41 của bộ Du-già Sư địa luận, gồm 100 quyển, cũng do Huyền Trang dịch và được đưa vào Đại Chính Tạng tập 30. Nội dung của Giới bản này trình bày 4 giới Tha Thắng (Ba-la-di) và các giới khinh; lấy Tam tụ tịnh giới làm cơ sở;  phân tích tiện trên 6 ba-la-mật-đa, từ Bố thí dđến Bát-nhã, tất cả gồm 43 đfiều khoản. Tuy cũng gồm chung cả đạo tục, nhưng trước hết phải là 7 chúng đệ tử đã thọ giới trải qua một thời gian không vi phạm, thì mới được thọ giới này. Thế nên, đây thuộc về Tiệm giới.

4. Bồ-tát địa trì kinh

Giới bản của bộ kinh này có tên là Bồ-tát Giới bản, gồm 1 quyển ở trong Đại Chính Tạng, ký hiệu 1500, do Đàm Vô Sấm (385-433) đời Bắc Lương dịch. Giới bản này thuộc về quyển 4 trong bộ Bồ-tát Địa Trì Kinh gồm 10 quyển, do Đàm Vô Sấm dịch, được đưa vào Đại Chính Tạng tập 30. Nội dung của Giới bản trình bày giới văn của Bồ-tát gồm 4 giới Ba-la-di và 41 giới khinh. Tương truyền bộ Bồ-tát Địa Trì Kinh do đức Di-lặc thuyết, luận sư Vô Trước chép, nhưng người Tây Tạng cho rằng đây là tác phẩm của Vô Trước.

5. Bồ-tát thiện giới kinh

Bản kinh này gồm 2 bản, đều do Cầu-na-bạt-ma (367-431) đời Lưu Tống dịch và được đưa vào Đại Chính Tạng tập 30. Bản đầu gồm 9 quyển, ký hiệu là 1582, gồm phần Bài tựa, Chánh tông và phần Lưu thông. Bản hai gồm 1 quyển, ký hiệu là 1583, được rút ra từ quyển 4 và 5 của bộ 9 quyển; nội dung trình bày về 8 giới trọng và 46 giới Đột-cát-la (giới khinh) của Bồ-tát; nghĩa là chỉ có phần Chánh tông.

Bản 9 quyển này được sao ra từ Bồ-tát Địa trong Du-già Sư Địa Luận, và được chỉnh lý thành thể tài của kinh.

6. Ưu-bà-tắc giới kinh

Bản kinh này tiếng Phạn là Upàsaka-sìla-sutra, gồm 7 quyển, 28 phẩm, do Đàm Vô Sấm đời Bắc Lương dịch năm 426, được đưa vào Đại Chính Tạng tập 24, ký hiệu là 1488. Ngoài ra, nó còn có tên là Thiện Sanh Kinh Ưu-bà-tắc Giới bản. Phật vì trưởng giả Thiện Sanh mà nói về Tam quy ngũ giới cbo hàng Đại thừa tại gia có niềm tin. Nội dung thuyết minh về phát tâm, lập nguyện, tu hành, trì giới, tinh tấn, thiền định, trí huệ v.v… Đặc biệt tại phẩm Thọ Trì, trừ việc thuyết minh về năm giới của tại gia Bồ-tát, còn đề cập đến 6 pháp, 28 thất ý có liên quan đến giới pháp Đại thừa 10 giới  trọng, 48 giới khinh của kinh Phạm Võng. Bản kinh này có dẫn nhiều tên kinh luật nên địa vị của nó khá đặc biệt, được người Trung Quốc rất trọng thị. (PQĐTĐ, tr.6409c).

- Đây là do trưởng giả Thiện Sanh cầu Phật hỏi pháp, rồi do chính miệng Phật nói ra, gồm có 7 quyển 28 phẩm, rất hợp với căn khí của người tại gia cho đến ngoại đạo đương thời. Đây là một bộ kinh điển rất hay, lịch trình từ một người tục mới phát tâm tin Phật thẳng đến thành Phật đều được chỉ dẫn kỹ càng. Nhưng từ trên nhân duyên thọ giới, đắc giới mà nói, thì đây là một thứ Đại thừa giới rất khó thọ, khó đắc.

