LƯỢC SỬ PHÁP NẠN PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Đạo Phật đã mang đến cho chúng sanh nguồn vi diệu pháp với ánh đuốc của Từ Bi – Trí Tuệ – Dũng Lực, soi sáng tâm thức người con Phật trong hành trình tìm cầu giải thoát, gột rữa thân tâm, ngộ nhập Phật tri kiến. Giáo lý Đạo Phật đến đâu là vô minh đẩy lùi, an vui tỏa sáng, sức sống bình đẳng nảy chồi, hoa tuệ giác tỏa ngát vườn thiền, mưa trí tuệ thấm nhuần cõi tịnh. Đến Quốc độ nào cũng tùy duyên hoằng hóa, tùy xứ trao truyền, đồng hành cùng mỗi dân tộc dựng xây Ta bà thành Tịnh độ với y báo, chánh báo trang nghiêm.Đạo Phật đến với quê hương hình chữ S, đã hòa quyện cùng dân tộc Việt Nam trong tiến trình gìn giữ an bình cho xứ sở, một xứ sở có truyền thống hơn 4000 năm Văn Hiến. Trãi qua hàng ngàn năm, lịch sử dân tộc đã được điểm tô bởi dòng Phật sử, từ Thiền Sư Khương Tăng Hội, Mâu Bác, Chi Cương Lương, ánh sáng giác ngộ soi sáng quê hương nước Việt, tiếp nối chí nguyện đó là công hạnh của Khuông Việt Tăng Thống, Vạn Hạnh Quốc Sư, Đức Vua Lý Thái Tổ, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Đức Vua Trần Thái Tông, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã làm sáng dòng Sử Việt, xây dựng nên thời đại của Đinh – Lê – Lý – Trần hùng mạnh, chăn dân trị nước bằng Bồ đề tâm giới, chánh pháp đèn thiền soi sáng nơi nơi, kiến lập dòng Phật Việt, từ đó tạo dựng hòa bình, giữ yên bờ cõi. Tiếp sau là Nguyên Thiều Tổ Sư, Liễu Quán Thiền Sư, Minh Hải – Pháp Bảo Thiền Sư đã mở rộng Phật giáo theo biên giới Việt Nam, làm cho hình chữ S trọn vẹn non sông, chốn Tổ trùng hưng, gió tông môn mãi thổi gần xa, ấn Tổ đức ngày thêm sáng lạn.
Lịch sử đã chứng minh: Phật giáo cùng dân tộc Việt Nam đồng hành trong lý tưởng xây dựng quê hương, đạo đức, dân tộc và Phật giáo chung chịu thịnh suy qua từng giai kỳ lịch sử.
Với giáo lý vô thường, vô ngã, duyên sinh, Phật giáo xem thịnh suy như hạt sương đầu ngọn cỏ, xem những chướng duyên như là nhân duyên cho sự tấn tu, nguyện kham nhẫn cùng dân tộc bước đi trong những khúc quanh bất thuận với tâm nguyện thi thiết “vô ma khảo bất thành đại đạo” mà vượt qua những tháng ngày gian khó.
Bao sóng gió nỗi lên nhưng thuyền Bát nhã vẫn vượt ba đào, dù với những tháng ngày khảo đảo chướng duyên nhưng trong lửa đỏ đóa sen hồng vẫn nở. Đó là những hình ảnh vô úy đã khắc lại dấu son trong Lịch sử Phật giáo và Dân tộc Việt Nam, trong đó có những thời khắc thiêng liêng, mầu nhiệm của tháng ngày bi hùng mùa Khánh Đản Quý Mão Phật lịch 2507, dương lịch 1963.
Xuất phát từ Tham – Dục mà Chế Độ gia đình trị Ngô Đình Diệm đã ban hành đạo dụ số 10, thể hiện sự bất bình đẳng tôn giáo, trong khoảng thời gian năm 1954 đến năm 1962, chính quyền các cấp của chế độ họ Ngô đã không ngừng đàn áp Phật giáo bằng nhiều hình thức như: bắt bớ, tù đày, đóng trăn, cột đá thả người trôi sông, đóng đinh trên đầu giết thân mạng, thủ tiêu, ám sát, di dân buộc cải đạo, hàng ngàn tín đồ của vùng đất Miền Trung và Cao Nguyên sống trong những tháng ngày bất an nhưng đức tin và nguyện lực vẫn kiên cường mà hồ sơ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đã tổng hợp và đệ trình Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc năm 1962 đã phản ảnh đầy đủ chính sách khốc liệt này của chế độ đối với Phật Giáo.
Đến ngày 6 tháng 5 năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra thông điện số 9195 về việc cấm treo cờ Phật giáo trong mùa Phật đản, chính quyền tại Huế đã ra sức thực thi thông điện, đây là một sự miệt thị trắng trợn, xúc phạm đến đức tin thiêng liêng của 80% dân số theo Phật giáo lúc bấy giờ.
Sáng ngày rằm tháng tư năm Quý Mão 1963, một cuộc rước Phật truyền thống được cử hành từ chùa Diệu Đế về Từ Đàm với hàng trăm ngàn Tăng, Tín đồ thể hiện sức sống của Phật giáo Việt Nam, tinh thần bảo vệ Phật giáo được biểu hiện qua các biểu ngữ:
- Kính Mừng Phật Đản
– Cờ Phật Giáo Quốc Tế Không Thể Bị Triệt Hạ
– Phật Giáo Đồ Nhất Trí Bảo Vệ Chính Pháp Dù Phải Hy Sinh
– Yêu Cầu Chính Phủ Thi Hành Chính Sách Tôn Giáo Bình Đẳng
– Chúng Tôi Không Từ Chối Một Hy Sinh Nào
– V.v. . . .
Lễ Phật đản Phật lịch 2507 thành tựu, và tối hôm đó, đoàn người hiền lành từ các nơi vân tập về Đài Phát Thanh để đón nghe chương trình Kỷ niệm Phật Đản theo thông lệ hằng năm, nhưng năm nay Đài không những không cho phát thanh mà đến 21 giờ Thiếu Tá Đặng Sĩ đã chỉ huy một lực lượng quân đội cảnh sát, mở cuộc đàn áp dã man, có 8 Phật tử đã chết, trong đó có Đoàn viên GĐPT Việt Nam, nhiều người mang trọng thương.
Trước sự kiện giọt nước tràn ly này, năm cấp Trị Sự Phật Giáo Toàn Quốc – Trung Phần và Thừa Thiên ra bản Tuyên Ngôn mở đầu cho cuộc vận động đòi quyền “ BÌNH ĐẲNG VÀ TỰ DO TÔN GIÁO” với 5 nguyện vọng như sau:
1. Yêu cầu Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt Giáo kỳ của Phật giáo.
2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong đạo dụ số 10.
3. Yêu cầu Chính Phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố Tín đồ Phật giáo.
4. Yêu cầu cho Tăng, Tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
5. Yêu cầu Chính Phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.
Tổng Trị Sự Giáo Hội Tăng Già Trung Ương đã khẩn họp vào lúc 19h00 ngày 9/5/1963 sau khi tiếp nhận đầy đủ thông tin cũng như cuộn băng ghi âm việc xảy ra tại Đài Phát Thanh Huế và đã quyết định 3 việc:
1. Gửi kháng thư cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm phản đối việc cấm treo cờ Phật giáo và việc chính quyền mở cuộc đàn áp Phật giáo đêm 8/5/1963.
2. Giáo hội ấn định Tuần Nhị Thất ngày 21/5/1963 sẽ tổ chức Lễ Cầu Siêu cho 8 Phật tử đã hy sinh vì đạo trong một cuộc biểu tình tại Đài Phát Thanh – Huế.
3. Đồng thời quyết định: Sau buổi lễ cầu siêu là cuộc rước bài vị các Anh Linh Tử Vì Đạo của Chư Tăng, Ni Giáo hội từ Chùa Ấn Quang đến Chùa Xá Lợi.
Và ngày 10/5/1963, một cuộc Meetinh lớn của Chư Tăng, Ni và toàn thể đồng bào Phật tử Thừa Thiên Huế diễn ra tại Chùa Từ Đàm, bản tuyên ngôn với 5 nguyện vọng của Phật giáo được công bố.
Ngày 21/5/1963 Giáo Hội Tăng Già Việt Nam, Năm Cấp Trị Sự Phật Giáo Việt Nam – Trung Phần và Thừa Thiên đồng loạt cử hành Lễ Kỳ Siêu các Anh Linh tử vì Đạo với sự hiện diện của đông đảo Tăng, Ni, hàng ngàn Phật tử cùng các đoàn thể như: Sinh viên, học sinh, Gia Đình Phật Tử, Hướng Đạo Phật tử, . . . trong niềm xúc động vô biên.
Và đến ngày 25/5/1963, tại Thủ Đô Sài Gòn, Ban Trị Sự Trung Ương Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam triệu tập một cuộc họp gồm 10 giáo phái, Hội đoàn Nam, Bắc Tông và Phật giáo Hoa – Miên tại Chùa Xá Lợi, đã đi đến thống nhất thành lập ỦY BAN LIÊN PHÁI BẢO VỆ PHẬT GIÁO, do Hòa Thượng Thích Tâm Châu làm Chủ tịch đặt dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, và đồng lòng thông qua Tuyên Ngôn với 2 nội dung:
1. Ủng hộ toàn diện năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam, đã ghi trong bản tuyên ngôn nói trên.
2. Thệ nguyện đoàn kết đến cùng trong cuộc tranh thủ bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy.
Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết đã ra lời hiệu triệu và Diễn từ ngày 1/6/1963 với tôn lệnh:
1. “Bất bạo động” đến kỳ cùng.
2. Trước khi mặt trời lặn và mặt trời mọc, tức ban đêm, các Phật tử tuyệt đối không xê dịch, tụ tập ngoài đường.
3. Nhưng được phép tùy nguyện biểu lộ nguyện vọng của mình kể từ sau giờ này miễn là 2 nghiêm lệnh trên phải giữ.
Khâm tuân tôn lệnh, nhận thức được giai đoạn một mất một còn của Phật giáo, với ý thức bảo vệ Đạo pháp, các Tỉnh Giáo hội, Tăng, Ni, Phật tử từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau đồng loạt tổ chức tuyệt thực. Hàng ngàn thanh niên, học sinh, sinh viên, Hướng đạo Phật tử và Gia Đình Phật Tử đã gửi Kiến nghị lên Tổng Thống, tổ chức tuyệt thực đòi thực thi nghiêm chỉnh chính sách “ Bình đẳng tôn giáo”.
Ngày 11/6/1963 (tức ngày 20 tháng tư nhuần năm Quý Mão), trong cuộc biểu tình của hơn 800 Tăng, Ni, tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, Hòa thượng Thích Quảng Đức phát nguyện tự thiêu thân cúng dường chánh pháp, bảo vệ đạo với tâm nguyện thiết tha:
“ Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phẳng san hố bất bình”
Với sức nóng cả ngàn độ nhưng không thiêu được trái tim kim cang bất hoại của vị Bồ tát “vị pháp thiêu thân”. Ngọn lửa Quảng Đức đã làm chấn động lương tâm nhân loại, khắp nơi trên Thế giới đồng loạt lên tiếng bảo vệ Phật giáo Việt Nam.
Trước tinh thần của Phật giáo, và sức ép của dư luận Quốc tế, Chính quyền Ngô Đình Diệm hạ nhiệt không khí bằng việc thành lập Ủy Ban Liên Bộ và tiến hành phiên họp cùng với Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo vào ngày 14, 15, 16 tháng 6 năm 1963 tại Hội Trường Diên Hồng với kết quả là sự ra đời của THÔNG CÁO CHUNG gồm 5 điểm với sự khán duyệt của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết cùng Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng chính quyền không thực thi đúng tinh thần Thông Cáo Chung, vẫn âm thầm chỉ đạo đàn áp Phật giáo mà công điện mật số 1312/VP/TT là một minh chứng.
Các Kiến nghị của Phật giáo được đề đạt yêu cầu Chính quyền thực thi bản Thông Cáo Chung, và vào ngày 17/7/1963 cuộc biểu tình, tuyệt thực của 400 Tăng Ni xuất phát từ Chùa Xá Lợi với yêu cầu Chính quyền thực thi những gì đã ký trong Thông cáo chung.
Tiếp theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quảng Đức, ngày 4/8/1963, Đại Đức Thích Nguyên Hương tự thiêu tại Tỉnh Đường Bình Thuận, ngày 13/8/1963 Thầy Thanh Tuệ tự thiêu tại Chùa Phước Duyên, Huế, ngày 15/8 Sư Cô Thích Nữ Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa, ngày 16/8 Sa Môn Thích Tiêu Diêu tự thiêu trước Chùa Từ Đàm, ngày 5/10/1963 Đại Đức Quảng Hương tự thiêu tại Sài Gòn, ngày 27/10/1963 Đại Đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu tại Nhà Thờ Đức Bà.
Hạnh nguyện của Tăng già tỏa sáng qua những ánh đuốc từ bi, trí tuệ, hùng lực và được hàng Phật tử, các giới tri thức, bình dân trong toàn xã hội và toàn thế giới quy ngưỡng, tán dương, và cùng nhau dấn thân, trong đó không thể không nhắc đến sự nằm xuống của Liệt Nữ Phật Tử Diệu Nghiêm – Quách Thị Trang, hình ảnh chặt tay của nữ sinh Mai Tuyết An, tất cả đã làm nên hình ảnh uy lực của Phật giáo.
Đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Phật giáo Việt Nam bước qua một giai kỳ mới với sự ra đời của GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT, Giáo hội đã công bố lý tưởng hòa bình của Giáo lý Đức Phật, thực hiện nguyện vọng thống nhất Phật giáo để phục vụ nhân loại và dân tộc, với lập trường lý tưởng: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.”
Tiếp nối tinh thần của tiền nhân, Phật giáo đồ Việt Nam nguyện đem sự nghiệp, thân mạng cúng dường chánh pháp, bảo vệ lập trường, lý tưởng Đạo Pháp – Dân Tộc mà xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm qua Phật giáo Việt Nam vẫn giữ vững không thoái chuyển, và luôn luôn được tiếp nối, kế thừa ánh sáng vô tận đăng.
50 năm Pháp nạn, khi nhắc đến những thời khắc lịch sử này, chúng ta phải khẳng định lập trường của Phật giáo Việt Nam:
1. Đối với Chính Phủ: Không chủ trương lật đổ, mà chỉ có nguyện vọng “cải thiện chính sách”, không tranh thủ quyền hành mà mãi mãi giữ cho Phật giáo thuần túy, Phật giáo đồ đã và phải tích cực đóng góp theo nghĩa vụ công dân vào lợi ích quốc gia về phương diện tín ngưỡng, làm cho Phật giáo của mình phát triển và phát triển một cách thuần túy.
2. Không coi ai là kẻ thù:
3. Chỉ tranh đấu cho lý tưởng “Tôn giáo bình đẳng”
4. Phương pháp đấu tranh áp dụng ấy là “Bất bạo động”
5. Không chấp nhận mọi sự lợi dụng
Nhắc lại đôi nét về Pháp nạn 50 năm qua là nhắc lại hình ảnh thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam bảo vệ đạo pháp, dân tộc, với lập trường lý tưởng Hòa bình, Phật giáo thuần túy. Và nhắc đến để tri ân và báo ân, là cơ duyên để thế hệ hôm nay và mai sau phải nỗ lực tu học, phụng sự, hầu mong xứng đáng với hình ảnh của người kế thừa, nhất là không hỗ thẹn với di huấn của tiền nhân “Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
NAM MÔ KIM CANG LAO CƯỜNG DŨNG MÃNH TINH TẤN PHẬT.VĂN PHÒNG BHD. GĐPT. VIỆT NAM
TRÊN THẾ GIỚI
Phụng soạn
Tài liệu tham khảo:
– “Hồ sơ đàn áp Phật giáo” của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ( 1962 )
– “Đạo Phật và dòng sử Việt” của Hòa Thượng Thích Đức Nhuận ( 1984 )
– “Trước cơn sóng gió” của BHD GĐPT Trung Phần xuất bản
|
|
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)