D. Nhận định tổng hợp

1.- Điểm bất đồng lớn nhất giữa hệ Du-già và hệ Anh Lạc, Phạm Võng là duyên khởi và sự tập thành của Giới Kinh: Giới Anh Lạc, Phạm Võng là do chính kim khẩu Đức  Phật nói ra, còn cuối Du-già Giới Bổn có ghi nhận về hệ Du-già như sau: “Các việc khởi ra như thế này: Bồ-tát học xứ (giới) trong các Kinh Phật đã tùy cơ rải rác tuyên nói, đó là y luật nghi giới, Thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới, nay nói Luận Bồ-tát  này là nói tổng hợp”. Nói một cách khác, hệ Du-già là do Bồ-tát  Di Lặc căn cứ vào các kinh Phật nói rải rác những gì quan hệ đến bộ phận của giới luật góp nhặt biên tập thành. Vì thế, đồng là Bồ-tát  giới của Phật nói, hệ Anh Lạc, Phạm Võng trực tiếp hình thành, hệ Du-già  là do Tổ truyền. Đây chỗ không đồng nhau ở trên nguyên nhân thành lập, nhưng vẫn đều là Bồ-tát giới Phật nói.

-  Nếu phân biệt về phương diện đốn tiệm thì Kinh Anh Lạc (số 1), Phạm Võng (số 2) thuộc về đốn giới; Kinh Du-già (số 3), Địa Trì (số 4), Thiện Giới (số 5) và Ưu-bà-tắc (số 6) thuộc về tiệm giới.

- Hai Kinh Anh Lạc, Phạm Võng đều có nguồn gốc từ hệ thống Kinh Hoa Nghiêm và được các học giả suy định là do người Trung Quốc biên soạn.

- Ba Kinh Du-già, Địa Trì và Thiện Giới đều bất nguồn từ luận Du-già Sư Địa, cùng chung một nguyên bản, nhưng khác bản dịch, do đó, có tính cách đại đồng tiểu dị.

- Phạm Võng giới bản có vẻ khắt khe phiền toái hơn, người thọ rồi phải tuyệt đối y giáo phụng hành, tuân thủ nghiêm chỉnh giới trọng cũng như giới khinh; còn Du-già giới bản có vẻ phương tiện quyền xảo hơn, dù nhiễm ô cũng chưa phải đã phạm.

- Tại Trung Quốc, Phạm Võng giới bản tỏ ra thịnh hành; còn tại Tây tạng thì chỉ dùng Du-già giới bản.

- Ưu-bà-tắc giới thuộc giới Đại thừa của người tại gia, chứ chưa hẳn là giới Bồ-tát.

 

IV. BỒ-TÁT- DANH VÀ THẬT

 

 Trong Kinh Thiện Sanh có đoạn:

Thiện Sanh thưa: “Bạch đức Thế Tôn, Phật dạy có hai hạng Bồ-tát: một là giả danh Bồ-tát, hai là thiệt nghĩa Bồ-tát.”.

1. Thế nào là giả danh Bồ tát?

Thiện nam tử, nếu chúng sinh đã phát Bồ-đề tâm rồi, lại còn ưa lãnh thọ, đọc tụng, ngợi khen, nhớ nghĩ các kinh điển, pháp thuật của ngoại đạo, và lấy pháp ấy mà giáo hóa chúng sinh; hoặc chỉ vì thân mạng mình, vui trong đường sinh tử mà không sát hại sinh mạng kẻ khác, tạo các ác nghiệp thì không tránh khỏi quả khổ tương lai; không ưa tu từ bi, đối với Tam Bảo lòng sinh nghi ngờ, không chánh tín, quý mến tự thân, không biết nhẫn nhục, ăn nói sổ sàng, hối hận, buông lung không thể chứng đặng Bồ-đề, e sợ phiền não mà không cố gắng siêng năng tu tập các phiền não phá hoại kiết sử; tâm hay tham lam, ganh tị, giận hờn, gần gũi bạn ác, đắm chìm trong vô minh, không tin lục độ, không ưa tu phước, không quán rõ lỗi lầm của sinh tử và ưa thọ trì những lời hung dữ của Bồ-tát. Như thế gọi là giả danh Bồ-tát.

Và những chúng sinh đã phát tâm Bồ-đề, mong  đạt được Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, nhưng khi phải khổ hạnh tu hành trải qua vô lượng kiếp rồi mới đắc đạo, thì sinh lòng thối chí, tuy có hành đạo mà tâm không chơn thật, không tàm quý, không thương xót, hay theo ngoại đạo hại sinh mạng để tế trời, dẫu có chút lòng tin nhưng không vững chắc, đắm say ngũ dục, gây nhiều điều ác, ỷ sắc lực, tài của, lòng kiêu mạn làm việc điên đảo, không biết lợi ích cho người; vì cái vui trong sinh tử mà bố thí; vì cái vui trong cõi trời mà thọ trì cấm giới; và vì thọ mạng lâu dài mà tu thiền định. Như thế gọi là giả danh Bồ-tát.

2. Thế nào là thật nghĩa Bồ-tát?

Trái lại, thật nghĩa Bồ-tát là biết gần gũi cúng dường sư trưởng, cha mẹ, thiện hữu, thọ trì đọc tụng mười bộ kinh của Như lai; vì Phật pháp mà không tiếc thân mạng, tài sản; không tự khinh rẻ mình, dang tay làm việc bố thí không tiếc thân mạng; thường dồi mài trí tuệ; tuy học ngoại điển nhưng cốt để phá các tà kiến và thắng các tà kiến; khéo biết phương tiện để điều phục chúng sinh; siêng tu tinh tấn, khi rẻ phiền não, làm cho chúng không được tự do, về cõi Niết-bàn; giữ gìn tinh tấn, cứu hết thảy khổ não; quán rõ hết thảy tội lỗi sinh tử, tín tâm bền chắc, tu lập từ bi mà không trông cầu quả báo; từ bi đối với ke oán người thân, tâm vẫn không hai; khi bố thí vẫn bình đẳng, khi xả thân cũng bình đẳng; biết tướng vô thường không tiếc thân mạng, biết rõ thế đế nên tùy thuận chúng sinh; khi ít của cải thì cấp cho người nghèo cùng trước, rồi sau mới cho người phước điền; trước vì người nghèo khổ, sau mới vì người giàu có; thường khen việc lành của người và khai thị cho họ vào Niết-bàn; có kỹ nghệ gì đều muốn cho họ học, và thấy học hơn mình thì sinh lòng vui mừng, chẳng hề vì mình; thường vì người khác. Như thế là thiệt nghĩa Bồ-tát.

 

IV. KẾT LUẬN

-* Bồ tát giới đã biến mọi lời khuyên, những nguyên tắc ứng xử thành những điều luật, nhưng là điều luật đầy đạo tình và  chân chính hướng đến  giải thoát.

-*Giới Bồ-tát dành  cho  hàng xuất gia hay chung cho cả tại gia đều biểu thị rõ rệt sự duy trì  chủng tánh Phật. Chính vì sự duy trì Phật pháp mà người tại gia phải thọ trì Bồ tát giới. Và  chúng ta  lại còn ngạc nhiên thấy Đức Phật đã biết trước  và thuyết giới Bồ-tát, khuyến khích hàng xuất gia hay va tại gia đều được tu hành.

-* Thực hành Bồ-tát giới, như nội dung Giới bản Du-già sư địa, chính là tu hạnh Lục độ ba-la-mật-đa, là pháp hành tất yếu để mọi chúng sinh thành tựu Phật đạo, viên mãn bản nguyện Bồ-đề.

 

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb